10 ĐIỀU SINH VIÊN DU HỌC BẬC ĐẠI HỌC Ở MỸ CẦN BIẾT

Trước khi lên đường sang Mỹ du học bậc đại học, các bạn sinh viên cần biết 10 điều quan trọng góp phần rất lớn vào sự thành công trong việc học tại Mỹ.
1. Sự linh hoạt và tự do trong lựa chọn chuyên ngành 
Mỗi trường đại học Mỹ, cả trường công lẫn trường tư, thường có vài trăm chuyên ngành chính (Majors) và chuyên ngành phụ không bắt buộc (Minors) cho sinh viên tự do lựa chọn theo sở thích, ví dụ như có thể chọn “Biochemistry Major” (chuyên ngành chính về Sinh Hoá) đồng thời với “Microbiology Minor” (chuyên ngành phụ về Vi Sinh), hoặc thậm chí có sinh viên còn chọn học cả hai chuyên ngành chính cùng lúc (double majors) và do vậy phải lấy nhiều môn hơn.
Các khoa (Department) trong trường cũng phân ra nhiều lựa chọn (Options) tuỳ theo định hướng nghề nghiệp mà sinh viên nhắm đến sau khi ra trường. Như khoa Sinh hoá & Sinh học phân tử của mình ở OSU thì khi mới vào, nếu sinh viên định hướng sau này tốt nghiệp xong sẽ thi vào trường Y/Dược/Nha/Thú Y (các bằng tương đương trình độ Thạc Sĩ ở Mỹ, nhất là ở các trường lớn muốn nộp vào các ngành này thường yêu cầu phải có bằng cử nhân trước) thì sẽ chọn hướng gọi là “PreVet/PreMed Option” và sẽ chọn học các môn liên quan nhiều đến người và động vật, thay vì thực vật và môi trường.
Việc sinh viên thường xuyên thay đổi chuyên ngành chính và phụ là hết sức bình thường ở Mỹ, vì càng học và tìm hiểu sâu mới càng biết rõ là mình thực sự thích gì, mạnh ở điểm nào và không phù hợp với lĩnh vực nào, vì thế việc thay đổi này có thể diễn ra một hoặc nhiều lần, từ năm nhất đến tận năm cuối. Thủ tục để thay đổi chuyên ngành cũng khá là đơn giản và thủ tục nhẹ nhàng (ký vào một tờ đăng ký hoặc làm online) thông qua người phụ trách học thuật của sinh viên đó (Academic Advisor), chỉ có điều sau đó sinh viên có thể phải kéo dài thời gian tốt nghiệp do phải học thêm một số môn đòi hỏi ở chuyên ngành mới.
Vì vậy các bạn hãy tìm hiểu sớm và đừng ngại khám phá các môn khác nhau ở những học kỳ đầu và nếu cần có thể mạnh dạn đổi sang chuyên ngành khác phù hợp với mình hơn, vì phương châm ở Mỹ là không bao giờ quá muộn để theo đuổi công việc mà mình thực sự yêu thích.
2. Lựa chọn môn học linh hoạt theo cấp độ từ thấp đến cao
Các môn học trong từng chuyên ngành thường được trường thiết kế theo nhiều mục để thoả mãn yêu cầu ở 3 cấp độ: 1-yêu cầu chung của bang (General Education) dành cho tất cả sinh viên bậc đại học bất kể chuyên ngành, bao gồm phải học các môn về toán, lịch sử, tiếng Anh, khoa học tự nhiên & xã hội; 2- Yêu cầu của trường đại học (University/College); 3- Yêu cầu của khoa (Department) dành cho từng chuyên ngành. Ở mỗi mục của từng cấp bậc trên thường có các lựa chọn linh hoạt, ví dụ về mục khoa học xã hội thì sinh viên có thể chọn 1 trong các lớp về chủ đề tâm lý, chính trị, nhân chủng học,… Ở mỗi chủ đề cũng chia làm nhiều cấp bậc và đánh số tương ứng từ thấp đến cao, do vậy phải học xong cấp thấp trước (Prerequisite courses) mới được đăng ký cấp cao hơn của môn đó.
Các môn học chính cũng có nhiều giáo viên cùng dạy vào các giờ khác nhau cùng một học kỳ để sinh viên có thể tự do lựa chọn giờ phù hợp. Sinh viên thường đến gặp Academic Advisor của mình để được tư vấn chọn môn học cho học kỳ sau và biết ngày có thể chính thức đăng ký lớp của học kỳ tiếp. Bạn nên đăng ký sớm ngay giờ đầu tiên có thể truy nhập các lớp để có nhiều lựa chọn cho lớp học và giờ học tối ưu với thời gian biểu của mình, và chọn được lớp mà Giáo Sư dạy có nhiều phản hồi tốt từ sinh viên, còn đăng ký càng muộn thì càng ít lựa chọn vì mỗi lớp đều có giới hạn sĩ số, khi đó cần liên lạc với giáo viên để xin vào danh sách chờ (waiting list) nếu lớp cần lấy đã hết chỗ.
Thời gian tốt nghiệp dài ngắn là hoàn toàn tuỳ thuộc vào tốc độ hoàn thành số tín chỉ yêu cầu của các chuyên ngành chính và phụ (nếu có) mà sinh viên đã lựa chọn. Như ở OSU yêu cầu phải hoàn thành tổng cộng 120 tín chỉ (credits) cho 1 chuyên ngành chính trước khi tốt nghiệp, trung bình mất 4 năm hay 8 học kỳ chính, mỗi năm lấy trung bình 30 tín chỉ. Đa số sinh viên chỉ học vào 2 học kỳ chính mùa thu & mùa xuân, nhưng nếu bạn tranh thủ lấy lớp vào mùa hè và học nhiều tín chỉ hơn ở mỗi kỳ thì sẽ hoàn thành 120 tín chỉ nhanh trong vòng 3 năm chẳng hạn. Như ở OSU học phí từ 12 đến 18 tín chỉ là bằng nhau, giống như bạn được miễn phí 6 tín chỉ cuối trong 18 tín chỉ vậy, nên sinh viên nào muốn tiết kiệm tiền học phí & muốn tốt nghiệp sớm thường đăng ký tối đa 18 tín chỉ/học kỳ xuân & thu.
Nhưng khi mới vào học kỳ đầu bạn không nên đăng ký quá 15 tín chỉ để không bị choáng ngợp và có thời gian thích nghi tốt hơn với áp lực học tập ở môi trường mới. Tốt nghiệp sớm mà điểm thấp thì không bằng tốt nghiệp đúng tiến độ hoặc chậm hơn chút với điểm số cao, vì khi đó hồ sơ xin việc, và nhất là nếu nộp lên cao học của bạn cũng cạnh tranh hơn nhiều, kiểu chậm mà chắc, còn đã nhanh thì phải xuất sắc.
3. Hệ thống tín chỉ và chuyển đổi giữa các trường đại học 
Sinh viên có thể dễ dàng chuyển đổi tín chỉ (transfer credits) từ trường này sang trường khác ở Mỹ để tiết kiệm thời gian không phải học lại, thậm chí là tiết kiệm rất nhiều học phí nếu chuyển từ trường có học phí thấp như Đại Học Cộng Đồng (Community College) nơi chỉ chuyên dạy hệ 2 năm đầu đại học (lower division), sang một trường đại học lớn chuyên đào tạo hệ 4 năm (Freshmen, Sophomore, Junior & Senior) để học nốt các môn cấp cao ở 2 năm cuối (upper division) và cuối cùng tốt nghiệp với tấm bằng của trường đại học lớn.
Ưu điểm của Đại Học Cộng Đồng hệ 2 năm là yêu cầu đầu vào khá dễ với học phí thường thấp hơn và dễ lấy điểm cao hơn trong quá trình học so với ở đại học lớn hệ 4 năm, nếu học giỏi thì có thể xin một ít học bổng khi chuyển vào trường đại học lớn hệ 4 năm nhưng cũng tuỳ trường, như vậy sẽ tiết kiệm hơn so với học cả 4 năm ở đại học lớn đắt tiền mà không có học bổng cao tài trợ ngay từ đầu. Do vậy nếu chuyển trường sinh viên cần chuyển bảng điểm từ đại học trước đến trường mới để yêu cầu chuyển đổi tín chỉ (transfer credits).
Một lưu ý nữa là nếu được nhận học bổng thì thường có điều kiện là sinh viên phải lấy ít nhất 12 tín chỉ/học kỳ dao động tuỳ nơi và cần duy trì điểm học (GPA, điểm cao nhất là 4.0) ở mức nhất định tuỳ loại học bổng, nên nếu giữa kỳ muốn bỏ bớt môn nào vì thấy khả năng bị điểm thấp (để dành sang kỳ sau sẽ học lại sau) thì phải nhanh chóng liên hệ người phụ trách của mình (Academic Advisor) giúp tìm môn khác phù hợp thay vào cho đủ số tín chỉ yêu cầu để không bị mất học bổng sau kỳ đó.
Ở OSU và một số trường khác các sinh viên giỏi còn có thể đăng ký thêm tín chỉ danh dự (Honor Credits & Honor Contract) ở một số môn để tăng tính cạnh tranh trên bảng điểm của mình và có thể tốt nghiệp bằng danh dự. Điều này đòi hỏi sinh viên sẽ làm việc trực tiếp với Giáo Sư của môn học đó để nhận thêm bài tập riêng hoặc công việc nghiên cứu khác ngoài các bài tập được giao chung trên lớp, và cần hoàn thành với điểm số cuối cùng là A hoặc B (nếu bị điểm C hoặc D thì sẽ mất luôn honor credits).
4. Liên hệ người phụ trách tư vấn học thuật (Academic Advisor) 
Ở cả trường tư Denison University (thuộc hệ thống Liberal Arts Colllege) & trường công OSU (thuộc Research University) mình đã & đang dạy thì mỗi sinh viên từ khi mới nhập học sẽ được phân cho một giáo viên hoặc nhân viên phụ trách học thuật gọi là Academic Advisor đã đề cập nhiều lần ở trên để theo sát và giúp đỡ sinh viên ấy từ lúc mới vào cho đến khi tốt nghiệp. Mình hiện cũng đang đảm nhận công tác tác Academic Advisor trong khoa, nên mỗi kỳ mình sẽ gặp riêng từng sinh viên mà mình phụ trách để tư vấn chọn môn học cho học kỳ tiếp theo dựa trên chuyên ngành, sở thích, thế mạnh và tiến độ học tập. Sinh viên có thể xin lịch hẹn gặp Academic Advisor bất cứ khi nào gặp khó khăn hoặc vấn đề ở môn học nào để xin lời khuyên, khi cần bỏ hoặc thêm lớp giữa kỳ hoặc muốn đổi chuyên ngành như đã nói ở mục 1&3.
Khi sinh viên vắng mặt thường xuyên hoặc không hoàn thành bài tập được giao nhiều lần thì Giáo Sư của môn học đó cũng sẽ liên lạc báo lại tình hình với Academic Advisor của bạn đó để có hỗ trợ kịp thời, nhằm giảm bớt tình trạng sinh viên bỏ học giữa chừng. Academic Advisor là người có thể truy cập vào bảng điểm và thông tin về các môn học của sinh viên bất cứ lúc nào nhưng hoàn toàn giữ bí mật không tiết lộ ngay cả nếu phụ huynh yêu cầu nếu không được sự đồng ý của sinh viên. Chỉ trừ khi sinh viên ký vào hồ sơ nộp cho trường cho phép phụ huynh hỏi điểm thì lúc đó nhà trường mới được phép cung cấp. Do vậy các bạn sinh viên nên liên lạc ngay với Academic Advisor của mình khi gặp khó khăn hay có việc gì đột xuất xảy ra có thể làm ảnh hưởng đến việc học, để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
5. Xây dựng hình ảnh tốt với các Giáo Sư 
Giáo Sư ở Mỹ đánh giá cao các bạn hay phát biểu và đóng góp tích cực vào câu hỏi thảo luận trên lớp, hay xung phong lên bảng giải bài, và hay đến văn phòng để trao đổi thắc mắc về bài giảng, nhất là trước mỗi lần thi. Khi Giáo Sư có ấn tượng tốt về bạn và nhớ tên bạn trong số vài chục thậm chí vài trăm sinh viên trong lớp thì rất có lợi thế. Nếu cuối kỳ bạn chỉ thiếu ít điểm là có thể chuyển từ B lên A, hoặc C lên B, thì Giáo Sư có thể giao thêm bài tập giúp bạn cải thiện điểm nếu bạn yêu cầu (chứ không có chuyện xin điểm). Và nhất là sau này khi bạn cần thư giới thiệu (Recommendation Letters), các Giáo Sư có ấn tượng tốt về bạn sẽ sẵng sàng viết thư này với nội dung tích cực để hỗ trợ cho bạn nộp lên cao học hoặc xin việc làm.
Sinh viên cần đọc kỹ lịch học của từng môn (Syllabus) và lưu vào lịch trên máy tính, sổ tay hoặc điện thoại những ngày thi hoặc kiểm tra hoặc hạn nộp bài tập của các lớp. Nếu bạn bị trùng lịch thi với sự kiện quan trọng nào khác (cần có giấy tờ/email liên quan để chứng minh) thì bạn cần liên hệ sớm trước vài tuần với Giáo Sư của môn học để được sắp xếp ngày thi khác, thường là phải thi sớm hơn ngày trong lịch. Ngay cả khi bị ốm đột xuất trước ngày thi, sinh viên cần đi khám ở trung tâm sức khoẻ để có giấy bác sĩ ghi rõ triệu chứng và ngày ốm nộp lại cho Giáo Sư biết lý do chính đáng vì sao mình bỏ thi để được xét thi lại hoặc miễn bài thi đó.
Tính trung thực được đánh giá rất cao và là tố chất quan trọng ở Mỹ nên khi thi nếu bạn bị phát hiện gian lận thì sẽ bị đình chỉ thi hoặc zero điểm ngay, và báo lại cho Academic Advisor cũng như ghi lại trong hồ sơ. Khi làm bài luận (writing assay) tuyệt đối không sao chép lẫn nhau hoặc copy phần lớn nội dung từ internet mà không biên tập lại, vì các Giáo Sư sẽ dùng phần mềm của trường dễ dàng phát hiện bài viết của bạn giống bao nhiêu phần trăm nội dung nào đó trên mạng từ bất kỳ nguồn nào, nếu trên 20% thì sẽ khả năng sẽ bị đặt vấn đề và trừ điểm do lỗi sao chép (plagiarism).
Điểm lưu ý nữa là khi email trao đổi với Giáo Sư, bạn nên bắt đầu bằng “Dear Professor X/ Dr. X” để thể hiện sự tôn trọng đúng mực, chứ không nên dùng “Hi/Hello/Hey” như thông thường, rất dễ gây phản cảm từ câu đầu tiên, và khi kết thúc thư nên để “Sincerely/Yours respectfully”. Các Giáo Sư thường sẽ phải trả lời tất cả email thắc mắc của sinh viên, và cuối kỳ mọi sinh viên trong lớp sẽ được quyền đánh giá thẳng thắn (dạng ẩn danh hoặc để tên tuỳ sinh viên chọn) về chất lượng giảng dạy của giảng viên cũng như môn học nhằm giúp cải thiện dạy và học cho các học kỳ sau (hình minh hoạ bên dưới số liệu đánh giá online từ sinh viên của lớp Sinh Hoá chuyên ngành mà mình dạy vào học kỳ thu 2019 ở OSU)
Sinh viên cần hiểu hệ thống hàn lâm ở các trường Đại Học Mỹ chia làm ba cấp bậc Giáo Sư theo thâm niên công tác, nhưng phần lớn đều làm công tác nghiên cứu và giảng dạy:
– Giáo Sư bậc 1: Assistant Professor là người bắt đầu vào vị trí Giáo Sư của trường Đại Học tại Mỹ trong 5 đến 7 năm đầu tiên (tuỳ trường), thuộc diện ứng cử vào biên chế hay còn gọi là “tenured-track”, nên nếu dịch là “Trợ lý giáo sư” là sai với nghĩa thực tế rất xa vì họ không làm trợ lý cho Giáo Sư nào cả mà đã là một Giáo Sư độc lập.
– Giáo Sư bậc 2: Associate Professor sau khi đã qua xét duyệt của hội đồng khoa học từ cấp trường lên cấp bang, và được vào biên chế chính thức hay còn gọi là “tenured” trong 5-7 năm tiếp theo.
– Giáo Sư bậc 3: Full Professor hoặc để ngắn gọn là Professor sau khi đã qua đợt xét duyệt cuối cùng của hội đồng, và giữ nguyên chức danh Professor cho đến khi về hưu, có thể xin lên tiếp Emeritus Professor dạng Giáo Sư Danh Dự sau khi đã qua tuổi nghỉ hưu
6. Chủ động tìm cơ hội nghiên cứu và thực tập
Sau khi đã quen với môi trường học thì từ năm thứ 2 bạn có thể bắt đầu chủ động tìm kiếm các cơ hội để xin vào các lab nghiên cứu nếu học về khoa học tự nhiên, hoặc tìm cơ hội thực tập (internship) ở các công ty vào mùa hè cho tất cả chuyên ngành. Khi bạn tạo ấn tượng tốt với Giáo Sư như đã nói ở mục 5, thì sẽ có nhiều cơ hội được các Giáo Sư nhận vào lab họ để học làm nghiên cứu hoặc giới thiệu bạn đi thực tập ở nơi khác.
Ngoài việc thường xuyên xem trên website tuyển dụng và cơ hội nghề nghiệp của trường dành cho sinh viên, bạn có thể tự tìm hiểu trên website của các khoa xem Giáo Sư nào đang làm đề tài mà mình yêu thích và chủ động liên lạc để xin vào lab họ thực tập tình nguyện mỗi tuần vài tiếng. Mình đã từng nhận nhiều sinh viên dạng này, sau khi thực tập 1, 2 học kỳ ở lab và học hết các kỹ năng sinh học phân tử cần thiết, mình sẽ bắt đầu trả lương cho các bạn ấy theo giờ làm việc trong lab.
Khi sinh viên tích luỹ thêm kinh nghiệm nghiên cứu và thực tập để liệt kê trong CV hay hồ sơ xin việc của mình thì đó là một điểm rất sáng bên cạnh điểm học tốt, khi tốt nghiệp sẽ dễ dàng xin việc hoặc xin học bổng vào cao học ở các trường tốt.
7. Chọn lọc các hoạt động ngoại khoá 
Đa số các đại học ở Mỹ có rất nhiều câu lạc bộ ngoại khoá cho sinh viên gia nhập tuỳ theo sở thích, định hướng nghề nghiệp, hoặc đơn giản dựa trên màu da, sắc tộc. Thống kê từ các trường đại học cho thấy khi tỉ lệ sinh viên trong trường có sự gắn kết sinh hoạt với một vài đội nhóm càng cao, thì tỉ lệ bỏ học giữa chừng của sinh viên trường đó càng thấp, do vậy khi mới vào năm đầu bạn sẽ dễ bị choáng ngợp bởi hàng loạt các hoạt động ngoại khoá được giới thiệu, nhưng hãy tỉnh táo lựa chọn 1 hoặc 2 nhóm để tham gia thôi, vì càng tham gia nhiều câu lạc bộ càng phải đi sinh hoạt nhiều và không còn thời gian để tập trung học dẫn đến điểm số thấp mà mình thường thấy ở các sinh viên Mỹ tham gia quá nhiều câu lạc bộ mà không sắp xếp và cân bằng tốt thời gian giữa việc học và chơi, dẫn đến điểm số thấp hơn năng lực thực sự.
Nhưng cũng không nên chỉ biết học thôi mà không tham gia các hoạt động ngoại khoá hay thể thao giúp thư giãn sau giờ học và giao lưu hợp tác với bạn bè quốc tế, hay tham gia các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng luôn được đánh giá cao. Điều này cũng giúp giảm stress rất tốt nếu không tham gia thái quá, và cũng được đánh giá tốt khi đưa vào CV cho thấy kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo và kinh nghiệm hoạt động tập thể của sinh viên.
Trước khi sang học bạn có thể dễ dàng liên lạc làm quen với nhóm sinh viên Việt Nam của trường qua Facebook page hoặc email để hỏi thêm thông tin về chỗ ở, đưa đón ở sân bay. Thường có hai nhóm: sinh viên từ Việt Nam sang Mỹ học thường thuộc nhóm VSA (Vietnam Student Association), và sinh viên người Mỹ gốc Việt thường thuộc nhóm VASA (Vietnam American Student Association). Nhóm VSA thường bao gồm cả sinh viên đại học và cao học, nhiều người còn mang gia đình từ Việt Nam sang, còn nhóm VASA phần lớn là sinh viên bậc đại học sinh ra hoặc lớn lên từ bé ở Mỹ nên có thể có một số khác biệt văn hoá nhất định. Vào dịp Tết cổ truyền nếu có nhiều thành viên thì VSA và VASA thường tổ chức tiệc mừng Tết (Lunar New Year) cho mọi người gặp gỡ giao lưu với các thành viên mới.
8. Cơ hội học bổng và giải thưởng cho sinh viên 
Các trường đại học lớn thường có quỹ học bổng khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu, như ở OSU sinh viên từ năm nhất đến năm cuối có thể tìm Giáo Sư hướng dẫn để tham gia một đề tài nghiên cứu nhỏ và dùng đề tài này để xin học bổng $4,500/năm chi trả cho sinh hoạt phí và một phần hoá chất, dụng cụ thí nghiệm cho đề tài. Vì vậy sinh viên nào yêu thích làm khoa học hãy mạnh dạn tìm thầy và nộp hồ sơ xin học bổng từ những năm đầu.
Vào cuối năm học, trường và khoa thường có các giải thưởng lớn, nhỏ và học bổng cho sinh viên từ năm nhất đến năm cuối có điểm học tốt, đồng thời tích cực tham gia nghiên cứu hay hoạt động cộng đồng. Giải thưởng có thể từ vài trăm đến vài nghìn đôla tuỳ nơi và giấy chứng nhận (Certificate) như một thành tích học tập để đưa vào CV. Như ở khoa mình thì các Giáo Sư (đồng thời cũng kiêm nhiệm Academic Advisor) sẽ ngồi họp với nhau một buổi để đề cử sinh viên cho từng hạng mục giải thưởng. Vì vậy sinh viên càng tạo nhiều ấn tượng tốt với Giáo Sư như đã đề cập ở mục 5 thì càng dễ được đề cử.
9. Tận dụng các hỗ trợ của nhà trường 
Các trường đại học Mỹ đều có rất nhiều dịch vụ và trung tâm (TT) nhằm hỗ trợ tốt nhất cho đời sống của sinh viên trong trường. Tiền học phí của sinh viên không những dùng để trả cho tín chỉ đăng ký học mà một phần còn chi trả cho hoạt động của các trung tâm hỗ trợ sinh viên này, dù cho bạn có sử dụng hay không. Vì thế sinh viên nên tận dụng tốt nhất các dịch vụ hỗ trợ “miễn phí” này khi cần, vì chỉ cần thẻ sinh viên là được vào và thường không phải đóng thêm phí.
Như trung tâm thể thao (Recreational center) là nơi bạn nên đến đều đặn mỗi tuần để rèn luyện sưc khoẻ, ở đây có trang bị đầy đủ các loại máy tập thể thao, bể bơi chuyên nghiệp, phòng xông hơi, sân bóng rổ, bóng chuyền, tennis, các chương trình dạy yoga, karate, dance,… Ngoài ra còn có trung tâm tư vấn & giải toả tâm lý (Counceling Center) để gặp và nói chuyện với các chuyên gia tâm lý bất cứ khi nào sinh viên gặp vấn đề căng thẳng về tinh thần cần tư vấn.
Bên cạnh đó là trung tâm hỗ trợ sinh viên quốc tế (International Center) giúp giải quyết các vấn đề visa, thủ tục nhập học, giúp gửi thư mời bố mẹ sang thăm con hoặc dự lễ tốt nghiệp. Trung tâm y tế (Health center) trong khuôn viên trường mà sinh viên có thể đặt lịch hẹn đến khám. Trung tâm giới thiệu (Career Center) giúp sinh viên tìm việc làm trong và ngoài trường. Trung tâm hỗ trợ kỹ năng toán và viết (Math & Writing Centers) khi bạn viết luận và cần người Mỹ bản xứ đọc sửa dùm. Các chương trình dạng một kèm một cho các môn toán, lý, hoá, sinh (free tutors) mà sinh viên có thể đăng ký theo giờ hoặc từ đầu năm học.
Ngoài việc mượn sách, tài liệu và phim ảnh, thì thư viện (library) còn là nơi lý tưởng và yên tĩnh để ngồi học giữa các giờ lên lớp. Sinh viên có thể đăng ký phòng trong thư viện để học nhóm hoặc phòng quay phim để làm các đề tài media, hoặc mượn máy quay, laptop, ipad trong thời hạn ngắn từ một đến vài ngày.
10. Chuẩn bị tốt nghiệp
Khi đến năm cuối và nhất là trước học kỳ cuối, sinh viên cần nhắc người phụ trách học thuật của mình (Academic Advisor) kiểm tra lại xem mình đã đáp ứng đầy đủ các tín chỉ cho chuyên ngành chính/phụ và yêu cầu điểm tối thiểu để tốt nghiệp chưa. Vì mỗi Academic Advisor phải quản lý rất nhiều sinh viên nên có thể không nhớ hết được sinh viên nào sắp tốt nghiệp. Sau đó thì vào đầu học kỳ cuối bạn sẽ phải đăng ký sớm đúng thời hạn để có tên trong lễ tốt nghiệp cuối học kỳ. Nếu muốn mời cha mẹ, anh chị em sang dự lễ tốt nghiệp, một lý do rất dễ xin visa đi du lịch Mỹ, thì cần đến trung tâm hỗ trợ quốc tế (International Center) để xin thư mời của trường gửi về cho gia đình cầm đi phỏng vấn.
Nếu bạn có ý định xin thư giới thiệu của các Giáo Sư nào thì hãy xin cuộc hẹn đến văn phòng của họ để nói chuyện, và xin phép được để tên và địa chỉ liên lạc của Giáo Sư vào hồ sơ xin việc của bạn, chứ không nên chỉ hỏi qua email vì họ có thể không nhớ mặt bạn nếu đã học nhiều học kỳ trước.
Mỗi học kỳ các trường thường tổ chức ngày hội việc làm (Career Fair) và mời vài chục đến vài trăm công ty lớn nhỏ đến để tuyển sinh viên sắp tốt nghiệp vào các vị trí đang trống, hoặc giới thiệu cơ hội thực tập (internship) cho sinh viên năm 2, năm 3. Trước khi đến tham dự Career Fair, sinh viên cần chuẩn bị vài thứ quan trọng: 1- In sẵn nhiều bản copy lý lịch CV trong đó liệt kê ngắn gọn các kỹ năng, thế mạnh và kinh nghiệm nổi bật của mình trong 1 trang A4; 2- Xem trước danh sách các công ty tham gia để chọn ra những công ty mình muốn ứng tuyển và ưu tiên đến nói chuyện, 3- Ăn mặc trang trọng và phong cách chuyên nghiệp khi đến tự giới thiệu với doanh nghiệp và để lại bản copy CV của mình cho họ liên lạc lại khi cần.
Chúc các bạn sinh viên du học thành công, tận dụng tốt nhất môi trường đại học hiện đại của Mỹ để phát huy tốt đa nội lực và đam mê của mình! Hãy nhớ rằng môi trường học tập và làm việc ở Mỹ rất trọng dụng nhân tài và sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho bạn học tập, làm việc và cống hiến tài năng của mình, chỉ cần bạn phấn đấu hết mình và không ngừng nỗ lực, học hỏi.
——
Bài chia sẻ dựa trên kinh nghiệm làm việc của mình tại Denison University thuộc hệ thống trường tư Liberal Arts College, và Oklahoma State University (OSU) thuộc hệ thống trường công Research University. Ở các trường khác có thể có những khác biệt nhất định vì hệ thống các trường đại học ở Mỹ rất đa dạng với nhiều mô hình tổ chức và hoạt động khác nhau, nhưng đều cần một số tiêu chí chung để sinh viên có thể đạt được kết quả học tập tốt.
Nguồn: PGS. Phương Nguyễn.