3 thay đổi lớn trong cơ chế tuyển sinh đại học Mỹ

Hiệp hội Tư vấn tuyển sinh các trường đại học Mỹ vừa đưa ra một số thay đổi lớn trong cơ chế tuyển sinh trong năm tới, ảnh hưởng lớn tới các ứng viên và các trường. Hãy cùng APUS tìm hiểu kĩ hơn về những thay đổi này.

Những thay đổi này liên quan nhiều tới các thí sinh ứng tuyển trong vòng hồ sơ sớm ED (Early Decision). ED là vòng tuyển sinh có ràng buộc. Học sinh chỉ được nộp duy nhất một trường ED nhưng có thể nộp thêm nhiều trường EA (Early Action) và các trường RD (Regular Decision). Nếu trường nhận và đáp ứng đủ mức tài chính ứng viên yêu cầu, ứng viên buộc phải nhập học và từ chối các trường khác dù trúng tuyển. Tuy nhiên, đây chỉ là cam kết về đạo đức chứ không bị ràng buộc bởi pháp luật. Hơn nữa, những ứng viên nộp ED thường không cần nhiều hoặc không cần hỗ trợ tài chính/học bổng. Hầu hết các ứng viên này xác định đóng học phí cao để tăng cơ hội được nhận vào học.

Trong khi đó, từ năm sau, cơ chế tuyển sinh mới sẽ cho phép các trường có thể:

  • Đưa ra những chương trình học bổng đặc biệt hay các ưu tiên chọn khoa, chọn ngành hoặc hỗ trợ nhà ở để thu hút các thí sinh đã ứng tuyển vòng ED.
  • Tuyển thí sinh ngay cả khi thí sinh đó đã đặt cọc để theo học một trường khác
  • Liên hệ và thuyết phục các thí sinh đã đăng ký nhập học ở một trường khác để chuyển tiếp sang trường của mình. Ngoài ra, các trường có thể tiếp tục tuyển sinh sau ngày 1/5 (Ngày 1/5 thường là hạn cuối cùng để tuyển sinh của đa phần các trường Mỹ).

Những thay đổi này sẽ làm tăng sự cạnh tranh giữa các trường và giữa các ứng viên ứng tuyển Đại học Mỹ từ năm 2020. Đồng thời, nó cũng khiến thời gian tuyển sinh kéo dài hơn (đến khoảng cuối mùa hè), dẫn tới có thể phát sinh chi phí tuyển sinh cho các trường. Điều này cũng có thể khiến cơ hội vào trường của các ứng viên quốc tế cao hơn bởi số tiền họ cần chi trả cho các trường cao hơn học sinh bản địa. Ngoài ra, các trường cũng có thể tăng tiền đặt cọc cho các thí sinh đỗ ED để làm giảm việc các bạn bỏ tiền cọc, rút hồ sơ đăng ký sang trường khác.

Các chuyên gia của APUS đánh giá những thay đổi này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho học sinh bởi học sinh sẽ có được những cơ hội nhận học bổng và hỗ trợ tài chính nhiều hơn. Về phía các trường, những thay đổi này sẽ ảnh hưởng nhiều tới những trường phụ thuộc vào chi phí nộp vào của học sinh, những trường nhỏ hoặc có ít tính cạnh tranh. Các trường cũng sẽ gặp khó khăn hơn trong việc dự đoán số lượng tuyển sinh. Chỉ có một vài điều không đổi đó là: ngày 1/5 vẫn là ngày cuối cùng để các thí sinh nộp phí đặt cọc vào trường mình định học; phí đặt cọc không được hoàn trả khi rút hồ sơ và ED vẫn là ràng buộc (về mặt đạo đức).