5 bước “chốt” danh sách trường phù hợp mà ai cũng nên biết

Tháng 7, tháng 8 sẽ là khoảng thời gian các ứng viên tìm hiểu và lên một danh sách các trường đại học mình sẽ ứng tuyển trước khi quyết định được một ngôi trường chắc chắn nộp ở vòng Early Decision (có tính ràng buộc khi được nhận). Để làm được điều này, ứng viên sẽ cần cân nhắc rất nhiều yếu tố để chọn ra môi trường thực sự “phù hợp” với mình? 

“Tính phù hợp” thường được đo đếm thông qua năng lực của ứng viên (khả năng học thuật), mục tiêu cá nhân, cá tính và “khẩu vị” mỗi ứng viên (thông qua các hoạt động ngoại khoá), nguồn lực của trường để giúp sinh viên đạt được mục tiêu, khả năng tài chính,… Mỗi ứng viên sẽ có mức độ ưu tiên khác nhau. Vậy làm thế nào xác định đâu là ưu tiên của mình? Để giúp các bạn trả lời được câu hỏi này, APUS gợi ý bạn thử tiến hành một số bước sau:

Trò chuyện với ba mẹ 

Cha mẹ của bạn là một nguồn lực tuyệt vời, có thể nói họ là những người quan tâm theo dõi sát sao cả quá trình trưởng thành của bạn. Hãy thử hỏi cha mẹ xem đâu là yếu tố mà bạn nên ưu tiên ở thời điểm này: tài chính, thứ hạng ngành, vị trí địa lý,… 

Nói chuyện với cố vấn

Cố vấn thường là người sẽ làm việc với bạn trong suốt quá trình nộp hồ sơ. Dựa vào kinh nghiệm của họ, họ sẽ cung cấp cho bạn góc nhìn đa chiều, khách quan về môi trường học tập và sinh hoạt của mỗi trường bạn đang nhắm tới như thế nào. 

Trò chuyện với bạn bè

Bạn bè có thể cho cách mà họ sắp xếp các tiêu chí thế nào khi lựa chọn ra môi trường phù hợp. Có người sẽ lựa chọn trường theo tính cách năng động hay có phần hơi tĩnh lặng khép kín. Có người sẽ lựa chọn theo gia cảnh, mục tiêu công việc tương lai. Nếu có ai đó cùng đồng hành và hiểu hoàn cảnh của bạn sẽ giúp bạn cảm thấy không quá đơn độc trong quá trình tìm trường này. 

Tham quan khuôn viên trường

Bạn sẽ dành trọn bốn năm với các giáo sư, bạn bè ở bậc Đại học nên nếu có cơ hội, hãy đến tận nơi thăm quan trực tiếp các trường Đại học. Khi đăng ký tham quan, văn phòng tuyển sinh sẽ sắp xếp dẫn bạn đi thăm quan trường và giải đáp trực tiếp các câu hỏi của bạn.

Còn nếu bạn không thể trực tiếp tham quan khuôn viên trường thì sao? Hãy đăng ký một chuyến tham quan trực tuyến để giải đáp mọi thắc mắc của mình.

Chắp nối các thông tin lại với nhau

Trải qua các cuộc trò chuyện, bạn đã rõ ràng về những gì bạn muốn vào mùa tuyển tới, lúc này hãy nghĩ trong đầu, ví dụ như: “Tôi rất muốn theo học tại một trường đại học có chương trình Kỹ thuật Cơ khí tốt, và tiếp đó có thể đăng ký học tiếp các chương trình Sau Đại học của họ. Tôi cũng muốn được tiếp cận sớm và có nhiều cơ hội nghiên cứu để thành công trong quá trình học đại học. Tôi thích bóng đá và muốn tham gia vào một môi trường có tinh thần thể thao mạnh mẽ. Tôi cũng muốn trường đại học của mình gần nhà người thân vì thi thoảng có thể thưởng thức món Phở Bắc cho đỡ nhớ nhà.”

Hãy cho phép bản thân tiếp cận càng nhiều trường học càng tốt, đừng quá giới hạn khu vực địa lý. Những yếu tố bên ngoài như danh tiếng trường cũng quan trọng, nhưng hãy nhớ rằng ngôi trường vừa bạn có thể phát triển hết khả năng của mình, và vừa làm bạn cảm thấy hạnh phúc sẽ là một sự lựa chọn phù hợp nhất. Vì vậy, càng cởi mở với nhiều lựa chọn, bạn sẽ càng có được sự lựa chọn tốt nhất. 

Cuối cùng, hãy tiếp cận tất cả các nguồn thông tin tham khảo uy tín từ internet, từ những nguồn thông tin hướng dẫn nộp hồ sơ Đại học, website và mạng xã hội từ trường, các bảng xếp hạng, các triển lãm giáo dục, sau đó bạn hãy tạo ra một hệ thống tính điểm/xếp hạng các trường dựa theo một số tiêu chí như: Học thuật, Cơ hội nghiên cứu, Vị trí địa lý, Cộng đồng sinh viên, Các câu lạc bộ… theo thang điểm từ 1-5. 

Những trường nào có số điểm cao nhất rất có thể chính là những trường bạn sẽ “đặt cược” trong lần nộp hồ sơ tới đây!