5 dấu hiệu cho thấy bạn đã sẵn sàng Du học Mỹ

Theo báo cáo của tổ chức Giáo dục Quốc tế, trong năm học 2019 – 2020, có khoảng 1,1 triệu sinh viên quốc tế nhập học vào các trường Đại học học Mỹ. Để tận dụng tối đa môi trường học tập cho phát triển bản thân và con đường nghề nghiệp trong thời gian tới, các bạn Du học sinh nên chuẩn bị những gì? Cùng APUS tìm hiểu trong bài viết sau.

1. Nghiên cứu những trường Đại học muốn ứng tuyển

Dù bạn yêu thích STEM, kinh doanh hay nghệ thuật, bước đầu tiên trong quá trình chuẩn bị Du học Mỹ là xác định rõ ràng mục tiêu và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho những mục tiêu ấy, sau đó nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ những lựa chọn cho ngôi trường phù hợp với từng mục tiêu.

Hãy tự đặt ra những câu hỏi cho bản thân để xác định ngôi trường mình mong muốn học tập trong tương lai. Đó là trường nhỏ hay lớn, ở thành thị hay nông thôn, thiên về kỹ thuật hay nghệ thuật,…? Hãy tận dụng tất cả những nguồn thông tin đa dạng hiện có trên Internet, tham gia những buổi tham quan trực tuyến do các trường tổ chức để có cái nhìn rõ hơn về trường. Thông thường, quá trình tìm hiểu này nên bắt đầu từ thời điểm một năm trước khi ứng tuyển Đại học Mỹ.

2. Chuẩn bị tài chính

Bạn hay gia đình cần chuẩn bị đủ tài chính để theo học Đại học tại Mỹ trong suốt 4 năm học. Tại Harvard, học phí một năm trung bình khoảng $75,000 – $80,000, một số trường khác có học phí thấp hơn cũng vào khoảng $60,000 – $65.000 (như tại UCLA – Đại Học California Tại Los Angeles). Tất nhiên, các trường này vẫn luôn có học bổng hoặc những chính sách hỗ trợ tài chính cho học sinh quốc tế, tuy nhiên để có được học bổng/hỗ trợ tài chính, bạn sẽ phải vượt qua cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt với rất nhiều học sinh tài năng khác. Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu một số nguồn tài trợ sinh viên quốc tế như từ quỹ Hỗ trợ Tài chính của tổ chức Giáo dục Quốc tế, học bổng du học Mỹ do chính phủ đất nước bạn tài trợ và các tổ chức quốc tế khác như Fulbright Commission, AMIDEAST, Soros Foundation, World Health Organization, World Council of Churches, United Nations. 

Lưu ý, sinh viên quốc tế không đủ điều kiện để nhận các khoản vay do chính phủ Hoa Kỳ cung cấp như Khoản vay Stafford hoặc Plus, nhưng có thể nhận các khoản vay từ các quỹ tư nhân với một số điều kiện nhất định.

Ngoài ra, tại Mỹ hiện có 5 ngôi trường xét tuyển dựa vào năng lực thực sự của sinh viên quốc tế chứ không quan tâm tới khả năng tài chính của mỗi ứng viên vào trường, đó là MIT, Harvard, Princeton University, Yale University, và Amherst College.

3. Hoàn thành các kỳ thi chuẩn hóa

COVID-19 khiến các kỳ thi chuẩn hoá, đặc biệt là SAT & ACT bị gián đoạn. Nhiều trường Đại học Mỹ trong năm vừa rồi thông báo không bắt buộc nộp điểm SAT/ACT trong hồ sơ ứng tuyển. 

Tuy nhiên, các bạn học sinh vẫn nên tham khảo kỹ chính sách của các trường về việc nộp điểm thi chuẩn hóa. Dù cho bạn không cần nộp điểm SAT/ACT cho quá trình nhập học, hầu hết các trường vẫn sẽ yêu cầu nộp chứng chỉ TOEFL, IELTS, Duolingo hoặc các điểm số khác để kiểm tra trình độ tiếng Anh của bạn. Ngoài ra, điểm SAT hoặc ACT cũng rất quan trọng, đặc biệt đối với những học sinh chưa theo học chương trình quốc tế (Trình độ Nâng cao GCE, Tú tài Pháp, Abitur Đức, Tú tài Quốc tế,…). 

4. Đừng chỉ nhìn vào tỷ lệ trúng tuyển

Tiêu chuẩn đầu vào cực kỳ cao. Hầu như top 100 trường Đại học đứng đầu Mỹ đều có những tiêu chuẩn tuyển sinh khắt khe hơn các nhóm khác. Năm vừa rồi (kỳ tuyển sinh 2020- 2021), chính sách không bắt buộc nộp điểm thi chuẩn hoá cùng một số yếu tố khác đã khiến hồ sơ ứng tuyển vào các trường tăng vọt. UCLA đứng đầu với 120,000 ứng viên, NYU với 100,000 ứng viên, Harvard tăng 57% và Colgate tăng hơn gấp đôi so với năm trước đó. Các trường như Harvard, Yale, Princeton, Stanford, Dartmouth và Hopkins có tỷ lệ nhận cực kỳ thấp. Ngay cả các trường như Amherst (tỷ lệ nhận 8%), Williams (8%), Georgetown (12%) và NYU (12%) cũng trở thành những ngôi trường rất cạnh tranh. 

Học sinh quốc tế không nên chỉ nhìn vào tỷ lệ trúng tuyển để xác định tỷ lệ chọi của mình bởi vì hầu hết các trường đều giới hạn số lượng sinh viên quốc tế ở mức 10-15% trong tổng số lớp học và những con số này không thay đổi nhiều giữa các năm. Nếu bạn nhìn vào một trường có tỷ lệ trúng tuyển tổng thể là 20%, thì tỷ lệ được nhận của học sinh quốc tế có thể là gần 5%. 

5. Kết hợp tốt giữa thành tích học tập và hoạt động ngoại khoá

Các trường Mỹ tìm kiếm những học sinh có thành tích học tập tốt, thuộc top đầu tại cấp lớp, cấp trường và cấp quốc gia. Học sinh cần là những người có sự đam mê và học hỏi tích cực, thể hiện sự tò mò và khát khao khám phá thế giới xung quanh. Các hoạt động ngoại khóa đòi hỏi những hoạt động thể hiện tốt khả năng lãnh đạo và mang lại tác động lớn cho cuộc sống, xã hội, đồng thời có thể kết nối với lĩnh vực học tập mà học sinh muốn theo đuổi.