5 lời khuyên cho các học sinh quốc tế ứng tuyển đại học theo diện chuyển trường

Các học sinh quốc tế có thể ứng tuyển vào các đại học Mỹ như một tân sinh viên hoặc theo diện chuyển trường/chuyển tiếp (transfer). Các học sinh nộp hồ sơ transfer thường đang theo học một trường đại học tại nước khác hoặc vừa kết thúc khoá học tại một trường cao đẳng cộng đồng (community college) tại Mỹ và muốn chuyển tiếp lên một chương trình 4 năm.
So với một hồ sơ ứng tuyển làm tân sinh viên hay hồ sơ transfer của một ứng viên Mỹ, hồ sơ transfer của một ứng viên quốc tế chịu đòi hỏi cao hơn về một số điểm. Ứng viên phải thể hiện được mạnh mẽ rằng mình muốn theo đuổi những đam mê học thuật mà trường đại học trong nước họ khó có thể đáp ứng được. Ứng viên cũng phải chứng tỏ khả năng ngoại ngữ và mức độ trưởng thành phù hợp để theo đuổi một chương trình học căng sức.
Điểm mấu chốt trong việc xây dựng hồ sơ là tìm được tiếng nói của riêng mình
1) Bài luận chính
Bạn đã biết rõ mục tiêu học thuật của mình, vì vậy hãy thật tự tin khi viết về lý do mình theo đuổi ngành học mình đã chọn. Hãy tránh những lời khen chung chung về nền giáo dục Mỹ, hãy tập trung vào lý do cá nhân, cụ thể đã dẫn đến việc bạn muốn học tại ngôi trường mình đang ứng tuyển.
Bạn nên khéo léo lồng ghép những yếu tố cá nhân xuất phát từ những trải nghiệm của bạn với tư cách là một sinh viên và là một sinh viên quốc tế. Ngoài việc diễn tả con đường tìm thấy đam mê của bản thân, bài luận còn phải thể hiện rõ được những mục tiêu bạn hướng tới trong lĩnh vực của mình.
2) Hoạt động ngoại khoá
Chất lượng quan trọng hơn số lượng.
Ứng viên nên nhìn lại chặng đường đi đến từng thành công mình đã đạt được và chọn những thành quả, những năng lực khiến bạn trở nên nổi bật so với các thí sinh đến từ các nước khác. Các hoạt động ngoại khoá được liệt kê cũng sẽ là tấm gương phản chiếu mục tiêu tương lai của bạn – hãy liệt kê những hoạt động có ý nghĩa đặc biệt với con đường sự nghiệp mà bạn chọn.
3) Điểm thi chuẩn hoá
Trong phần lớn trường hợp, ứng viên sẽ phải nộp điểm thi SAT/ACT và TOEFL/IELTS. Nếu bạn là một du học sinh đang học tại Mỹ và đã hoàn thành một số lượng tín chỉ hay bằng cấp nhất định, bạn có thể được miễn giảm việc gửi điểm, tuy nhiên bạn phải kiểm tra kỹ điều kiện của từng trường mình nộp.
4) Thư giới thiệu
Thư giới thiệu sẽ được viết bởi các giáo viên hoặc cấp trên của bạn tại nơi làm việc. Những thư giới thiệu không viết bằng tiếng Anh sẽ phải được dịch vụ dịch thuật dịch sang tiếng Anh rồi gửi thẳng tới hội đồng tuyến sinh.
Dịch vụ dịch thuật có thể sẽ cần thiết cho cả bảng điểm và giấy tờ tài chính. Ứng viên nên kiểm tra lại những yêu cầu của trường mình ứng tuyển. Nếu giấy tờ cần được dịch, bạn nên dự trù thời gian để hoàn thành việc dịch là khoảng 2 tháng.
5) Các bài luận phụ
Các bài luận phụ theo đề luận của các trường khác nhau chính là nơi để ứng viên thể hiện rõ tại sao mình là một học sinh phù hợp tại ngôi trường mình đang ứng tuyển. Để đạt được điều này, bạn nên tập trung vào trả lời câu hỏi “Vì sao bạn muốn học tại đây”. Hãy tập trung vào lĩnh vực/chủ đề mà mình muốn học, nói về những nghiên cứu hay hướng đi cụ thể ở trường này mà bạn quan tâm, hay những con người nào đã khiến bạn muốn tới học tại đây.
Bài luận phụ là một cơ hội để ứng viên thể hiện sự trưởng thành, sẵn sàng, chủ động của mình. Bạn nên tìm hiểu thật kỹ về trường và tầm nhìn của họ. Nếu bạn thực sự muốn học ở đây thì sự nhiệt tình của bạn sẽ hiện rõ.
Là một ứng viên quốc tế, bạn cũng cần nhấn mạnh rằng bạn đang tìm kiếm những cơ hội mà bạn sẽ không có được nếu không đi du học – về mặt học thuật, lĩnh vực nghiên cứu, môi trường nghệ thuật, cộng đồng xã hội, v.v. và vì sao trường mà bạn ứng tuyển có thể đáp ứng những nhu cầu này của bạn.