5 xu hướng tuyển sinh Đại học Mỹ 2021

Những tác động của COVID-19 đang tạo ra những thay đổi cho tuyển sinh Đại học Mỹ. Trong bài viết này, các chuyên gia APUS sẽ phân tích 5 xu hướng tạo ra nhiều ảnh hưởng trong tuyển sinh Đại học Mỹ năm 2021.

 

Xu hướng 1: Hội đồng tuyển sinh đánh giá cao những học sinh có khả năng thích ứng và “là chính mình”.

Ngay cả trước đây, ban tuyển sinh cũng thường đánh giá cao những thí sinh hiểu rõ điểm mạnh của mình và tập trung tham gia các hoạt động ngoại khóa giúp phát huy thế mạnh đó, hơn là những thí sinh chỉ tham gia hời hợt vào hàng loạt câu lạc bộ hay dự án chỉ để làm đẹp hồ sơ. 

Ban tuyển sinh muốn nhìn thấy các thí sinh được là chính mình và phát huy hết toàn bộ năng lực của bản thân, vượt lên khó khăn để tìm ra những hoạt động, những dự án thể hiện tài năng và sự chăm chỉ cũng như tinh thần ham học hỏi. Những câu chuyện về khả năng thích ứng sẽ rất dễ gây ấn tượng với ban tuyển sinh trong giai đoạn này.  

 

Xu hướng 2: Điểm thi chuẩn hoá sẽ không bắt buộc nhưng khuyến khích nên có

Có đến hơn 900 trường đại học không yêu cầu thí sinh phải thi hay nộp điểm SAT/ACT trong năm nay. Tuy nhiên, số liệu cho thấy các trường áp dụng chính sách này đều có thiên hướng nhận các thí sinh nộp điểm SAT/ACT. Tại Đại học Pennsylvania, 75% sinh viên được nhận vào vòng sớm là những bạn có nộp điểm thi này.

 

Xu hướng 3: Nhiều học sinh đăng ký các vòng nộp hồ sơ sớm hơn

Trong vòng nộp hồ sơ sớm 2020, số đơn nộp vào Đại học Pennsylvania tăng 23%, MIT tăng 62% và Harvard tăng 57% so với 2019, mức tăng chưa từng có trong lịch sử. 

Số người nộp đơn sớm vào các trường thứ hạng cao ngày càng tăng. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc nhiều trường trong số này, bao gồm tất cả các trường Ivies, không yêu cầu thí sinh bắt buộc nộp điểm SAT và ACT như mọi năm. 

Ngoài ra, trước khi xảy ra COVID-19, số liệu chỉ ra rằng những thí sinh nộp đơn sớm có nhiều khả năng trúng tuyển cao hơn. Do vậy, sẽ có nhiều thí sinh chọn nộp hồ sơ sớm trong những năm tới hơn ngay cả khi tỷ lệ trúng tuyển sớm trong năm 2020 có phần thuyên giảm do số lượng ứng viên nộp đơn quá lớn. Ví dụ: Harvard chỉ nhận khoảng 7% số người nộp đơn sớm vào mùa thu năm 2020, trong khi năm ngoái ngôi trường này nhận 14%.

 

Xu hướng 4: Nhiều sinh viên quốc tế sẽ có thể kéo dài việc học ở Mỹ 

Thời gian vừa qua, chính quyền Trump đã ra luật giới hạn thị thực chỉ trong 4 năm (thậm chí là 2 năm) với sinh viên quốc tế. Điều này trái ngược với thông lệ lâu đời là cho phép sinh viên ở lại Mỹ tới khi nào họ hoàn thành quá trình học tập của mình (học lên Thạc sỹ, Tiến sỹ,..). Các chính sách của Trump đã khiến số lượng thị thực sinh viên quốc tế được cấp giảm mạnh, từ hơn 600.000 vào năm 2015 xuống còn 364.204 vào năm 2019.

Tuy nhiên, theo một khảo sát trước bầu cử do Hội đồng Hiệp hội Quản lý Sau đại học thực hiện, các sinh viên quốc tế tin rằng họ sẽ có nhiều khả năng ở lại Hoa Kỳ lâu hơn khi Biden trở thành tổng thống. Dưới quyền quản lý mới của Biden, các cơ quan liên bang có thể dễ dàng làm việc với chính phủ để tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế ở lại Mỹ lâu hơn để học lên cao.

 

Xu hướng 5: Nhiều học sinh dành thời gian gap year (lùi nhập học một năm) hơn

Năm 2020 vừa rồi, số lượng học sinh quyết định gap year tăng đáng kể. COVID-19 khiến nhiều học sinh chưa muốn bắt đầu học Đại học ngay. Có lẽ bởi các bạn không muốn phải học và tham gia các hoạt động hoàn toàn online.

Đây có thể là năm nhiều học sinh chọn gap year và dành thời gian nghỉ ngơi hay tham gia vào những hoạt động ngoài học thuật nhiều hơn, đặc biệt là những hoạt động vì cộng đồng như môi trường, chống phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử với cộng đồng LGBTQ, bất bình đẳng kinh tế và nhiều vấn đề khác.