7 bí quyết chọn trường Mỹ phù hợp!

Hiểu để chọn ra các trường Đại học phù hợp với khả năng và nguyện vọng không chỉ làm tăng cơ hội trúng tuyển của học sinh, mà còn tạo bệ phóng để các em phát huy hết khả năng trong 4 năm Đại học tới đây.

Học sinh nên bắt đầu với quá trình này từ đâu? Cùng APUS tìm hiểu ở bài viết sau.

1. Bắt đầu sớm

Đừng đợi tới sát năm nộp hồ sơ mới bắt đầu tìm hiểu để chọn ra trường mình thích. Bạn nên bắt đầu càng sớm càng tốt, ngay từ những năm cấp hai.

Khi ấy, bạn sẽ có thời gian tìm hiểu tất cả những trường mình thích và muốn ứng tuyển. Bắt đầu tìm hiểu các trường từ sớm cũng giúp bạn ở tâm thế thoải mái hơn và đưa ra những lựa chọn chuẩn xác hơn. 

Bạn có thể bắt đầu tham quan các trường dự nộp trực tiếp thông qua các buổi hội thảo giới thiệu trường, hoặc trực tuyến trên website trường.

2. Tìm hiểu cả bằng con tim và lý trí

Học sinh thường dựa vào những đánh giá chủ quan như thứ hạng, các nhân vật nổi tiếng từng theo học, hay đơn giản là học sinh có người thân, bạn bè từng học tại trường nên muốn ứng tuyển vào.

Tuy nhiên, khi lập danh sách trường muốn ứng tuyển, hãy tìm hiểu thật kỹ càng, xem xét và đánh giá trên nhiều khía cạnh. Bạn có thể tham khảo 5 trang web sau để tìm hiểu về trường với tất cả các yếu tố: vị trí, quy mô, văn hoá, mức độ cạnh tranh, điểm nổi bật,…

Lưu ý: các thông tin này phần lớn áp dụng cho các học sinh bản xứ, thông tin có thể sai lệch với nhóm sinh viên quốc tế.

College Results Online (do tổ chức phi lợi nhuận Education Trust thành lập)

Trang web này cung cấp tỉ lệ trúng tuyển và tốt nghiệp, chi phí và thông tin hồ sơ các ứng viên đã đỗ vào các trường. Trang web này cũng so sánh số liệu thống kê về hỗ trợ tài chính, điểm trung bình và điểm trung bình SAT, ACT của các trường. 

College That Change Lives 

Đây là một tổ chức phi lợi nhuận, cung cấp thông tin về các trường Đại học có phương pháp giảng dạy đổi mới, sáng tạo, lấy sinh viên làm trung tâm.

College Navigator 

Trang web này được thành lập bởi Trung tâm thống kê quốc gia về Giáo dục của Chính phủ Hoa Kỳ, cung cấp thông tin chi tiết về mảng hỗ trợ tài chính và học thuật của tất cả các trường Đại học Mỹ.

College Board

Trang web này giúp học sinh tìm hiểu về các trường thông qua các yếu tố về vị trí, chuyên ngành, mức độ cạnh tranh, hoạt động, chi phí.

Scholar Matcher

Trang web này được thành lập bởi ScholarMatch, một tổ chức phi lợi nhuận giúp những học sinh xuất thân từ gia đình có thu nhập thấp, thuộc nhóm thiểu số, có con em là thế hệ đầu tiên trong gia đình vào Đại học. Trang web cung cấp cho học sinh những thông tin về học bổng, hỗ trợ tài chính của hơn 300 trường Đại học cho những gia đình có mức thu nhập ít hơn $50,000/năm.

3. Sắp xếp danh sách trường một cách khoa học

Hãy lập một file excel tập hợp tất cả các trường Đại học mà bạn thích hoặc thấy phù hợp. File này bao gồm các thông tin về quy mô, chuyên ngành và chương trình nổi bật, các yêu cầu tuyển sinh, thời hạn nhập học, phân loại các nhóm trường mơ ước, mục tiêu, hay nhóm an toàn. Sau đó bạn có thể thêm các cột có các mục khác như thời hạn nộp đơn đăng ký, điểm SAT/ACT, thư giới thiệu của giáo viên và các yêu cầu khác…

Nếu biết cách sắp xếp danh sách trường một cách khoa học, bạn có thể dễ dàng theo dõi, tra cứu và cập nhật các thông tin khi cần. File này sẽ giúp phụ huynh cùng theo dõi với con mình để giúp con bám sát các mốc thời gian quan trọng trong hồ sơ. 

4. Phân loại các nhóm trường

Bạn nên phân danh sách các trường Đại học Mỹ định ứng tuyển thành 3 nhóm: nhóm trường mơ ước, nhóm mục tiêu và nhóm an toàn. Hãy xem xét kỹ yêu cầu của từng trường, dùng điểm trung bình GPA, điểm thi chuẩn hóa SAT/ACT để xác định các nhóm trường.

– Nếu điểm của bạn thấp hơn trung bình điểm của các học sinh được nhận vào trường, đây là nhóm trường mơ ước.

– Nếu điểm của bạn tương đương điểm của các học sinh được nhận vào trường, đây là nhóm trường mục tiêu.

– Nếu điểm của bạn cao hơn trung bình điểm của các học sinh được nhận vào trường, đây là nhóm trường an toàn.

Tại sao bạn vẫn nên bỏ một số trường mơ ước vào danh sách dự nộp? Bởi đa phần trường Mỹ đánh giá bộ hồ sơ một cách toàn điện, ngoài điểm số, các trường còn nhìn vào các yếu tố khác như hoạt động ngoại khoá, thành tích,… 

Các chuyên giá tư vấn trong APUS khuyên các bạn học sinh nên lựa chọn khoảng 10 – 12 trường, trong đó chia 3 phần dành cho 3 nhóm trường: mơ ước, mục tiêu và an toàn.

5. Ưu tiên “fit” hơn là “match”

“Match” thiên về sự phù hợp liên quan tới các yếu tố định lượng như điểm số và các yêu cầu tuyển sinh của trường. Còn “fit” thiên về cảm xúc, cá nhân hơn, liên quan tới các yếu tố như vị trí trường, quy mô, sĩ số lớp học, hoạt động, văn hoá, con người. “Fit” mang tới cho bạn cảm giác thân thuộc, cảm giác khi bạn bước vào trường và thấy rằng đây thực sự là nơi dành cho mình.

Một trường có thể là “good match” nhưng lại là “poor fit”. Hãy ưu tiên một ngôi trường “fit” với mình nhé!

6. Xét tới yếu tố chi phí

Gia đình bạn cần lập kế hoạch tài chính cho việc du học Mỹ từ sớm bởi đây cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng trong chọn trường. 

Không thể phủ nhận rằng học phí tại các trường Đại học Mỹ càng ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, bạn cũng đừng chỉ nhìn vào học phí để lựa chọn trường sẽ ứng tuyển bởi các trường cũng có nhiều chính sách trao tặng học bổng và hỗ trợ tài chính cho học sinh đủ điều kiện. Vì vậy, khi tính toán tới chi phí, hãy tìm hiểu kỹ cả 2 yếu tố: học phí và chương trình hỗ trợ tài chính của mỗi trường để cân nhắc. 

7. Hãy thoải mái, đừng quá áp lực

Khi lập danh sách các trường dự nộp, hãy cố gắng chọn ra các trường có ít nhất 1-2 yếu tố phù hợp với bạn. Điều này sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng, áp lực và thất vọng nếu chẳng may không đỗ bất cứ trường mơ ước nào trong danh sách dự nộp.

Nếu bạn cần lời khuyên và hướng dẫn chi tiết về cách lập danh sách trường, các bạn có thể liên lạc với các chuyên gia tư vấn của APUS.