”Bí kíp” học Đại học Mỹ của cựu sinh viên Princeton

Tháng 7 là tháng các bạn vừa tốt nghiệp cấp 3 hối hả chuẩn bị học đại học. Đặc biệt là các bạn sắp bắt đầu du học còn có nhiều mối lo hơn khi phải tiếp cận môi trường học tập hoàn toàn mới.

Lời khuyên về đại học thực ra có rất nhiều, nhưng ở chuỗi bài viết này, mình muốn đưa ra một số lời khuyên cá nhân, đúc kết từ kinh nghiệm thời học đại học Princeton của mình. Dù những lời khuyên và ví dụ dưới đây sẽ phù hợp hơn cho các bạn du học (vì mình chưa bao giờ học ĐH Việt Nam), mình nghĩ là các nguyên lý có thể áp dụng dù bạn đang học ở bất cứ đâu.

Lời khuyên đầu tiên của mình là: chọn học những môn khó trước, và học những môn dễ sau!

Điều này chắc sẽ đi ngược 100% với hầu hết những gì người khác sẽ khuyên các bạn. Thông thường, nhà trường sẽ muốn các bạn dành năm 1, 2 để học các các lớp đại cương và những môn ngoài ngành bắt buộc (general requirements/distribution requirements). Thường, nhà trường sẽ khuyên bạn để dành những môn khó, chuyên ngành hơn cho năm 3, năm 4.

Lời khuyên đầu tiên của mình là: chọn học những môn khó trước, và học những môn dễ sau!

Cách học của mình hơi khác: mình học những môn khó hơn từ năm 1, còn những môn dễ, những môn ngoài ngành được để dành mãi đến năm cuối. Năm 1 ở Princeton, mình đã học một lớp 300x vốn dành cho sinh viên năm 3; năm 2 ở Princeton mình học một lớp 400x vốn dành cho sinh viên năm cuối hoặc thạc sĩ; đến năm 3 mình học trước các lớp dành cho nghiên cứu sinh tiến sĩ. Đến năm cuối, mình lại chọn toàn các môn dễ: tiếng Nhật, môn “đá đại cương” (học về địa chất), lịch sử cho người mới bắt đầu,…

Lý do mình xếp lịch học như vậy không phải vì mình muốn chứng tỏ bản thân. Có 2 lợi ích chính của việc học các môn khó, chuyên ngành trước:

Thứ nhất, việc học môn khó trước sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về ngành học của mình trước khi chính thức đi theo ngành đó. Có nhiều bạn rất thích môn Kinh tế đại cương, nhưng khi học sâu vào chuyên ngành thấy quá nhiều toán và mô hình lại nhận ra chuyên ngành kinh tế không phải là ngành mình thích. Do đó, việc học sớm trước một số lớp chuyên ngành sẽ cho bạn “nếm” trước một ít mùi vị thực sự của chuyên ngành mình.

Thứ hai, việc học môn khó trước sẽ vô cùng có ích khi các bạn nộp đơn xin thực tập vào mùa hè. Lý do chính khiến các công ty hay cơ sở nghiên cứu không muốn tuyển dụng những bạn năm 1, năm 2 vào thực tập là bởi vì các bạn rất thiếu kinh nghiệm chuyên môn. Do đó, nếu các bạn hỏi các anh chị năm trên “em nên làm gì vào mùa hè năm 1”, câu trả lời thường nghe nhất là “các em cứ bình tĩnh, chơi thôi em ạ.”

Mình lại có một suy nghĩ rất khác: mình nghĩ các bạn nên cố gắng đi thực tập ngay từ năm 1. Và để làm được điều đó, bạn phải chứng minh được cho các nhà tuyển dụng rằng bạn có khả năng và trình độ ngang với sinh viên năm 2, 3. Việc học chọn lọc trước một số môn chuyên ngành sẽ giúp bạn có kha khá kĩ năng để có thể đi thực tâp từ sớm.

Nói đi cũng phải nói lại, chiến thuật học các môn khó trước đòi hỏi sự bền bỉ và cố gắng; tuyệt đối không dành cho những bạn không đủ động lực. Ngoài ra, cách học này sẽ không phù hợp với những bạn vào đại học vẫn chưa xác định được mình nên ngành nào – trong trường hợp đó bạn nên khám phá theo chiều rộng hơn là chiều sâu.Mình nghĩ có bạn sẽ hỏi rằng: “nhỡ may các lớp khó hơn đòi hỏi kiến thức từ các lớp dễ hơn thì sao?” Câu hỏi này hoàn toàn hợp lệ. Mình có 3 phản hồi. Thứ nhất, có nhiều lớp trong khoa chuyên ngành nhưng lại không đòi hỏi nhiều kiến thức sẵn có.

Thứ hai, ngay cả khi một lớp đòi hỏi bạn đã học một lớp level dưới (prerequisites), bạn hoàn toàn có thể học môn yêu cầu đó cùng một lúc (concurrently) với lớp khó, hoặc thậm chí có thể tự học những kiến thức cần thiết ở nhà. Có lần mình muốn học môn Real Analysis (môn Toán Giải Tích Thực) mức độ nâng cao, nhưng lại chưa hề học môn Real Analysis mức cơ bản, một môn nổi tiếng khó ngay cả cho các bạn chuyên ngành toán. Cuối cùng, mình đã đăng ký môn nâng cao, và vừa đến lớp học nâng cao, vừa ở nhà tự đọc sách học môn cơ bản. Lúc đầu, mình không hề hiểu được người ta đang nói gì trong lớp, nhưng đến tuần thứ 3, 4 mình đã đuổi theo được tiến độ của lớp nâng cao. Cuối cùng, thay vì phải mất 2 học kỳ để học 2 lớp này, mình đã học được cả hai trong cùng 1 học kỳ. Việc học được môn này cấp nâng cao đã là một điểm mạnh trong hồ sơ nộp tiến sĩ của mình.

Thứ ba, khi người ta ghi “cần có kiến thức môn X để học lớp này”, thường là trên thực tế, bạn chỉ cần biết 10% của môn X để có thể áp dụng trực tiếp cho lớp cao hơn. Do đó, nếu bạn chọn học môn X cùng lúc hoặc tự học như đã nói ở trên, thì công việc cũng không phải nhiều và khó như bạn nghĩ.

Tóm lại, việc học ở Việt Nam rất quy củ, nhưng khi bạn đi du học, bạn hoàn toàn có thể tự học nhanh hay chậm tuỳ khả năng. Nếu bạn có quyết tâm và khả năng, mình nghĩ bạn nên cân nhắc học nhanh trước các lớp khó để có thể hiểu chuyên ngành hơn và có cơ hội đi thực tập cao hơn.

Tác giả: Châu Thanh Vũ, nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Harvard