Chàng trai Kon Tum đạt học bổng 13 tỷ như thế nào?

Lê Viết Lưu Thanh hiện đang là một học sinh chuyên Toán cuối cấp trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN và sẽ trở thành du học sinh Mỹ vào tháng 8 năm 2018. Trong kỳ tuyển sinh vừa qua Thanh đã xuất sắc nhận thư mời nhập học của 5 trường top 100 của Mỹ với tổng mức học bổng hỗ trợ tài chính lên đến hơn 13 tỷ . Và cuối cùng, Thanh đã chọn học tại trường Fairfield University (bang Connecticut, Mỹ) vào mùa thu tới với học bổng riêng của trường là 4 tỷ đồng.
Du học Mỹ và ước mơ khám phá bản thân
Sinh ra và lớn lên tại đất Kon Tum đầy nắng và gió, mảnh đất này đã nuôi ý chí muốn học thật giỏi và muốn vươn xa của Thanh. Học xong cấp 2, em thi đỗ và theo học tại THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên tại Hà Nội với mục đích ban đầu là theo đuổi ước mơ vào đội Toán tham dự thi quốc gia và quốc tế.
Sau khi thi quốc gia xong giữa năm lớp 11, Thanh có ý định chuyển mục tiêu sang du học. Được biết, nước Mỹ vốn không phải là điểm đến du học mà Thanh xác định ngay từ đầu. Thanh chia sẻ “Thực ra, ban đầu em chỉ muốn đi được nước ngoài thôi, nước nào cũng được. Em chọn Mỹ chỉ vì bộ hồ sơ đi Mỹ đòi hỏi nhiều bằng cấp, giấy tờ và có thể dùng để apply nhiều nước khác. Nhưng cuối cùng sau khi hoàn tất hồ sơ em vẫn lựa chọn Mỹ. Nước Mỹ là một môi trường hoàn toàn xa lạ, không còn một chút văn hóa Á Đông. Tư tưởng giáo dục ở Mỹ cũng vì thế mà trở nên khác biệt hơn. Em thích cách lựa chọn và thay đổi ngành học rất tự do ở Mỹ, tạo điều kiện cho sinh viên trải nghiệm và hiểu rõ bản thân mình trước khi gắn bó với ngành học nào đó. Đồng thời, khi đặt lên bàn cân, nền giáo dục Mỹ luôn thuộc top đầu thế giới và là nơi tập trung những bộ não hàng đầu của thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà các bạn học sinh Việt Nam đạt huy chương quốc tế đã chọn Mỹ làm bến đỗ tiếp theo trên con đường học vấn.”
Cũng chính vì tính tự do trong giáo dục Mỹ mà Thanh cho biết sẽ không vội vàng quyết định theo đuổi ngành Toán Ứng dụng tại trường Fairfield, mặc dù đây là môn học hiện tại bạn rất thích. Thanh tiết lộ, bạn sẽ dành năm đầu tiên và cũng có thể kéo dài đến năm 2 để học thật nhiều môn học, từ đó tìm kiếm ngành học thực sự mà mình sẽ gắn bó. Thanh cho rằng để xác định ngành học phù hợp, cần phải xem bản thân có đủ đam mê, tài năng đối với nó hay không. Đồng thời, ngành học này cũng cần phải tạo ra cơ hội việc làm cho mình trong tương lai.
Cậu bạn người Kon Tum này cũng đã vạch sẵn kế hoạch để bắt kịp với môi trường, nhịp độ sinh sống và học tập mới. Bạn xác định rõ sẽ tìm việc làm thêm ngay từ năm đầu tiên du học, bởi đây là cách tốt nhất để có thêm kinh nghiệm và kỹ năng cũng như làm quen với nhiều người, tích lũy thêm cho CV tìm việc sau này. Bên cạnh việc học, Thanh tiết lộ một trong những sở thích của mình là đi du lịch. Vì vậy Thanh dự định sẽ tận dụng thời gian rảnh của mình để khám phá trước hết là vùng Connecticut bạn sống, rồi sang New York, và sau đó là rộng ra toàn nước Mỹ.
 “6 tháng căng thẳng nhất trong cuộc đời học sinh”
Quay trở lại với giai đoạn trước, để có được học bổng gần như toàn phần cho chuyến du học Mỹ sắp tới, Thanh đã trải qua quãng thời gian khó khăn và đầy căng thẳng. Cuối năm lớp 11 Thanh mới xác định nộp hồ sơ đi Mỹ – khoảng thời gian mà hầu hết các bạn đã gần hoàn thành các chứng chỉ cũng như thành tích. Tuy thời gian xác định mục tiêu khá trễ so với các bạn khác, nhưng Thanh vẫn cố gắng rất nhiều.
Thanh chia sẻ “Em bắt đầu tăng tốc với các bài thi chứng chỉ SAT, TOEFL và cả những bài luận, thư giới thiệu. Em cũng tận dụng thời gian rảnh để tham gia vào các hoạt động ngoại khóa. Thực sự đó là sáu tháng căng thẳng bậc nhất trong cuộc đời học sinh. Em luôn bị đặt trong tình trạng chậm deadline. Đến tận giữa tháng 2 năm ngoái, bài luận phụ cuối cùng mới được gửi và em mới có thể thở phào.”
Cùng với đó, Thanh cũng luôn quan tâm đăng ký tham gia cuộc thi Toán mô hình để có thêm trải nghiệm và thành tích ghi vào hồ sơ tuyển sinh. Đáng chú ý, trong thời gian ngắn chuẩn bị hồ sơ du học, chắc hẳn Thanh đã gặp nhiều áp lực đối với các bài thi chứng chỉ SAT, TOEFL. Thanh chia sẻ: “Chỉ có 6 tháng để ôn nên em bị căng thẳng khá nhiều. Học dồn vừa mệt mỏi vừa giảm hiệu quả. Chính vì vậy, em khuyên các bạn nên bắt đầu với TOEFL và SAT từ sớm, học đều đặn để đạt kết quả mong muốn.”
Trong  những năm cấp 3, Thanh đã tham gia một số hoạt động ngoại khóa mà em hứng thú như: hoạt động trong BTC chương trình The Visa 2016 (chương trình chào đón Tân học sinh của trường) và Nắng Sân Trường 2017 (chương trình tri ân học sinh cuối cấp); giảng viên tại Học viện Sáng tạo Công nghệ TEKY; thuộc đội đại diện cho Việt Nam tham dự cuộc thi IICC 2017 tại Đài Loan; điều phối giao thông trong đội tình nguyện Tiếp Sức Mùa Thi 2017; tham gia các hoạt động thể thao (giải Nhất cờ vua toàn trường Đại học Khoa học Tự nhiên năm 2016, vào đến tứ kết giải bóng đá các trường THPT chuyên tại Hà Nội).
Chính điều này khiến em cảm thấy may mắn vì lúc bắt đầu nghiên cứu về bộ hồ sơ, Thanh đã có sẵn một số hoạt động, do đó không cần gấp rút chuẩn bị tham gia ngoại khóa như các bạn khác. Thanh cho rằng, hoạt động ngoại khóa quan trọng là trải nghiệm chứ không phải số lượng. Hãy tham gia những hoạt động mà bạn cảm thấy thực sự trăn trở, cố gắng hết sức, và qua đó có thể kết thân với những người bạn tốt, cùng chí hướng. Trải nghiệm và cảm xúc chân thành mới là ý nghĩ thực sự mà bạn cần phải nhận ra sau mỗi hoạt động ngoại khóa. Đó chính là những gì ban tuyển sinh cần chứ không hẳn là việc bạn sở hữu thật nhiều chứng chỉ tham gia ngoại khóa.
Theo đó, Thanh đã tham gia nhiều hoạt động trong năm lớp 10 và 11 với mục đích thể hiện tài năng cá nhân và đóng góp thành tích cho trường lớp. Đến khi quyết định du học, Thanh mới nhận ra những hoạt động này lại giúp ích cho mình như vậy. Thanh chia sẻ: “Có một ý kiến của Steve Jobs mà em luôn nhớ rõ và lấy đó làm bài học trong cuộc sống đó là Connecting The Dots. Mọi việc chúng ta làm đều mang một ý nghĩa nào đó đến cuộc sống của chúng ta dù sớm hay muộn.”
Mặc dù đã nhận được học bổng du học trong thời gian khá gấp rút, nhưng Thanh vẫn bày tỏ sự tiếc nuối lớn về bài luận chính trong quá trình chuẩn bị hồ sơ “Sau khi nộp bài luận và apply hồ sơ xong, em đọc một số bài luận của các bạn và cảm thấy mình rất nhỏ bé. Trong khi bài luận của em chỉ viết về một cậu học sinh lớp 10 yêu Toán và có những trăn trở về việc học trong đội tuyển, thì có bạn lại hóa thân thành một cậu bé thích chơi xếp hình và ngẫm nghĩ về sự toàn mĩ trong cuộc sống. Còn có bạn khác viết về đôi bàn tay của mình, hơi thô ráp, hơi gân guốc, nhưng làm được những điều thật lớn lao. Em tự nhận ra rằng trong bài luận mình phải thoát li ra khỏi hình ảnh một cậu bé học sinh thông thường. Có hàng trăm hàng ngàn cậu học sinh như vậy, thậm chí giỏi hơn mình rất nhiều, làm sao để thuyết phục hội động tuyển sinh chọn mình? Hãy viết về những điều đặc biệt của bản thân. Từ đó mới có thể gây ấn tượng với ban tuyển sinh và khả năng nhận học bổng sẽ cao hơn.”
“Hãy tự tin vào bản thân”
Đối với những bạn có dự định du học, Lưu Thanh cho rằng: “Các bạn hãy tự tin vào bản thân, tự tin để thể hiện hết con người của mình cho ban tuyển sinh thấy. Ai cũng có những câu chuyện đặc biệt, ai cũng có những ước mơ ấp ủ, những suy nghĩ đặc biệt. Đừng ngần ngại việc kể về những điều đó qua các bài luận cũng như qua xuyên suốt bộ hồ sơ của mình. Ngoài ra, người Mỹ rất thích những ứng viên mong muốn đem kiến thức của mình để cống hiến cho xã hội. Vấn đề xã hội nào bạn đang quan tâm, những điều gì bạn thấy bức bối trong xã hội Việt Nam? Bạn có là người dám tiên phong giải quyết bức bối đó? Người Mỹ muốn nhìn thấy điều đó.”