Chọn ngành: Câu chuyện tài chính hay theo đuổi đam mê?

Giống như hàng ngàn sinh viên cao đẳng và đại học khác, Susannah Lloyd-Jones cũng đã từng trải qua khoảng thời gian dài vật lộn với bản thân để chọn chuyên ngành phù hợp với mình. Kết quả là cô đã chọn Xã hội học – một quyết định “mở mang kiến thức và hướng tôi đến rất nhiều nền văn hóa khác nhau”, cô cho biết. Tuy nhiên, hơn hai năm sau khi tốt nghiệp, Lloyd-Jones – hiện đang là một trợ lý cho Maplewood – thỉnh thoảng lại tự hỏi rằng, có phải cô đã đưa ra một quyết định sai lầm trong quá khứ. “Có lẽ sẽ tốt hơn nếu tôi chọn học về kinh doanh”.
Tuy nhiên, theo Lloyd-Jones, nếu có thể quay lại trước đây, có lẽ cô vẫn sẽ chọn xã hội học, nhưng bên cạnh đó sẽ theo học thêm các lớp kinh doanh và thử sức với một vài công việc thực tập. Cô cho rằng phần lớn sinh viên đều cảm thấy vô cùng áp lực trong việc lựa chọn chuyên ngành khi đó là một quyết định hết sức quan trọng nhưng lại diễn ra trong thời điểm mà họ chỉ vừa mới bắt đầu hiểu được chính mình.
Áp lực mang tên “chọn đúng ngành” đã trở nên nặng nề hơn bao giờ hết bởi nhiều yếu tố chi phối như học phí gia tăng hay kinh tế không vững chắc. Phụ huynh và sinh viên ngày nay thường xem đại học như một khoản đầu tư hơn là khoảng thời gian được học tập và khám phá bản thân. Một số sinh viên nói rằng họ là những người tiêu dùng tìm kiếm lợi ích tốt nhất cho khoản đầu tư của mình, hay còn được gọi là khoản vay tài trợ sinh viên.
Trong cuốn “College Majors Handbook With Real Career Paths and Payoffs”, Paul E. Harrington, nhà kinh tế và phó giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Thị trường Lao động tại Northeastern cho biết, mức lương dành cho sinh viên tốt nghiệp ngành giáo dục và nhân văn thường ít hơn so với sinh viên học kinh tế hay kỹ thuật.
Năm 2002, người đi làm có bằng kỹ sư hóa và kế toán đã đạt mức thu nhập trung bình lần lượt là $ 75,579 và $ 63,486. Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp ngành triết học và giáo dục tiểu học kiếm được trung bình lần lượt là $ 42,865 và $ 38,746.
Harrington cho biết nghiên cứu này không nhằm ngăn cản các chuyên gia xã hội học theo đuổi niềm đam mê của họ. Thay vào đó, ông hy vọng thông tin này sẽ giúp sinh viên chuẩn bị kỹ càng trước khi chọn lựa một chuyên ngành. Ông khuyến khích những sinh viên học chuyên ngành nghệ thuật hoặc nhân văn nên tham gia thêm một số lớp học kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều người lo lắng rằng nếu việc lựa chọn nghề nghiệp chỉ đơn thuần dựa trên các yếu tố kinh tế thì có khả năng sẽ dẫn sinh viên đến những lựa chọn sai lầm. Điển hình là Jieun Chai, một sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Stanford, lại tỏ ra hối hận vì đã không chọn ngành ngôn ngữ học.
Alysha Cryer, bạn cùng phòng của Lloyd-Jones ở Loyola, từng chịu nhiều áp lực từ phía gia đình và các bạn cùng lớp – những người luôn thúc giục cô chọn trường luật hoặc kinh tế trong khi cô lại vô cùng yêu thích ngành xã hội học. Năm 2002 sau khi tốt nghiệp, cô nhận làm PR/Marketing cho một tổ chức phi lợi nhuận ở Chicago tên là Little Brothers. Mức lương khởi điểm của cô là $ 24,000 và chỉ vừa đủ sống ở Chicago. Năm 2003, cô chuyển đến Manhattan để làm việc cho Catalyst, một tổ chức nghiên cứu và tư vấn phi lợi nhuận. “Với sự đắt đỏ của giáo dục hiện nay, nhiều người trong thế hệ của tôi phải mang nợ. Vì vậy, một số người chọn hy sinh hạnh phúc cá nhân để kiếm tiền.”, cô cho hay.
Peter Vogt, một cố vấn nghề nghiệp ở Minneapolis và là người điều hành Diễn đàn Kế hoạch nghề nghiệp cho sinh viên đại học tại Monster.com cho biết, nhiều khách hàng của anh nghĩ rằng họ đã lãng phí những năm học đại học của mình. “Tôi nên chọn X thay vì Y. Tôi nên trải nghiệm thực tập không lương thay vì làm việc tại T.G.I. Friday’s để trang trải tiền học phí.” Vogt tin rằng những áp lực sinh viên phải đối diện trong hiện tại là lớn hơn nhiều so với những thế hệ trước.
Trudy Steinfeld, đại diện khối dịch vụ nghề nghiệp tại Đại học New York, nói với sinh viên rằng vai trò của chuyên ngành không phải chỉ trang bị cho một nghề duy nhất, mà n hỗ trợ người đi làm có khả năng thử sức với nhiều ngành nghề khác nhau. Cô đồng ý với kết luận cho rằng phần lớn người làm trong ngành tài chính, kế toán và công nghệ có mức lương cao hơn, nhưng vẫn có những trường hợp mà các ngành nghệ thuật và nhân văn gặt hái được thành công tương tự. “Đại học nên là nơi tạo cơ hội giúp sinh viên khám phá bản thân nhiều hơn, thay vì bị coi như là một nhà máy. Có hàng trăm chuyên ngành ở đó, và hầu như đều dẫn đến thất bại nếu sinh viên chỉ chọn ngành dựa trên mức lương trong tương lai.” Mặc dù vậy, Steinfeld đồng ý rằng ngày nay sinh viên còn chịu áp lực từ khá nhiều phía.
Tuy nhiên, Priscilla Molina – sinh viên năm hai đại học New York lại dành khá nhiều thời gian để chọn chuyên ngành. Nhiều bạn bè của cô theo đuổi sự nghiệp kinh doanh, nhưng điều đó lại không ảnh hưởng đến quyết định của Monila. Cô đam mê công việc quan hệ quốc tế và đang nghiêng về ngành nhân chủng học.
“Tôi muốn chọn con đường mà tôi yêu thích, một con đường sẽ mở mang trí tuệ của tôi. Tôi không muốn sau này phải hối hận vì đã không theo đuổi điều mình đam mê.”
Nguồn: www.nytimes.com