Chủ đề luận phụ thường gặp khi nộp Đại học Mỹ

Các trường Đại học hàng đầu Mỹ “tìm cách” làm khó thí sinh của mình thông qua những bài luận phụ. Mục đích để giúp trường hiểu hơn về ứng viên tương lai, để từ đó đánh giá được tính phụ hợp giữa ứng viên và trường. Các câu hỏi trong bài luận này dù “muôn hình vạn trạng” nhưng cũng không phải quá khó để nắm bắt nếu các bạn chịu khó theo dõi đầy đủ phần hướng dẫn sau từ APUS. 

Bài luận phụ là gì

Hãy thử tưởng tượng quá trình viết luận phụ như cách mà bạn nộp đơn ứng tuyển cho một vị trí công việc trong một tổ chức nào đó. Hầu hết các công ty đều muốn hỏi thêm về ứng viên của mình để có được cái cái nhìn sâu sắc nhất về ứng viên và mức độ phù hợp giữa ứng viên và tổ chức mà họ sẽ làm việc trong tương lai. 

Luận phụ là cách mà trường Mỹ muốn tương tác với ứng viên tương lai để đánh giá xem ứng viên có thật sự phù hợp với môi trường sống và học tập của trường hay không. 

Vì sao các trường lại yêu cầu bài luận phụ khi đã có luận chính?

Bộ phận Tuyển sinh sử dụng các bài luận bổ sung để thu thập nhiều thông tin nhất về bạn. Do vậy, các bài luận bổ sung không nên mâu thuẫn hay trùng lặp với những gì bạn đã viết ở luận chính và các phần khác của hồ sơ. Bài luận phụ luôn đòi hỏi tính cụ thể, tính xác thực và sự cam kết. 

  1. Tính cụ thể

Khi nói đến tính cụ thể, các trường đại học mong đợi bạn sẽ cung cấp những thông tin chi tiết về điều mà bạn ấn tượng về trường chứ không chỉ khen chung chung rằng khuôn viên trường rất đẹp hay thứ hạng của trường rất cao.  

  1. Tính xác thực

Trường hy vọng bạn sẽ cụ thể hoá những điều mình quan tâm chứ không chỉ nói những câu chung chung như tôi rất muốn học toán để trở thành một nhà toán học trong tương lai.

  1. Cam kết

Đây là cơ hội để bạn thể hiện kinh nghiệm và tính kết nối giữa các hoạt động ngoại khoá đã làm trong quá khứ và dự định sẽ làm trong tương lai. Bạn có thể thể hiện sự cam kết này theo nhiều cách, có thể đơn giản như nói: “Tôi dự định xây dựng niềm đam mê phục vụ cộng đồng bằng cách tham gia câu lạc bộ gia sư tại Harvard.” Những bổ sung nhỏ như vậy cho thấy rằng bạn coi trọng cam kết của mình đối với những việc bạn đã làm trong quá khứ và có kế hoạch tiếp tục những cam kết này trong tương lai.

8 dạng câu hỏi thường gặp trong bài luận phụ

1. Câu hỏi ‘Why us? / Why you?’:

Với dạng câu hỏi này, bạn nên tập trung vào:

  • Trường cung cấp cho bạn những gì?
  • Trường phù hợp với sở thích, đam mê và giá trị mà bạn hướng tới như thế nào?

Thông qua câu hỏi này, trường muốn hỏi bạn: “Tại sao bạn chọn chúng tôi và Tại sao chúng tôi nên chọn bạn?” Đối với một bài luận “Why you”, bạn nên chỉ ra được (1) Sở thích, đam mê và giá trị cá nhân và (2) Những phẩm chất này phù hợp với trường như thế nào.

Để trả lời câu hỏi này, bạn nên tập trung vào một số cơ hội bạn mong đợi sẽ nhận được khi vào trường, bạn sẽ tận dụng những cơ hội này thế nào từ những kinh nghiệm có được trong quá khứ như thế nào và từ đó, tạo ra những ảnh hưởng đến cộng đồng sinh viên trong trường ra sao. 

  1. Câu hỏi về chuyên ngành học 

Trường muốn hiểu thêm về những thế mạnh, sở thích học thuật của bạn để từ đó hình dung ra được phạm vi học thuật mà bạn muốn theo đuổi trong tương lai, những mục tiêu mà bạn muốn hướng tới và bạn sẽ tận dụng được những môn học nào ở bậc Đại học để đạt được điều đó. 

  1. Bài luận mô tả hoạt động ngoại khoá

Bài luận này thường đề cập đến một hoạt động ngoại khóa nào bạn từng tham gia và qua đó hiểu thêm về con người bạn. Bạn có thể trả lời các câu hỏi dưới đây để lựa ra một hoạt động phù hợp nhất:

  • Hoạt động nào quan trọng nhất đối với bạn, và tại sao? 
  • Bạn đã học được gì qua hoạt động này để tiến bộ hơn trong tương lai?
  • Hoạt động này đã mang lại ảnh hưởng tích cực nào đến cộng đồng và củng cố giá trị nào về bản thân bạn?
  1. Bài luận về đóng góp cho cộng đồng

Các trường đại học sẽ hỏi: “Bạn đã đóng góp cho cộng đồng như thế nào? Bạn sẽ mang lại điều gì cho cộng đồng của trường chúng tôi?” Khi đặt câu hỏi này, các cán bộ tuyển sinh đang cố gắng tìm hiểu: Trường có đặc điểm gì mà bạn muốn trở thành một sinh viên tương lai? Và bạn sẽ đóng góp được gì cho trường khi trở thành một sinh viên của trường? Khi trả lời những câu hỏi này, bạn nên cho trường biết những trải nghiệm bạn đã có trong quá khứ, và kết nối những điều đó như thế nào với những điều mà bạn muốn đóng góp cho trường trong tương lai. 

  1. Bài luận có độ dài ngang với bài luận chính:

Các bài luận này có thể khác nhau về nội dung nhưng có độ dài tương tự nhau khoảng từ 500-650 từ. Trường sẽ đề nghị bạn viết về:

  • Một ai đó đã truyền cảm hứng cho bạn
  • Một trải nghiệm trong đời giúp bạn định hình thế giới quan của mình 
  • Sử dụng một câu trích dẫn để nói về quan điểm nào đó của bạn.

Bài luận này giống như một bài luận Common App khác, và bạn cần phải chọn một chủ đề khác đi để thể hiện con người mình.

  1. Bài luận với câu hỏi rất ngắn

Một số trường đại học sẽ hỏi những mô tả ngắn gọn về bản thân hoặc những điều bạn thích bằng 100 từ hoặc ít hơn, có thể là: 

  • Hai tính từ mà bạn bè dùng để mô tả bạn
  • Từ yêu thích của bạn 
  • Món ăn vặt yêu thích của bạn
  • Bạn muốn đặt câu hỏi cho ai (còn sống hoặc đã chết) và bạn sẽ hỏi họ điều gì?
  • Nếu bạn được mời dạy một lớp học, bạn sẽ dạy học sinh điều gì?

Những câu hỏi trả lời ngắn này luôn khó nhằn. Để trả lời những câu hỏi này bạn hãy suy nghĩ về thông điệp muốn gửi ra thông qua mỗi câu trả lời, kèm theo lời giải thích cụ thể.

  1. Viết thư gửi người bạn cùng phòng tương lai 

Câu hỏi này khá dễ hiểu, mục đích là để bộ phận tuyển sinh đánh giá được lòng nhiệt huyết, đam mê, trí tuệ và sự đồng cảm với cộng đồng sinh của trường thế nào. Bạn có thể chọn bất cứ chủ đề nào để thể hiện sự sáng tạo, hài hước, truyền cảm hứng để làm nổi bật được con người mình. Ví dụ: Bạn muốn thể hiện bản thân là một “quả cầu năng lượng” bất tận luôn mang lại sự tích cực cho người khác hay là một người biết lắng nghe, tin cậy, luôn ở bên để giúp đỡ người khác? Câu hỏi này cần trung thực và chứa đựng một khía cạnh sâu sắc thực sự về con người của bạn. 

  1. Các dạng câu hỏi chung chung khác

Nhóm câu hỏi này thường rất sáng tạo và hơi khác thường, ví dụ như:

  • Cách thiết kế một lớp học
  • Bạn làm gì để giải trí trong lúc nhàn rỗi 
  • Chọn một hình ảnh đại diện cho bạn
  • Điều gì khiến bạn hứng thú với việc học?

Những câu hỏi này tuy khác nhau nhưng lời khuyên chung là: hãy đào sâu về bản thân bạn, tỏ ra khiêm tốn, thể hiện sự ham học hỏi (thể hiện tình yêu học tập của bạn) và phải thật chân thực (không xuề xòa hoặc nói những điều sáo rỗng).