Để “cưa” được trường, bạn phải hiểu rõ trường

Để “cưa” được trường, bạn phải hiểu rõ trường

Từ một cậu bé học lực bình thường, từng bị giáo viên tại VN cho rằng “không còn khả năng học lên”… Trần Đắc Minh Trung sau đó đã “lột xác”, đậu vào chương trình cao học của ngôi trường danh giá nhất nước Mỹ Harvard. Minh Trung hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Massachusetts và Đại học Columbia, Hoa Kỳ, đồng thời anh cũng tham gia APUS với tư cách chuyên gia tư vấn chiến lược nộp hồ sơ Đại học Mỹ. Minh Trung đã nhận lời chia sẻ với Tuổi Trẻ về cách chinh phục học bổng ở các trường lớn.

Được biết bạn từng chinh phục thành công học bổng “khủng” dù trước đó hồ sơ không quá xuất sắc. Theo bạn thì việc chinh phục thành công này là do những yếu tố gì?

Theo tôi thì hồ sơ cũng giống như con người vậy. Đi xin việc nếu là một người bẩm sinh rất đẹp và nhanh nhạy nhưng không chịu sửa soạn và bê trễ thì chưa chắc người nhìn đã có thiện cảm. Ngược lại một người có ngoại hình kém hơn và chậm hơn nhưng chịu khó chỉn chu về tác phong và câu chữ thì vẫn có rất nhiều cơ hội. Với nền giáo dục của Mỹ thì người Mỹ lại càng chú trọng tính đa dạng (diversity) trong một niên khóa, nên các trường xem xét rất nhiều khía cạnh của hồ sơ. Trong suy nghĩ của học sinh chúng ta thì điểm số và hoạt động xã hội là hai chỉ tiêu sống còn để đánh giá hồ sơ có mạnh hay không. Nhưng trên thực tế thì hai chỉ tiêu này chỉ mang tính tương đối và không quá rạch ròi. Việc chinh phục thành công nằm ở một vài yếu tố Khai thác tối ưu tương quan giữa điểm số và các khía cạnh khác: điểm số có thể không cao nhưng phải nằm ở mức tối thiểu của trường. Khi bạn đã đạt đến mức điểm tối thiểu này thì điểm tăng thêm là lơi thế nhưng không phải là thứ quan trọng nhất. Cách mà bạn thể hiện bản thân mới là quan trọng nhất. Nếu bạn đầu tư học ôn thi thêm 3 tháng để có thể tăng 30-50 điểm SAT thì việc bạn đầu tư 3 tháng đó vào bài luận, hoạt động, thư giới thiệu… sẽ có hiệu quả hơn.

Bộ hồ sơ hoàn chỉnh: toàn bộ hồ sơ từ bộ hồ sơ khai trên mạng (CommonApp đối với Mỹ) cho tới các bài luận, thư giới thiệu, các tài liệu thêm… liền mạch và bổ sung cho nhau, không bị trùng lắp với nhau và phải độc đáo để không nhàm chán lặp lại các điểm mà các thí sinh khác cũng sẽ có. Hãy suy nghĩ và thu thập thông tin để xem một ứng viên bình thường sẽ có những gì trong hồ sơ, và từ đó nghĩ theo hướng ngược lại để thể xây dựng hình tượng cá nhân. Cá tính độc đáo: học sinh Việt Nam quen với văn hóa theo mẫu do vậy thường viết CV theo mẫu, tham khảo mẫu bài luận… Bạn hãy học cách tự tạo ra bộ hồ sơ theo ý mình trước, sau đó nếu cần thì tham khảo thêm bài mẫu để đối chiếu sửa lại các chỗ chưa ổn. Thay vì xây dựng bộ khung sườn từ tài liệu mẫu thì hãy tự dưng bộ khung sườn của mình và dùng tài liệu mẫu hoàn chỉnh bộ da bên ngoài. Phong thái tự tin: hiểu được cơ chế tuyển sinh theo kiểu thị trường của Mỹ. Hồ sơ phải nói rõ được những điểm bạn có và sẽ đem lại cho trường. Nói càng chi tiết và minh bạch càng khẳng định được khả năng của bạn. Bạn không “xin” học mà bạn đang “thương lượng” để đến học tại trường.

Theo quan điểm của bạn, bài luận có giá trị như thế nào trong khâu xét tuyển?

Để hiểu bài luận thì bạn nên có cái nhìn sơ bộ về quy trình xét tuyển. Bình thường khi một hồ sơ được nhận và đã đầy đủ thông tin để sẵn sàng xét tuyển thì đều phải đi qua một số bước khác nhau. Resume/CV (tức sơ yếu lý lịch) của bạn sẽ được đọc rất nhanh gọn trong vòng vài giây, sau đó một nhân viên sẽ đọc lướt (screen) toàn bộ trong vài phút nhằm sàn lọc các hồ sơ kém chất lượng. Một hồ sơ được xem là đủ chuẩn đi tiếp sau đó thường được đọc kỹ hơn bởi chuyên viên tuyển sinh (admission officer) lên đến hơn 20 phút. Cuối cùng, các hồ sơ sẽ qua vòng hội đồng tuyển sinh (admission committee) nhằm đưa ra quyết đinh cuối cùng về việc nhận học (và song song là học bổng, quy trình học bổng có thể diễn ra cùng lúc hoặc sau đó nhưng tương tự về quy cách).

Như vậy, ngoài điểm số chỉ cần nhìn qua là rõ, đa số thời gian hồ sơ của bạn sẽ được nghiền ngẫm về bảng khai lý lịch và hoạt động ngoại khóa, bài luận, và thư giới thiệu. Bạn đã dành thời gian bao lâu cho việc viết luận? Khi viết luận thì ngữ pháp hay câu chuyện quan trọng hơn? Vì sao? Việc viết luận kéo dài nhiều tháng. Đó là bởi vì ngoài một bài luận chính nộp chung cho tất cả các trường thì bạn còn cần các bài luận phụ mà mỗi trường tự cho đề và yêu cầu khác nhau. Có trường dài cả nghìn từ, có trường chỉ hơn 100 từ. Có trường cho 3,4 câu hỏi phải viết tiểu luận, có trường đơn giản hỏi câu chủ đề cuộc đời (life motto) của bạn là gì. Quan trọng hơn nữa là bài luận phụ nên liền lạc với ý của bài luận chính nên cứ hoàn thành xong một bài luận phụ thì bài luận chính cần được điều chỉnh lại, khiến quá trình viết luận cực kỳ mất thời gian. Quá trình viết luận không phải chỉ để hoàn thành một phần trong bộ hồ sơ mà nó còn là quá trình chiêm nghiệm bản thân trước khi bước vào một mốc lớn của cuộc đời. Do vậy các bạn nên thận trọng và chuẩn bị cho một cuộc marathon tinh thần, hơn là một đường đua nước rút khi sắp đến hạn chót nhận hồ sơ.

Bạn có nói là có sự khác nhau trong khâu tuyển sinh, xét học bổng giữa châu Âu và Mỹ. Bạn có thể chia sẻ đôi nét về điều này?

Ở châu Âu thì hội đồng tuyển sinh đặc biệt chú trọng điểm số và khả năng chuyên ngành của một ứng viên. Điểm số đóng vai trò quyết định tối đa, còn bài luận hoặc các yếu tố hoạt động ngoại khóa chỉ là phụ thêm. Mục tiêu tuyển sinh của châu Âu là tìm ra những học sinh học giỏi nhất và nâng cao tối đa số điểm chuẩn ứng tuyển vào trường. Chính vì thế mà đa số các quốc gia tại châu Âu có xếp hạng rất rạch ròi và thường hiếm khi một người lọt vào trường có thứ hạng cao lại chọn học trường có thứ hạng thấp hơn.

Ngược lại ở Mỹ chú trọng vào con người của ứng viên thể hiện qua bài luận và hoạt động ngoại khóa. Mỗi học sinh chọn trường cũng không chỉ dựa vào yếu tố sức học mà còn dựa vào sự phù hợp với nét văn hóa của trường. Nếu chăm đọc báo sinh viên (mà từng trường đều có) và theo dõi thông tin về trường, bạn sẽ thấy mỗi trường ở Mỹ đều có nét cá tính riêng. Do vậy, khác với châu Âu, bạn phải thuyết phục nhà trường bằng cả điểm số, hoạt động, và sự phù hợp về văn hóa với trường. Một điểm nữa là châu Âu chú trọng đào tạo kỹ thuật và lao động chất lượng cao, và chỉ như thế là đủ. Đa số học sinh chọn một chuyên ngành từ rất sớm, theo một chương trình rất sát sao với chuyên ngành, và rất khó chuyển đổi chuyên ngành.

Còn nền giáo dục của Mỹ là giáo dục khai phóng từ cấp độ cử nhân đến cao học bạn sẽ thấy có rất nhiều lớp cho học sinh chọn lựa ngoài chuyên ngành. Không hiếm khi một người học kỹ thuật lại có 1/4 hay 1/3 số lớp là lớp văn chương chẳng hạn. Và có những người học lên cao học trái ngành với ngành mà họ tốt nghiệp cử nhân. Điểm này thể hiện cả ở quan điểm xét tuyển đại học. Dù là học ngành nào thì ở Mỹ bạn cũng phải thể hiện một sự am hiểu tri thức xung quanh và một chút nhiệt huyết với việc cải tạo môi trường mình đang sống tiến tới thay đổi cả thế giới.

CÔNG NHẬT (thực hiện)