Du học- Viết cho “Người ra đi”

Bài viết từ góc nhìn người đã trải nghiệm cả hai nền giáo dục- Anh (Cambridge) và Mỹ (Stanford) và đúc kết ra phương pháp học phù hợp cho bản thân và cho công việc trong tương lai
DU HỌC – VIẾT CHO “NGƯỜI RA ĐI”
Thầy đã học như thế nào ở Mỹ – Stanford?
Trước đó Thầy du học ở Anh – Cambridge
Người trong cuộc chia sẻ nhiều thứ, trong đó lưu ý:
– Học cái mình giỏi
– Học cái mình cần
– Học cái mình thích
“Khi thời khắc Du học Mỹ tiến sát dần, khá nhiều học sinh và phụ huynh bắt đầu trăn trở lẫn băn khoăn trước những câu hỏi quan trọng và bất tận: Học ở đâu ? Theo ngành gì ? Chọn môn ra sao ? Cần Học thêm gì khác ? hay Học cái này cái kia lúc nào ? … để đến cùng một mục tiêu là ở lại Mỹ có việc !!! Cũng hơi buồn một chút là hiếm ai hỏi nên “Học thế nào” ???
Tự nhận mình là kẻ thất nghiệp ở cả Anh và Mỹ, thầy thuộc dạng mù tịt về các “Độc Chiêu” kiếm việc hay những “Bí Kíp” bám trụ Miền Đất Hứa. Nhưng dẫu sao cũng là những điều mà độc giả vô cùng kỳ vọng nên thầy xin mạn phép được nêu ra vài điểm cơ bản – học lỏm từ các bậc cao nhân:
– Sang Mỹ học Kỹ Sư, Toán Ứng Dụng, Khoa học Máy tính, hay đại loại STEM nói chung thì quá chuẩn ngành nước họ đang thiếu … BÂY GIỜ, nhưng 4 năm nữa thì chẳng ai biết được
– Nếu trót dại theo Kinh tế, Quan Hệ Quốc Tế, Chính Sách Công hoặc các thể loại văn học, nghệ thuật hay xã hội thì nên xác định trước tinh thần … TRỞ VỀ “cống hiến đất nước”, cứ suy từ kinh nghiệm bản thân tích đủ bằng cấp cả 3 chuyên ngành này
– Việc học trên lớp đương nhiên là quan trọng: GPA 3.7+, Double/Triple Majors + Minors, hay nhằn đủ thể loại môn học khó thì chắc chắn sẽ được nhà tuyển dụng ưu ái cho nhảy vòng hồ sơ – và vẫn tinh thần đó thẳng tiến thì cam đoan là … Trượt việc một cách HOÀNH TRÁNG.
– Để kiếm được việc thì điểm then chốt lại chẳng mấy liên quan đến chuyện học hành, ví như là:
i) Có thực tập bởi gia đình quen biết giới thiệu [CONNECTIONS]
ii) CV “đặc” hoạt động ngoại khóa vì quá ham hố vui chơi [EXTRA CURRICULAR ACTIVITIES]
iii) Xổ tiếng Anh “chém gió” một cách lưu loát đáp trả mưa câu hỏi phỏng vấn trên cơ sở … chẳng biết gì [BULLSHITTING]
iv) và quan trọng nhất là kỹ năng “lân la lê liếm” với đủ mọi tầng lớp từ bạn bè, các anh chị năm trên, cựu học sinh, tới giáo sư trong trường … để tạo mối quan hệ từ “chân không” mà bên Xã hội Mỹ súng bái gọi là [NETWORKING SKILLS]
Cũng bởi Việc Học “cụ thể” cái gì không quyết định chính trong câu chuyện xin việc (nói riêng) hay thành công (nói chung), nên câu hỏi tốt KHÔNG PHẢI là Học Ở đâu [WHERE], Cái gì [WHAT], hay Lúc nào [WHEN].
Hợp lý hơn là nên bắt đầu từ những khái niệm nền tảng vốn rất “trìu tượng” – như là Học thế nào [HOW] và Tại sao phải học [WHY] – rồi từ đó linh hoạt mà cụ thể hóa chúng trong từng môi trường và thời điểm nhất định.
Tất nhiên, kinh nghiệm 8 năm nghề giáo dạy cho thầy rằng khi gặp những câu hỏi bao trùm và thử thách thế này thì nên biết … “né” – tránh sa lầy trong những tranh luận triết học cấp vĩ mô thượng tầng, vô cùng tới mức … VÔ BỔ. Do vậy, thầy mạn phép giới hạn câu trả lời này ở phạm trù cá nhân, trên tinh thần “Hỏi xoáy Đáp xoay” và đón nhận độc giả “Đọc rồi để Like – Like rồi để … Quên”
Thoạt nhìn, Du học sinh nên “Học thế nào” tưởng chừng là một vấn đề khá phức tạp. Vì thú thật, thầy phải mất đến 4.5 năm học ở Anh mới vỡ lẽ về cách học thế nào. Giờ kể lại chắc nhiều em học sinh sẽ cười khẩy vì thấy nó … quá đỗi ngây ngô đơn giản, chung quy lại chỉ là: “Phân loại Kiến Thức” và “Phân bổ thời gian”. Và cụ thể nó gồm 2 bước:
• Bước 1: Phân loại Kiến Thức (hoặc Kinh nghiệm) sẽ trau dồi vào 3 NHÓM để học là: 
i) Cái mình GIỎI
ii) Cái mình CẦN
iii) Cái mình THÍCH
Một môn học có thể được xếp vào 1,2, hoặc cả 3 Nhóm, và môn học đó có thể chuyển dịch ra/vào Nhóm trong suốt quá trình học tập.
Lấy ví dụ, trước khi đi Du học, thầy xếp Môn Toán Học vào cả 3 Nhóm bởi nó là cái thầy GIỎI (bởi học chuyên toán từ cấp 1 và có luyện thi giải quốc gia), CẦN (vì đã định theo học Toán ở Đại học), và THÍCH (có thời giải toán quên ăn quên ngủ).
Vào Đại học theo ngành Kinh tế dưới sức ép của gia đình, thầy vẫn GIỎI học Toán (cho Kinh tế) và THÍCH làm Toán nhưng nó không còn thực sự CẦN phải trau dồi. Và cuối cùng, sở THÍCH học Toán cũng dần nhường chỗ cho cái khác.
Tương tự như vậy, Tiếng Anh là thứ thầy trước đây rất tệ và đến giờ cũng chẳng dám nhận là mình GIỎI, nhưng chắc chắn nó là thứ thầy CẦN bởi có nó thầy mới tiếp cận được những thứ mình THÍCH.
• Bước 2: Phân bổ Thời Gian sẽ rất dễ dàng khi thứ mình học nằm chung cả 3 Nhóm.
Song cuộc sống lại không hề đơn giản vậy !!!
Nhiều bạn Du học sinh chuyên Toán dù biết mình CẦN cải thiện tiếng Anh nhưng vẫn không dám chọn các môn học đòi hỏi đọc và viết nhiều, một phần vì lo điểm thấp và một phần vì học tốn thời gian gấp 2-3 lần các môn Toán – tóm lại là tránh môn mình không GIỎI.
Ở một thế giới khác, Du học sinh chuyên Anh thường nghĩ mình GIỎI tiếng Anh với điểm TOEFL/IELTS/SAT/ACT cao chót vót khi vào Đại học mới chợt nhận ra rằng … mình kém xa về ngôn ngữ với các bạn bản địa – thành thử mới có nhan nhản các bạn chuyên Anh chuyển sang học Toán Ứng Dụng, Kinh tế, hoặc thậm chí Khoa học Máy tính vì phát hiện ra là mình vẫn … GIỎI toán hơn khối người, mà thế là quá đủ để lấy A rồi.
Và còn bao câu chuyện “chôn vùi” của giới Du học sinh theo đuổi 5-6 môn học ngay kỳ đầu với khẩu hiệu “mình THÍCH thì mình học thôi”… Để đến ngày trượt hơn nửa số môn mình học, nếm trải cái thứ gọi là trầm cảm, song cũng vì thế mà bớt dần bệnh “Học chỉ vì đam mê”.
Vậy là còn tốt đó, vì để bệnh nặng hơn nữa là sẽ thành ví dụ điển hình của khối các anh chị Du học sinh ra trường với tấm bằng Khoa học Chính trị, Tâm lý, hay Lịch sử rồi chợt bừng tỉnh trong quá trình xin việc, khi các công việc ở Mỹ (và cả Việt Nam) lại chẳng CẦN kiến thức đó, hay nói trắng ra là, sở THÍCH chúng mình không gặp được nhau.
Nếu định nghĩa Thành công là “Xin việc ở nước ngoài” thì, vào thời của thầy, ví dụ điển hình nhất là các bạn du học sinh chuyên Anh:
i) học cái GIỎI hơn các bạn Mỹ như Kinh tế và Toán ứng dụng
ii) học cái CẦN là kỹ năng phỏng vấn, làm việc nhóm, nói trước đám đông, chém gió, lân la lê liếm …
iii) học cái THÍCH là vài khóa Văn học / Nghệ Thuật / Xã hội / Viết sáng tạo …
Xét về tỷ trọng phân bổ thì thời gian lớn nhất sẽ dành cho những cái CẦN, sau mới đến cái GIỎI, và cuối cùng là cái THÍCH.
Tất nhiên nó hơi ngược với kỳ vọng của các em sắp sang Mỹ du học bây giờ, chắc bởi thế hệ trẻ giờ có nhiều suy nghĩ cũng khác …
Vậy khi người ta xin được việc thì tôi làm cái quái gì ở Stanford ???
• Học cái mình GIỎI
Ở Stanford có 2 mức điểm khó nhất có thể đạt được là A+ (cao nhất, chỉ dành cho 1-2 bạn trong lớp) và C- (thấp nhất vì dưới nữa là trượt). Nhiều lúc thấy khá tự hào vì mình có cả 2 điểm này ở Stanford với cùng phương pháp học chung là … 1 đêm thức trắng. Thế điểm khác nhau là gì ? Khác nhau ở chỗ A+ là môn Econ ABC còn C- là môn thuộc Sociology XYZ – và đương nhiên môn đầu thì được chọn còn môn sau là bắt buộc. Phải cảm ơn phong cách giáo dục chuyên môn hóa cao độ của Anh mà suốt 3 năm ròng Đại học ra trường chỉ biết đúng Lý thuyết Kinh tế, Các chuyên ngành Kinh tế, Ứng dụng của Kinh tế, và Các công cụ để kiểm chứng lý thuyết … Kinh tế. Thế nên sang Stanford cứ thế nhắm mấy môn liên quan đến Kinh tế mà chọn cho nó … tiết kiệm thời gian mà vẫn đủ điểm giữ học bổng. Nếu chỉ cần điểm số thì chẳng tội gì không chọn môn mình GIỎI ! Điểm GPA của thầy không hoành tráng như các bạn Trung Quốc và Mỹ, nhưng thú thật cũng là một “huyền thoại” của cái khóa năm đó bởi chuyên viết Paper và ôn cuối kỳ … chỉ trong 1 đêm. Nhiều bạn cùng lớp nghĩ mình chém gió Bullshitting song hóa ra đúng là như vậy (em nào biết thú vui học thi của thầy thì chắc không phải biện minh làm gì). Điểm mấu chốt của hệ thống “Curve” điểm bên Mỹ là để được A/A+ thì (rất) khó, chứ B+/A- mà không phải môn xương xẩu thì đúng là … chỉ cần 1-2 đêm. Thế nên nếu vào lớp mà thấy đủ mấy bạn siêu sao vừa giỏi vừa chăm chỉ thì cố A làm chi cho mệt. Tốt hơn là đổi lớp đổi môn hoặc đơn thuần chấp nhận năng lực mình không bằng các bạn. Với trường hợp của thầy, sau 8 năm về Việt Nam tới giờ, chưa Nhà tuyển dụng nào hỏi điểm GPA Đại học/Cao học, chỉ biết đến mình có cái bằng, còn bạn bè, họ hàng, khách hàng, hay đối tác thì chẳng đếm xỉa gì đến chuyên ngành học mình học đâu. Cho nên là …
• Học cái mình CẦN
Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính Mỹ, thầy xác định về Việt Nam mà đem bằng Chính sách Công/Quan hệ quốc tế về thì chỉ có lựa chọn vào Nhà nước hoặc NGO làm, vì Khu vực tư nhân có khi còn “dị ứng” với bằng cấp đó. Đương nhiên, thầy có thể lý luận là trong khóa học có đủ thể loại môn học “hổ đốn” song bổ ích và liên quan, nhưng chúng ta đang ở Việt Nam mà, chẳng ai đọc tới khóa học của mình mà chỉ nhìn vào cái tên của cái bằng … Vậy làm gì để tự cứu mình ? Suốt 2 năm Thạc sỹ, thầy dành thời gian tự học và thi hết các kỳ thi dành cho cấp độ Chứng chỉ CFA (Phân tích tài chính) và FRM (Quản lý Rủi ro) – là 2 chứng chỉ nghề nghiệp về tài chính phổ cập nhất. Và thực sự là thời gian học CFA & FRM có khi còn nhiều hơn dành cho bài vở trên lớp, vì tính ra cũng ngót nghét quãng 1500 giờ học. Cứ mỗi dịp cuối tuần, thầy lại lặn lội vác xe đạp lên tàu hỏa tới San Francisco để học nhóm cùng 2 bạn Mỹ khác đang đi làm, ròng rã các thứ 7 cuối tuần suốt liền 1 năm. Được cái hồi đó Việt Nam chưa ai biết nhiều về các chứng chỉ tài chính kiểu CFA, nên tự nhiên về trở thành hàng hiếm, rồi run rủi thế nào làm giáo viên (bán thời gian) CFA suốt 6 năm liền. Tuy bây giờ thì hơi quá sớm, nhưng thầy khuyên là nếu em Du học sinh nào có định hướng nghề nghiệp tài chính thì nên xem thử CFA mà trù liệu trước. Kiến thức CFA, thường ở cấp độ 1 (level 1), sẽ rất hữu ích cho phỏng vấn xin việc ngành tài chính ở NƯỚC NGOÀI. Tất nhiên, Kiến thức CFA mà dùng ở Việt Nam thì chắc tối đa là 20%, mà đấy phải là với công việc làm Ngân hàng, chuyên sâu về các Sản phẩm Phái sinh Cấu trúc (Structured Products) làm cùng đối tác nước ngoài.
• Học cái mình THÍCH
Chắc nhiều em học sinh đọc đến đây sẽ thấy thầy vô cùng phí phạm thời gian Du học của mình vào những thứ:
i) Không có gì mới mẻ (Vì không thử các khóa học “hay ho” ở Stanford) và
ii) Hoàn toàn có thể học ở Việt Nam (nhiều bạn sinh viên Việt Nam ra trường đỗ CFA 2 cấp độ).
Các em à … Đừng Bao Giờ để Khóa Học là giới hạn hiểu biết của chúng ta:
i) Thầy là học sinh “dở hơi nhất” ở Khoa Kinh Tế Cambridge, khi năm 2 vừa học và thi cả 5 môn khi chỉ cần lấy điểm 4 môn, đơn giản là muốn học cái mình THÍCH (Kinh tế Phát triển) mà không lo giảm điểm số vì đã có bảo hiểm bằng cái mình GIỎI (Toán Kinh tế)
ii) Một lần nữa, năm 3 Đại học, khi trường chỉ yêu cầu lấy điểm 4 môn học thì thầy học và thi 5 môn + 2 môn nữa cặm cụi đến giảng đường ghi ghi chép chép – đơn thuần vì mình THÍCH tìm hiểu các lĩnh vực khác nhau của Kinh tế, dù chẳng làm bài và cũng không đi thi. Sang đến Stanford, ngoài CFA & FRM, thầy phải dành thời gian cho những hoạt động “Giải trí chính đáng” là tâm sự định kỳ mỗi tối, đi du lịch Las Vegas, “cày” Phim từ thư viện Stanford, và ăn uống tụ tập cuối tuần cùng hội Việt Nam.
Thành thử, thầy cũng hơi tiếc là không có nhiều thời gian để tham dự Sự kiện và đến nghe Giảng đường các lớp học thú vị khác – nhưng thôi, giờ thích thì lên Coursera mà xem. Bù vào đó, thầy tranh thủ thời gian rảnh đọc nhiều và đa dạng để thỏa mãn trí tò mò. Song xin các em đừng hỏi thầy đã đọc các tác phẩm kinh điển này kia chưa (Classics Novels) thì thầy xin thú nhận là cuốn tiểu thuyết Tiếng Anh duy nhất thầy từng đọc là Da Vinci Code (do bạn tặng). Thậm chí đến Harry Porter còn chẳng màng đụng tới, đơn giản vì thầy THÍCH đọc nhiều các sách phi tiểu thuyết khác nhau để hiểu thêm về các vấn đề thực tế trong cuốc sống như:
i) Kinh tế học Hành vi (Behavioural Economics)
ii) Tâm lý (Psychology)
iii) Thành công và Thất bại trong Tài chính (Cases in Finance), gần đây là
iv) Khởi nghiệp (Startups) và
v) Giáo dục (thầy rất xin lỗi các em và phụ huynh vì đáng ra thầy nên đọc về lĩnh vực cuối này sớm hơn và nhiều hơn!!!).
Vì vậy, nếu nhiều người khuyên rằng không nên đọc sách vì “Điều hay Không dạy Trong Sách”, thì thầy tặc lưỡi mà phản bác là “Do mình chưa đọc đúng Sách mà thôi”. Bạn bè Stanford lúc đến phòng thầy thấy 100+ quyển sách thư viện xếp chất đầy trong phòng thì đặt luôn biệt hiệu là Hưng “buôn sách”… Đấy là may bọn nó không biết còn một kho 1000+ sách lậu pdf để máy tính, với nỗi lo bị bắt tội bản quyền và ước mơ mãi không thành hiện thực là được đọc vào “một ngày không xa” …
Và lời cuối dành cho “Người Ra Đi”: “Đừng lẫn lộn trong việc học cái mình GIỎI, mình CẦN, hay mình THÍCH, bởi rào cản kiến thức không bao giờ là Khóa học hoặc Trường Đại Học, mà đơn giản là sự thụ động của chính chúng ta”.
Nguồn: Hưng Trần (Cambridge & Stanford Alumni)

1 thought on “Du học- Viết cho “Người ra đi””

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *