Hành trang lên đường Du học Mỹ

Học sinh, sinh viên hay phụ huynh lần đầu cho con đi xứ lạ quê người sẽ có nhiều lo lắng, bỡ ngỡ. Mình chia sẻ một số trải nghiệm của bản thân để mọi người tham khảo. Tất nhiên mỗi người có ý kiến riêng, bí quyết khác nhau, và không phải cái gì mình kể cũng áp dụng cho tất cả được. Mọi người nên tự tìm hiểu thêm và chọn lọc cho phù hợp với bản thân nhé.

Checklist 

Đang chuẩn bị hành trang, sắp xếp hành lý, bạn kiểm tra checklist này xem có đầy đủ mọi thứ cần thiết trong hành lý xách tay chưa.

  • Passport
  • Visa: Visa stamp đã được đóng dấu vào passport
  • Form I-20: Dành cho những bạn đi du học bằng visa F-1. Thường form này sẽ được lãnh sự quán/đại sứ quán ghim vào passport. Form I-20 này bạn sẽ có thể được yêu cầu trình cho nhân viên hải quan. Đi theo dạng giao lưu văn hoá (visa F1) sẽ yêu cầu những giấy tờ khác chứ không phải I-20.
  • Một ít tiền mặt đi đường để phòng thân, ăn uống, thẻ tín dụng quốc tế nếu có
  • Áo khoác: máy bay đường dài thường khá lạnh lúc mọi người ngủ. Bạn nên phòng thân một cái áo khoác nhẹ nhỡ bị lạnh. Có thể mang theo một đôi vớ nữa.
  • Thuốc: nhức đầu, đau bụng, thuốc say xe nếu cần. Trên khoang máy bay không khí rất khô, nên có thể mang theo thuốc nhỏ mắt và chai xịt khoáng nhỏ (travel size)
  • Đồ ăn vặt: Nếu sợ đói, thức ăn không hợp khẩu vị trên máy bay thì có thể mang theo bánh kẹo đóng hộp, đừng mang đồ tươi.
  • Cây bút: để điền form trước khi nhập cảnh, khỏi mất công mượn

Lên đường 

Khi đi, nơi nhập cảnh vào Mỹ là nơi bạn sẽ phải qua hải quan, làm giấy tờ, và lấy hành lý ra, cho dù đó không phải là đích đến cuối cùng. Mấy lần đầu đi mình cũng rất bỡ ngỡ không biết cái gì nên làm, cái gì không. Sau khi chinh chiến qua các cửa nhập khẩu khác nhau mình rút ra được các kinh nghiệm sau.

  • Form I-94: Trước đây, khi vào cửa khẩu ở Mỹ, nhân viên sẽ ghim vào một tờ giấy nhỏ là I-94 arrival/departure form mà khi rời nước Mỹ bạn sẽ phải đưa lại ở sân bay. Vài năm gần đây, I-94 đã hoàn toàn điện tử nên bạn không cần lo lắng. Chỉ cần về nhà, lên mạng vào website I-94 site- US Customs and Border Protection và tìm tên mình để in ra khi cần.
  • Trên máy bay, tiếp viên hàng không sẽ phát cho hành khách form nữa để nhập cảnh. Bạn nhớ lấy và điền thông tin cần thiết để đưa cho nhân viên hải quan. Nhưng nếu quên thì không sao! Khi đến sân bay sẽ có chỗ để lấy form, đừng lo. Và hàng nhập cảnh thường khá dài, nên bạn có thời gian viết form trong lúc chờ đợi. Nhớ tuyệt đối lúc xếp hàng đừng lấy điện thoại ra chơi, vì ở khu vực đó cấm điện thoại.
  • Sau khi nhập cảnh, nếu có bay tiếp sang thành phố khác thì bạn vẫn phải lấy hành lý rarồi check in lại. Vì thế nên đừng có đi ra quá lố khỏi khu vực, sẽ không đi vào lại được. Mình đã bị một lần ở Chicago rồi, đi lỡ ra ngoài trước khi check in lại để chuyển tiếp. Chuyến bay kế tiếp thì lại ở terminal khác, phải khệ nệ bưng một đống vali qua bên đó, taxi còn muốn đuổi xuống vì khoảng cách đi quá gần, bực muốn khóc.
  • Trước khi được check-in lại, bạn có thể phải qua soi hành lý tuỳ theo lời khai khi điền form là vali có mang theo những gì. Trên tờ form hải quan, bạn phải khai (declare) nếu có mang thức ăn như lạp xưởng, chà bông, trái cây, bánh Trung Thu, v.v. Những thứ này không được phép nhập cảnh, chỉ những thứ đóng hộp đàng hoàng mới có thể qua. Vì hải quan ở cửa khẩu lớn khá quen với việc người châu Á mang các thứ này, nên đừng nói dối có thành không trên tờ form. Người ta không chỉ đọc form mà còn nhìn mặt và gọi lại kiểm tra. Đến lúc đó thì hậu quả nghiêm trọng hơn vì bạn nói dối với người làm công vụ.

Nhớ xem bảng để biết máy bay đi cửa (gate) nào, và đôi khi cửa có thay đổi nhớ để ý đi cho kịp, đừng ỷ y. Nếu lỡ máy bay đáp trễ, hay xếp hàng nhập cảnh quá lâu mà lỡ chuyến bay chuyển tiếp, hãy bình tĩnh. Hãy đến kiosk customer service của hãng máy bay giải thích lí do và yêu cầu được lên chuyến kế tiếp nếu còn chỗ. Bạn có thể kể lể là em còn nhỏ, phải về đi học gấp, v.v hi vọng được xếp chỗ. Chứ không người ta thường ưu tiên những khách bay thường xuyên trước.

Cả tỉ những thứ khác khi đến Mỹ

  • Đi lại: Với sự phát triển của crowd source economy, các dịch vụ như Uberhay Lyft đã giúp mình tiết kiệm nhiều thời gian (vì không phải chờ xe buýt) và tiền bạc (rẻ hơn taxi). Nhưng mọi người vẫn nhớ cẩn thận tránh đi một mình về đêm, nên về cùng với bạn. Lên taxi nên gọi điện thoại cho người thân hay bạn bè và báo cho biết mình sẽ về lúc mấy giờ, nói to để taxi nghe thấy. Trên app cũng có option để bạn chia sẻ thông tin chuyến đi cho người khác qua tin nhắn. Cẩn tắc vô ưu nhé.
  • Đi du lịch: Ngoại trừ đi công tác, đã lâu mình không còn book khách sạn trực tiếp khi đi du lịch mà hay dùng Airbnb để ở nhà người địa phương. Vừa rộng rãi thoải mái, được giới thiệu những chỗ nên đi, giá cũng khá mềm tuỳ lựa chọn cá nhân. Còn nếu cần gấp, bạn có thể thử Hotel Tonight app. Những phòng khách sạn không có khách sẽ được list ở đây với giá khá rẻ nếu cần book gấp trong vòng 24-48 tiếng ngay trên phone của mình.
  • Điện thoại về nhà: Chắc chắn bạn hay dùng FaceTime hay Skype để nói chuyện miễn phí với gia đình. Còn cần gọi qua điện thoại, có thể dùng Google Voice nạp tiền gọi bằng internet. Hồi xưa mình hay dùng thẻ của những công ty Việt Nam, nhưng so lại thì Google Voice cũng bằng giá, khoảng 7 cent 1 phút.
  • Tiền bạc: Đừng mang nhiều tiền mặt trong người. Tiền học thì có thể chuyển khoản thẳng vào trường qua ngân hàng dùng I-20. Tiền xài thì có thể chuyển vào tài khoản ở Mỹ để dùng thẻ debit mà quẹt hay rút tiền. Một cách nữa có thể thử là mở joint account. Mở tài khoản ở Việt Nam theo dạng có thể dùng thẻ ở Mỹ và bị charge vài phần trăm, không quá cao. Gia đình có thể nạp tiền vào ở VN và thẻ bên này được rút hay quẹt.
  • Thẻ ID: Vì không có bằng lái xe, nên bao nhiêu năm ở Mỹ mình phải mang theo passport khi cần chứng minh tuổi, nhất là khi đi với bạn vào bar. Cái này khá mạo hiểm vì nếu mất passport là tiêu. Vì thế mọi người nên lấy bằng lái xe để có ID, hoặc tìm hiểu ở tiểu bang của mình có thể có làm ID (không phải bằng lái) được không. Một số nơi có cấp Liquor ID cho những người trên tuổi uống rượu 21 mà không có bằng lái. Cứ lên website của tiểu bang mình để tìm hiểu thông tin nhé.

Nguồn: Tiny Pharmacist