Hé mở quá trình xét duyệt Hồ sơ Đại học Mỹ ?

Mỗi trường Đại học Mỹ có cách đánh giá hồ sơ riêng theo quan điểm từng trường. Bài viết này của #APUSVietnam cung cấp cho các bạn góc nhìn đa chiều về quy trình xét duyệt hồ sơ mà Hội đồng tuyển sinh (Adcom) trường Mỹ thường áp dụng để lựa chọn ra thí sinh phù hợp nhất.
Có thể nhiều người nghĩ các trường sẽ đọc hồ sơ ngay khi nhận được phân loại nhưng điều này không đúng. Sau khi hồ sơ của bạn chuyển đến trường, hồ sơ sẽ được phân loại theo một số tiêu chí khác nhau* và kể từ lúc nhận được hồ sơ đến khi phân loại xong cần một đến hai tuần. Đặc biệt, những trường xét hồ sơ theo holistic review (xét hồ sơ toàn diện, không chỉ thành tích học thuật mà còn những khía cạnh khác) sẽ cần nhiều thời gian phân loại hồ sơ trước khi chính thức bắt đầu chuyển sang bước 2- đánh giá hồ sơ.
Do vậy, cho đến khi toàn bộ thành phần trong hồ sơ của bạn đến tay trường, hồ sơ mới bắt đầu được xét duyệt. Vd: hồ sơ nộp đi vào đầu tháng 1 (cho vòng RD) nhưng bảng điểm đến muộn thì phải đến tháng hai, hồ sơ của bạn mới được xét.
Trong quá trình phân loại hồ sơ, một số trường (đa phần các trường lớn) dùng chính sách cut-off để loại hết những hồ sơ có điểm trung bình (GPA) và điểm kì thi chuẩn hoá chưa đạt chuẩn trước khi thành viên Hội đồng Tuyển sinh (adcom) chính thức đọc hồ sơ.
Hồ sơ thường được phân loại theo khu vực. Cách này giúp người đọc hồ sơ hiểu rõ điểm mạnh, yếu của mặt bằng thí sinh trong từng khu vực, để đưa ra quyết định công tâm hơn. Tùy theo quy mô và độ khó của trường sẽ quyết định tần suất hồ sơ được đưa ra thảo luận trước Hội đồng tuyển sinh (Adcom). Adcom thường gồm có Dean of Admission, người Giám đốc Văn phòng tuyển sinh và phó văn phòng hoặc/và người đứng đầu một college house nào đó hoặc/và vài faculty chủ chốt nếu trường nổi về một ngành nào.
Một số trường (đa phần trường lớn), gần như hồ sơ nào cũng phải ra đến adcom để đưa ra quyết định.
Với những trường còn lại, hồ sơ sẽ được đánh giá bởi một số người theo một trong hai quy trình sau: – Yes/No: Người thứ nhất đọc hồ sơ và đưa ra nhận định của mình bằng cách ghi: đồng ý (yes) hoặc không đồng ý (no) hoặc – Rating system: Người thứ nhất cho điểm hồ sơ theo một hệ thống gồm nhiều tiêu chí khác nhau theo thang điểm từ 1-10. Nếu theo hệ thống yes/no, sau khi người đọc đầu tiên hoàn thành phần đánh giá của mình, hồ sơ sẽ được chuyển cho người thứ đọc thứ hai- người này thường hiểu rất rõ, sâu hơn về nơi mà thí sinh học tập, hoạt động,… và nếu người này cùng quan điểm với người thứ 1 thì quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra. Nhưng nếu hai người không chung quan điểm, hồ sơ sẽ chuyển đến người đọc thứ 3 hoặc chuyển qua hội đồng thảo luận và bỏ phiếu đưa ra quyết định cuối cùng. Nếu theo hệ thống rating system (tính điểm), người đọc thứ hai sẽ cho điểm và những hồ sơ có tổng điểm cao nhất sẽ được đưa ra hội đồng cân nhắc thêm lần nữa trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Quy trình xét tuyển nêu trên diễn ra ở hầu hết các trường đôi khi bị chỉ trích là máy móc, nhất là khi người đọc duyệt hồ sơ chỉ dựa vào những thông tin có sẵn như bảng điểm, điểm thi chuẩn hoá, hoạt động ngoại khoá, bài luận, thư giới thiệu,… và kinh nghiệm cá nhân qua nhiều năm để nhận định thí sinh đó có thực sự phù hợp hay không.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình đọc hồ sơ, người đọc bắt gặp một số điểm họ khó đưa ra quyết định được, họ sẽ đưa những hồ sơ này ra hội đồng để thành viên hội đồng trao đổi và bỏ phiếu quyết định.
Sau khi nhấn nút submit, thí sinh gần nhưng không thể làm gì khác để tác động vào quyết định của adcom. Tuy nhiên, khi nhận được kết quả, hồ sơ của bạn bị để lại (deferred) để xét duyệt ở vòng sau, điều bạn cần làm sẽ là:
1. Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ của mình để nâng điểm số cao nhất có thể.
2. Tham gia vào các hoạt động ngoại khoá để thể hiện cho trường thấy lòng đam mê và tính cam kết cao mà bạn dành cho những hoạt động này.
3. Chau chuốt lại bài luận, và cập nhật thêm một số thông tin (như thư giới thiệu, video, etc.) nhằm giải thích thêm những phần bạn nghĩ trường chưa rõ về mình. Nếu xin thêm thư giới thiệu, bạn nên xin của những người có liên quan tập trung vào khẳng định đam mê của mình với ngành học và sự phù hợp với trường.
4. Nếu khả năng nói tốt nhưng chưa được phỏng vấn đợt ED, bạn hãy đề xuất trường đặt lịch phỏng vấn với mình ở vòng tiếp theo.