Hoạt động ngoại khóa cho học sinh muốn theo đuổi ngành kinh doanh

Nếu bạn là người năng động, thích đưa những ý tưởng vào thực tế, thích tự chủ và làm chủ bản thân mình, các trường kinh doanh với nhiều chuyên ngành đào tạo từ kinh tế, tài chính đến marketing có thể sẽ là một sự lựa chọn phù hợp cho bạn. 

Tuy nhiên, cũng như bất cứ ngành nào khác, con đường đến với ngành Kinh doanh đòi hỏi sự tìm hiểu và bắt tay vào thực hiện ngay từ khi bạn “nảy” ra ý muốn theo đuổi ngành này. Các chương trình đào tạo ở các trường Kinh doanh tại Mỹ vô cùng cạnh tranh nên nếu bạn chỉ có điểm thi chuẩn hoá cao hay thành tích học tập tốt không thôi chắc chắn sẽ chưa đủ. 

Điều tối quan trọng chính là bạn cần thể hiện được cho Ban tuyển sinh thấy mình có những tố chất và thế mạnh phù hợp ngành học này. Và các dự án ngoại khóa chính là cách giúp bạn thể hiện ra những năng lực này.

1. Phân loại 4 nhóm hoạt động ngoại khoá từ mức độ thấp đến cao 

– Nhóm 4 bao gồm các hoạt động thường dễ tìm thấy trong hầu hết hồ sơ ứng tuyển. Đây là nhóm các hoạt động ở mức động bình thường, không đòi hỏi học sinh phải đảm nhiệm những vị trí quan trọng hay ra được kết quả. Ví dụ: trở thành thành viên câu lạc bộ nào đó trong trường. Những hoạt động này không tạo ấn tượng rõ ràng với Ban tuyển sinh mà chỉ giúp trường biết rằng đây là một trong những sở thích của bạn.

– Nhóm 3 có những hoạt động tương tự như nhóm 4, chỉ khác là những hoạt động này đạt được một vài kết quả nhất định. Ví dụ: bạn và các thành viên trong câu lạc bộ đạt giải thưởng trong một cuộc thi trong trường. Những hoạt động này tốt hơn so với nhóm 4 nhưng chưa thực sự làm hồ sơ của bạn trở nên nổi trội.

– Nhóm 2 gồm có những hoạt động bạn giữ vai trò lãnh đạo, và cùng nhóm của mình giành được những giải thưởng lớn ở mức độ thành phố, quốc gia. Những hoạt động này giúp Ban tuyển sinh nhìn thấy được năng lực và khả năng cống hiến của bạn ở mức độ sâu hơn. 

– Nhóm 1 là nhóm hoạt động ngoại khoá được đánh giá cao nhất. Những hoạt động này thường diễn ra trong nhiều năm và ít người có thể theo đuổi đến cùng được. Những hoạt động này thường có mức độ ảnh hưởng ở tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Và tất nhiên, ai sở hữu những hoạt động ở tầng này tạo được ấn tượng tốt nhất đến Ban tuyển sinh.

2. Các hoạt động cho ngành Kinh doanh:

Bạn cần lựa chọn những hoạt động giúp rèn luyện kỹ năng về kinh tế, phân tích dữ liệu, và khả năng lãnh đạo:

– Tham gia các câu lạc bộ kinh tế, tài chính, marketing, đầu tư chứng khoán,…

– Dự thi các cuộc thi kinh doanh, kinh tế trong và ngoài nước (như National Economics Challenge – một cuộc thi thường niên về kinh tế vi mô, vĩ mô, các sự kiện quốc tế…).

– Xây dựng và vận hành một doanh nghiệp nhỏ, như bán đồ những sản phẩm thân thiện với môi trường,…

– Nghiên cứu để giải thích một vấn đề nào đó mà các doanh nghiệp giải quyết những vấn đề hay gặp phải với doanh nghiệp của mình.

– Thực tập tại các bộ phận về phát triển kinh doanh, tiếp thị, truyền thông, tài chính cho các công ty/tổ chức.

Và luôn nhớ rằng dù tham gia hoạt động nào, bạn cũng nên cố gắng “nâng hạng” các hoạt động đó từ cấp độ 4 lên cấp độ 1 để Ban tuyển sinh thấy được mức độ chuyên sâu của mỗi hoạt động ngoại khoá mà bạn tham gia nhé.