Hoạt động ngoại khóa quan trọng đến mức nào trong bộ hồ sơ Đại học Mỹ?

Cùng với thành tích học tập và các loại điểm số, các hoạt động hay dự án ngoại khóa là một phần không thể thiếu trong bộ hồ sơ ứng tuyển vào đa số các trường Đại học hàng đầu ở Mỹ. Tuy nhiên, các hoạt động này quan trọng đến mức độ nào trong quá trình tuyển sinh Đại học Mỹ? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Trên thực tế, mỗi trường Đại học Mỹ đánh giá các hoạt động ngoại khóa theo một cách khác nhau và điều này sẽ ảnh hưởng đến quyết định xét tuyển của họ. 

1. Với các trường đại học công lập lớn, ít cạnh tranh:

Nhìn chung, các hoạt động ngoại khóa sẽ không có tác động đáng kể đến quy trình đánh giá hồ sơ của nhóm trường này. Lý do chính là do những trường này (đặc biệt những trường nòng cốt của tiểu bang) thường nhận được hàng chục ngàn hồ sơ đăng ký nhưng họ lại không đủ nguồn lực đánh giá toàn bộ các thành phần trong hồ sơ.

Do đó, nhóm trường này thường đánh giá theo phương pháp định lượng, tức là thông qua điểm của các kỳ thi chuẩn hóa và điểm trung bình vì đơn giản phương pháp này giúp họ đánh giá thí sinh nhanh hơn là tập trung vào đọc các bài luận và thư giới thiệu. Thậm chí có một số trường còn sử dụng những phần mềm tự động để nhanh chóng phân loại các ứng viên theo điểm số.

Bằng cách này, ban tuyển sinh có thể dễ dàng rút ngắn số lượng hồ sơ cần đánh giá kỹ lưỡng. Học sinh có điểm số cao hẳn sẽ rất dễ được nhận, và những bạn có điểm số thấp hơn mức trung bình thường sẽ khó để vào trường. Chỉ những bạn ở mức giữa thì sẽ cần đến sự đánh giá dựa trên các yếu tố khác, như hoạt động ngoại khoá chẳng hạn.

Tuy nhiên, có một điểm đáng lưu ý là ở những trường đại học công lập lớn, khi học sinh ứng tuyển để xin học bổng của trường, hoạt động ngoại khóa thường được đánh giá chặt chẽ và khắt khe hơn so với quy trình xét tuyển thông thường. Trường có thể yêu cầu bạn cung cấp thêm các loại giấy tờ chứng minh hoạt động và thành tích của mình.

2. Với các trường đại học công lập lớn, cạnh tranh cao:

Hàng năm những trường đại học công lập lớn và danh tiếng như UC Berkeley, Đại học Michigan hoặc Đại học Virginia nhận được hàng trăm ngàn đơn đăng ký từ trong nước Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Để được nhận vào những ngôi trường này, bạn không những cần có điểm số cao mà bạn cũng cần có các hoạt động ngoại khóa nổi bật.

Các trường này xem xét đánh giá nhiều yếu tố ngoài điểm trung bình và điểm các kỳ thi chuẩn hóa, nhưng vẫn dựa vào điểm số này để lọc ứng viên. Về các hoạt động ngoại khóa, ban tuyển sinh nhóm trường này không yêu cầu thí sinh diễn giải quá chi tiết trong bài luận hay đòi hỏi ứng viên phải nộp thêm giấy tờ chứng minh giải thưởng, thành tích. 

3. Với các trường tư thục, ít cạnh tranh:

Thông thường, các trường tư thục ít cạnh tranh không nhận quá 10,000 học sinh ứng tuyển một năm. Do vậy, họ thường áp dụng phương thức xét tuyển hồ sơ một cách toàn diện (holistic admission). Trường sẽ đánh giá hồ sơ dựa trên nhiều phương diện, từ điểm số cho tới các hoạt động ngoại khóa, bài luận và thư giới thiệu để đánh giá mức độ phù hợp và cam kết của thí sinh đó với trường.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là thí sinh nộp đơn vào các trường đại học tư thục nhỏ và ít cạnh tranh cần có các hoạt động ngoại khóa xuất sắc hơn so với các trường khác, mà chỉ là họ coi hoạt động ngoại khóa quan trọng ngang bằng như với các yếu tố khác trong bộ hồ sơ.

4. Với các trường tư thục, cạnh tranh cao:

Năm ngoái, gần 42,300 sinh viên ứng tuyển vào Stanford, và trong số này, đa số có điểm trung bình và điểm các kỳ thi chuẩn hóa thuộc diện cao và rất cao. Vì vậy, các trường tư thục cạnh tranh cao chắc chắn áp dụng phương thức xét tuyển hồ sơ một cách toàn diện (holistic admission), không chỉ bởi họ có nguồn lực để làm việc này, mà còn bởi nếu chỉ nhìn vào điểm số, họ không thể lựa chọn được những thí sinh thực sự khác biệt và nổi trội hơn mặt bằng chung (đa phần là học sinh giỏi đến xuất sắc).

Tương tự, các trường khác như Harvard, Amherst, Princeton luôn coi hoạt động ngoại khoá là một thành phần quan trọng trong quá trình đánh giá hồ sơ. Họ đánh giá các hoạt động ngoại khóa vô cùng kỹ lưỡng. Thí sinh cần thể hiện được đam mê, khát vọng cống hiến hay khả năng lãnh đạo thông qua các hoạt động ngoại khoá của mình. Đặc biệt, thông qua các hoạt động này, các trường cũng muốn biết xem thí sinh có khả năng và quyết tâm theo đuổi chuyên ngành mình lựa chọn hay không. Những dự án ngoại khóa liên quan tới chuyên ngành sẽ cho phép bạn thể hiện các kỹ năng thực tế và chứng minh rằng bạn có đủ tố chất để theo học chuyên ngành này trong tương lai.

Dù bạn có dự định nộp đơn vào bất cứ trường nào trong các nhóm trường kể trên, việc dành thời gian nuôi dưỡng và xây dựng những dự án ngoại khóa có chiều sâu vẫn luôn là một điều nên làm. Những trải nghiệm trong quá trình này không những giúp bạn tìm ra được đam mê của mình, lựa chọn ngành học phù hợp mà còn tìm ra những người bạn cùng chí hướng để thực hiện những mục tiêu lớn hơn trong tương lai.

Đăng ký tham gia toạ đàm trực tuyến: Định hướng ngoại khóa ngành STEM & đặt câu hỏi cho diễn giả tại: https://bit.ly/Webinar_May2020