Học bổng du học (Mỹ) và những gáo nước lạnh vào mặt

Trong quyển “Eat that frog”, ở một nơi nào đó, mỗi buổi sáng người ta sẽ ăn một con ếch sống :””| để khi điểu tồi tệ nào đó xảy ra trong ngày, họ vẫn có thể vui vẻ nghĩ rằng không gì tệ hơn bữa sáng của mình cả. Với tinh thần đó, khi mà người người nhà nhà vẽ nên bao hương vị ngọt ngào của điều bạn sẽ nhận được khi đi du học, hay ngày càng nhiều câu chuyện diệu kì được viết nên về những suất học bổng khủng, mình sẽ kể cho các bạn nghe một số gáo nước lạnh – những sự thật phũ phàng mình nhận ra – về việc nộp đơn xin học bổng du học. Sẽ tập trung vào du học Mỹ nhưng bạn có thể dùng đó để mường tượng các con đường khác.
1. Gáo nước 1: Học bổng Toàn phần (Full scholarship)… chẳng đủ:
Điều này sẽ đúng nếu bạn không thể lo được tiền ăn ở (khoảng $10-20k/ năm, mình xác định không thể nào đủ nên cũng không rõ lắm). Mình không biết trước đây như nào, nhưng những “Full scholarship” của các trường trao cho học sinh, đã cực kì khó khăn để có được rồi, lại có khi chỉ bao gồm toàn phần học phí. Ngay cả khi có thêm gói Room & Boards (ăn ở, sách vở các thứ) thì bạn vẫn phải lo một số chi phí khác như tiền bảo hiểm.
Một ví dụ là có trường cho mình toàn phần học phí + Room & Boards nhưng sau đó vẫn phải đắp thêm hỗ trợ tài chính (sẽ nhắc đến ở dưới) để mình có thể chi trả được.
Vì vậy, đừng ngạc nhiên nếu bạn may mắn nhận được Full scholarship mà trường không chi trả hết các khoản phí cho bạn được.
Gói học bổng bao “trọn gói” được gọi là Full-ride scholarship nếu bạn cần từ khóa để tìm kiếm.
Và gáo nước này chỉ lạnh nếu bạn chỉ nhắm mỗi học bổng chứ không tìm hiểu các dạng hỗ trợ tài chính khác, một khái niệm khá lạ nếu bạn chưa biết rõ về du học Mỹ. Nói ngắn ngọn thì hỗ trợ tài chính chính là bước đệm cho bạn vượt qua khó khăn tài chính để thực hiện ước mơ đó. Xem thêm tại đây: https://en.wikipedia.org/wiki/Stude…
2. Bạn sẽ phải cạnh tranh với con-nhà-người-ta chính hiệu để giành suất hỗ trợ tài chính lớn:
Đã học giỏi lại năng nổ hoạt động ngoại khóa, cầm kì thi họa đủ cả, nhà lại có điều kiện.
Ủa nhưng sao lại có yếu tố “nhà có điều kiện” ở đây? Chẳng phải hỗ trợ tài chính là cho ai “không có điều kiện” sao?
Ten ten! Đau lòng ở chỗ đó. Tưởng tượng ông Sáu bán chuối chiên đầu hẻm chiên được 2 trái chuối y chang nhau về ngoại hình lẫn chất lượng. Bạn muốn ăn chuối chiên và trái chuối bên trái bạn phải trả 10k, trái bên phải bạn phải trả 1000k (1 triệu). Nhấn mạnh là y chang nhau, thì bạn có chịu bỏ 1 triệu mua trái chuối bạn có thể mua với giá 10k không?

Chuối chiên – Món ăn thần thánh của một thế hệ 8X, 9X (Cre: silo.vn)
Tuyển sinh ĐH Mỹ cũng thế thôi. Bạn phù hợp nhưng cũng có người phù hợp ngang ngửa bạn nhưng không đòi hỏi trường phải hỗ trợ bất kì chi phí nào. Nói thật thì người như thế rất nhiều các bạn ạ. Và thường thì sau khi bỏ 10k ăn xong chuối chiên rồi thì bạn sẽ muốn dùng 1 triệu kia mua món gì khác. Thế là hẩm hiu trái chuối ngon nhưng hét giá 1 triệu :””P
Tuy nhiên, chuối của ông Sáu có thể bán được với giá 1 triệu nếu nó có gì đó đặc biệt: được trộn nhân sâm hay dát vàng, làm từ chuối hiếm, hay thậm chí chẳng cần đầu tư nguyên liệu gì là được ông Obama ghé ăn.
Vậy nên, điều gì làm món chuối chiên của bạn đặc biệt?
3. Không phải ai có 1 triệu cũng muốn mua chuối hiếm còn người có thể mua thì lại có quá nhiều cái hiếm để mua:
Nói không đâu xa, học sinh sinh viên bình dân chẳng điên đâu mà đi mua chuối dát vàng để ăn, dù rất muốn thử cho biết. Và các trường ĐH cũng vậy, dù bạn long lanh tỏa sáng và các trường khát khao có bạn là sinh viên, họ vẫn phải ngậm ngùi từ chối vì có nhận cũng không thể cho bạn đủ tiền và vì số tiền đó có thể đầu tư cho 100 người khác, dù không bằng, nhưng cũng ngang ngửa bạn.
Các trường có quỹ hỗ trợ lớn lại thường là các trường nức tiếng và cạnh tranh khốc liệt. Như Harvard chẳng hạn, chẳng quan tâm bạn cần bao nhiêu, sẽ nhận bạn rồi cần bao nhiêu sẽ cho hết.
Thế là bao nhiêu của hiếm của thiên hạ dồn vào những nơi thế này: voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao,… Và hằng hà sa số những của ngon vật lạ bạn chẳng ngờ có tồn tại trên đời.
Thế nên, nếu chỉ là trái chuối chiên nhỏ bé, hoặc là bạn phải bán phá giá, hoặc bạn phải biết tiếp thị cho sự đặc biệt của mình. Nhưng đó là cái hay của kinh doanh, xác định được giá trị của mình và khách hàng tiềm năng (chọn trường phù hợp).
4. Bạn bị “Phân biệt đối xử” vì là học sinh quốc tế:
Một ví dụ: Ở Việt Nam, trường công lập thường có học phí dễ thở hơn trường tư hay dân lập, thậm chí còn có học bổng cho sinh viên có thành tích cao. Teng! Thế thì cứ nộp các trường công lập Mỹ đi, vừa rẻ lại dễ có học bổng :@
Thực sư thì cũng không hẳn. Đúng là cùng chất lượng đào tạo, trường công lập (Public School) ở Mỹ có chi phí thấp hơn trường tư thục (Private school). Nhưng điều đó thường chỉ đúng khi bạn được đóng theo In-State Tuition (Học phí trong bang), nghĩa là bạn là công dân của bang đó. Và trường không không được phép cho học sinh quốc tế gói hỗ trợ tài chính vì họ dùng tiền thuế của Nhà nước (nên học phí mới rẻ hơn). Thương bạn lắm họ chỉ cho bạn mức phí In-State là ưu ái lắm rồi.
Một phao cứu sinh khác là chính sách need-blind (trường không quan tâm đến tài chính của bạn khi đọc hồ sơ) thì đa phần các trường chỉ need-blind cho Domestic students, nghĩa là các học sinh có quốc tịch Mỹ. Còn chính sách need-blind cho học sinh quốc tế cực kì hạn chế và tính cạnh tranh rất cao vì trên thế giới không thiếu nước có đông đảo học sinh cần các gói hỗ trợ tài chính.
Fb: Lien TD Tran