Học bổng & hỗ trợ tài chính toàn phần du học Mỹ có gì khác biệt?

Học bổng toàn phần & hỗ trợ tài chính toàn phần du học Mỹ có gì khác biệt?

1. Học bổng toàn phần (full-ride scholarship)

Nhìn chung, có được học bổng toàn phần du học Mỹ không phải là điều dễ dàng bởi hai lý do: thứ nhất, không nhiều trường đại học ở Mỹ cấp học bổng toàn phần cho sinh viên quốc tế, và thứ hai, để được học bổng toàn phần, hồ sơ xin học của bạn phải thật sự nổi bật.

Tuy nhiên, có một cách khác để được miễn toàn bộ học phí hoặc thậm chí gần như không phải trả tiền ăn ở, đó là xin hỗ trợ tài chính toàn phần từ những trường có chính sách “need blind” và “meet full need”.

Điều kiện tối thiểu để được xét học bổng toàn phần du học Mỹ

Học bổng thường được trao dựa trên thành tích học tập của sinh viên hoặc những yếu tố khác như khả năng lãnh đạo, hoạt động ngoại khóa…. Thông thường, để nhận được học bổng toàn phần học tập tại Mỹ, sinh viên phải thực sự nổi bật về mọi mặt, đáp ứng được những “điều kiện cần” như điểm SAT cao (trên 2,100, hoặc trên 1400 cho 2 phần CR và Math), TOEFL iBT trên 100 hoặc IELTS tương đương, đặc biệt là điểm GPA phải rất cao (trên 8.5) hoặc tốt nghiệp từ một trường phổ thông trung học danh tiếng. Ngoài ra, bạn sẽ tăng cơ hội nếu bạn có tài năng đặc biệt, tham gia các kỳ thi học sinh giỏi, đã đạt giải thưởng thể thao, văn hóa hay nghệ thuật, đã từng lãnh đạo hay sáng lập một tổ chức, đã vượt qua những khó khăn, thử thách lớn, có những thành tích đặc biệt. Điều quan trọng cuối cùng là bạn phải làm toát lên được những điểm đặc sắc của mình và chứng tỏ mình là người có tư duy độc đáo (original thinker) qua các bài luận khi làm hồ sơ.

Ngay cả khi đã có những yếu tố trên, việc có được học bổng toàn phần là rất khó vì rất ít trường cấp học bổng toàn phần cho sinh viên quốc tế. Và nếu có, mỗi năm cũng chỉ có 1-2 xuất cho sinh viên từ mỗi nước (ví dụ như chương trình học bổng Freeman Scholar tại trường Wesleyan University, học bổng Richmond Scholar của trường University of Richmond).

2. Hỗ trợ tài chính toàn phần

Nhiều người nhầm lẫn giữa khái niệm học bổng và hỗ trợ tài chính. Học bổng được trao chủ yếu dựa trên thành tích học tập mà không liên quan đến khả năng tài chính của sinh viên, trong khi hỗ trợ tài chính toàn phần du học Mỹ dành cho sinh viên không đủ điều kiện chi trả cho việc học. Nói một cách dễ hiểu, nếu bạn học giỏi nhưng gia đình khá giả thì bạn vẫn sẽ phải trả toàn bộ học phí nếu không xin được học bổng.

“Need-blind” và “meet full need” là gì?

Một cách khác để không phải trả học phí hoặc trả ít là nộp đơn vào những trường có chính sách “need-blind” và “full need”.

“Need-blind” là tên gọi của chính sách nhận học sinh hoàn toàn dựa vào hồ sơ mà không cân nhắc khả năng tài chính.  Nếu nhà trường có thêm chính sách “full need” thì tức là khi bạn được nhận rồi bạn sẽ nộp thông tin tài chính và phần chi phí nào bạn  không thể trả nhà trường sẽ trợ cấp toàn bộ. Khoản hỗ trợ này có thể bao gồm học bổng (scholarship), trợ cấp (financial aid), việc làm thêm (part-time job) hay trợ giảng (assistantships).

Theo thống kê gần đây nhất của U.S. News thì ở Mỹ có 64 trường có chính sách “meet full need”. Một số ví dụ điển hình về các trường đại học ở Mỹ có chính sách need-blind và full-need cho sinh viên quốc tế, bao gồm Amherst College, Darthmouth College, Havard University, MIT, Princeton University và Yale University.

Need-aware” và “Need sensitive” là gì?

Ngược lại với “need-blind” là chính sách “need-aware” hoặc “need sensitive” mà càng ngày càng nhiều trường hạng ưu ở Mỹ đã áp dụng trong những năm gần đây. Chính sách này có nghĩa là khi xét hồ sơ nhập học, trường thường yêu cầu bạn nộp các giấy tờ tài chính song song với đơn xin học và họ sẽ xem xét yếu tố khả năng tài chính khi quyết định có nhận bạn hay không.

Với những trường có chính sách này, thì không phải ai có khả năng tài chính cao là sẽ được nhận nhưng khi nhiều sinh viên quốc tế có hồ sơ xin học nổi bật thì  khả năng tài chính của sinh viên là yếu tố có thể tăng sự cạnh tranh. Điều này đồng nghĩa với việc bạn không nên khai mang khả năng tài chính của mình để được nhận hỗ trợ vì điều đó có thể khiến cơ hội bạn được nhận vào học giảm đi.

Thêm vào đó, do ngân sách eo hẹp, hiện nay một số trường “need-blind” đang cân nhắc để trở thành “need-aware” – có nghĩa là chỉ nhận sinh viên có khả năng chi trả học phí. Grinnell College, một trường đại học đại cương giàu có nhất nước Mỹ cũng đã tuyên bố sẽ thay đổi chính sách need-blind của mình trong tương lai gần.

3.Những nguồn hỗ trợ khác

Sau cùng, nếu việc xin học bổng (scholarships) hay hỗ trợ (financial aid) không thành công, bạn vẫn có thể tìm nguồn trợ giúp cho việc học tập của mình qua các khoản vay cho sinh viên (Student loan) hoặc xin làm việc tại trường (Work study). Rất nhiều trường cho sinh viên quốc tế vay sau khi sinh viên đồng ý nhập học và cho phép sinh viên quốc tế làm việc tối đa 20 giờ/tuần trong khuôn viên của trường.

Tìm các nguồn hỗ trợ tài chính du học Mỹ như thế nào?

Luôn nằm trong top các nước có nền giáo dục phát triển nhất thế giới, Mỹ là điểm đến lý tưởng của các du học sinh trên toàn thế giới. Tuy nhiên chất lượng học tập cao cũng đi kèm với mức chi phí du học đắt đỏ trong đó học phí và chi phí sinh hoạt dao động từ $15.000 đến hơn $60.000 mỗi năm. Tìm kiếm trợ cấp tài chính cũng như học bổng tại nước này không phải dễ dàng đặc biệt là đối với các du học sinh quốc tế. Tuy nhiên hiện nay Mỹ lại là một trong số các quốc gia cung cấp nhiều hỗ trợ tài chính nhất cho sinh viên bao gồm cả du học sinh.

Với một số nước có nền giáo dục nổi tiếng trên thế giới, quốc tịch của sinh viên thường không ảnh hưởng đến việc đăng ký hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, bộ ngoai giao Mỹ có các chương trình hỗ trợ tài chính du học Hoa Kỳ khác nhau tùy theo các quốc tịch của du học sinh thông qua các chương trình trao đổi sinh viên toàn cầu.

Các  bạn nên chủ động liên hệ với đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam để hỏi thông tin về các chương trình học bổng cũng như hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên Việt Nam.

Cơ cấu của các chương hỗ trợ tài chính: Các lựa chọn hỗ trợ tài chính khác nhau tùy vào trường đại học hoặc các trung tâm giáo dục mà bạn đăng ký. Hình thức giảng dạy và phân loại trường thường ảnh hưởng rất nhiều đến cơ cấu của các lựa chọn hỗ trợ tài chính. Có một điều rất thú vị là một số trường đại học tại Mỹ không cung cấp các hỗ trợ tài chính dựa theo lực học và điểm số của các bạn sinh viên (merit-based scholarship), thay vào đó họ dựa vào điều kiện của sinh viên để đưa ra hỗ trợ tài chính (needs-based scholarship). Columbia và Princeton đã thực hiện theo hình thức này, và sau khi tốt nghiệp nếu sinh viên và du học sinh có thành tích tốt sẽ được giới thiệu vào làm việc tại những tổ chức uy tín.

Làm thế nào để đăng ký hỗ trợ tài chính?: Bước đầu tiên bạn nên trực tiếp liên lạc với các trường đại học hay cơ sở giáo dục bạn muốn đăng ký để có thông tin về các khóa học có hỗ trợ tài chính, cũng như cách thức đăng ký. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiêm thời gian và tránh được những thông tin thiếu chính xác.

Nếu bạn phải chi tiền để có được một học bổng, bạn cần phải suy xét rất thận trọng vì rất có thể bạn bị mất tiền oan. Bạn nên bỏ qua lựa chọn này.

Một số trang web đáng tin cậy các bạn có thể tìm học bổng và hỗ trợ tài chính như: FundingUSStudy hay InternationalScholarship hay FastWeb.

Chương trình học bổng Fullbright (cho bậc Sau Đại học): Có rất nhiều các tổ chức cung cấp các quỹ học bổng khác nhau cho sinh viên nước ngoài. Một trong những quỹ học bổng được biết đến nhiều nhất là Chương trình Fulbright, là một chương trình trao đổi sinh viên do chính phủ Mỹ tài trợ. Có khoảng 155 nước tham gia vào chương trình này. Các chương trình học bổng  được cung cấp rất đa dạng, nhưng đây cũng là một trong những chương trình có sự cạnh tranh gay gắt nhất do số lượng hồ sơ đăng ký luôn rất lớn.

Tuy nhiên, nếu cảm thấy mình phù hợp thì các bạn nên mạnh dạn và tự tin xin học bổng này.

Học phí: Nếu không tìm được một học bổng du học thì bạn cũng không nên hết hi vọng. Có những cách khác để có thể nhận được tài trợ cho các nghiên cứu tại Mỹ. Nếu bạn là sinh viên mới tốt nghiệp, có rất nhiều cơ hội tài trợ hỗ trợ cho việc nghiên cứu sau đại học. Điều này là do hệ thống giáo dục Mỹ có sự chú trọng đặc biệt vào các nghiên cứu ở cấp độ sau đại học.

Một lựa chọn khác là vay tiền để học. Rất nhiều trường cao đẳng và đại học có một danh sách cho sinh viên vay các khoản tiền phục vụ cho việc học. Nhiều tổ chức trong số này là các công ty Mỹ và bạn thường sẽ cần có một công dân Mỹ đứng tên cùng ký như là một người bảo hộ để có đủ điều kiện nhận khoản vay. Tuy nhiên, cũng có những lựa chọn khác nữa. Ví dụ, Đại học Harvard đã ký thỏa thuận với JPMorgan Chase sẽ cung cấp cho sinh viên đại học và chuyên nghiệp từ nước ngoài tiếp cận với các khoản vay giáo dục tư nhân.

Tự tin vào bản thân: Sinh viên quốc tế thường được đánh giá rất cao bởi các nhà tuyển dụng sinh viên do tinh thần nỗ lực vươn tới thành công. Vì thế nhiều tổ chức và các công ty tư nhân sẵn sàng cung cấp kinh phí để được hưởng lợi từ chuyên môn và tiềm năng của bạn trong tương lai. Hãy tự tin vào khả năng của bạn, nỗ lực không ngừng và chủ động tìm tới các nguồn tài trợ. Hãy chứng tỏ rằng bạn là một khoản đầu tư hiệu quả và sinh nhiều lợi nhuận trong tương lai.

Nguồn: KTS.