HỌC TIẾNG ANH CHO NGƯỜI “LỠ CỠ” (PHẦN 2): VIẾT TIẾNG ANH NHƯ NGƯỜI CÓ HỌC

HỌC TIẾNG ANH CHO NGƯỜI “LỠ CỠ” (PHẦN 2): VIẾT TIẾNG ANH NHƯ NGƯỜI CÓ HỌC

Đọc Phần 1: Đẩy tiếng Anh từ sách vở ra đời sống

Viết tiếng Anh như người có học

Thế nào là viết tiếng Anh như người “có học”? Không lẽ có loại viết tiếng Anh như người…”vô học”?

Ngẫm từ trường hợp của tôi, một người học “tiếng Anh hệ 7 năm” ở phổ thông, chuyên chỉ “cày” ngữ pháp, sáng chiều luyện tập các loại bài “tìm lỗi sai trong câu” rồi “chọn câu có cách diễn đạt khác”, trắc nghiệm tiếng Anh trên giấy làm nhoay nhoáy… thì viết lách thuộc loại “có học” quá đi chứ! Nhưng không! Tôi vẫn còn nhớ như in ngày đầu tiên vào Đại học, được giao cho viết một bài luận (essay) bằng tiếng Anh mà ngồi khổ sở, cứ viết rồi lại xoá, “đánh vần” từng chữ để dịch ý ra từ tiếng Việt, toát cả mồ hôi cũng chưa viết xong nổi đoạn mở bài. Lúc đó tôi mới nhận ra rằng những năm học phổ thông, mình mới chỉ học “đặt câu” thôi chứ chưa học “viết”. Tức là tôi thuộc hết các loại cấu trúc ngữ pháp, nắm chắc từ vựng… nhưng tất cả đều rời rạc, lung tung chứ chưa gắn kết linh hoạt để tạo ra một bài văn hoàn chỉnh. Kết quả, thứ tôi viết ra chỉ là những câu văn chắp vá, ngây ngô, và nông cạn hơn nhiều những điều tôi thực sự muốn diễn đạt.

Vấn đề ở đây là, viết thể hiện trình độ học vấn của con người. Người ta có thể sẵn sàng nhận một em bé Sapa không biết viết nhưng biết nói tiếng Anh thành thạo để đi bán hàng trên bản nhưng không giáo sư nào muốn trả lời email xin học bổng mà câu cú lủng củng khó hiểu. Không có sếp nào thích làm việc với nhân viên phải mất nửa ngày mới viết nổi 3 dòng thư gửi đối tác nước ngoài. Và hiếm có những ai thực sự tin vào trí tuệ và khả năng học thuật của một người nếu chưa đọc qua những gì họ viết. Viết rất quan trọng!

Ở thời điểm làm loạt bài này trên blog cũ, viết là một kỹ năng tôi cảm thấy mình chưa thực sự tốt (mặc dù đã có tiến bộ rõ rệt từ lúc chỉ biết “đặt câu” đến khi có TOEFL Writing 28/30 điểm). Ngày hôm nay, sau 4 năm viết tiếng Anh hàng ngày trong môi trường học thuật, tôi vẫn cảm thấy viết là một kỹ năng mình phải thường xuyên trau dồi. Chỉ có qua luyện tập hàng ngày và nỗ lực sửa sai, hoàn thiện khả năng tư duy và sắp xếp ngôn từ của mình, kỹ thuật viết mới dần ổn định và tốt lên. Dưới đây là một số phương pháp tôi đã và đang sử dụng để học cách viết tiếng Anh như người “có học”:

1. Đắp nền: Ngữ pháp

Mặc dù không đồng tình với cách dạy tiếng Anh chỉ thiên về ngữ pháp tại Việt Nam, tôi phải khẳng định rằng việc học tốt ngữ pháp là nền tảng tiên quyết cho việc nâng cao kỹ năng viết sau này. Nếu bạn cảm thấy chưa nắm chắc ngữ pháp, tôi rất khuyên nên theo học một lớp chuyên về Ngữ pháp tiếng Anh. Khác với các lớp tiếng Anh chung chung học cả 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết, các lớp Ngữ pháp này thường chỉ tập trung vào hệ thống các vấn đề Ngữ pháp tổng hợp, được chia theo chủ điểm (ví dụ, câu điều kiện, chia động từ…) để học viên “mất gốc” có thể đắp lại nền và ôn tập dễ dàng. Từ thời tôi còn học phổ thông, ở Hà Nội và các thành phố lớn đã có nhiều giáo viên và trung tâm chuyên về Ngữ pháp tiếng Anh. Ngày nay, khi nhu cầu tiếng Anh ngày càng cao, tôi tin rằng không có khó gì để tìm được người dạy/chỗ học Ngữ pháp tốt tại khắp các tỉnh thành.

Tôi nhấn mạnh việc học Ngữ pháp theo trường, lớp chính quy vì theo kinh nghiệm học và dạy học của tôi, tự học Ngữ pháp không hiệu quả. Tôi biết rất nhiều trường hợp tự học các môn khác/các kỹ năng khác của tiếng Anh rất giỏi, nhưng khi mua sách Ngữ pháp về tự “cày cuốc” thì không thành công. Lý do bởi vì: (1) Ngữ pháp tự học rất chậm, có khi cả tuần ngồi không qua được một chủ điểm, (2) Ngữ pháp “cày” suông không có ứng dụng vào viết lách và không có giáo viên chuyên môn sửa bài cho thì rất mau quên, (3) Ngữ pháp vốn đã khô khan nên học một mình sẽ dễ nản và ngại học. Vì thế, tôi vẫn khuyên mọi người theo học một khoá Ngữ pháp hoàn chỉnh trên trường, lớp đàng hoàng. Phải đi học rất đều (vì nếu mất một chủ điểm sẽ khó học lại được) và khi học thì ghi chép kỹ lưỡng vào một quyển sổ/một file máy tính duy nhất để dễ dàng tra cứu lại sau này.

2. Học từ mới

Học từ mới luôn là vấn đề “đau đầu” nhất đối với những người học tiếng Anh, nhất là ở giai đoạn đầu mới học. Tuy nhiên, cũng như tiếng Việt, việc có vốn từ vựng tiếng Anh phong phú sẽ giúp thể hiện được nhiều ý tưởng, sắc thái hơn khi viết. Vì thế, đã học viết tiếng Anh thì không thể bỏ qua giai đoạn học từ mới này.

Có muôn vàn cách học từ mới và bạn phải thử nghiệm nhiều để biết được cách nào phù hợp nhất với mình. Khi còn đi học, tôi thường sử dụng giấy note, flash card, sổ ghi từ… để học từ mới. Hai bí quyết nho nhỏ của tôi để học từ là: (1) tự tra cứu, chép tay, và ghi chú từ mới sẽ dễ nhớ hơn nhiều so với việc nhờ người khác tra hoặc không ghi chép lại sau khi tra, (2) nên chọn giấy/sổ ghi từ mới có hình thức đẹp để khuyến khích bản thân muốn mang theo bên mình và ghi chép thường xuyên. Ngoài ra, tôi cũng thường học từ mới qua việc xem tivi/DVD có phụ đề tiếng Anh. Đối với tiếng Anh giao tiếng bình thường, tôi xem những show hài tình cảm như How I Met Your MotherFriends. Đối với tiếng Anh học thuật, tôi xem show The Big Bang Theory (nhất là những seasons đầu) và các chương trình khoa học kỹ thuật trên Discovery Channel. Việc học từ mới qua việc xem phim ảnh không chỉ giúp ôn tập từ rất nhanh trong văn cảnh/ngữ cảnh phù hợp, mà còn mở rộng việc học kiến thức và văn hoá thế giới. Ngày nay, bạn có thể học từ mới trên apps điện thoại hay học qua nghe Youtube/podcast/radio… Hầu như máy smartphone nào cũng có cài sẵn từ điển để người học tiện tra cứu từ mới dễ dàng.

Nhìn lại thời kỳ đầu học từ mới tiếng Anh, việc tôi tiếc nhất là không học đầy đủ mọi sắc thái ngữ nghĩa (nuances) của từ và không học từ trong các ngữ cảnh khác nhau. Khi còn đi học, vì áp lực học từ mới nhiều mà công nghệ thời đó chưa được hiện đại, tôi thường chỉ ghi xuống giấy từ mới, cách phát âm, và nghĩa thứ nhất của từ bằng tiếng Việt. Đây là một cách học sai lầm bởi vì một từ có thể có nhiều nghĩa, và những từ có đồng nghĩa với nhau (khi dịch ra tiếng Việt) có thể có cách dùng trong hoàn cảnh khác nhau hoàn toàn. Cứ học theo cách này sẽ dẫn đến tình trạng “viết tiếng Anh như tiếng Việt” và rất khó để sửa sai sau này (vì nghĩa của từ đã in hằn cố định trong đầu). Vì vậy, đừng bạn đọc nào mắc phải sai lầm này! Bạn nên cố gắng tra cả từ điển Anh-Việt và Anh-Anh để hiểu trọn vẹn nghĩa của từ, tra tất cả các nét nghĩa, và đọc kỹ ví dụ đặt câu có trong từ điển.

3. Học đọc để học viết

Đọc nhiều thì sẽ viết tốt – đó là sự thật đã qua kiểm chứng trên tất cả ngôn ngữ, không riêng gì tiếng Anh. Đọc những bài luận hay sẽ giúp bạn học được cách người khác sử dụng từ vựng, cấu trúc, cách luyến láy trong từng văn cảnh, và từ đó bạn có thể áp dụng vào văn viết của mình. Không có cách nào học viết tiếng Anh “có học” tốt hơn là đọc những thứ “có học”. Đừng nên đọc những tờ báo tiếng Anh lá cải (loại chuyên tọc mạch người nổi tiếng, giật tít gây sốc) vì tác giả viết thường rất vội, câu cú cụt lủn không chau chuốt, và kiểu thông tin này cũng không giúp mở mang kiến thức gì mấy. Nếu có điều kiện, bạn nên đọc những trang mạng như The New York Times, The Economist… hay các trang tin tiếng Anh của Việt Nam nhưViệt Nam News. Khi mới học tiếng Anh, tôi có cài một phần mềm tên Lingoes để giúp tra từ mới nhanh trong lúc đọc báo mạng (chỉ cần bôi đen và click con trỏ chuột để Lingoes tìm nghĩa của từ). Ngày nay, hầu như máy tính nào cũng đã có sẵn chức năng này. Việc đọc báo mạng tiếng Anh và học từ mới trở nên rất dễ dàng.

Bạn có thể tham khảo thêm bài viết của tôi về phương pháp đọc ở đây.

4. Luyện tập! Luyện tập! Luyện tập!

Như đã viết, luyện tập hàng ngày là cách duy nhất để viết tốt hơn. Phương pháp luyện tập có thể khác nhau nhưng điểm cốt yếu là tạo động lực để bản thân duy trìđều đặn việc viết tiếng Anh. Rất nhiều người nghĩ rằng phải học đầy đủ ngữ pháp, có nhiều vốn từ mới rồi mới bắt đầu viết tiếng Anh nhưng thực ra khi đó đã muộn, học luôn phải đi đôi với hành. Sau đây là một số phương pháp luyện tập của cá nhân tôi:

  • Viết 750 từ/3 trang mỗi ngày. Để duy trì thói quen và nâng cao kỹ năng viết, tôi luôn cố gắng viết 750 từ đánh máy hoặc 3 trang viết tay  tiếng Anh ít nhất 5 ngày/tuần. Điểm quan trọng của phương pháp luyện tập này là viết tự do (writing freely), có nghĩa là trong một thời gian ngắn (khoảng 30-45 phút), viết nhanh tất cả những gì mình có trong đầu xuống, không cần phải sửa chữa ngữ pháp, không cần outline ý tưởng, thậm chí không cần đọc lại. Viết tự do cho phép người viết cảm thấy thoải mái, không bị gò bó trong ngữ pháp, chính tả, không cảm thấy bị “đánh giá” bởi khả năng viết, cứ viết một cách tự nhiên nhất có thể. Bạn có thể viết mọi thứ, từ công việc, tâm sự hàng ngày, đến luận án tốt nghiệp. Cá nhân tôi chọn làm Morning Pages (đọc thêm ở đây) bằng cách viết tay hoặc đánh máy trên 750words.com.
  • Viết Blog/Facebook Note bằng tiếng Anh. Vào năm thứ 3 Đại học, tôi tham gia một lớp học cùng các bạn Mỹ đến Việt Nam học trao đổi (exchange). Khoá học này yêu cầu mỗi học viên phải viết một blog tiếng Anh về trải nghiệm của mình. Thời kỳ đó, kỹ năng viết của tôi còn chưa được tốt, nhất là chưa tư duy được bằng tiếng Anh nên cứ phải dịch chuyển ngữ trong đầu khi viết rất chậm. Tuy nhiên, sau khi viết 1-2 trang blog/tuần trong 3 tháng, phản xạ viết tiếng Anh của tôi đã tăng lên rõ rệt, cứ chạm tay vào bàn phím là có thể nghĩ bằng tiếng Anh và ngôn ngữ tuôn ra một cách tự nhiên. Blog vì thế cũng có chiều sâu, tâm huyết, và có chất lượng hơn. Khác với phương pháp 750 từ/3 trang phía trên, phương pháp này khuyến khích người viết xuất bản (publish) bài viết của mình tới bạn đọc (một số lượng nhỏ thôi cũng được). Cách này khiến người viết có động lực chỉnh sửa bài cho chau chuốt, hoàn chỉnh hơn. Bạn có thể kết hợp cả 2 phương pháp nói trên bằng việc dùng 750 từ/3 trang để viết nháp và chuyển sang Blog/Facebook Note để biên tập thành bài hoàn chỉnh.
  • Dùng từ điển Collocation và Thesaurus. Thesaurus là từ điển đồng nghĩa-trái nghĩa, tra loại từ điển này khi viết giúp việc sử dụng từ ngữ (đặc biệt tính từ) được linh hoạt hơn, tránh lặp đi lặp lại. Từ điển Collocation dùng để tra một từ hay đi kèm với loại từ nào khác (ví dụ danh từ này đi với động từ kia, động từ này đi với trạng từ kia). Sử dụng Collocation tốt giúp việc viết bài mềm mại hơn và “bản ngữ” hơn nhiều. Đây là 2 loại từ điển tôi sử dụng thường xuyên nhất trong khi viết.
  • Sửa bài viết cho người khác. Nghe có vẻ hơi ngược đời nhưng sửa bài cho người khác là cách vô cùng hữu hiệu để nâng cao kỹ năng viết tiếng Anh của chính mình. Khi còn ở Việt Nam, tôi đã học được rất nhiều từ việc sửa bài luận cho học trò luyện thi TOEFL và SAT. Ngày nay, tôi tiếp tục học thêm từ việc tình nguyện giúp bạn bè sửa bài luận xin học bổng du học. Sửa bài là cách rất tốt để nhận ra các lỗi sai thường gặp khi viết – những lỗi có thể mình cũng mắc phải nhưng không nhận ra khi đọc bài của chính mình. Sửa bài cũng giúp nhìn được chất lượng bài viết từ góc độ người chấm bài – một kỹ năng quan trọng đối với người học ở bất kỳ lĩnh vực nào.

Nhìn chung, nếu gọi là “bí quyết” thì tôi chỉ có một điều cốt lõi nhất, đó là: Hãy “enjoy” việc viết lách – coi nó như một thú vui, một phương pháp thể hiện bản thân một cách trí tuệ, và hãy “tập viết” theo cách riêng của mình. Viết đã đem lại cho cuộc sống của tôi rất nhiều điều tích cực, từ giải toả tâm lý khi stress, thể hiện tình cảm với người yêu khi ở xa, đến giành học bổng toàn phần, làm nghiên cứu xuất bản ở Mỹ… Viết giúp tôi kết nối với nhiều con người thú vị trên khắp thế giới. Viết cũng rèn cho tôi sự tập trung và tính kỷ luật cao trong mọi công việc mình làm. Vì lẽ đó, tôi tin vào sức mạnh tích cực của viết và tôi chắc chắn rằng bạn đọc sẽ gặp nhiều cơ hội tuyệt vời từ việc viết tiếng Anh như người “có học” ngay từ hôm nay.

Nếu bạn có bí quyết nào về viết tiếng Anh, chia sẻ thêm với tôi trong phần comment nhé!

Be Present,

Chi Nguyễn

Nguồn: http://thepresentwriter.com/hoc-tieng-anh-cho-nguoi-lo-co-phan-1-day-tieng-anh-tu-sach-vo-ra-doi-song/