HỌC TIẾNG ANH CHO NGƯỜI “LỠ CỠ” (PHẦN 3): NHÌN NHẬN VỀ TIẾNG ANH

HỌC TIẾNG ANH CHO NGƯỜI “LỠ CỠ” (PHẦN 3): NHÌN NHẬN VỀ TIẾNG ANH

Atlanta, Georgia 2017

Đọc Phần 1: Đẩy tiếng Anh từ sách vở ra đời sống

Đọc Phần 2: Viết tiếng Anh như người có học

Nhìn nhận về tiếng Anh

Khác với phần 1 và phần 2 của chuỗi bài thiên về phương pháp (học tiếng Anh như thế nào cho hiệu quả cho người “lỡ cỡ”), phần 3 này là đôi điều suy ngẫm của tôi về cách nhìn nhận tiếng Anh. Tại sao cách ta nhìn nhận về tiếng Anh lại quan trọng? Khi còn học và dạy học tiếng Anh ở Việt Nam, tôi thường chỉ tập trung vào phương pháp kỹ thuật (techiques) để nâng cao trình độ tiếng Anh, mà rất ít khi để ý đến tâm lý và tâm thế của người học với tiếng Anh. Tại sao chúng ta lại sợ giao tiếp bằng tiếng Anh? Tại sao lại cảm thấy luôn bị “đánh giá”, bị “soi” khi dùng tiếng Anh? Tại sao trong nhiều trường hợp, tiếng Anh lại được sử dụng như thước đo sự “văn minh” và “hội nhập” của con người? Liệu điều này có công bằng hay không? Cho đến khi sang Mỹ du học và sống trong một môi trường đa quốc gia, đa sắc tộc, nơi tiếng Anh chỉ là một công cụ giao tiếp phổ biến -không hơn, không kém, tôi mới bắt đầu có suy nghĩ về cách người Việt Nam nhìn nhận về tiếng Anh và nói về tiếng Anh trong đời sống hàng ngày. Chúng ta hoặc là tung hô những người nói tiếng Anh giỏi lên tận mây xanh hoặc dè bỉu những người nói tiếng Anh kém xuống tận đáy bùn. Nhưng điều này có ảnh hưởng như thế nào đến việc chính chúng ta học tiếng Anh?

1. Hâm mộ các bạn/anh/chị/em nói tiếng Anh giỏi quá!

“Hâm mộ” những người nói được ngoại ngữ tốt là câu tôi thường xuyên nghe ở những người trẻ, những người học tiếng Anh “lỡ cỡ”. Muốn học tiếng Anh, thích tiếng Anh, thấy tiếng Anh quan trọng, và mong muốn, thậm chí “thèm” và ghen tỵ với những người có trình độ cao hơn mình là điều hết sức bình thường. Tôi cũng bắt đầu học tiếng Anh với việc ghim trong đầu rất nhiều tấm gương học tốt của đàn anh, đàn chị. Nhưng cái tôi cảm thấy ít được đề cập đến ở đây là điều kiện và quá trình học của những “người được hâm mộ” và “fan hâm mộ” này có thể rất khác nhau. Ví dụ:

– Bạn hâm mộ một người nói tiếng Anh rất giỏi vì bản thân bạn học tiếng Anh ở trường hệ 6 năm, 10 năm mà vẫn không nói được tự tin, trong khi người ta bằng tuổi mình thì “chém tiếng Anh như gió”. Nhưng trong khi đó bạn không để ý đôi khi sự thật là “người ta” đấy học tiếng Anh không chỉ ở trường mà còn ở trung tâm Apolo, British Council… một buổi học bằng nửa tháng lương công chức, bố mẹ bạn không thể chi trả được.

– Bạn hâm mộ người nói tiếng Anh chuẩn không có âm nước ngoài vì bản thân mình “nói tiếng Anh như tiếng Việt” nhưng không để ý là có những người được tiếp xúc với tiếng Anh từ khi còn nhỏ, ví dụ nhà có truyền hình cáp/Internet thường xuyên có ý thức nghe tiếng Anh, bố mẹ ý thức được tầm quan trọng của tiếng Anh giao tiếp (chứ không phải điểm cao trên lớp, thi đại học khối D) và hướng cho con cái, hay được cho đi trại hè tiếng Anh, học chương trình song ngữ từ bé.

Ý tôi là, thường chúng ta thường “hâm mộ” những người nói ngoại ngữ hay, hỏi họ những bí quyết học tiếng Anh và cố gắng áp dụng theo, nhưng bí quyết chỉ là những cái chấm rất nhỏ trên cả một bức tranh lớn về nền tảng gia đình, điều kiện tài chính, thời điểm bắt đầu học tiếng Anh, môi trường học tiếng Anh … quyết định trình độ của mỗi người.

Đọc đến đây, có thể bạn đã nghĩ tới hàng loạt ví dụ khác về những người không có điều kiện vẫn học tiếng Anh tốt, học khi đã lớn tuổi nhưng vẫn rất chuẩn, học qua việc giao tiếp, nỗ lực hết mình … Tôi khẳng định là có, và tôi là một trong số những người không được đầu tư từ đầu và rất chật vật để có trình độ hiện nay. Nhưng phải nói thật rằng, số những người này không nhiều. Thử nghĩ về lớp cấp 1-cấp 2- cấp 3- Đại học của bạn có bao nhiêu người học tiếng Anh và hiện nay còn dùng được tiếng Anh? Nói rộng thêm, những bạn học ở nông thôn, ngoại tỉnh, ngoài những thành phố lớn, bao nhiêu người đã học tiếng Anh và bây giờ còn dùng được tiếng Anh?

Điểm này nói ra không phải để mọi người nản chí, rằng là mình không có nền tảng, điều kiện, không được học từ bé thì không bao giờ học được tiếng Anh. Vấn đề không phải như thế. Mọi người hoàn toàn có thể làm được, nhưng phải xác định tư tưởng từ đầu là sẽ chậm, thậm chí rất chậm hơn những người “có điều kiện” kể trên. Điều tôi muốn nhấn mạnh là, khi bạn thấy một người giỏi tiếng Anh, đừng vội sợ hãi so sánh người ta giỏi, mình “dốt” – chẳng ai là dốt với ngôn ngữ cả, chỉ là mọi người có đầu tư học khác nhau mà thôi. Nếu bạn muốn tìm một hình mẫu để noi theo, tôi khuyên bạn nên tìm người có hoàn cảnh tương tự như mình (ví dụ, học trường bình thường, không được tiếp xúc tiếng Anh từ bé, không được đi nước ngoài …) mà thành công để học tập. Và kể cả khi áp dụng bí quyết học của người khác nhưng không thành, bạn nên ngừng lại một chút để suy nghĩ về tổng thể, nhìn vào hoàn cảnh khác nhau của mình và người đưa ra bí quyết, từ đó nghĩ cách khắc phục để tốt lên, hơn là âm thầm “hành hạ” bản thân, coi mình là kém cỏi hơn người khác. Tôi cũng mong bạn đọc blog khi tham khảo phần 1 và phần 2 bài viết về phương pháp học tiếng Anh giữ cho mình một tâm thế như vậy.

2. “Thằng/con này” nói tiếng Anh kém quá!

Đây là câu nói tôi thường được nghe từ những người thích bình luận về khả năng tiếng Anh của người khác, những người giỏi tiếng Anh hoặc thường tự cho là mình giỏi tiếng Anh hơn số đông.

– Tôi còn nhớ vào một trong những năm đầu tiên có chương trình Asian Next Top Model, bạn đại diện Việt Nam bị loại chỉ vì trình độ tiếng Anh kém. Người xem có thể nhìn thấy rất rõ là bạn này không nghe được và không nói được mấy, khi đạo diễn hình ảnh chỉ đạo, hướng dẫn, bạn không hiểu nhưng cũng chỉ âm ừ, cười trừ thôi chứ không hỏi lại. Khi quyết định loại bạn này, giám khảo liên tục hỏi: “Why don’t you ask?!!” như một cách nói là” “Chúng tôi không yêu cầu người mẫu nói tốt tiếng Anh nhưng yêu cầu người mẫu phải hỏi khi không hiểu chúng tôi nói gì”. Điểm này hoàn toàn đúng, tôi thấy nhiều người Việt Nam nói riêng hay Châu Á nói chung hay có xu hướng im ỉm, đoán ý người nói khi không hiểu, thay vì hỏi trực tiếp ngay khi cần. Đây là một thói quen xấu và rất không có lợi sau này khi làm việc trong môi trường cần giao tiếp ngoại ngữ nhiều với độ chính xác cao.

NHƯNG nếu ngoại ngữ có hạn, vốn từ ngữ dùng không đủ để hiểu chuyện gì đang xảy ra xung quanh, hỏi thì người ta lại “Pardon/Say it again” thì liệu mấy người không giỏi tiếng Anh (như bạn người mẫu kia) có dũng cảm để lần nào không hiểu cũng hỏi lại? Cộng với áp lực ống kính máy quay chĩa vào, bao nhiêu cái ngượng với ngại tăng lên gấp nhiều lần. Thực sự phải ở vào hoàn cảnh đó mới hiểu hết nỗi khổ của người yếu ngoại ngữ.

Cũng thời điểm đó, trên mạng Internet và các mạng xã hội tôi tham gia (với rất đông bạn bè nói giỏi tiếng Anh) đều phê phán bạn người mẫu này kém quá, không ra gì, thậm chí làm nhục “quốc thể” khi đi thi quốc tế mà tiếng Anh không nói được gì, bao nhiêu trường lớp dạy sao không đi học trước khi đi thi … Càng đọc tôi thấy giận. Giận vì mọi người quá khắt khe. Nếu một người đã từng ấy tuổi, không được đào tạo tiếng Anh từ đâu, đi làm người mẫu cũng là lao động chứ có được nuôi ăn đi học không đâu, sao có thể trong vài tháng học nhoáng nhoàng mà nói tiếng Anh được như những người có điều kiện học từ nhỏ. Nhiều người phê phán cái bề mặt (khả năng nói tiếng Anh) mà không thông cảm nhìn vào nền tảng và điều kiện của mỗi người.

– Vào thời điểm trước khi đi du học, tôi hay xem kênh YouTube học tiếng Anh của một bạn cũng du học sinh Mỹ. Luận điểm bạn này đưa ra (mà đến bây giờ tôi thấy rất chuẩn) là: Nhiều người nghĩ đợi đến đi du học sẽ nói tiếng Anh chuẩn nhưng thực tế không phải. Nếu bạn đã nói sai từ đầu rồi thì sang đây rất khó sửa, thậm chí mãi mãi nói tiếng Anh như tiếng Việt. Tôi đã từng gặp nhiều người ở Mỹ, ở Anh hàng chục năm, ở trong môi trường học thuật, giao tiếp toàn Tây, nhưng nói tiếng Anh cũng y như ở nhà vậy thôi. Ngay bản thân tôi cảm thấy sang đây nói vẫn có âm giọng (accent) và tôi chấp nhận là đó là một phần của giọng nói tự nhiên của mình, là một trong những thứ mà có lẽ sẽ không bao giờ thay đổi 100% được. Những người sinh ra và lớn lên ở Mỹ nhưng trong cộng đồng da đen, Mexico, Á… họ cũng có âm giọng riêng, nên không phải cứ là sang đây là nói chuẩn (chuẩn ở đây là theo Mỹ trắng – ngay cả cái “chuẩn” này cũng mang màu sắc phân biệt chủng tộc, đây lại là một đề tài khác).

Mặc dù tôi thấy luận điểm này đúng nhưng phần minh hoạ của bạn YouTuber này làm tôi rất choáng. Để minh hoạ cho việc những người giỏi tiếng Anh họ đã nói tốt kể cả trước khi đi học, bạn cho 2 nhân vật nói tiếng Anh, một giọng Mỹ, một giọng Anh rất hay vào video. Điều này làm tôi cảm thấy khá tiêu cực, ngoài việc nó khiến cho các bạn có thêm nhiều “fan hâm mộ” ra thì thực sự không giúp ích gì nhiều cho những người muốn học tiếng Anh. Thậm chí, người ta có thể hiểu thông điệp của video đó là: Đừng có mà nghĩ đi du học để tăng tiếng Anh, giỏi thì giỏi từ đầu rồi, kém thì mãi kém ?!!

Sự thật không hẳn là như thế. Tất cả bắt đầu từ điểm xuất phát, ai xuất phát sớm hơn và đúng cách hơn thì sẽ thành công sớm hơn. Đi du học có thể không làm tiếng Anh của bạn đang từ 70 TOEFL lên 120 TOEFL nhưng có thể từ 70 lên 90 hay 100. Có thể bạn mãi mãi nói có âm giọng nhưng ít ra nói người ta vẫn hiểu được. Không phải vì mình không nói chuẩn ngay từ đầu mà không dám mở miệng ra nói. Không phải vì mình không được đi du học mà không được nói. Không phải vì bố mẹ không đầu tư mình nói tiếng Anh từ bé mà lớn lên mình không có quyền nói.

Tôi quan niệm tiếng Anh là ngôn ngữ quan trọng, nhưng cuối cùng, nó cũng chỉ là ngoại ngữ. Mình không nên xấu hổ khi nói tiếng Anh với người nước ngoài vì tiếng Anh chỉ là ngoại ngữ của mình thôi, ngôn ngữ chính của mình là tiếng Việt. Và nên tự hào vì mình nói được 2 thứ tiếng, trong khi nhiều người nước ngoài chỉ biết mỗi tiếng Anh – tiếng mẹ đẻ. Vì thế, tôi luôn tâm niệm rằng mỗi khi dạy tiếng Anh, đưa bí quyết học tiếng Anh, hay phê phán những người nói tiếng Anh chưa tốt, ta nên nghĩ đến điều kiện ban đầu của họ, nghĩ đến liệu bình luận của mình có giúp họ học tốt lên không hay chỉ làm họ nản lòng hơn, nghĩ đến khía cạnh tích cực của việc học ngoại ngữ thay vì tiêu cực. Và cũng nên thấy vui vì người Việt Nam càng ngày càng nhiều người nói được ngoại ngữ, so với chỉ vài chục năm trở về trước 90% dân số còn mù chữ, đến ngày hôm nay khi bốn bể, năm châu đều có người Việt thành thạo không chỉ một mà nhiều ngoại ngữ — đây là một thành quả vô cùng tuyệt vời!

Tôi hy vọng chuỗi 3 bài về Học tiếng Anh cho người “lỡ cỡ” này có ích cho bạn đọc. Như đã viết từ phần đầu tiên, chuỗi bài này được cập nhật từ bản nháp blog của tôi từ 3-4 năm trước, do vậy, nếu trong tương lai tôi học hỏi được thêm nhiều điều mới về cách học và nhìn nhận về tiếng Anh, tôi sẽ tiếp tục cập nhật series bài viết này.

Cám ơn bạn đọc đã kiên trì theo dõi chuỗi bài viết! Chúc bạn thành công trên hành trình học tiếng Anh của mình.

Be Present,

Chi Nguyễn

Nguồn: http://thepresentwriter.com/hoc-tieng-anh-cho-nguoi-lo-co-phan-3-nhin-nhan-ve-tieng-anh/