Mở cánh cửa Đại học Mỹ (cho những ai cần hỗ trợ tài chính)

Ngay từ ban đầu mình đã xác định rõ gia đình mình không có đủ điều kiện để sử dụng dịch vụ tư vấn ở các trung tâm nên mình đã tìm kiếm các cơ hội hỗ trợ nộp đơn miễn phí/ có học bổng toàn phần (mình sẽ nói rõ hơn ở mục I dưới đây). Thời điểm thế hệ của mình nộp đơn có phần thuận tiện hơn các anh chị đi trước vì rất nhiều tài nguyên có sẵn/ miễn phí để ta tận dụng nếu ta chịu tìm kiếm. Vì vậy, mình tin tưởng rằng nếu bạn đủ quyết tâm, đủ nỗ lực thì bất chấp rào cản tài chính vô cùng lớn, bạn cũng sẽ tìm ra cách để vượt qua.

Trong bài ghi chú này mình sẽ chủ yếu tập trung vào ĐH Mỹ. Đây là một bài viết dài nên mình sẽ ghi mục lục ở đây để mọi người tiện theo dõi. 

  1. Một số thông tin cơ bản về đại học Mỹ.
  2. Những thành phần chính trong một bộ hồ sơ Common App.
  3. Hồ sơ xin hỗ trợ tài chính và Học bổng.
  4. Một số nguồn tài liệu ôn thi SAT.
  5. Một số thông tin tham khảo về bài luận cá nhân.
  6. Cụ thể hóa công việc và làm chủ quá trình.
  7. Một vài lưu ý cho những bạn không có nhiều điều kiện về tài chính.
  8. Những bài học từ quá trình nộp đơn.
  9. Các nguồn tìm hiểu thông tin và hỗ trợ nộp đơn miễn phí.
  10. Nguồn tham khảo mình sử dụng trong bài ghi chú này.

Một lưu ý nhỏ: Ngoài những thông tin, số liệu mình sẽ trích dẫn nguồn ở cuối bài, phần còn lại đều là trải nghiệm, ý kiến cá nhân và những gì mình tích lũy được từ thầy cô/anh chị cố vấn của mình. Mình không đại diện cho một tổ chức hay cá nhân nào cả. Vì bài dài nên không thể tránh khỏi những sai sót, mình rất vui được đón nhận góp ý của mọi người.

MỘT SỐ THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ ĐẠI HỌC MỸ

  1. Các loại hình giáo dục bậc cao đẳng – đại học – cao học:
  2. Universities (Đại học): Đây là các cơ sở giáo dục đào tạo cả bậc Cử nhân, Cao học và Nghiên cứu sau tiến sĩ. Hệ thống này được chia thành trường đại học công lập (nhận được tài trợ của Chính phủ) và trường đại học tư nhân. Một hình thái của Đại học Công lập là hệ thống các trường đại học của bang, ví dụ như ở bang California (California State System). Một điểm đặc biệt là vài trường, mặc dù thuộc hệ thống University, nhưng vì lý do lịch sử/ truyền thống, tên trường giữ lại chữ College (ví dụ: Dartmouth College).

Các trường này thường có số lượng học sinh rất lớn, nhiều lớp học được diễn ra trong giảng đường có thể chứa hàng trăm sinh viên và một số lớp khác được giảng dạy bởi sinh viên cao học (thay vì giáo sư). 

Một vài trường đại học lớn sẽ gồm các trường nhỏ hơn, có thể là cơ sở đào tạo bậc cử nhân, các trường cao học và chuyên nghiệp. Ví dụ trong khuôn khổ Đại học Yale (Yale University) có thể kể đến Trường “Cử nhân” (Yale College), Trường Luật (Law School), Trường Âm Nhạc (School of Music), Trường Y Khoa (School of Medicine), …

  1. Liberal arts colleges (Đại học khai phóng): Mặc dù từ “college” hay được dịch thành “cao đẳng” trong tiếng Việt, LACs là các trường đại học hệ 4 năm tập trung vào giáo dục bậc cử nhân. Các trường LACs không cung cấp hay cung cấp rất ít các chương trình đào tạo sau đại học. Điểm đặc biệt của các trường LACs là lớp học nhỏ, tương tác giữa giảng viên – sinh viên cao, vì vậy sinh viên sẽ nhận được nhiều quan tâm hơn. Ví dụ: Williams College, Amherst College, …
  2. Community College (Cao đẳng cộng đồng): Các trường này tương đương với “cao đẳng” ở Việt Nam, cần 2 năm để hoàn thành. Sau khi tốt nghiệp CC, bạn sẽ nhận Bằng Cao đẳng (Associate Degree). Với bằng này, bạn có thể trực tiếp tìm việc hay chuyển tiếp (transfer) lên một trường đại học hệ 4 năm để hoàn tất 2 năm còn lại, lấy bằng Cử nhân.

Như vậy, “College” ở Mỹ có thể dùng để chỉ: (1) Cao đẳng cộng đồng, (2) Đại học khai phóng, (3) Cơ sở giáo dục bậc cử nhân trực thuộc một trường đại học lớn (Yale College của Yale University). Trong đó, (2) và (3) là các trường hệ 4 năm sẽ trao Bằng Cử nhân (bachelor’s degree), phổ biến nhất là Cử nhân Khoa học (B.S.) và Cử nhân Nghệ thuật (B.A.).

  1. Triết lý giáo dục khai phóng (Liberal Arts Education):

Mặc dù có nguồn gốc từ châu Âu, “giáo dục khai phóng” đã trở thành cốt lõi của hệ thống giáo dục đại học ở Mỹ. Đa số các cơ sở giáo dục bậc cử nhân hệ 4 năm hiện nay đều giảng dạy chương trình liberal arts. Trải qua thăng trầm thời gian, khái niệm liberal arts đã có nhiều sự thay đổi. Trong bối cảnh hiện đại, những sinh viên theo học Bằng cử nhân liberal arts, bên cạnh ngành học chính của mình, sẽ học một chương trình liên ngành (interdisciplinary), bao gồm nhiều môn học ở lĩnh vực nhân văn, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và formal science (tạm dịch khoa học thuần túy). Theo đó, một sinh viên theo học một chuyên ngành cụ thể vẫn sẽ được cung cấp kiến thức nền ở các lĩnh vực khác. Mình luôn nghĩ về giáo dục khai phóng như một sứ mệnh giáo dục đích thực – học chỉ vì niềm vui được học, được theo đuổi tri thức. Nó tương phản với các chương trình mang nặng tính hướng nghiệp, đào tạo nghiệp vụ, vốn có thể được dành cho những trường cao học (graduate schools) hoặc trường chuyên nghiệp (professional schools).

  1. Quy trình tuyển sinh Đại học Mỹ:
  2. Đánh giá toàn diện (holistic assessment): Các trường đại học Mỹ đều ghi trên website rằng họ có một quy trình tuyển sinh toàn diện. Mặc dù mức độ áp dụng có thể không đồng đều giữa các trường, điều này cơ bản có nghĩa là khi bạn nộp đơn, hồ sơ của bạn sẽ được xét trên nhiều phương diện. Giờ đây bạn không chỉ là những điểm số vô tri vô giác; ban tuyển sinh còn quan tâm đến những đam mê, những tố chất cá nhân của bạn, những ước mơ và hoài bão. Nói cách khác, bạn là một Các trường đại học Mỹ đều ghi trên website rằng họ có một quy trình tuyển sinh toàn diện. Mặc dù mức độ áp dụng có thể không đồng đều giữa các trường, điều này cơ bản có nghĩa là khi bạn nộp đơn, hồ sơ của bạn sẽ được xét trên nhiều phương diện. Giờ đây bạn không chỉ là những điểm số vô tri vô giác; ban tuyển sinh còn quan tâm đến những đam mê, những tố chất cá nhân của bạn, những ước mơ và hoài bão. Nói cách khác, bạn là một cá thể đặc biệt, và ban tuyển sinh sẽ cố gắng tìm hiểu , và ban tuyển sinh sẽ cố gắng tìm hiểu con người thật sự của bạn ẩn sâu dưới kết quả của chuỗi bài thi và kiểm tra.

Ngoài ra, một vài yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến quá trình này như:

+ Sắc tộc: Theo thống kê, học sinh gốc Á có tỉ lệ được nhận vào các trường top đầu thấp hơn các bạn đồng trang lứa. Rất nhiều học sinh châu Á nộp đơn vào các trường lớn, và một ưu thế của nhóm này là điểm số cao. Vì vậy, có thể nói sự cạnh tranh của học sinh châu Á để giành tấm vé vào các trường lớn rất khắc nghiệt.

+ Cộng đồng thiểu số (underrepresented minorities): Các học sinh gốc Phi (African American), gốc Latinh và Tây Ban Nha (Hispanic/Latinx), người Mỹ bản địa (Native American),… có tỷ lệ nhập học (và hoàn thành) đại học thấp hơn so với các bạn da trắng. Vì vậy, các trường đang cố gắng trao nhiều cơ hội hơn cho các bạn thuộc các nhóm trên.

+ Gia cảnh: Nếu ba mẹ bạn là cựu học sinh của trường thì hồ sơ của bạn sẽ có một điểm cộng gọi là legacy (tạm dịch: di sản).

+ Thế hệ đầu tiên trong gia đình học đại học (first-generation college student): Bạn sẽ thuộc nhóm này nếu cả ba và mẹ của bạn đều chưa nhận bằng đại học. Các bạn được ưu tiên nhất định vì sự thiếu vắng những tư vấn cần thiết từ ba mẹ – những người thân cận nhất khiến các bạn gặp nhiều bất lợi trong quá trình nộp đơn cũng như chặng đường 4 năm ở đại học.

+ Năng khiếu thể thao: Đối với các trường có phong trào thể thao mạnh mẽ, họ sẽ có suất dành cho những bạn tham gia thi đấu chuyên nghiệp (recruited athletes).

  1. Hệ thống nộp đơn: Thay vì tổ chức một kỳ thi Tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH trên quy mô toàn quốc như Việt Nam, các trường Đại học Mỹ có quy trình tuyển sinh riêng. Học sinh có thể ứng tuyển một hoặc nhiều trường đại học cùng một lúc, thông qua một hệ thống nộp đơn (có thể ví như cổng thí sinh). Ở Mỹ có 3 hệ thống nộp đơn chính là Common Application, Coalition Application và Universal College Application, trong đó phổ biến nhất là Common Application. Quy tắc chung cơ bản của những hệ thống này là bạn sẽ tạo một tài khoản, hoàn tất những yêu cầu và hồ sơ của bạn sẽ được chuyển đến (các) trường đại học bạn ứng tuyển.

Bạn hãy tìm hiểu thêm về ưu/nhược điểm của từng hệ thống trước khi quyết định sẽ sử dụng hệ thống nào. Common App chỉ cho bạn nộp tối đa 20 trường, nên nếu bạn có ý định nộp hơn số lượng đó, bạn có thể tạo một hồ sơ tương tự bên Coalition App (và ngược lại). Tuy nhiên, mình không nghĩ nộp quá nhiều trường là một ý kiến hay.

  1. Các kỳ nộp đơn: Nếu các trường ĐH Việt Nam có các đợt nộp đơn với các khung thời gian khác nhau, trường ĐH Mỹ cũng tương tự. Mình sẽ nêu ra ở đây những đặc điểm cơ bản của các kỳ nộp đơn.

+ Kỳ tuyển sinh ưu tiên (Early Decision – ED): Là đợt nộp đơn sớm nhất, với hạn chót thường rơi vào khoảng đầu-giữa tháng 11 và kết quả sẽ có vào khoảng giữa tháng 12. Điểm đặc biệt của ED là bạn chỉ được nộp hồ sơ vào một trường duy nhất trong đợt ED, và bạn sẽ phải ký một thỏa thuận ràng buộc (Binding Agreement): nếu bạn được trường chấp nhận với hỗ trợ tài chính phù hợp, bạn bắt buộc phải đăng ký nhập học và rút (withdraw) tất cả hồ sơ bạn đã nộp vào các trường khác. Tuy nhiên, bạn không cần phải tuân theo ràng buộc này cho tới khi nhận được kết quả hỗ trợ tài chính, và nếu bạn không hài lòng với gói hỗ trợ của mình, bạn có thể kiến nghị (petition) để trường hủy bỏ (release) bản ràng buộc bạn đã ký trước đó, cho phép bạn giữ lại hồ sơ ở các trường khác và đợi có kết quả của tất cả các trường bạn nộp trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Hạn chót để chấp nhận nhập học nếu bạn đậu đợt ED thường rơi vào khoảng đầu – giữa tháng 1.

Thông thường các bạn sẽ dành ED cho ngôi trường trong mơ của mình; Binding Agreement vì vậy là một thông điệp bạn gửi đến trường rằng trường là nguyện vọng/ ưu tiên số 1 của bạn, và bạn gần như chắc chắn sẽ nhập học nếu được nhận. Hầu như tất cả các trường đều có đợt ED.

Khi bạn nộp đơn ED sẽ có 3 trường hợp xảy ra. (1) Được nhận (Accepted), (2) Từ chối (Rejected), (3) Hồ sơ của bạn được dời xuống đợt nộp đơn thường để xem xét lại một lần nữa cùng các ứng viên khác nộp đơn đợt đó (Deferred). Khi (3) xảy ra, thay vì hoảng hốt, bạn hãy xem nó như là một cơ hội thứ hai: lúc này bạn có thể tạo thêm niềm tin cho trường bằng cách gửi một “Lá thư nguyện vọng theo học” (Letter of continued interest), thể hiện trường vẫn luôn là ưu tiên số một của bạn, trong đó đề cập đến những phát triển mới nhất của bạn trong thời gian vừa qua.

Một số trường còn có đợt nộp đơn ED II, với bản chất và ràng buộc hoàn toàn giống ED I, duy chỉ có hạn chót được kéo dài đến khoảng đầu tháng 1, và kết quả được trả vào khoảng giữa tháng 2.

+ Kỳ tuyển sinh sớm (Early Action – EA): Khung thời gian của EA tương tự như ED, chỉ với một khác biệt là EA không ràng buộc. Bạn có thể nộp nhiều trường EA cùng một lúc. Thời gian trả kết quả sẽ muộn hơn ED và hạn chót xác nhận nhập học thường trùng với hạn chót của đợt nộp đơn thường (Regular Decision). Số lượng các trường có đợt nộp đơn EA không nhiều.

+ Kỳ tuyển sinh thường (Regular Decision – RD): Đa phần các thí sinh sẽ nộp đơn vào đợt này. Hạn chót của RD là đầu-giữa tháng 1, và kết quả thường được trả vào cuối tháng 3. RD không ràng buộc và bạn có thể nộp nhiều trường RD cùng một lúc. Hạn chót xác nhận nhập học toàn quốc là đầu tháng 5, khi đó bạn phải đưa ra quyết định sẽ nhập học trường nào sau khi suy xét tất cả các trường bạn được nhận.

Khi bạn nộp RD sẽ có 3 trường hợp xảy ra: (1) Được nhận (accepted), (2) Từ chối (rejected) và (3) Nằm trong danh sách chờ (waitlisted). Các trường luôn có một danh sách chờ để đề phòng trường hợp số lượng thí sinh xác nhận nhập học (trong tổng số thí sinh được nhận) thấp hơn so với dự đoán ban đầu thì trường sẽ bắt đầu xét đến các bạn trong danh sách chờ. Và tương tự trường hợp “deferred,” bạn có thể chủ động liên lạc với trường để cung cấp những thông tin bổ sung có lợi cho hồ sơ của bạn.

(*) Một ưu điểm của các đợt nộp đơn sớm (ED và EA) là nếu bạn được chấp nhận, bạn sẽ giảm được rất nhiều căng thẳng/ áp lực trong thời gian còn lại của cấp 3.

  1. Vòng phỏng vấn cá nhân: Tùy theo quá trình tuyển sinh của từng trường, bạn có thể sẽ phải trải qua thêm một vòng phỏng vấn cá nhân. Có 2 dạng phỏng vấn thường gặp:

+ Phỏng vấn mang tính thuần thông tin (Informational interview): thường được thực hiện bởi các cựu học sinh trường (alumni). Đây là cơ hội để bạn tìm hiểu thêm về trường cũng như được giải đáp những thắc mắc. Thông thường, informational interview sẽ không ảnh hưởng đến khả năng được nhận của bạn.

+ Phỏng vấn đánh giá (Evaluative interview): Có thể được thực hiện bởi cựu học sinh hay chính thành viên ban tuyển sinh. Người phỏng vấn sẽ nộp một bản báo cáo (report) về buổi phỏng vấn và những nhận xét cá nhân của họ dành cho ứng viên. Bản báo cáo này sẽ được xem xét là một thành phần trong bộ hồ sơ, và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng được nhận của bạn.

(*) Đối với học sinh quốc tế, nhiều trường cố gắng phỏng vấn tất cả những ai nộp đơn (như Stanford University) nhưng cũng có vài trường sẽ chọn lọc nhất định (pre-screening).

NHỮNG THÀNH PHẦN CHÍNH TRONG MỘT BỘ HỒ SƠ COMMON APP

Ở trên mình có nhắc đến việc bạn cần tạo một hồ sơ trên hệ thống nộp đơn. Năm ngoái mình nộp đơn sử dụng hệ thống Common App, vậy nên bây giờ mình sẽ đi vào chi tiết một bộ hồ sơ như thế bao gồm những gì.

  1. Thông tin cá nhân.
  2. Hồ sơ học thuật (Academic Profile): Common App sẽ yêu cầu thông tin của bạn tính từ năm lớp 9, gồm điểm trung bình ở trường, điểm thi chuẩn hóa và các thành tích học thuật.
  • Điểm trung bình (Grade Point Average – GPA): thông thường không có một tiêu chuẩn nhất định về GPA, nhưng bạn hãy cố gắng giữ học lực giỏi, và có sự ổn định, hoặc tốt hơn là tiến bộ qua các năm (ví dụ: năm học lớp 10 là 8.5, các năm tiếp theo sẽ lớn hơn hoặc bằng 8.5)
  • Điểm thi chuẩn hóa (Standardized test scores): Hầu hết các trường đều yêu cầu bạn nộp điểm SAT/ ACT – hai bài thi được sử dụng để đánh giá một cách “chuẩn hóa” năng lực học thuật của học sinh. Bài thi SAT gồm phần thi toán và đọc hiểu, bài thi ACT có thêm bài thi khoa học. Nhiều trường áp dụng chính sách “superscore” – tối đa hóa điểm thi: tức là bạn có thể thi nhiều lần, và trường sẽ lấy điểm cao nhất của các bài thi thành phần cộng lại cho bạn. Theo như mình biết, điểm chuẩn hóa có vai trò như một “vé vào cổng,” tức là khi đã thỏa mãn một mức nhất định, thì trường sẽ không quan tâm đến điểm chuẩn hóa nữa; bạn được 1520 hay 1600 điểm SAT cũng như nhau cả mà thôi.

    Bạn có thể làm bài thi đánh giá năng lực (placement test) để xem bạn phù hợp với SAT hay ACT hơn. Riêng đối với học sinh quốc tế, bạn còn bắt buộc phải nộp điểm thi ngoại ngữ (IELTS, TOEFL, Duolingo, … ). Vì dịch Covid khiến rất nhiều kỳ thi SAT/ ACT bị hủy bỏ, các trường đã quyết định sẽ không yêu cầu điểm chuẩn hóa cho các thí sinh nộp đơn năm nay. Những năm tiếp theo không biết sẽ mang đến những thay đổi nào, nên mình nghĩ tốt nhất bạn vẫn hãy ôn tập và chuẩn bị tốt nhất có thể.
  • Các thành tích học thuật: đó có thể là giải HSG, giải Khoa học-Kỹ thuật hay các kỳ thi hùng biện. Phần này không nhất thiết phải có nhưng nếu có, tất nhiên nó sẽ thêm điểm cộng cho hồ sơ của bạn.
  1. Danh sách hoạt động (Activities List): Bạn có thể hiểu đây là những việc bạn làm ngoài giờ lên lớp (Extracurricular Activities – ECs). Common App cho phép bạn liệt kê tối đa 10 hoạt động và giới hạn phần miêu tả chi tiết trong 150 ký tự (bao gồm cả khoảng cách). Để có thể tận dụng tốt 150 ký tự đó, bạn hãy lưu ý những điểm sau đây:
  • Không viết một câu hoàn chỉnh. Thay vào đó, bạn hãy sử dụng phương pháp liệt kê với các động từ chủ động (active verbs). Ví dụ, với hoạt động “tutoring,” bạn có thể ghi miêu tả là: “Meet with students one-on-one, develop study aids, and create practice examples.” (CollegeVine)
  • Số lượng hóa ảnh hưởng của hoạt động: cung cấp những giá trị số sẽ tăng thêm tính thuyết phục. Ví dụ, thay vì ghi một cách chung chung rằng “[sự kiện từ thiện] nhận được quan tâm đông đảo,” bạn có thể cụ thể hóa bằng cách ghi rõ “[sự kiện từ thiện] thu hút 200 người tham gia.”
  • Gắn kết lâu dài (commitment) và Sự tiến bộ (progress): các trường sẽ rất đề cao nếu bạn tham gia một hoạt động trong một thời gian dài, và trong thời gian đó đã có những phát triển nhất định (ví dụ: từ thành viên thành trưởng câu lạc bộ), hơn là những hoạt động lẻ tẻ mang tính chất nhất thời trong 2-3 tháng.
  • Hoạt động ngoại khóa không cần phải đao to búa lớn, cả những điều nhỏ nhặt thường ngày đều đáng được trân trọng: đó có thể là nghĩa vụ gia đình hay sở thích cá nhân. Ví dụ, việc bạn dành phần lớn thời gian rảnh của mình để chăm sóc em gái thể hiện bạn là một người có trách nhiệm, chu đáo và biết yêu thương; hay việc bạn làm thủ công phần nào thể hiện bạn có một tâm hồn tinh tế và kiên nhẫn; hoặc hàng tuần bạn đều dành 2 tiếng đi dạo ngắm phố phường chụp ảnh có thể phác họa bạn là một con người yêu cái đẹp và có khuynh hướng nghệ thuật.
  • Thông thường, các trường sẽ đánh giá tốt những hoạt động mang tính tập trung (centralized) vào một mảng nhất định (ví dụ: giáo dục, nghiên cứu khoa học, môi trường,…) Tuy nhiên, bạn vẫn nên xen kẽ một/hai hoạt động “trái ngành” để tăng tính đa dạng.
  • Mình biết có nhiều bạn xác định sớm ngành muốn theo học và xây dựng hoạt động ngoại khóa của mình xoay quanh ngành học đó. Tuy vậy, không phải ai cũng quyết định được ngay từ sớm và mình nhận được nhiều tâm sự của các bạn học sinh ở tỉnh là những cơ hội chuyên biệt như nghiên cứu khoa học còn nhiều hạn chế. Và câu trả lời của mình luôn là ta hoàn toàn có thể tự tạo ra cơ hội! Một ví dụ là sau khi mình may mắn được tham gia trại hè HVIET, mình vẫn không ngừng suy nghĩ về việc tại sao các bạn học sinh ở tỉnh mình không được tiếp cận với những mô hình giáo dục tương tự như vậy. Thế là mình cùng các bạn của mình đã tổ chức nên một trại hè với triết lý khai phóng đầu tiên ở tỉnh của mình. Một hoạt động khác mình gắn bó lâu dài là dạy học: mình dạy tiếng Anh cho các em nhỏ tiểu học ngay từ đầu cấp 3 cho đến tận bây giờ. Mình nghĩ danh sách hoạt động như trên thể hiện rất tốt những mối quan tâm của mình ngoài trường học cũng như những mặt tính cách của mình. Chốt lại, bạn làm gì không quan trọng, và bạn cũng không nhất thiết phải điền đủ 10 hoạt động ngoại khóa trong bộ hồ sơ. Bạn hãy cố gắng thể hiện cho Ban tuyển sinh thấy rằng bạn có những đam mê và quan tâm riêng bên cạnh việc học và bạn đã dành tất cả tâm huyết của mình để theo đuổi chúng, một cách bền bỉ và kiên định.
  1. Bài luận cá nhân (Personal Statement):
  • Trong một kỳ nộp đơn, sẽ rất nhiều ứng viên đạt điểm chuẩn hóa tối đa với danh sách hoạt động ngoại khóa được đầu tư công phu, vậy bạn có điều gì khác biệt để ban tuyển sinh nhận bạn? Câu trả lời nằm ở bài luận cá nhân. Điểm số chỉ là một thước đo khách quan về khả năng học thuật của bạn, và hoạt động ngoại khóa dừng lại ở những gạch đầu dòng nói lên những mối quan tâm của bạn và những đóng góp bạn dành cho cộng đồng. Bài luận cá nhân, ở một bức tranh khác, là nơi để bạn thể hiện Trong một kỳ nộp đơn, sẽ rất nhiều ứng viên đạt điểm chuẩn hóa tối đa với danh sách hoạt động ngoại khóa được đầu tư công phu, vậy bạn có điều gì khác biệt để ban tuyển sinh nhận bạn? Câu trả lời nằm ở bài luận cá nhân. Điểm số chỉ là một thước đo khách quan về khả năng học thuật của bạn, và hoạt động ngoại khóa dừng lại ở những gạch đầu dòng nói lên những mối quan tâm của bạn và những đóng góp bạn dành cho cộng đồng. Bài luận cá nhân, ở một bức tranh khác, là nơi để bạn thể hiện câu chuyện của riêng bạn, điều gì làm nên con người bạn hôm nay, những suy nghĩ cá nhân và trải nghiệm của bạn. Vì vậy, mình không thể nào nhấn mạnh đủ tầm quan trọng của bài luận cá nhân, có thể nói là nó mang yếu tố quyết định.
  • Từng hệ thống nộp đơn sẽ có bộ đề luận riêng. Đối với Common App, bạn được yêu cầu trả lời một trong các đề luận đó thông qua một bài luận dài tối đa 650 từ. Bài luận này sẽ được “dùng chung,” gửi đến tất cả các trường bạn nộp hồ sơ.
  • Năm ngoái Common App có bảy đề luận, và các đề luận chính thường không thay đổi quá nhiều qua từng năm. Vì vậy, bạn có thể tìm xem đề luận các năm trước và phác họa thử một vài ý tưởng.
  1. Các bài luận phụ (Supplemental Essays):
  • Bên cạnh các bài luận chính, mỗi trường sẽ yêu cầu thêm các bài luận phụ, với độ dài tối đa khoảng 250-300 từ. Các đề luận phụ rất đa dạng và có khả năng cao thay đổi theo từng năm.
  • Nếu trung bình một trường yêu cầu 2 bài luận phụ, và bạn nộp đơn tổng cộng 10 trường, tổng số bài luận bạn sẽ phải viết là 1 bài luận cá nhân + 2×10 = 21 bài luận. Đây là lý do tại sao ở trên mình khuyên bạn không nên nộp đơn quá nhiều trường, vì trong một thời gian ngắn với rất nhiều áp lực, bạn sẽ phải hy sinh chất lượng cho số lượng.
  • Tuy nhiên, nhiều đề luận phụ, dù khác nhau ở cách diễn đạt, đều có chung một chủ đề lớn (ví dụ như là một thất bại trong đời bạn). Lời khuyên của mình là bạn hãy phân loại các đề luận phụ bạn cần phải viết thành những nhóm chung đề tài, lập dàn ý cho các chủ đề lớn đó, và từ đó chỉnh sửa (recycle) sao cho phù hợp từng bài riêng biệt. Bạn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian so với việc viết một bài luận hoàn toàn mới.
  • Để có thể trả lời tốt một vài câu hỏi luận phụ liên quan đến trường (ví dụ như “Tại sao bạn lại chọn trường A?”), bạn cần đưa vào bài luận những thông tin cụ thể qua quá trình tìm hiểu kỹ về trường trên website và các nguồn có giá trị tương tự.
  1. Thư giới thiệu:
  • Rất nhiều trường yêu cầu thư giới thiệu trong quá trình tuyển sinh của mình. Sau khi bạn mời (invite) người giới thiệu bằng cách cung cấp thông tin cá nhân và địa chỉ email của họ trên hồ sơ của bạn, người giới thiệu sẽ nhận được hướng dẫn tạo một tài khoản người giới thiệu (recommender) trên hệ thống Common App. Người giới thiệu sẽ trực tiếp tải lên thư giới thiệu sử dụng tài khoản của họ, và theo quy tắc, bạn phải ký một bản cam kết từ bỏ quyền được xem qua trước (review) thư giới thiệu của mình. Thông thường, các trường sẽ bắt buộc 3 thư giới thiệu: 1 thư từ counselor (ở Việt Nam bạn có thể nhờ giáo viên chủ nhiệm), và 2 thư từ 2 giáo viên bộ môn khác nhau. Sau khi bạn hoàn tất mời người giới thiệu, bạn sẽ tiếp tục với việc “chỉ định” người giới thiệu riêng biệt cho từng trường, tức là bạn được quyết định trường nào sẽ nhận được thư giới thiệu nào. Ví dụ, hồ sơ của bạn có sẵn 4 thư giới thiệu, bạn có thể lựa chọn gửi thư A, B, C đến trường 1; thư A, C, D đến trường 2.
  • Người giới thiệu có thể là ai? – Bất kỳ ai có mối quan hệ gần gũi và hiểu rõ con người bạn, ở từng khía cạnh khác nhau như học tập, hoạt động ngoại khóa, đời sống cá nhân, … Cụ thể, bạn có thể ngỏ lời mời tới giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, trưởng câu lạc bộ bạn tham gia hay thậm chí là bạn thân của bạn.
  • Xin thư giới thiệu: Trước khi gửi lời mời trên hệ thống Common App, bạn nên trực tiếp đến gặp và hỏi ý kiến rằng họ có sẵn lòng viết cho bạn một bức thư giới thiệu hay không. Mình nghĩ bạn nên bắt đầu quá trình này ngay khi bắt đầu năm học, để đảm bảo người giới thiệu có đủ thời gian để lên ý tưởng và viết một bức thư chân thật nhất về bạn.
  • Hỗ trợ người giới thiệu: Bạn có thể giúp đỡ người giới thiệu trong quá trình này bằng cách cung cấp cho họ một bản thành tích trích ngang và những đặc điểm/khía cạnh mà bạn mong muốn được nhấn mạnh trong thư. Ví dụ, nếu trường bạn nộp đơn rất xem trọng kỹ năng lãnh đạo, bạn có thể bày tỏ nguyện vọng người giới thiệu sẽ nhắc đến các sự kiện/hoạt động chứng minh tố chất này của bạn. Bạn hãy cố gắng giữ liên lạc xuyên suốt với người viết thư giới thiệu, thỉnh thoảng có thể cập nhật về hạn chót của trường và các thông tin khác. Sau cùng, bạn nên gửi lời cảm ơn tới những ai đã dành thời gian và tâm sức viết thư giới thiệu cho mình.
  • Nhìn chung, một bức thư giới thiệu tốt không chỉ dừng ở việc đơn thuần kể lại những thành tích của học sinh, mà phải thành công mở ra những khía cạnh/ góc nhìn mới về con người ứng viên với các ví dụ thật cụ thể.
  1. Thông tin về ngôi trường bạn đang theo học (School profile): Để Ban tuyển sinh hiểu rõ hơn về môi trường học tập cũng như nắm được một bức tranh tương quan về chương trình học của bạn, bạn nên cung cấp một bản giới thiệu về trường cấp 3 của mình. Ví dụ, các trường thường muốn biết bạn có học những lớp khó nhất trường bạn cung cấp không, hay chất lượng giáo dục của trường như thế nào – thông qua những gương mặt cựu học sinh tiêu biểu. Nếu trường bạn có website bằng tiếng Anh thì hãy đính kèm link, còn nếu không thì bạn có thể cung cấp “school profile” dưới dạng pdf. Theo như mình biết thì rất ít trường có sẵn school profile như thế này, và trường mình cũng không ngoại lệ. Vì vậy mình đã liên hệ xin mẫu từ các anh chị học trường lớn và tự xây dựng một bản giới thiệu cho riêng trường của mình (tất nhiên là với số liệu xin từ nhà trường). Bạn hoàn toàn có thể làm điều tương tự.

(*) Hệ thống nộp đơn sẽ bắt đầu mở vào khoảng đầu tháng 8 hàng năm. Bạn có thể tạo một tài khoản để “điền nháp,” giúp định hình trước một bộ hồ sơ thật sự sẽ như thế nào. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng sau mỗi năm thông tin bạn đã điền trước đó sẽ bị xóa đi toàn bộ.

HỒ SƠ XIN HỖ TRỢ TÀI CHÍNH VÀ HỌC BỔNG

  1. Một vài thuật ngữ về tài chính bạn cần biết:
  2. Cost of Attendance: Tổng chi phí cho một năm học. Trong đó bao gồm tiền bạn phải đóng cho nhà trường (billed expenses) và các khoản chi phí phát sinh (unbilled expenses). Ví dụ dưới đây là chi phí một năm của Đại học Duke:

(*) Tiền đóng cho nhà trường:

  • Học phí và phí sinh viên: $60,488
  • Ký túc xá: $9,164
  • Chi phí ăn uống (ở canteen trường, tiêu chuẩn 21 bữa/tuần): $8,320
  • Bảo hiểm y tế (bắt buộc): $3,655

(*) Các khoản phí phát sinh:

–  Sách và dụng cụ học tập: $1,434 (sách giáo khoa ở Mỹ rất mắc)

–  Sinh hoạt phí cá nhân: $1,976

– Chi phí đi lại: $2,200

=> Tổng cộng: $87,237/năm

  1. Khả năng đóng góp của gia đình (Family Contribution): đây là số tiền mà gia đình bạn có thể chi trả trong một năm cho việc học tập của bạn. Đối với rất nhiều hồ sơ quốc tế, family contribution càng ít, khả năng được  nhận càng thấp.  Thời điểm mình nộp đơn, một bạn học sinh đóng được thấp hơn $15,000/năm là đáng báo động. Vậy mà mình đã điền contribution $1200/năm – đúng bằng số tiền gia đình mình có thể cố gắng chi trả cho 1 năm đại học của mình ở Việt Nam (dẫu cũng rất chật vật). Nhưng rõ ràng mình không còn lựa chọn nào khác. Mình càng không thể ngồi than trách số phận mãi rồi buông xuôi; mình hiểu bản thân cần phải nỗ lực gấp nhiều lần để bù đắp cho khiếm khuyết mình không thể làm chủ được ấy. 
  2. Hỗ trợ tài chính (financial aid – FA) và học bổng dựa trên thành tích cá nhân (merit-based scholarship): Đây là hai cách để gia đình bạn có thể giảm bớt gánh nặng của số tiền khổng lồ như trên. Học bổng dành cho học sinh quốc tế thường rất hiếm, nên thông thường các bạn đều nộp hồ sơ xin hỗ trợ tài chính.
  • Số tiền hỗ trợ tài chính bạn nhận được = tổng chi phí (cost of attendance) – khả năng đóng góp của gia đình (Family Contribution).

Tuy nhiên, khi nộp đơn vào đại học Mỹ, hồ sơ của các bạn được gắn nhãn “học sinh quốc tế.” Sở dĩ mình nhắc điều này, vì rất ít trường cho học sinh quốc tế đủ số tiền các bạn ấy cần (meet full need). Ví dụ nếu family contribution của bạn nằm ở mức $10,000/năm, số tiền còn thiếu là $70,000/năm; với ngân sách hạn hẹp, trường có thể chỉ cho bạn $30,000/năm. Điều này dẫn đến rất nhiều trường hợp bạn được nhận nhưng lại không đủ tiền để theo học. Ở dưới mình sẽ nói rõ hơn về danh sách các trường “meet full need” cho học sinh quốc tế.

Một bất lợi nữa của học sinh quốc tế so với học sinh bản địa là chính sách “need-aware.” Mình không tìm được thuật ngữ tiếng Việt thích hợp để dịch định nghĩa này nên mình sẽ giải thích cụ thể. Các trường need-aware là các trường quan tâm đến khả năng chi trả của gia đình bạn khi đọc hồ sơ của bạn. Nói cách khác, số tiền gia đình bạn có thể đóng góp cho trường một năm quyết định trực tiếp bạn có được nhận hay không. Có nhiều trường quy định (ngầm) là nếu bạn không đóng đủ một mức nào đó (minimum contribution), họ sẽ thẳng tay loại ngay hồ sơ của bạn mà không cần đọc. Để tránh trường hợp công dã tràng, trước khi quyết định nộp đơn cho một trường nào đó, bạn nên chủ động liên lạc trình bày thắc mắc, họ có thể sẽ nói cho bạn biết mức đóng góp tối thiểu của trường họ là bao nhiêu, hoặc một cách nữa là hỏi xin ý kiến từ các anh chị người Việt đang học tại trường đó. Tuy nhiên Mỹ cũng có các trường “need-blind.” Các trường này, ngược lại, sẽ không tính khả năng chi trả của gia đình bạn là một yếu tố trong quá trình đánh giá hồ sơ. Tức là, bất kể bạn đóng được rất ít hay không đóng được gì cả, nếu bạn phù hợp với tiêu chí của trường, họ sẽ nhận bạn và cho bạn đủ số tiền bạn cần. Các trường “need-blind” cho học sinh quốc tế cực kỳ hiếm, theo mình biết chỉ có 5 trường là MIT, Princeton, Yale, Harvard và Amherst.

(*) Như vậy, nếu bạn được hỗ trợ toàn phần học phí thì vẫn còn rất nhiều chi phí khác như bảo hiểm, tiền máy bay, tiền tiêu vặt mà nếu dồn vào thì là một số tiền khổng lồ (gần $10,000/năm). Vì vậy, khi điền hồ sơ tài chính, bạn phải dự trù cả số tiền này. Mình xác định gia đình mình sẽ không bao giờ chi trả nổi cả những khoản “nhỏ nhặt” đó nên mình đã quyết định nộp đơn vào các trường có ngân sách hào phóng, có thể cho mình đủ tiền để đi học. Và kết quả là cả 3 trường nhận mình (2 trường need-blind và 1 trường need-aware) đều hỗ trợ tài chính cho mình đúng nghĩa toàn phần chi phí (cả vé máy bay, phí xin visa, bảo hiểm, …). Gia đình mình không phải chi trả gì cả.

  • Học bổng dựa vào thành tích cá nhân: Trong khi hỗ trợ tài chính được tính dựa trên nhu cầu tiền bạc của gia đình bạn (need-based), học bổng sẽ không quan tâm việc nhà bạn giàu hay nghèo. Thay vào đó, các trường sẽ thành lập hội đồng xét duyệt học bổng, xem xét thành tích, những đóng góp và tố chất của các cá nhân (merit-based). Khác với hỗ trợ tài chính chỉ dừng lại ở giá trị tiền bạc, các bạn nhận học bổng thường được gọi là “scholars,” với vô vàn những cơ hội khác như sự giúp đỡ từ một cộng đồng những người đã được nhận học bổng trước đó (scholars and fellows), cố vấn đặc biệt từ giáo sư, tài trợ dành cho nghiên cứu/thực tập mùa hè, các buổi nói chuyện với diễn giả có tiếng trong ngành và những chuyến đi thực địa (field trip). Và tất nhiên, đây là những học bổng toàn phần (full-ride scholarship), bạn vẫn không phải chi trả gì thêm cả.

Vì những lợi ích như thế nên các học bổng cho học sinh quốc tế thường rất hiếm và danh giá. Ngoài hồ sơ ban đầu bạn nộp cho trường, bạn còn phải hoàn thành một hồ sơ học bổng riêng biệt khác. Thông thường bạn sẽ nộp hai hồ sơ này cùng một lúc với nhau; sau khi đọc hồ sơ của bạn, hội đồng học bổng của trường sẽ lọc ra một vài bạn đủ tiêu chuẩn để liên hệ phỏng vấn (shortlisted). Mình từng nhận được một học bổng toàn phần như thế của Đại học Duke, gọi là Karsh International Scholarship (Học bổng Karsh cho Học sinh Quốc tế). Điểm khác biệt của Karsh là trường sẽ lọc hồ sơ trước để chọn ra những ứng viên vào “vòng chung cuộc” (finalist). Lúc này chỉ các bạn finalist mới được yêu cầu nộp hồ sơ học bổng, kèm theo phỏng vấn ngay sau đó. Mình nhớ rằng mình được cho 6 ngày để hoàn tất 3 bài luận phỏng vấn, trả lời một vài câu hỏi phụ, nộp CV cũng như chuẩn bị phỏng vấn. Mình được phỏng vấn bởi một hội đồng các giáo sư và cô trưởng ban học bổng. Số lượng các bạn nhận được học bổng hàng năm không giống nhau, có thể tùy theo chất lượng các ứng viên và chỉ tiêu của trường. Theo như mình biết thì năm nay Duke có 5 Karsh scholars, trong khi năm trước là 9.

Tùy từng học bổng sẽ có những tiêu chí riêng cụ thể. Ví dụ có học bổng xem trọng kỹ năng lãnh đạo, cũng có học bổng đánh giá cao những đóng góp cho xã hội và cộng đồng. Bạn nên đọc kỹ các yêu cầu trước khi nộp đơn.

  1. CSS Profile: Đây là một hồ sơ điện tử để bạn kê khai tài chính gia đình và cá nhân. CSS yêu cầu những thông tin rất cụ thể như chi phí sinh hoạt trong một tháng của gia đình, chi phí bảo hiểm, học tập, … Các trường sẽ dựa vào CSS Profile để ước tính số tiền gia đình bạn cần đóng trong một năm. Và mỗi năm bạn đều phải nộp một profile mới để cập nhật những thay đổi trong tài chính gia đình.
  2. ISFAA: Đơn xin hỗ trợ tài chính cho học sinh quốc tế. Bạn có thể tưởng tượng đây là một bản giấy của CSS Profile.

(*) Bạn cần lưu ý rằng một số trường có hạn chót cho hồ sơ tài chính sớm/trễ hơn hạn chót nộp hồ sơ ứng tuyển.

  1. Các giấy tờ bạn cần phải nộp để chứng minh tài chính gia đình: thường được yêu cầu tải lên một hệ thống xét duyệt gọi là IDOC:
  2. Giấy xác nhận thu nhập của ba mẹ (Income Document): Nếu ba mẹ bạn làm khối nhà nước hay tư nhân thì bạn có thể dễ dàng xin được sao kê ngân hàng, hay bạn có thể tự soạn một mẫu đơn và nhờ ba mẹ lên công ty xác nhận. Tuy nhiên, mình hiểu một số lượng lớn lao động ở nước mình làm việc tự do, nhận lương cuối tháng bằng tiền mặt, và vì vậy khó có thể lấy được giấy tờ đóng dấu đỏ. Trong trường hợp này, mình nghĩ các bạn có thể thử xin xác nhận từ địa phương nơi bạn sinh sống. Bạn cũng có thể trực tiếp liên lạc với nhà trường trình bày tình huống của mình, các trường đều rất nhiệt tình đưa hướng giải quyết.
  3. Xác nhận số dư tài khoản (Bank statement/Confirmation of Account Balance): đây là tài liệu chứng minh gia đình bạn có bao nhiêu tiền trong tài khoản ngân hàng. Hiện tại đa số các ngân hàng đều cung cấp bản xác nhận này song ngữ theo yêu cầu. Ngoài tài khoản ngân hàng, bạn còn có thể xin xác nhận sổ tiết kiệm (savings account).
  4. Bản khai thuế hoặc Đơn miễn trừ thuế nếu nhà bạn không thuộc diện đóng thuế (Tax return/Non-filer): Một bộ phận không nhỏ lao động ở nước mình không có làm thủ tục khai thuế hàng năm nên bạn có thể tải mẫu đơn Non-filer về điền vào. Trường hợp trường không có sẵn mẫu Non-filer, bạn có thể xin xác nhận không khai thuế từ công ty hoặc trực tiếp liên hệ với trường.
  5. Các giấy tờ riêng biệt của từng trường (School-specific documents): Nhiều trường sẽ yêu cầu bạn điền một vài giấy tờ bổ sung, ví dụ như Đại học Stanford có thêm “International Student Supplement to the CSS Profile.”
  6. Giấy tờ sở hữu nhà đất: Vì phần này gia đình mình không có nên mình cũng không tìm hiểu rõ.
  7. Thư trình bày hoàn cảnh đặc biệt (Statement about special circumstances): Ông bà ta có câu “mỗi nhà mỗi cảnh,” nên nếu có một yếu tố đặc biệt tác động trực tiếp đến tài chính gia đình bạn, bạn cần phải trình bày với trường một cách chân thật và cụ thể nhất có thể. Ví dụ, nếu ba mẹ bạn hiện tại không đăng ký chung một hộ khẩu, bạn cần phải nộp 2 hồ sơ CSS riêng biệt cho từng người. Nếu người bảo hộ của bạn là mẹ, mẹ bạn được gọi là Custodial Parent, và ba bạn tương ứng sẽ là Non-custodial Parent. Nhưng giả sử bạn gặp phải một vấn đề lớn: bạn hoàn toàn không có cách nào liên lạc với ba mình để lấy được những thông tin tài chính của ông, vậy thì bạn phải nộp cho trường những giấy tờ sau: (1) Đơn xin miễn hồ sơ của phụ huynh không có quyền bảo hộ (CSS Profile Waiver Request for the Noncustodial Parent), (2) Thư trình bày trường hợp đặc biệt và (3) Giấy xác nhận từ nhà trường. Tùy từng trường sẽ có quy trình và yêu cầu khác nhau đối với việc giải quyết những tình huống như thế này. Bạn yên tâm, bạn không phải là người duy nhất trải qua đâu, nên bạn cứ bình tĩnh và chuẩn bị sẵn tinh thần để làm việc riêng với từng trường và cung cấp những thông tin họ yêu cầu.
  8. Kiến nghị xem xét lại hỗ trợ tài chính (Financial Aid Appeal): Như mình đã nhắc ở trên, rất nhiều trường hợp trường không cho bạn đủ số tiền bạn cần. Trong trường hợp này, bạn có thể viết email trình bày nguyện vọng mong trường xem xét tăng thêm hỗ trợ tài chính. Bạn thậm chí có thể viết xin đến lần thứ 2 nếu gia đình đã cố gắng nhưng vẫn không thể chi trả nổi phần còn lại, vì dù gì bạn cũng không mất gì. Đợt nộp đơn vừa rồi may mắn là mình không cần phải viết appeal, nên ngoài thông tin cơ bản như trên, mình không còn kinh nghiệm nào khác về vấn đề này. Bạn có thể tìm hiểu thêm trên google với từ khóa mình đã cung cấp.

MỘT SỐ NGUỒN TÀI LIỆU ÔN THI SAT:

Cuối năm lớp 11 mình quyết định tự ôn thi SAT. Kinh nghiệm của mình với SAT trước đó bằng không nên mình đã học từ những kiến thức cơ bản nhất để nắm vững nền. Sau đây là những tài liệu mình sử dụng, bạn đều có thể tìm thấy bản pdf trên mạng.

  • The Critical Reader, tác giả Erica Meltzer.
  • The Ultimate Guide to SAT Grammar, tác giả Erica Meltzer.
  • The College Panda’s SAT Math, tác giả Nielson Phu.
  • Ngoài ra, mình còn làm thêm các đề luyện tập trên Khan Academy. Mình nghĩ chất lượng đề có thể được đảm bảo vì Khan Academy là đối tác của College Board (đơn vị tổ chức thi SAT).
  • Trước ngày thi 2 tuần, mình bắt đầu làm các đề luyện tập chính thức (practice tests) trên trang web College Board.
  1. MỘT SỐ THÔNG TIN THAM KHẢO VỀ BÀI LUẬN CÁ NHÂN

(*) Bài luận cá nhân phục vụ 2 mục đích chính: giúp ban tuyển sinh hiểu rõ hơn về con người bạn và đánh giá khả năng viết của bạn.

  1. Suy nghĩ ý tưởng (Brainstorming): Bạn có thể bắt đầu với những chủ đề sau: Thời ấu thơ, nhân dạng, những người quan trọng trong cuộc đời bạn, những quyết định trọng đại bạn từng đưa ra, những khó khăn, thất bại, những bài học giá trị, nguồn cảm hứng, kỷ vật cá nhân, …

(*) Mình thường tận dụng những giờ giải lao trên trường để tìm ý tưởng cho bài luận. Mình lưu chúng bằng Google Keep để đến tối về mình chỉ cần bắt tay vào viết, tiết kiệm thời gian suy nghĩ.

  1. Một số hướng tiếp cận bài luận:
  2. Bài luận của bạn sẽ được đánh giá bởi 6 yếu tố, gồm có:

+ Ý tưởng, cách tổ chức/triển khai, giọng văn

+ Cách sử dụng từ ngữ (từ vựng), độ trôi chảy/kết nối giữa các câu văn và sự phù hợp/chuẩn mực của bài viết (conventions).

  1. Cấu trúc bài luận:
  • Cấu trúc quen thuộc nhất là SOAR, theo trình tự Situation (tình huống) – Obstacles (chướng ngại) – Action (hành động của bạn) – Results and Reflection (Kết quả và những bài học nhận được).
  • Ngoài ra bạn cũng có thể tìm hiểu những hướng tiếp cận khác, ví dụ như dẫn dắt câu chuyện từ bình lặng đến cao trào (climax), đi từ những ý tưởng đơn giản đến những triết lý phức tạp, diễn đạt theo trình tự thời gian, …
  1. Giá trị cá nhân (Personal values): Bạn nên chọn ra những giá trị bạn muốn truyền tải đến ban tuyển sinh và sử dụng bài luận để làm nổi bật những giá trị đó. Trong một phạm vi nào đó, personal values là những từ khóa chính (keywords) hiện lên trong đầu ban tuyển sinh khi họ đọc bài luận của bạn (ví dụ: sự kiên trì – resilience).
  2. Đọc sửa và Soát lỗi (Revising and Proofread): Nhờ một vài người hiểu rõ bạn và có khả năng chuyên môn đọc, góp ý bài luận giúp bạn. Liên tục kiểm tra lỗi chính tả, ngữ pháp trước khi nộp.
  3. Một số bài luận mẫu: Bạn có thể tham khảo những bài luận của các anh chị đi trước, nhưng lưu ý không nên đọc quá nhiều vì bạn sẽ dễ bị ảnh hưởng về mặt ý tưởng, dẫn đến đánh mất đi cá tính riêng trong bài luận của mình.
  • VietAbroader – Anthology of Essays: Tuyển tập các bài luận của các anh chị học sinh Việt Nam đã thành công được nhận vào các trường ĐH Mỹ
  • Một số bài luận khác của các anh chị du học sinh Việt Nam được lưu trữ lại ở địa chỉ này: https://web.archive.org/web/20130530043950/http://colleges4vn.org/essays
  • 50 Successful Ivy League Application Essays

CỤ THỂ HÓA CÔNG VIỆC VÀ LÀM CHỦ QUÁ TRÌNH

Dưới đây là những bước mình được các thầy cô/anh chị trong chương trình College Compass (mình sẽ nói rõ hơn ở mục G) hướng dẫn để quá trình nộp đơn được quản lý một cách khoa học.

(*) Tiên quyết nhất là bạn hãy tạo một tài khoản gmail mới và một thư mục google drive dùng riêng cho việc nộp đơn.

Một thư mục lớn chứa những thư mục con.

(*) Sau đây mình sẽ đi vào những công việc chi tiết:

  1. Lên danh sách trường.
  • Khi chọn trường, ta có thể xem xét một vài yếu tố như: Các ngành học trường giảng dạy, xếp hạng chung của toàn trường và xếp hạng riêng của ngành mình muốn theo học, tỉ lệ giảng viên-sinh viên, các cơ hội nghiên cứu và thực tập, chi phí, vị trí trường (thành thị hay nông thôn) – yếu tố ảnh hưởng đến khả năng xây dựng mạng lưới mối quan hệ (networking), …
  • Thông thường, mọi người thường chia danh sách trường ra làm 3 nhóm: Reach/Dream (Mơ ước), Match/Fit (Phù hợp), An toàn (Safe). Về mặt điểm số, nếu điểm SAT của bản thuộc nhóm 25% (tức chỉ 25% các bạn được nhận vào trường có điểm cao như bạn) thì bạn có thể xếp trường đó vào nhóm Match (hoặc Safe); ngược lại, nếu điểm của bạn thuộc nhóm 75% thì bạn có thể phải xếp trường vào nhóm Reach. Tuy nhiên, như mình đã giải thích ở trên, đối với học sinh quốc tế có khả năng chi trả thấp, không có trường nào là an toàn cả. Các bạn học sinh quốc tế thường truyền tai nhau việc “shotgun” – rải đơn khắp mọi nơi. Tức là bạn sẽ nộp càng nhiều trường càng tốt và hy vọng một (vài) trong số đó sẽ chấp nhận. Mình nghĩ hướng tiếp cận thiên về số lượng này sẽ rút cạn sức lực của bạn cũng như đánh đổi chất lượng hồ sơ, và số lượng người thành công với phương pháp “shotgun” này quả thật rất rất ít. Tuy nhiên, nếu thời gian và khả năng cho phép, bạn có thể thử.
  • Trước khi bạn tìm hiểu về các trường, bạn hãy tổng hợp trước những mong đợi của bản thân.

Một vài yếu tố tham khảo.

  • Sau đó bạn hãy lập một file spreadsheet để dễ theo dõi. Dưới đây là ví dụ danh sách trường của mình:
  1. Theo dõi các tài liệu cần nộp và hạn chót của trường:

Bạn có thể dùng màu đỏ để đánh dấu những việc chưa bắt đầu, màu vàng cho những việc đang tiến hành và màu xanh cho những việc đã hoàn thành.

Đợt nộp và hạn chót từng trường.

  1. Theo dõi các bài luận phụ: Như mình đã nói ở trên, bạn hãy cố gắng thống kê những đề luận phụ của mình và chia chúng ra thành những nhóm nhỏ, như ví dụ dưới đây:

Điền nguyên văn đề luận của từng trường.

  1. Các giấy tờ tài chính: Tương tự, bạn cũng hãy lập một thư mục riêng để chứa mọi thông tin tài chính, kèm theo đó là một bản theo dõi như dưới đây:

Tương tự, bạn có thể dùng ba màu đỏ, xanh, vàng để đánh dấu tiến độ.

  1. Lên kế hoạch cụ thể từng ngày: Mình có thói quen sử dụng sổ planner để viết danh sách những việc cần làm (to-do lists), việc càng cụ thể bạn càng dễ hoàn thành hơn. Trong lúc làm việc, mình có thói quen tắt wifi đi để tránh làm phiền, nên việc đặt sổ planner bên cạnh (thay cho google calendar) hỗ trợ mình rất hiệu quả.

Một trang planner theo phong cách “tối giản” của mình, vì mình vẽ rất tệ ^^

  1. Tạo một thư mục những giấy tờ cần đem in: Những giấy tờ bạn cần phải in ra để điền và scan gửi lại cho trường thật sự rất nhiều và dễ gây rối loạn. Nếu gia đình bạn không có máy in như mình (cộng thêm tiệm in nằm ở rất xa nhà), thì mình đề xuất các bạn lập một thư mục in. Trước mỗi lần đi in, bạn hãy chuyển vào đó những tài liệu bạn cần phải in, kiểm tra thật kỹ để không thiếu sót. Sau đó, bạn hãy xóa những tài liệu đó đi và lặp lại thao tác tương tự cho những lần in sau.

MỘT VÀI LƯU Ý CHO NHỮNG BẠN KHÔNG CÓ ĐIỀU KIỆN VỀ TÀI CHÍNH

Quá trình nộp đơn đại học Mỹ tốn kém ở nhiều mặt. Rất nhiều chi phí phát sinh như lệ phí nộp đơn (application fee) khoảng $80/trường, phí gửi điểm SAT ($11.25/trường), phí gửi điểm IELTS (~$4/trường), phí gửi hồ sơ CSS ($16/trường). Nếu bạn nộp đơn tổng cộng 20 trường, số tiền nhân lên để hoàn tất các thủ tục là một gánh nặng vô cùng lớn đối với gia đình mình. Vì vậy, mình đã hỏi thăm kinh nghiệm từ các anh chị đi trước và cố gắng linh hoạt để giảm chi phí tới mức thấp nhất có thể. Đợt nộp đơn vừa rồi ngoài lệ phí thi SAT/IELTS và phí gửi điểm SAT cho trường mình xác nhận nhập học thì mình không phải trả thêm bất kỳ chi phí nào cả. Sau đây là những gì mình đã làm:

  1. Sử dụng chế độ miễn lệ phí nộp đơn của Common App (Application Fee Waivers): Common App cho phép counselor (giáo viên chủ nhiệm) của bạn xác nhận rằng bạn đủ tiêu chuẩn để được miễn lệ phí nộp đơn. Bạn chỉ cần gửi yêu cầu xác nhận đến counselor của bạn; một khi counselor của bạn đồng ý, bạn sẽ không phải trả lệ phí cho bất kỳ trường nào cả.
  2. Viết thư xin mã nộp CSS miễn phí (CSS Fee Waivers) hoặc nộp bản giấy ISFAA thay thế: Bạn chỉ cần nêu rõ trong thư tổng thu nhập của cha mẹ bạn. Nếu thu nhập của gia đình bạn dưới một mức quy định của trường thì bạn sẽ đủ điều kiện để nhận mã nộp CSS miễn phí, hoặc trong một vài trường hợp, trường sẽ cung cấp cho bạn một cách nộp thay thế (alternative process).
  3. Thi Duolingo thay cho IELTS/TOEFL: Duolingo là một bài thi năng lực tiếng Anh tương tự như IELTS và TOEFL. Tuy nhiên, Duolingo có rất nhiều lợi ích: lệ phí thi rất thấp ($49), chỉ cần 1 giờ đồng hồ để hoàn thành và có kết quả ngay sau 2 ngày. Duolingo được chấp nhận bởi hơn 2000 trường học và tổ chức, trong đó có cả Yale, Duke, … Đặc biệt là bạn được gửi không giới hạn kết quả tới các trường hoàn toàn miễn phí!
  4. Nhờ giáo viên chủ nhiệm sử dụng email nhà trường cung cấp (như trường mình sẽ là email có đuôi @thd.vn) để gửi bản scan điểm SAT và IELTS: Bạn cần liên lạc trước với nhà trường để xác nhận xem bạn có được phép làm như vậy hay không. Tuy nhiên, để xác nhận nhập học, bạn cần sử dụng dịch vụ của các tổ chức khảo thí (testing agency) để gửi điểm chính thức đến cho trường. Như vậy, bạn chỉ cần phải tốn tiền gửi điểm một lần duy nhất cho trường bạn xác nhận nhập học.
  5. Sử dụng ứng dụng Adobe Scan trên điện thoại để scan giấy tờ: Đây là một ứng dụng miễn phí cho phép bạn scan tài liệu và xuất file pdf dễ dàng.
  6. Tự thiết kế bảng điểm (school transcript) song ngữ và xin dấu đỏ của nhà trường: Một vài trường có số lượng các bạn đi du học đông đảo sẽ cung cấp sẵn bảng điểm bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, trong đa phần các trường hợp, bạn cần phải đem học bạ đi dịch và công chứng. Chi phí này đối với mình cũng không hề rẻ. Vì vậy, mình đã tự làm một bảng điểm song ngữ và lên phòng học vụ nhờ các thầy cô kiểm tra/xác nhận/đóng dấu đỏ kèm chữ ký của thầy hiệu trưởng.

(*) Bạn cần lưu ý rằng việc giao tiếp với các trường về những vấn đề này rất tốn thời gian. Bạn có thể xem nó như là một sự đánh đổi. Vì vậy, để giảm bớt áp lực giấy tờ trong khi bạn đang viết luận, bạn cần chốt sớm danh sách trường của mình, soạn sẵn các mẫu thư, và copy/paste gửi đến tất cả các trường.

NHỮNG BÀI HỌC TỪ QUÁ TRÌNH NỘP ĐƠN

  1. Hãy bắt đầu sớm: Tận cuối năm lớp 11 mình mới chính thức quyết định sẽ nộp đơn vào các trường đại học Mỹ, và lúc đó mình chưa có điểm IELTS hay SAT gì cả. Sau đó là chuỗi ngày vừa học lớp viết luận vừa ôn thi chuẩn hóa, hẳn bạn cũng có thể mường tượng được khoảng thời gian đó áp lực và căng thẳng đến nhường nào. Vì vậy, mình mong bạn không đợi nước đến chân mới nhảy như mình! Mình không nói bạn phải “ám ảnh” với việc nộp đơn ngay từ những ngày đầu tiên (vì mình rất biết ơn là dẫu mình bắt đầu chậm trễ, đổi lại mình gìn giữ được rất nhiều những kỷ niệm vô giá với bạn bè, thầy cô của mình). Chính xác hơn là, bạn không nên dồn tất cả quá trình chuẩn bị vào một khoảng thời gian nước rút: bạn hãy lên một lộ trình cụ thể và phù hợp với bản thân để có thể đan xen việc ôn tập với trải nghiệm. Đa phần các bạn mình thường bắt đầu ngay từ đầu năm lớp 10, phòng trường hợp bạn cần phải thi lại nhiều lần để đạt được điểm số như mong muốn. Việc bắt đầu sớm như thế cũng cho phép bạn cơ hội thử sức với nhiều hoạt động ngoại khóa khác nhau.
  2. Con người bạn là quan trọng nhất, rồi mới đến cách bạn thể hiện trong hồ sơ: Trưởng thành là một quá trình không tuyến tính, và con người mình ngày hôm nay được hình thành từ nhiều sự kiện và xung đột tích lũy. Mình luôn nghĩ về hồ sơ đại học như là một kết quả tất yếu kèm theo của quá trình khám phá và phát triển bản thân. Đó là lý do mặc dù mình bắt đầu chuẩn bị (rất) muộn, mình may mắn có sẵn trong tay những trải nghiệm và góc nhìn. Việc của mình lúc đó chỉ là biến những điều đó thành con chữ mà thôi. Vì vậy, nếu có thể, mình hy vọng bạn sẽ dành thời gian đọc sách và khám phá thế giới bên ngoài trường học, làm giàu vốn sống của mình – đó sẽ là những mảnh ghép phong phú để bạn tạo nên bức tranh thể hiện bản thân với ban tuyển sinh. Quá trình nộp đơn, mặc dù nghe có vẻ sáo rỗng, đích thực cũng là một cơ hội để bạn ngồi lại và phản tư những giá trị của mình. Thỉnh thoảng mình cũng nghĩ có phải hơi không công bằng khi bắt tất cả học sinh (bất kể khả năng ngôn ngữ) trở thành những nhà văn (bất đắc dĩ) hay không? Nhưng rồi mình nhận ra, sau cùng, con người chân thật của bạn mới là quan trọng nhất. Mình cần phải chấp nhận rằng đôi lúc mình không thể ép 18 năm trải nghiệm vào một chiếc khuôn hồ sơ vỏn vẹn mấy trang giấy.
  3. Không nên đặt tất cả hy vọng/niềm tin vào một trường duy nhất: Đây là một tinh thần phổ biến đối với các trường ED (ưu tiên); vì là trường yêu thích nhất, cũng dễ hiểu khi các bạn dồn tất cả tâm huyết và niềm tin vào ngôi trường ED này. Tuy nhiên, bạn thử tưởng tượng xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu như bạn không nhận được kết quả như ý muốn từ trường ED vào khoảng thời gian đầu tháng 12, khi còn tận 1 tháng nữa mới hết hạn nộp đơn cho các trường RD? Như một trái tim tan vỡ từ mối tình đầu, cảm xúc chán nản/tiêu cực lúc ấy sẽ khiến bạn mất đi động lực để hoàn thành hồ sơ của các trường còn lại. Việc trượt dài như thế sẽ dẫn đến một thảm họa. Vì vậy, để đảm bảo không mất cả chì lẫn chài, bạn hãy cố gắng xem trường ED như bao trường khác, đừng chỉ đặt hết hy vọng ở một trường, nên đầu tư công sức cho các trường như nhau.
  4. Nhiều khi bạn không được nhận không phải vì bạn không đủ giỏi, mà chỉ là bạn thiếu đi “yếu tố phù hợp” (fit) và không thuộc nhu cầu của trường (institutional needs): Nhiệm vụ của ban tuyển sinh là tạo nên một niên khóa đa dạng, gồm những học sinh đại diện cho những mối quan tâm/đam mê khác nhau, ví dụ sẽ có bạn tâm huyết đấu tranh cho môi trường, lại có một bạn khác yêu thích nghiên cứu toán học. Mục đích chính là để các bạn đều sẽ học được điều gì đó từ một người bạn khác của mình. Vì vậy, thường khi đọc đơn, ban tuyển sinh sẽ cố gắng mường tượng hình ảnh của bạn trên sân trường (rằng bạn sẽ tham gia những câu lạc bộ nào, hòa nhập ra sao). Nếu họ đã cố gắng nhưng vẫn không thể hình dung ra vị trí của bạn ở trường của họ, thì rất tiếc bạn phải nhận tin buồn. Bên cạnh đó, nhu cầu của trường cũng quan trọng không kém. Ví dụ như năm đó trường đang cần một bạn biết thổi kèn Oboe cho đội văn nghệ, giữa hai hồ sơ tương tự nhau, nếu bạn A có kinh nghiệm chơi Oboe thì bạn đó sẽ được chọn, thay vì bạn. Ban tuyển sinh cũng là con người, họ cũng dễ bị tác động bởi cảm xúc, trạng thái tê liệt khi phải đưa ra quá nhiều quyết định (decision fatigue) và những thiên kiến chủ quan. Hiểu được những yếu tố này, bạn sẽ tránh được việc cá nhân hóa kết quả đại học; bạn sẽ không phải trở thành nạn nhân của những nghi ngờ không ngừng về khả năng bản thân.
  5. Trường need-aware không phải lúc nào cũng từ chối hồ sơ khả năng chi trả thấp: Đối với các trường trong top 20 với ngân sách đủ lớn, dẫu các trường không need-blind, trường vẫn sẽ nhận và cho mình đủ tiền nếu trường thật sự muốn có bạn. Một minh chứng là Đại học Duke, dù need-aware, ban đầu vẫn nhận mình kèm theo hỗ trợ tài chính toàn phần (trước khi có kết quả học bổng). Và mình cũng biết nhiều anh chị khác được nhận học với hỗ trợ tài chính toàn phần bởi các trường need-aware.
  6. Yếu tố may mắn rất quan trọng: Các bạn nộp đơn đại học Mỹ thường hay đùa với nhau rằng tuyển sinh đại học Mỹ là một crapshoot (trò chơi xúc xắc), bạn không biết mình sẽ nhận được mặt bao nhiêu chấm. Đó là lí do nhiều khi bạn đậu không lí giải được vì sao mình đậu, ngược lại cũng thế. Mình nghĩ rằng mình được nhận là vì ngay tại thời điểm ban tuyển sinh đọc đơn của mình, có một vì sao sáng nào đó đã mang lại phép màu cho mình, khiến mình may mắn hơn những bạn khác, chỉ thế thôi ^^ 
  7. Kết quả các trường hoàn toàn độc lập với nhau: Ở Mỹ có hơn 4000 cơ sở giáo dục bậc đại học, và bạn hoàn toàn có thể trượt một trường thuộc nhóm thấp hơn trong khi được nhận vào một trường top đầu. Ngược lại cũng thế. Vì vậy, khi các trường lần lượt trả kết quả, bạn đừng vội nghĩ rằng việc trượt trường top thấp đồng nghĩa với việc bạn chẳng còn cơ hội nào với trường top cao hơn. Quy trình chọn lọc ứng viên của các trường là hoàn toàn khác nhau đấy.
  8. Hãy cứ thử đi!: Trung bình một năm có hơn 40,000 hồ sơ nộp vào Đại học Duke, và trong số đó trường chỉ nhận tầm 3000 bạn, vị chi tỷ lệ trên dưới 7.5%. Nếu ngày xưa mình ngồi tính không biết bao giờ mới lọt vào 7.5% đó thì chắc chắn mình đã không dám nộp đơn. Vì vậy, nếu các bạn thật sự thích một trường nào đó, hãy dũng cảm theo đuổi nó; nếu bạn không thử, tỷ lệ được nhận của bạn là 0%, và bạn thử làm một phép so sánh nhỏ xem, 7.5% và 0% thì bên nào lớn hơn? Nhưng bạn cũng hãy lưu ý là số lượng các trường này nên có giới hạn nhất định, đừng dành hết 20 suất cho những trường “trong mơ.”
  9. Chuẩn bị kế hoạch B ngoài nước Mỹ: Tuyển sinh đại học Mỹ rất khắc nghiệt, và mình phải công nhận rằng sự may mắn đóng vai trò rất rất rất lớn trong kết quả của mình. Vì vậy, bạn nên có những phương án dự phòng. Hiện tại ở Việt Nam mình rất yêu thích triết lý giáo dục của Đại học Fulbright, chất lượng giảng viên và chương trình đào tạo của trường cũng sánh ngang hàng với các trường ở Mỹ. Nhiều khi đi một vòng tìm kiếm mới nhận ra chân ái ngay trước mắt thì sao ^^ Ngoài ra, bạn còn có thể thử sức với VinUni và các trường Đại học ở Canada/ châu Âu với nhiều học bổng hào phóng dành cho học sinh quốc tế.
  10. Thực hành lòng biết ơn: Mình cũng là người bình thường, nhiều khi mọi việc trở nên quá đỗi khó khăn, mình cũng giá như không biết bao nhiêu lần rằng phải chi gia đình mình có nhiều điều kiện hơn. Và sự thật là phần lớn thời gian, cuộc đời sẽ chệch hướng khỏi mong đợi ban đầu của chúng ta. Nhưng mình đã vượt qua những khoảnh khắc đó bằng cách viết “gratitude log” – những điều mình biết ơn – vào cuối ngày. Đó có thể là những điều thật nhỏ nhặt, như mình vẫn còn một mái nhà để che trên đầu, một chiếc máy tính để viết luận (dẫu hư nguồn pin phải cắm điện liên tục và rất hay dở chứng). Và ít nhất, mình vẫn có cơ hội để thử so với rất nhiều bạn ngoài kia. Và bạn thử nghĩ xem, bạn có được bao nhiêu may mắn bé nhỏ như thế?

CÁC NGUỒN TÌM HIỂU THÔNG TIN VÀ HỖ TRỢ NỘP ĐƠN MIỄN PHÍ

Như mình đã nói ở trên, thế giới phẳng ngày nay mở ra cho bạn rất nhiều con đường với vô vàn tài nguyên miễn phí, chỉ cần bạn có đủ ý chí để tìm tòi và khai phá. Dưới đây là một số địa chỉ bạn có thể tham khảo:

  1. Các nguồn tìm hiểu thông tin miễn phí:
  2. US News và Niche: hai trang web cung cấp gần như tất cả thông tin của các trường Đại học từ xếp hạng đến tỉ lệ chấp nhận.
  3. Website trường, các trang mạng xã hội chính thức của trường.
  4. Common Data Set: Đây là một hệ thống dữ liệu thống kê số liệu tuyển sinh của các trường theo từng năm. Bạn có thể tìm thấy những thông tin rất cụ thể như ngưỡng điểm chuẩn hóa trung bình, mức độ cạnh tranh của trường, hỗ trợ tài chính trung bình, tỷ lệ học sinh được nhận theo nhân khẩu (demographics), …
  5. PrepScholar, CollegeVine: hai trang blog cung cấp hướng dẫn và bí quyết nộp đơn chất lượng theo nhận định của mình.
  6. VietAbroader: Tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh trao quyền cho người trẻ, đóng góp vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Mình có nghe các anh chị đi trước kể về diễn đàn hỏi/đáp của VietAbroader nhưng hiện nay rất tiếc đã ngừng hoạt động
  7. Các anh chị học sinh và cựu học sinh (alumni) của trường: Bạn có thể sử dụng network của mình hoặc LinkedIn để kết nối với các anh chị học sinh của trường bạn muốn nộp đơn. Hãy trình bày mục đích một cách lịch sự, và mình tin rằng các anh chị đều rất sẵn sàng trả lời các câu hỏi của bạn. Có những thông tin bạn không thể nào tìm được trên Internet mà chỉ người trong cuộc mới biết.
  8. Trang blog cá nhân của những anh chị du học sinh: Bạn có thể tham khảo những bài blog của anh Châu Thanh Vũ, chị Chi Nguyễn (The Present Writer), chị Trịnh Hạnh An, anh Nguyễn Quang Tùng, …
  9. Reddit: Trên cộng đồng Reddit có “chuyên mục” ApplyingToCollege là nơi giao lưu của rất nhiều học sinh khác cũng đang trong quá trình nộp đơn giống như bạn. Ở đó còn có những cựu học sinh và ngay cả thành viên ban tuyển sinh của các trường sẵn sàng cung cấp cho bạn rất nhiều lời khuyên/hướng dẫn về việc nộp đơn! Tuy nhiên, do nó là một không gian mở nên bạn cần phải tỉnh táo/phản biện trước mọi thông tin. Riêng trong “chuyên mục” IntltoUSA dành riêng cho học sinh quốc tế nộp đơn vào đại học Mỹ, bạn còn có thể tìm thấy danh sách tổng hợp các trường có chính sách hỗ trợ tài chính hào phóng hay thậm chí là cho đủ tiền (meet full need) dành cho học sinh quốc tế, và vô vàn thông tin/kinh nghiệm hữu ích khác.
  10. Các trang chia sẻ thông tin học bổng: Opportunity Hunting, Scholarship for Vietnamese Students, Asia Pacific Youth Service, …
  11. Google: cứu tinh của mình trong mùa nộp đơn. Từ những thuật ngữ chưa bao giờ nghe trong đời đến bí quyết điền đơn, bạn đều có thể tìm đến google. Vì chắc chắn bạn không phải là người đầu tiên có những thắc mắc như thế đâu!
  12. Các tổ chức hỗ trợ nộp đơn miễn phí/có học bổng toàn phần:
  13. Chương trình College Compass by Everest Education: Điều mình trân trọng nhất là CC được xây dựng trên mô hình những lớp học và mọi người vận hành rất chính trực! Mình học được rất nhiều từ các lớp viết luận, hướng dẫn chọn trường và kỹ năng phỏng vấn. Dù từ góc độ kinh tế CC không nhận được bất kỳ lợi ích nào từ mình (vì mình nhận được học bổng toàn phần để theo học chương trình), mình chưa bao giờ cảm thấy một sự phân biệt đối xử nào từ các thầy cô và anh chị cố vấn. Mọi người ở CC chưa bao giờ ép buộc mình trở thành bất kỳ một ai ngoài chính bản thân mình. Mọi người luôn lắng nghe những bất an của mình và luôn cho mình cơ hội được sai lầm, được nói lên ý kiến cá nhân. Mình mãi biết ơn mọi người ở CC vì rất nhiều tình thương và tận tâm trong chặng đường đồng hành cùng mình.

Đơn đăng ký thường được mở vào cuối năm học.

  1. Học bổng Stella Scholars của Stella Education: đây cũng là một chương trình hỗ trợ nộp đơn miễn phí. Mình không tham gia nên không thể cung cấp thông tin nào khác, bạn có thể tự tìm hiểu thêm.
  2. Học bổng Trí Việt của APUS: Mỗi năm APUS sẽ tư vấn miễn phí cho 3 bạn học sinh chuẩn bị nộp hồ sơ vào các trường đại học Mỹ. Chương trình hướng tới các bạn có ước mơ, đóng góp cho cộng đồng nhưng khả năng chi trả thấp.
  3. Dự án “Students for Students Vietnam”: SFS là một nền tảng trực tuyến kết nối các bạn học sinh cấp 3 ở Việt Nam với các anh chị hiện đang là du học sinh tại Mỹ với mục đích hỗ trợ các bạn trong hành trình du học Mỹ.
  4. Chương trình “mentoring” của các anh chị có kinh nghiệm: Mình biết một vài chương trình như “Mens et Manus” của thầy Lê Đình Hiếu, dự án Akatsuki của anh Lâm Python, …

Lời sau cuối gửi đến những ai đang và sẽ lựa chọn con đường du học Mỹ, mọi chuyện rồi cũng sẽ ổn thôi. Kết quả đại học chưa và sẽ không bao giờ định nghĩa được con người bạn, hay chứng minh được tâm hồn của bạn đẹp đẽ nhường nào. Việc quan trọng duy nhất không phải ngôi trường bạn theo học, mà là những gì bạn sẽ làm và đóng góp cho xã hội với những kiến thức có được. Rất nhiều người mình biết đang làm nên những điều phi thường mặc dù họ không đi du học. Ở đâu đó, vẫn luôn có những con đường khác, chỉ cần bạn đừng bỏ cuộc.

Bản thân mình không có khả năng chuyên môn về tuyển sinh Mỹ. Tuy nhiên, nếu các bạn gặp phải khó khăn trong quá trình nộp đơn, các bạn có thể liên lạc với mình. Mình sẽ cố gắng giúp đỡ trong khả năng của mình.

Nguồn: Lê Mỹ Hiền (Harvard)