MỸ TẤT PHẢI ĐẸP, CÁI ĐẸP BẤT THƯỜNG

Thẩm phán Liên bang James Robart, người dám đối đầu với vị tân tổng thống - Ảnh: EPA

Thẩm phán Liên bang James Robart, người dám đối đầu với vị tân tổng thống – Ảnh: EPA

Dù yêu hay ghét, mọi người đều chú ý đến Mỹ. Kết quả bầu cử tổng thống vừa qua khiến nhiều người thất vọng “Mỹ mà xấu”.

Trong mắt họ, Donald Trump là một tay thiếu kiến thức, ít suy nghĩ, lại có khuynh hướng độc tài, xấu cả trong lẫn ngoài. Họ thóa mạ Trump, chán ngán dân Mỹ đã “ngu xuẩn” bầu cho ông và lo sợ cho tương lai xấu xí của Mỹ. Có lẽ họ không hiểu rằng sắc đẹp của Mỹ không tùy thuộc vào cá nhân tổng thống hay ngay cả thể chế. Mỹ có một nét đẹp riêng, một nét đẹp khác lạ hơn người, được củng cố bởi truyền thống chính trị và cấu trúc của chính quyền mà không tay lãnh đạo tạm thời nào có thể làm lem lấm.

Trong tuần vừa qua, Trump đã làm nổi bật sắc đẹp của Mỹ. Tổ chức ký lệnh di trú như đóng tuồng, hấp tấp giựt tít, Trump xem chừng đã đánh đồng điều hành chính phủ với showbiz. Dân Mỹ phản ứng mạnh với nhiều lý do và nhiều cách. Ngoài ngôn từ miệt thị thường thấy ở mọi nơi và biểu tình chống đối vẫn thấy ở những nước có tự do ngôn luận, những cá nhân, hội đoàn, và chính quyền địa phương có đủ tư cách pháp lý đã ra tòa chống sắc lệnh này của Trump. Cuốn phim tôn vinh nét đẹp của Mỹ đang diễn ra trước mắt mọi người trên khắp thế giới cho những ai thích loại phim này.

Tối thứ Sáu vừa qua, một Thẩm phán Liên bang ở Seattle, James Robart, đã ra lệnh tạm thời ngưng ngay sắc lệnh di trú của Trump trên toàn quốc. Chính phủ của Trump tuyên bố sẽ cho Bộ Tư pháp kháng kiện. Nhưng khi chưa ngã ngũ thì mọi cơ quan chính quyền từ Bộ Ngoại giao, Nội An, đến Bảo vệ Biên phòng… nhất nhất đều theo quyết định của Robart ngưng thi hành sắc lệnh của tổng thống. Tàu xe lại hoạt động bình thường như trước.

Không ít người Việt trầm trồ trước sức mạnh của ngành Tư pháp Mỹ và tam quyền phân lập. Nhưng hầu như không ai đặt câu hỏi về nguồn gốc của sức mạnh này. Tại sao vị tổng tư lệnh của quân đội hùng mạnh nhất thế giới, đang nắm trong tay tất cả công an, cảnh sát, tình báo, an ninh… lại phải bó tay thúc thủ làm theo lệnh một quan tòa tay không tấc sắt như thế?

Đâu phải cứ hô “tam quyền phân lập” là có được ngành Tư pháp như Mỹ. Sức mạnh của ngành Tư pháp hoàn toàn dựa vào ý thức và sự tôn trọng của người dân, đặc biệt là giới trí thức ở Mỹ. Một sức mạnh tiến triển với thời gian. Gần hai trăm năm trước, khi nghe Tối cao Pháp viện quyết định trái ý mình, Tổng thống Andrew Jackson (một Donald Trump của thế kỷ 19) liền phán: “John Marshall đã quyết định. Hãy để hắn tự thực thi quyết định đó” (John Marshall has made his decision; now let him enforce it).

Tòa án Mỹ xưa nay không hề có an ninh cảnh sát để ra tay chấp chuởng luật pháp. Nhưng ngày nay không ai chấp nhận thái độ tùy tiện, mọi rợ này của Jackson. Đến như Trump cũng chỉ có thể lên Twitter thóa mạ Thẩm phán Robart, chỉ có thể hành động như một tay vô học lắm lời chứ không dám lạm dụng quyền tổng thống theo bản tính độc tài.

Biểu tình ở London phản đối sắc lệnh bị coi là kỳ thị di dân của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngày 4-2-2017 - Ảnh: Sean Dempsey (MTI/EPA)
Biểu tình ở London phản đối sắc lệnh bị coi là kỳ thị di dân của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngày 4-2-2017 – Ảnh: Sean Dempsey (MTI/EPA)
Trước đó trong cùng ngày, một Thẩm phán Liên bang khác, Nathaniel Gorton ở Boston, lại quyết định không tiếp tục ngăn chận sắc lệnh di trú của Trump. Luật sư của ACLU thất vọng và tuyên bố sẽ kháng kiện lên Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 1 (First Circuit Court of Appeals) để chống sắc lệnh. Luật sư của Trump nay sẽ phải kháng kiện để giữ sắc lệnh trước Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 9 (Ninth Circuit Court of Appeals). Cuối cùng có lẽ Tối cao Pháp viện phải tham dự để đưa ra phán quyết tối hậu.Ý thức pháp luật thượng tôn và sự tôn trọng vai trò cũng như quyền hạn của ngành Tư pháp đã không ngừng được vun đắp trong lịch sử nước Mỹ, đã nằm trong xương máu của người Mỹ. Không ai có thể đoán chắc số phận của sắc lệnh di trú này sẽ ra sao. Nhưng ai cũng có thể tin được rằng tòa án Mỹ, cũng như một số đông trí thức Mỹ, suy luận cẩn thận và độc lập, không quyết định theo phe phái. Đây là một nét đẹp không dễ dàng có được trong một xã hội đầy những kẻ khúm núm trước quan quyền và hành sự theo lợi ích phe phái thay vì một lòng tôn trọng nguyên tắc.

Chính vì lòng tôn trọng nguyên tắc mà hiện đang có nhiều luật sư Cộng hòa cùng hợp sức với những luật sư Dân chủ vốn không cùng chính kiến để kiện Trump về xung đột lợi ích và những hành động họ tin là vi hiến. Tư duy độc lập của người trí thức vẫn là một nét đẹp xưa nay.

Nhưng có lẽ nét đẹp khác thường nhất là cách nhìn về luật pháp của luật gia Mỹ. Điển hình là lời nói đùa của cố Thẩm phán Antonin Scalia, được Neil Gorsuch (đang được Trump đề cử trước Thượng viện để kế vị Scalia) nhắc lại: “Chỉ cho tôi một quan tòa luôn ưa thích những quyết định của mình, tôi sẽ chỉ cho bạn một quan tòa tệ”. Trách nhiệm của quan tòa là không phán xét theo lương tâm, theo quan niệm đạo đức, văn hóa hay truyền thống mà chỉ theo tinh thần và văn bản của luật pháp, cho dù nó trái ngược với chính họ.

Suy luận về những vấn đề luật pháp, chính trị và xã hội luôn tùy thuộc vào chủ quan. Nhưng ý thức được tầm quan trọng của cái nhìn khách quan và sự áp dụng nhất quán của luật pháp cũng như sự thành thật cố gắng tránh bị chi phối bởi cảm xúc đã khiến người dân tin tưởng và tôn trọng ngành Tư pháp ở Mỹ.

St.