National Universities? Liberal Arts Colleges? Và các loại trường khác… (Phần 1)

National Universities? Liberal Arts Colleges? Và các loại trường khác… (Phần 1)

Nước Mỹ vẫn nổi tiếng là một quốc gia có nền học thuật phức tạp trong đó phụ huynh và học sinh thường gặp nhiều rắc rối khi phải chọn giữa các loại trường của Mỹ mà trong đó tiêu biểu là hai xếp loại lớn: National (Research) Universities (tạm dịch: Đại học nghiên cứu cấp quốc gia) và Liberal Arts Colleges (tạm dịch: Đại học khai phóng.) Ngoài ra xen kẽ giữa hai hệ thống lớn này có có những loại trường như Regional Universities (Đại học cấp vùng) và Regional Colleges (về nguyên tắc vẫn là đại học cấp vùng tuy nhiên trong ngôn ngữ của người Mỹ thì University dùng để chỉ các viện đại học quy mô lớn, có nhiều khoa, và có đào tạo tiến sỹ; còn College dùng để chỉ các đại học quy mô nhỏ hơn, có thể đơn khoa, hoặc/và có thể chỉ đào tạo đến bậc cao học–thạc sỹ chuyên ngành.)

Anh Trần Đắc Minh Trung, Cựu sinh viên Harvard và đồng sáng lập APUS, cung cấp cho phụ huynh và các bạn học sinh đang muốn du học Mỹ một cái nhìn chi tiết hơn và mang tính ứng dụng cao hơn là chỉ đơn thuần nói về quy mô hoặc triết lý sư phạm của các loại trường.

NHÂN TỐ HỌC THUẬT:

Điểm khác nhau đầu tiên và cơ bản ở các trường đó là nhân tố học thuật. Tại các trường NU, thì trọng tâm hoạt động của trường là nghiên cứu để tạo ra các công trình khoa học tầm cỡ; ở các trường LAC thì trọng tâm là đào tạo sinh viên trang bị kiến thức song song với việc khai phóng tư tưởng cho sinh viên trở thành những con người toàn diện hơn; ở các trường Regional thì RU đặt trọng tâm vào việc phát triển toàn diện nền học thuật của vùng song song với đào tạo nhân lực, còn RC quan tâm chủ yếu đến việc đào tạo nhân lực cần thiết cho vùng, Hiểu được các mục tiêu cơ bản này, bạn sẽ phân tích được rõ ràng hơn các chi tiết về từng cấp trường.

Tuy nhiên có một điều đầu tiên bạn phải hiểu là nước Mỹ là nước chủ đạo Giáo Dục Khai Phóng (Liberal Arts Education) do đó dù là trường NU hay LAC/RU/RC thì đa số các trường đều theo chế độ giáo dục này. Nghĩa là trong 2 năm đầu tiên thì dù ở NU hay LAC bạn đều phải học các môn căn bản và phải trải nghiệm rộng khắp các môn từ lịch sử, địa lý, khoa học xã hội, triết học, cho tới các môn khoa học căn bản dù là bạn muốn học làm nhà văn, nhà kinh tế học, hay chuyên gia marketing phân tích thị trường. Điểm khác nhau là ở chỗ LAC dễ dàng hơn trong 2 năm đầu (ví dụ trường yêu cầu học tính toán thì bạn có thể chọn môn học về âm nhạc và cách tính toán các giai điệu trong khi viết nhạc để thỏa mãn yêu cầu này, trong khi NU thì bạn sẽ buộc phải chọn giữa các môn như xác suất thống kê, toán giải tích, hệ phương trình…); ngoài ra LAC cung cấp một bệ phóng thích hợp hơn cho những ai ham thích giáo dục khai phóng sau khi hết 2 năm đầu tiên, trong khi NU từ năm thứ 3 trở đi thì sẽ định hướng bạn gói rất chặt vào một chuyên ngành nhất định.

Ngành học

NU: thường có rất nhiều ngành học trong cùng trường, cho phép bạn double-major và trip-major dễ dàng. Mỗi bằng cấp cử nhân của trường thường có chuyên ngành rõ ràng (vd: Cử Nhân Khoa Học về Máy Tính, Cử Nhân Quản Trị Kinh Doanh…) Các trường NU cũng có nhiều lớp học cơ bản về một ngành học cụ thể. Ví dụ như bạn thích học về toán thì trường sẽ có một khuôn khổ rất rộng các lớp như toán ứng dụng, toán cao cấp, toán trong công nghệ thông tin, toán dữ liệu, toán để dùng trong AI… Nếu bạn có một mục tiêu ngành cụ thể rõ ràng (ví dụ: muốn làm kỹ sư công nghệ thông tin về AI trong lĩnh vực Machine Learning, hoặc muốn làm chuyên gia tâm lý trị liệu về bệnh tự kỷ, hoặc chuyên gia marketing về sản phẩm bất động sản, hay một kỹ sư quản lý dây chuyền sản xuất hàng tiêu dùng…) và đặt mục tiêu rèn luyện kỹ năng chuyên ngành là trên hết, thì hệ thống NU cung cấp giáo dục ngành học rất phù hợp.

LAC: có ít ngành học hơn NU, khả năng double-major và trip-major khó hơn. Bằng cấp cử nhân của các trường LAC không chú trọng ngành. Có trường cấp bằng với ngành rõ ràng như NU; nhưng cũng có trường chỉ cấp chung một băng (vd: Bachelor of Arts, Bachelor in Liberal Arts, B.A. in Social Sciences) dù là bạn học định hướng như thế nào. Bạn cũng cần quan tâm một điểm là ở Mỹ thì khi tìm việc (nhất là công việc đầu tiên) người Mỹ rất chú trọng xem transcript (bản điểm) để xem bạn đã học những môn nào. Do vậy ngành học ghi trên bằng sẽ được tham khảo nhưng không phải nhân tố quyết định, trừ khi là ngành đặc thù như Y Khoa. Lấy ví dụ: khi tôi tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân về Khoa Học Chính Trị nhưng thật ra đa số các môn học là về Truyền Thông và Tâm Lý Học. Do vậy với transcript của tôi thì xin việc về Marketing và Kinh Doanh dễ hơn là xin việc làm trong một văn phòng nghị sỹ hoặc cơ quan ngoại giao. Một điểm khác nữa là các lớp học mà LAC đưa ra cho sinh viên thiên về khai phóng hơn là kỹ năng. Ví dụ bạn thích học toán thì rất dễ tìm được các môn học dạng như “Các Ý Tưởng Trừu Tượng Về Toán Học Đa Chiều” hoăc “Toán Học Trong Văn Chương Hy Lạp Cổ” hay “Toán Ứng Dụng Trong Âm Nhạc” Nếu bạn có một ham thích đặc biệt về một ngành mà ngành này rộng và bạn chưa xác định rõ sẽ ứng dụng hoặc tập trung vào một mục đích gì trong ngành (ví dụ bạn thích Âm Nhạc nhưng không biết sẽ làm Sound Engineer, Ca Sĩ, Ông Bầu Show Ca Nhạc, Quản Lý Production Âm Nhạc, Choreography, hay Marketing Sản Phẩm Âm Nhạc; hoặc bạn thích Hội Họa nhưng không biết sẽ vẽ hay làm Tư Vấn Đầu Tư Định Giá Nghệ Thuật, hay làm Curator trong Bảo Tàng, hoặc Auctioneer, CGI Engineer,….) thì LAC là một trải nghiệm tuyệt vời dành cho bạn. Không phải là NU không cung cấp trải nghiệm rộng này—một số NU hàng đầu hiện nay cũng có nhiều khóa học đa dạng—tuy nhiên cung thường không đủ cầu tại NU và quá trình tranh đấu để lấy các lớp học thú vị là khá khốc liệt.
*Bạn phải hiểu rằng tại Mỹ vào mỗi học kỳ thì sinh viên có trách nhiệm tự đăng ký các lớp mình muốn học và đây là một cuộc chiến khốc liệt khi các lớp do giáo sư giỏi hoặc các lớp có nội dung độc đáo thường bị đăng ký kín trước khi bạn nhận ra. Do vậy tại NU dễ xảy ra trường hợp bạn thích một lớp học nhưng không thể đăng ký kịp và không thể học vì khi hệ thống đăng ký lớp vừa mở ra lúc 6:00am thì 6:10am đã đủ người đăng ký kín chỗ. LAC và RU/RC có hệ thống đăng ký lớp thoải mái hơn vì quy mô nhỏ hơn nên đa phần đáp ứng được nhu cầu sinh viên.

RU và RC: các trường ở cấp độ này cung cấp ít khóa học hơn so với NU và LAC, nhưng đa số các khóa học đều đã được nghiên cứu và theo sát nhu cầu của thị trường. Các trường RU và RC ở top đầu (đa số là top 5 hoặc ở vài vùng là top 10) có tính cạnh tranh không kém các NU và LAC nổi tiếng. Ngành học và các lớp học RU và RC cung cấp có số lượng và chiều sâu không lớn bằng NU và LAC do vậy trải nghiệm học của bạn sẽ ít màu sắc hơn. Tuy vậy để bù vào điều này thì RU và RC thường có các project và chương trình học khá gần gũi với những ngành hot hoặc những điểm nóng về nhân sự trong vùng. RU và RC không thay thế NU và LAC nhưng là một lựa chọn song song và bổ sung dành cho những học sinh nào đặt trọng tâm không phải vào trải nghiệm học thuật mà là vào tính thực tiễn của giáo dục.

Cấp học

NU: thường có đầy đủ mọi cấp học từ cử nhân cho đến cao học, thạc sỹ và tiến sỹ. Thường các trường NU có số lượng học sinh khá cân bằng do vậy mọi cấp học đều cảm thấy mình là một thành tố chính của môi trường học thuật tại đây. Sự trao đổi qua lại giữa hoc sinh ở cấp cử nhân và các cấp khác thường tạo cho học sinh tính tự tin và kinh nghiệm cọ xát nhiều hơn. Ở chiều ngược lại, các dự án, các giáo sư nổi tiếng … đôi khi tạo áp lực và gây thiếu tự tin cho học sinh.

LAC: thường chủ yếu là cấp học cử nhân chiếm đến trên 80% tổng số sinh viên trường. Các cấp học còn lại chỉ là phụ trợ và rất thưa thớt. Do vậy về học thuật thì LAC thuần nhất về kiến thức, các học sinh không cảm thấy bị choáng ngợp với những người có trình độ cao hơn và các dư án ngoài tầm với. Tất cả môi trường học của LAC là dành cho cấp cử nhân. Ngược lại thì sự thiếu cọ xát khiến hoc sinh cần tự thân chuẩn bị nhiều hơn cho môi trường bên ngoài sau khi tốt nghiệp.

RU và RC: các trường RU thường giống NU tuy nhiên quy mô nhỏ hơn và số lượng hệ đào tào tiến sỹ ít hơn. Các trường RC thì lại khá đa dạng. Có trường RC đào tạo rất nhiều ở cấp cử nhân—giống như một LAC cấp vùng. Ngược lại có trường RC chỉ có số lượng học sinh cử nhân nhỏ mà lại chủ yếu đào tạo chứng chỉ nghề, hoặc cấp thạc sĩ chuyên nghiệp. Tùy từng trường RU và RC mà phụ huynh và học sinh phải nghiên cứu rõ hơn.

Phương pháp học

NU: có phương pháp chủ yếu là do một giáo sư đầu ngành giảng để tạo cảm hứng cho sinh viên ở các lớp nhập môn căn bản, thường trong những giảng đường lớn vài trăm người. Sau đó họ chia ra thành các buổi gặp bổ sung nhỏ hơn với vài mươi học sinh do một giáo sư trẻ hoặc nghiên cứu sinh (đôi khi hiếm hơn là là sinh viên năm 3-4) giảng lại các kiến thức chi tiết hơn. Ở các lớp nâng cao thì thường do các giáo sư già hoặc giáo sư thỉnh giảng, hoặc nghiên cứu sinh trực tiếp đứng lớp. Do giáo duc phổ cập nên các lớp học của NU có đôi khi có nhiều (lên đến 30-40% ở một số trường) sinh viên hệ tại chức vừa học vừa làm (người đã ở độ tuổi 25-40) tham gia học để nâng cao kiến thức. Do đông sinh viên nên phương pháp chấm điểm thường cứng nhắc hơn và ứng dụng Bell Curve. Nghĩa là chấm điểm theo quota. Ví dụ: mỗi lớp có 20% sinh viên được điểm A, 40% điểm B, 40% điểm C… tức là nếu bạn làm một bài thi được 96/100 điểm nhưng tất cả những người khác trong lớp được 97 điểm trở lên thì rất có thể bạn sẽ bị điểm C. Ngược lại nếu bạn làm một bài thi được 72/100 điểm nhưng mọi người khác chỉ được dưới 72 thì bạn sẽ được điểm A hoặc A+. Nên tính cạnh tranh lẫn nhau trong học thuật ở NU thường khá cao.

LAC: có phương pháp chủ yếu do một giáo sư giỏi nhưng không quan tâm đến nghiên cứu và vị thế trong ngành mà đứng lớp để chuyên tâm dạy học sinh. Đa số các lớp ở LAC thường có sĩ số thấp (dưới 25 học sinh) và do giáo sư trực tiếp đứng lớp. LAC thường cũng rất ít có sinh viên ngoài mà đa số là sinh viên chính quy của trường. Tính kết dính và tương tác cực cao do giáo sư hiểu rõ sinh viên và các sinh viên cũng hiểu rõ lẫn nhau. Do sĩ số ít nên phương pháp chấm điểm thường là do giáo sư quyết định và linh hoạt. Đôi khi không phải là một bài thi với đáp án hoặc yêu cầu cụ thể mà chỉ là một bài luân phản biện, hoặc một project từ sinh viên để giáo sư hiểu hơn sinh viên và cho điểm trên nhận định chủ quan của thầy. Nếu giỏi có thể một lớp tất cả mọi người cùng được điểm A. Tuy rằng công sức đầu tư và chất lượng đầu ra lớp học ở LAC cao không kém NU nhưng tính cạnh tranh lẫn nhau ở LAC thường thấp hơn.

RU và RC: Vì quy mô nên, trừ một số RU quy mô lớn hàng đầu ra, thì cả RU và RC thường có phương pháp học gần giống với LAC hơn: tính cạnh tranh không quá cao. Tuy nhiên cách ra đề và giải thường giống NU nghĩa là có quy chuẩn rõ ràng về đề bài và yêu cầu đáp án.

Phần 2 của bài viết sẽ phân tích những khía cạnh khác của các nhóm trường Mỹ.