Nên làm gì khi hồ sơ du học bị “treo” ( Deferred)

Nhận tin báo “deferred” trong vòng sớm EA/ED không có nghĩa mọi thứ đã khép lại với bạn, chỉ là các trường cần thêm thông tin để đánh giá thêm về bạn. APUS sẽ giúp các bạn hiểu thêm về khái niệm “deferred” và hướng dẫn các bạn các bước tiếp theo nếu bạn rơi vào tình huống này. 

 

Deferral là gì?

Nếu các trường không thể nhận bạn ngay ở vòng sớm (Early Action/ Early Decision), trường sẽ chuyển hồ sơ của bạn sang vòng thường (Regular Decision) để tiếp tục xem xét, cân nhắc hồ sơ của bạn tại vòng này. Từ những xu hướng tuyển sinh trong năm 2021, các chuyên gia của APUS đưa ra 2 lý do khiến hồ sơ các ứng viên bị “deferred”:
1. Tỉ lệ trúng tuyển của các trường top đầu giảm do số lượng đơn ứng tuyển tăng cao kỷ lục trong thời gian 2 năm dịch bệnh gần đây, trong khi phần đông các trường vẫn giữ nguyên số lượng tuyển sinh cho mỗi khóa.
2. Bộ hồ sơ của ứng viên chưa đủ sức thuyết phục hoặc chưa thực sự phù hợp với trường. Tuy nhiên, đây có thể là cơ hội vàng để các ứng viên xem lại những yếu tố cá nhân trong bài luận, hoạt động ngoại khóa hoặc nâng cao số điểm trên trường trong năm học cuối cấp.

Liệu ứng viên còn có hy vọng khi bị đưa vào danh sách “treo”?
Có, nhưng đừng quên chuẩn bị cho mình phương án dự phòng. Theo thống kê, thường chỉ có 5-10% ứng viên “deferred” được nhận ở vòng RD. Mặc dù tỉ lệ chấp nhận ở vòng đơn đợt thường sẽ cao hơn vòng sớm, con số này vẫn nằm ở khoảng cạnh tranh đối với các trường top. Có thể lấy ví dụ từ tỉ lệ chấp nhận vòng đơn sớm trường Harvard là 3% và vòng đơn đợt thường là 13%. Một số trường Đại học top đầu như  Duke, Middlebury, Northwestern, Notre Dame, và Stanford áp dụng chính sách deferred. Nếu bạn không nhận được thông báo trúng tuyển từ trường, hồ sơ của bạn sẽ tự động chuyển sang xét duyệt ở vòng sau – RD. Đây cũng là tín hiệu khả quan cho thấy trường đánh giá cao hồ sơ của bạn và rất có khả năng bạn sẽ được nhận trong vòng sau. 

Nên làm gì khi bị deferred?
Nhiều ứng viên lo lắng khi bị “deferred”, nhưng các bạn có thể làm theo một số lời khuyên dưới đây để xoay chuyển tình thế:
1. Đầu tiên, hãy tìm hiểu về chính sách và những yêu cầu sau khi bị “deferred” của trường

Một số trường cho phép ứng viên bổ sung thêm thư giới thiệu của giáo viên cuối cấp, cũng như một tâm thư deferral (thường dài khoảng 1 trang) cho đại diện hội đồng tuyển sinh, thường bao gồm những nội dung sau: 

  • Cập nhật các thông tin mới như bảng điểm, điểm thi chuẩn hóa (được cải thiện), thành tích học thuật, kết quả nghiên cứu hay các hoạt động ngoại khóa nổi bật mà bạn đạt được trong và ngoài lớp từ sau khi hồ sơ nộp ở vòng EA/ED.
  • Củng cố thêm quyết tâm của bạn khi nộp vào trường. Hãy tiếp tục đưa ra những lý do cụ thể chứng minh rằng bạn phù hợp với trường và ngược lại, môi trường học thuật của trường phục vụ sát sườn cho các mục tiêu ngắn và dài hạn của bạn.

2. Tiếp theo, hãy đầu tư thời gian và công sức một cách thông minh. Khi rơi vào tình huống “deferred” đồng nghĩa với việc có thể trường đó chưa phải là lựa chọn phù hợp nhất với bạn. Do đó, đừng chỉ dành thời gian để thuyết phục trường bạn bị “deferred” mà lơ là chuẩn bị hồ sơ cho các vòng tiếp theo: ED II và RD.

Do vậy, hãy giữ tinh thần lạc quan và sức bền để vượt qua những thử thách ở các vòng nộp hồ sơ tiếp theo. Kết quả tốt đẹp nhất rồi sẽ đến với bạn.