Nguyên tắc căn bản để viết được một bài luận “biết nói”

Khi bắt tay vào viết các bài luận, chúng tôi khuyên bạn hãy đặt mình vào vị thế của người đọc. Hãy tưởng tượng mình là một cán bộ tuyển sinh, vừa đọc xong một bài luận và đặt nó xuống bàn. Là một ứng viên, bạn muốn người đọc hiểu được gì về mình từ bài luận này? Câu trả lời của bạn phải thật súc tích – bạn cần có khái niệm rất rõ ràng về ấn tượng mà cán bộ tuyển sinh nên có về bạn vào thời điểm đó. Hãy sử dụng điểm mấu chốt này làm mốc dẫn đường để viết nên một bài luận hoàn chỉnh. Hãy dẫn dắt người đọc tới chính xác đích đến ấy.

Mỗi đề luận cá nhân đặt ra một câu hỏi khác nhau. Đôi khi, bạn sẽ thấy khó khăn trong việc giải nghĩa điều mà hội đồng tuyển sinh đang tìm kiếm trong mỗi đề. Từ quan điểm của chúng tôi, có năm yếu tố chính cần được tập trung vào để tạo nên một bài luận tốt.

  1. Trả lời trúng đề. Điều này nghe dường như đơn thuần đến mức đương nhiên, nhưng bạn sẽ phải ngạc nhiên khi biết có hàng ngàn thí sinh đã mắc lỗi khi đắm chìm trong việc kể câu chuyện mình thích mà không dẫn dắt được mạch truyện tới chủ đề chính. Việc trả lời trúng đề một cách đầy đủ, hoàn chỉnh là quan trọng hàng đầu. Đề luận là câu hỏi của người đọc, và bạn phải trả lời được những câu hỏi khởi đầu này cho họ.
  2. Sử dụng hình tượng trong kể chuyện. Những bài luận tốt nhất là những bài luận đáng nhớ, và chúng ta sẽ ít nhớ tới những câu chuyện không được kể qua hình tượng. Bạn nên đặt mục tiêu dẫn dắt người đọc qua một hành trình. Hãy sử dụng các hình tượng để thể hiện sự vận động và phát triển của bạn, để người đọc bước vào thế giới của bạn và có cơ hội nhìn thấy chính mình trong thế giới đó.
  3. Đừng xem thường sức mạnh của sự sáng tạo. Các cán bộ tuyển sinh thường phải đọc hàng ngàn hồ sơ. Câu chuyện của riêng bạn thực ra rất có thể sẽ giống với câu chuyện mà họ đã từng đọc qua từ nhiều thí sinh khác. Hãy tìm một hướng tiếp cận độc đáo hơn để kể chuyện. Mức độ mạo hiểm sẽ cao hơn, nhưng thành công thường cũng lớn hơn
  4. Chân thực. Hội đồng tuyển sinh muốn biết về con người thực của bạn. Điều gì quan trọng đối với bạn? Khiến bạn hưng phấn? Thấy khó khăn? Hãy tự vấn bản thân về những điều này. Bài luận giúp cán bộ tuyển sinh tưởng tượng ra con người bạn khi đứng giữa hàng ngũ những tân sinh viên của họ. Đừng nhờ quá nhiều người chỉnh sửa bài luận của mình – bạn nên được hướng dẫn về chiến lược và nhận các phản hồi để hiệu đính, nhưng cốt lõi câu chuyện phải thuộc hoàn toàn về bạn.
  5. Tập trung vào câu hỏi “Vì sao?” Vì sao hội đồng tuyển sinh lại nên quan tâm tới điều bạn kể? Vì sao nó quan trọng với bạn? Nó định hình bạn như thế nào? Khiến bạn nổi bật so với các học sinh khác từ khía cạnh nào? Những trải nghiệm trong bậc đại học sẽ giúp bạn trở thành một học sinh tốt hơn, một bạn học tốt hơn, một người thành công hơn sau khi tốt nghiệp ra sao?

Lẽ dĩ nhiên, hãy đảm bảo rằng ngữ pháp và chính tả trong bài luận của mình phải hoàn hảo!