Những khó khăn của sinh viên Mỹ nghèo

Hôm qua mình có ngồi nói chuyện với một người bạn trẻ hơn mình. Bạn này là người Mỹ gốc Á, học ở Princeton ra, là người rất giỏi về chuyên môn. Mình nhớ có nhiều khi bạn còn đi làm nửa buổi để nửa buổi còn lại đi dạy lập trình ở các lớp miễn phí cho các em học sinh phổ thông, vậy nên phải làm bù buổi tối đến đêm mới xong việc mấy tháng liền. Bạn xuất thân có bố mẹ dân nhập cư, làm công nhân nhà máy, hầu như không có người thân thích gì ỏ Mỹ. Bạn bảo bây giờ một trong những việc bạn làm ngoài giờ là đi hướng dẫn cho những bạn học sinh khác có hoàn cảnh như mình để họ vào được trường đại học tốt, học được ở đó, và ra trường làm được điều có ích.
Đây là những gì mình đúc kết lại về những điều bạn đã nói.
Điều khó khăn đầu tiên là việc không nhìn thấy con đường.
Bạn nói rằng một trong những điều khó khăn bạn gặp phải khi làm công việc hướng dẫn học sinh nghèo là việc để các em nhìn thấy con đường, làm được đúng việc vào đúng lúc để cơ hội đến với mình. Có nhiều bạn cứ nghĩ mình chắc chắn chẳng có cửa được nhận ở trường tốt (và có được nhận cũng chẳng theo được), nên sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện cố gắng học hành, thi cử, apply để được nhận. Khi nghèo thì tầm nhìn của mình cũng bị trói buộc lại trong những người và những giấc mơ nhỏ, vì gia đình và mạng lưới những người quen biết không có ai biết mà hướng dẫn. Sự thực thì có nhiều lý do để trường họ quyết định nhận một người, và quyết định đó có thể từng ban từng năm khác nhau có nhiều tiêu chí khác nhau mình không biết. Nhưng nếu ai không làm gì thì chắc chắn là cơ hội sẽ bằng zero. Một phần rất lớn sinh viên nghèo sẽ không biết mình phải làm gì lúc nào, và có cơ hội nào cho mình nên không cố.
Điều khó khăn thứ hai là việc thiếu liều lĩnh.
Có nhiều bạn sinh viên đã làm được việc thi cử, apply rồi nhưng đến khi được nhận vào trường rất tốt nhưng phải chi ra thêm một ít tiền và trường công bình thường nhưng được miễn phí thì họ sẽ chọn con đường an toàn là chọn trường không tốt nhưng miễn phí. Một điểm mà du học sinh Việt Nam khác với sinh viên Mỹ là ở chỗ sinh viên Mỹ hầu như luôn có thể vay tiền chính phủ để theo học đại học, còn sinh viên (trong nước) và du học sinh Việt Nam thì cơ hội này ít hơn nhiều. Đặt vào văn cảnh đó, câu hỏi đặt ra ở đây với sinh viên nghèo ở Mỹ là liệu bạn có dám liều để gánh nợ đi học trường tốt không.
Cái khó ở đây là không ai dám đảm bảo cho bất cứ sinh viên nào khi học trường tốt ra là sẽ đạt được ước mơ, đi làm trả được nợ (mặc dù cơ hội thành công là rất lớn). Có những bạn mà bố mẹ lương cả năm cộng lại mới bằng một năm học phí đại học, số tiền nợ đại học lớn không thể tưởng tượng được. Khi ta nghèo thì việc chơi lớn, liều lĩnh là một việc ta không dám làm, bất kể cơ hội đó có tốt như thế nào. Nên sinh viên nghèo thường phải ăn chắc mặc bền thay vì có gan chơi lớn.
Điều khó khăn thứ ba là sức ép tâm lý.
Người bạn này đã vượt qua hai điều kể trên để đi học vào Princeton học. Nhưng ngược với tưởng tượng của nhiều người, khi theo học bạn rất muốn bỏ. Bạn nhận ra sinh viên ở đó là những người sinh ra trong những gia đình rất danh giá, rất có điều kiện, chỉ riêng mình là con nhà nghèo không biết gì phải cày thêm ba việc bên ngoài mới không chết đói. Quyết định đi học đã khó rồi, việc phải trụ lại bốn năm trong sự gian khó giữa những con người quá giàu có và quá sung sướng so với mình còn khó hơn.
Một điểm mình nhận ra là sự sung sướng hay khổ nó là tương đối: Với mình, việc mình nghèo so với sinh viên bản xứ ở Mỹ không thành vấn đề gì nhiều, vì mình khi đi du học đã quá khác người khác nên mình không so sánh. Còn với sinh viên Mỹ với nhau, thấy người khác cũng giống ta mà họ thì sướng mình thì có lẽ là gánh nặng tinh thần nhiều hơn.
Mình biết chắc chắn bạn còn nhiều điều khác để nói, nhưng đó là ba điểm lớn mình rút ra. Ba điểm lớn này có lẽ không khác gì nhiều với các em học sinh ở Việt Nam đang có ý định du học, vì vậy mình viết lại để chia sẻ với mọi người. Mình có hy vọng với chia sẻ này nếu bạn có một phần trong đó thì không có gì là lạ cả. Tất cả những điều này đều không có lời giải đơn giản vì nếu dễ thì ai cũng đã đi học được trường tốt, ai cũng đã thành công rồi.
Nhưng mình nghĩ một điều ai cũng phải đồng ý là không phải tự nhiên mà anh bạn mà mình nói chuyện với hôm qua thành công. Bạn ấy không thành công chỉ vì may mắn hay sinh ra ở vạch đích. Đó là một con người nhanh nhẹn, thông minh, quyết đoán, kiên cường, khi thành công rồi thì bao dung với người khác. Dù có ở đâu, làm gì, ở xã hội nào thì người như thế cũng rất đáng trân trọng và đáng để học theo.
Từ: Huan Truong