Tiêu chí phân loại chất lượng các dự án ngoại khóa của Đại học Mỹ

Để đánh giá chất lượng của các hoạt động ngoại khóa, trường Mỹ thường dựa vào một số tiêu chí cụ thể. Bài viết này sẽ giúp các bạn học sinh tìm hiểu về bộ tiêu chí này.

Hoạt động ngoại khóa là tất cả các hoạt động nằm ngoài chương trình học chính khóa của học sinh. Nó không chỉ có hoạt động tình nguyện hay từ thiện, mà bao gồm nhiều hoạt động khác như hoạt động thể thao, trường lớp, văn hóa, nghệ thuật….

Vậy mục đích của việc tham gia các hoạt động ngoại khóa là gì?

Từ góc độ của hội đồng tuyển sinh, các trường đại học đều muốn tạo dựng một môi trường đa dạng và phong phú cả về năng lực học thuật và cả về sở thích cá nhân. Đó là lý do vì sao họ thường đòi hỏi các học sinh không chỉ có kiến thức mà cần phải tham gia nhiều hoạt động ngoại khoá khác nhau. Bởi họ tin rằng những học sinh tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa sẽ có thể đóng góp tốt cho các câu lạc bộ và chương trình ở trường khi họ nhập học. Vì vậy khi các bạn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa thì các bạn sẽ nhận được một điểm cộng cực lớn khi nộp đơn xét tuyển.

Từ góc độ của bản thân, việc tham gia hoạt động ngoại khóa giúp bạn phát triển được những kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, lãnh đạo, hòa nhập, tư duy sáng tạo. Đây đều là những kỹ năng rất cần thiết cho cuộc sống ở đại học và cho cả công việc sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra bạn còn có thể khám phá ra được khả năng cũng như đam mê thật sự, điểm mạnh, điểm yếu của bản thân thông qua hoạt động ngoại khóa và phát triển chúng được toàn diện hơn. Bạn sẽ có thêm những người bạn mới, có những kỉ niệm, bài học và kinh nghiệm đáng nhớ, và trở thành một con người thú vị và toàn diện hơn trong cuộc sống qua những hoạt động ngoại khóa.

Để tìm được các hoạt động ngoại khóa phù hợp, bạn có thể tham khảo các hoạt động ngoại khóa được phân loại theo nhóm sau đây: 

Nhóm Các hoạt động tham khảo
Nghệ thuật Tham gia các ban nhạc, lớp mỹ thuật, kịch nghệ, tạo một kênh Youtube cho riêng mình, quay một bộ phim ngắn
Viết lách Biên tập nội san cho trường, viết báo, viết blog, viết truyện
Chính trị Tham gia các tổ chức chính trị dành cho học sinh, sinh viên, và các câu lạc bộ nâng cao kỹ năng tranh biện,..
Toán & Khoa học Chương trình khoa học hè, hội chợ khoa học, xây dựng dự án STEM,…
Thể thao Trưởng nhóm thể thao, huấn luyện thể thao
Công việc thực tập, tình nguyện Thực tập trong ngành bạn dự định học, làm tình nguyện trong các trung tâm trẻ em, bảo vệ động vật,…

Các hoạt động này chỉ mang tính chất tham khảo. Điều quan trọng là bạn biết đâu là hoạt động phù hợp với mình và tham gia ở mức độ nào.  APUS sẽ phân loại cấp độ tham gia của học sinh trong từng hoạt động ngoại khóa theo bốn nhóm sau:

Nhóm dự án ngoại khóa cấp độ 1:

Là những dự án ngoại khóa thường có thể chứng minh khả năng lãnh đạo vượt trội của mỗi cá nhân cũng như mang tới những thành tích nổi bật, và các dự án này thường ít phổ biến. Nhóm dự án này được đánh giá là có tầm ảnh hưởng cực lớn trong quá trình xét duyệt hồ sơ. Những dự án nhóm này có thể gồm có các hoạt động thể thao hoặc các dự án cấp quốc gia, quốc tế. Ví dụ: các kỳ thi Olympic quốc tế; các dự án hè nổi bật; các hoạt động tình nguyện đặc biệt mà bạn nắm giữ vai trò lãnh đạo quan trọng.

Nhóm dự án ngoại khóa cấp độ 2:

Là những dự án mang lại các giải thưởng lớn và giúp chứng minh được khả năng lãnh đạo. Sự khác biệt so với cấp độ 1 là các dự án thuộc nhóm cấp độ 2 này phổ biến hơn và ở quy mô nhỏ hơn. Những hoạt động này bao gồm tham gia làm lãnh đạo cho các tổ chức chính trị sinh viên, các hoạt động tranh biện, đạt giải một số kỳ thi/hoạt động cấp thành phố  hoặc khu vực. 

Nhóm dự án ngoại khóa cấp độ 3:

Gồm những dự án giúp Ban tuyển sinh biết bạn có tham gia vào các hoạt động bên ngoài lớp học, và hiểu rõ hơn về con người bạn. Bạn tham gia các hoạt động này nhưng vai trò lãnh đạo của bạn chưa thực sự nổi bật. Ví dụ: bạn tham gia làm thành viên của câu lạc bộ tranh biện, hay tham gia chơi một bộ môn thể thao nào đó ở quy mô trên lớp hoặc trên trường. 

Nhóm dự án ngoại khóa cấp độ 4:

Nhóm này gồm các dự án thường thấy nhiều nhất trong bộ hồ sơ ứng tuyển Đại học Mỹ. Mặc dù nhóm này không tạo ra nhiều ảnh hưởng trong quyết định lựa chọn của Ban tuyển sinh bằng các nhóm cấp độ đầu, nhưng nhóm này cũng sẽ giúp các trường hiểu phần nào về những mối quan tâm của về bạn. Ví dụ về nhóm dự án ngoại khoá này: bạn học đàn, học võ trong vài năm nhưng chưa có thành tựu nào.

Hồ sơ dự án ngoại khóa theo cấp độ mạnh, yếu:

– Yếu: đơn thuần là các dự án không mang lại nhiều giá trị, không đòi hỏi cam kết tham gia của bạn.

– Trung bình: gồm nhiều dự án với mức độ tham gia không nhiều và tập trung.

– Mạnh: gồm các dự án thuộc cấp độ 3 và 4 nhưng bạn dành nhiều thời gian và sự tập trung hơn, và có đảm trách vai trò lãnh đạo trong tổ chức. 

– Cực mạnh: gồm các dự án thuộc cấp độ 1 và 2, mức độ tham gia rất tập trung, nắm giữ những vị trí quan trọng nhất trong tổ chức.

Dựa vào những cách phân chia cấp độ này, hi vọng bạn có thể tìm và định hướng cho mình những dự án ngoại khóa phù hợp để tạo được ấn tượng với Ban tuyển sinh các trường.

Đăng ký tham gia tọa đàm trực tuyến: Định hướng ngoại khóa ngành STEM & đặt câu hỏi cho diễn giả tại: https://bit.ly/Webinar_May2020