Trump và hệ thống Tam quyền phân lập

Một số thông tin bên dưới sẽ giải thích cho quý vị một cách đơn giản hơn cả về cơ chế hoạt động của hệ thống tam quyền phân lập ở Mỹ, Một khi hiểu rõ điều này, chúng ta sẽ biết được những giới hạn quyền lực của tân tổng thống Mỹ và đội ngũ giúp việc của ông ta để đưa ra những kế hoạch phù hợp khi qua Mỹ học tập và làm việc.

TƯ PHÁP MỸ CHỐNG LẠM QUYỀN
Với phong cách ‘phi truyền thống”, Trump quả là vị TT trăm năm có một khi ông đang có biểu hiện thách thức cơ chế tự động kiểm soát quyền lực của hệ thống chính quyền Mỹ, vốn được cài đặt từ hơn 200 năm trước.
Với triết lý tản quyền, các nhà lập quốc Mỹ đã thiết kế một cấu trúc chính quyền theo mô hình “kiềng ba chân”, vận hành độc lập nhưng cân bằng và kiềm chế lẫn nhau: Lập pháp (QH) – Hành Pháp (TT) – Tư pháp (Tòa án). Tuy nhiên, nếu xét theo góc độ quyền lực, và nói một cách ví von, thì Lập pháp như ông anh cả đầy uy lực, Hành pháp giống ông anh hai ngổ ngáo, còn Tư pháp như ông em út có vẻ yếm thế. Vậy cơ sở nào để ông em út Tư pháp có thể kiểm soát quyền lực của hai ông anh kia?
Anh cả (Lập pháp-QH) có được quyền lực và sự chính danh một phần là nhờ quy trình bầu chọn và tính đại diện của một tập hợp gồm 538 đại biểu đến từ mọi miền đất nước. Quan trọng hơn, Lập pháp nắm trong tay hai quyền tối quan trọng: đặt ra luật chơi (quy định quyền và bổn phận của công dân), và phê chuẩn ngân sách. Với hai quyền này, nhánh Lập pháp có được quyền lực tối thượng trong sự vận hành của hệ thống chính quyền.
Trong khi đó, ông anh hai (Hành pháp) lại có được tính chính danh cũng như quyền lực của “thượng phương bảo kiếm’ do nhân dân giao phó thông qua một cuộc bầu cử rộng rãi trên toàn quốc. Hơn thế, ông này còn có trong tay cả một bộ máy khổng lồ, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát và Quân đội, để hiện thực hóa các quyết định của mình.
Xét trên mọi phương diện: sự chính danh chính trị, tổ chức bộ máy, và phạm vi quyền lực, thì nhánh Tư pháp quả đúng là ông em út yếm thế. Sự chính danh chính trị của Tư pháp luôn bị đặt dấu hỏi khi các thẩm phán không phải là sản phẩm của các cuộc bầu cử tự do và cạnh tranh. Tư pháp cũng không có bộ máy và các công cụ cưỡng chế hùng mạnh như Hành pháp, đồng thời cũng không có các quyền quyết định tối thượng như Lập pháp. Đúng như các nhà lập quốc Mỹ đã nhận định: Tư pháp là nhánh quyền lực ít nguy hiểm nhất, ít có khả năng chuyên quyền nhất trong cấu trúc “tam quyền”.
Bất chấp quyền lực và nguồn lực khiêm tốn, những gì tân TT Trump đang phải hứng chịu lại cho thấy khả năng kiểm soát quyền lực đáng nể của ông em Tư pháp đối với hai ông anh là Hành pháp và Lập pháp trong cấu trúc chính quyền Mỹ. Nếu Quốc hội (LP) có quyền soạn thảo và thông qua Luật, Tổng thống (HP) có quyền ký để ban hành Luật, thì diễn giải Luật lại là đặc quyền của hệ thống Tư pháp Mỹ.
Nói cách khác, quyền ‘Thẩm định, diễn giải tư pháp/pháp lý – Judicial Review” chính là vũ khí có khả năng sát thương cao nhất của hệ thống Tư pháp trong quan hệ quyền lực với hai nhánh Lập pháp và Hành pháp. Với đặc quyền thẩm định và diễn giải pháp lý trong tay, và một lòng thượng tôn Hiến pháp, các thẩm phán của nhánh Tư pháp là những người duy nhất có quyền phán quyết một luật nào đó của Quốc hội hay một quy định/hành động nào đó của nhánh Hành pháp có phù hợp với luật pháp hiện hành và Hiến pháp hay không.
Sự thú vị của chính quyền Trump hiện nay là ở chỗ: nó đã kích hoạt cơ chế tự kiểm soát giữa bộ ba quyền lực để chống lại xu hướng lạm quyền. Trong khi Quốc hội chưa có cơ sở để can thiệp vào các hành động của vị tân tổng thống đầy ngổ ngáo, thì nhánh Tư pháp đã xuất hiện kịp thời và chứng tỏ vị thế của mình. Trong nỗ lực ngăn cản các hành động lạm quyền của cả Lập pháp và Hành pháp, hệ thống Tư pháp Mỹ chỉ dựa trên một vũ khí duy nhất, và hết sức khiêm tốn: “Judicial Review – Quyền thẩm định, diễn giải pháp lý”.

Nguồn: anh Dang Nguyen