Viết email đề nghị trường Mỹ tăng mức học bổng

Đó là cách mà Nguyễn Trần Tuấn Khải – người giành học bổng toàn phần tại Đại học Temple, Mỹ – đã làm khi chuẩn bị hồ sơ du học.

Nhiều giáo viên có kinh nghiệm giúp học sinh hoàn thiện hồ sơ và một số bạn giành học bổng tại các trường đại học Mỹ cho rằng quá trình chuẩn bị cho ước mơ du học là hành trình dài.

Chủ động về thời gian, tâm lý

Nguyễn Trần Tuấn Khải (Đại học Temple) khuyên bạn trẻ nên xác định từ sớm việc du học để có thời gian chuẩn bị chu đáo. Chàng trai này cho biết vì quyết định du học muộn, cậu phải thức trắng nhiều đêm để hoàn thành bài luận, 5 lần thi SAT mới đạt được điểm như ý muốn.

Trần Đắc Minh Trung – “thợ săn học bổng” nhiều trường ở Mỹ – khuyến khích bạn trẻ nên bắt đầu chuẩn bị từ lớp 10 nếu có ý định du học.

“Hồ sơ nộp cho trường đại học Mỹ có nhiều phần, gồm các kỳ thi chuẩn hóa, hoạt động ngoại khóa, bài luận, thư giới thiệu. Đầu năm lớp 10, học sinh có thể tìm hiểu về những kỳ thi, thủ tục cần thiết, lựa chọn trường. Lớp 11, các bạn hãy tham gia kỳ thi lấy chứng chỉ”, Minh Trung chia sẻ kinh nghiệm.

Hưng, Trung, Khánh, Khải (từ trái qua) chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị hồ sơ du học. Ảnh: Minh Nhật.

Thông thường có 2 kỳ thi SAT (thi chuẩn hóa): SAT I bắt buộc thí sinh phải vượt qua nếu muốn du học Mỹ. Đây là kỳ thi bắt buộc cho cả học sinh nước Mỹ, thế nên bạn phải có điểm nằm trong top 1% của thế giới mới có hy vọng xin được học bổng giá trị.

Những người có ý định nộp đơn vào trường top đầu như ĐH Harvard, Princeton, Yale… thường phải thi thêm SAT II. Thậm chí, để chắc chắn, các bạn nên lấy thêm bằng tốt nghiệp THPT của Mỹ, ngoài bằng tốt nghiệp THPT ở Việt Nam. Tất nhiên, những chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOELF phải rất xuất sắc. Học sinh phải vượt qua nhiều kỳ thi nên thời gian chuẩn bị càng lâu, học sinh càng có lợi.

Ứng viên cũng phải chuẩn bị tâm lý tốt trước những kỳ thi và kết quả tuyển sinh của trường. Một bộ hồ sơ xuất sắc với điểm thi chuẩn hóa cao, hoạt động ngoại khóa phong phú, bài luận đặc biệt chưa chắc giúp bạn vượt qua hàng nghìn thí sinh quốc tế để có mặt tại ngôi trường mơ ước.

Các trường đại học của Mỹ chọn ứng viên phù hợp và có thể góp phần làm phong phú văn hóa của họ. Với họ, không có ứng viên xuất sắc nhất, chỉ có người phù hợp nhất. Cuộc cạnh tranh giữa các thí sinh rất khốc liệt. Quá trình nộp hồ sơ vẫn tồn tại nhiều yếu tố may rủi. Vì thế, theo một số sinh viên đang học tập ở Mỹ, nộp hồ sơ theo chiến thuật rải thảm cũng là cách tăng thêm cơ hội.

Chỉ có bạn hiểu bản thân mình

Quá trình làm hồ sơ, chọn trường có thể được nhiều người tư vấn nhưng chính học sinh quyết định khả năng thành công trong việc nộp đơn xin du học.

Mỗi trường chỉ nhận một lượng học sinh quốc tế nhất định. Khi các điểm số, chứng chỉ của bạn tương đương nhiều ứng viên khác, bài luận sẽ là yếu tố quyết định có được chọn hay không.

Nhiều bạn có ý định du học tham khảo ý kiến của Khánh. Ảnh: Minh Nhật.

Bài luận cần thể hiện sự đầu tư, trưởng thành, suy nghĩ chiều sâu. Trần Việt Hưng, giáo viên ôn luyện những kỳ thi chuẩn hóa, đưa ra lời khuyên: “Trong bài luận, các bạn tuyệt đối không nên nhắc lại điểm số, dù rất xuất sắc. Ban tuyển sinh sẽ không thích điều này. Thay vào đó, các bạn có thể viết về những câu chuyện nhỏ của bản thân có ảnh hưởng đến mình”.

Nếu chưa biết phải viết gì trong bài luận, Minh Trung khuyên nên xem xét trường mình nộp hồ sơ có đặc điểm gì để chọn vấn đề. Chàng trai này cho biết với những trường nghiên cứu lớn, thuộc top đầu của Mỹ, giáo sư trong ban tuyển sinh muốn nghe về những ý định nghiên cứu, phát minh, sáng tạo. Trong khi đó, trường không quá nổi tiếng thường muốn biết câu chuyện phát triển giáo dục, đầu tư cho con người.

Việc chọn trường phù hợp là điều quan trọng để các bạn có những năm tháng du học thật sự thú vị. Tuấn Khải cho hay trước khi quyết định nộp đơn vào trường, các bạn nên xem xét văn hóa có phù hợp không, khả năng tài chính của gia đình và năng lực của bạn, tỷ lệ trúng tuyển…

Các ứng viên đều muốn được học tại trường mình yêu thích với mức học bổng cao nhất. Chính vì thế, học sinh nên tìm hiểu thông tin tuyển sinh từ những năm trước về tỷ lệ học sinh quốc tế được chọn, bao nhiêu người được học bổng, mức học bổng trung bình thế nào… để cân nhắc trước khi quyết định.

Nếu được chọn nhưng với mức học bổng không như ý, bạn hoàn toàn có thể thương thảo về học bổng với ban tuyển sinh của trường.

Tuấn Khải cho biết ban đầu, trường Temple đồng ý cấp học bổng 5.000 USD, trong khi tổng chi phí một năm học là 40.000 USD.

Nam sinh đã viết email trình bày sự hứng thú, thế mạnh của mình, những gì Khải có thể đóng góp cho trường và nguyện vọng muốn nâng mức học bổng, gửi đến ban tuyển sinh.

Ngoài mong đợi, Khải được trường cấp học bổng toàn phần trong 4 năm học.

 

Nguồn Zing