Logo
(+84) 98 202 8888Đặt lịch tư vấn

Ngành học ở đại học có quan trọng không?

17th September, 2019

Chúng ta có thể nói cả ngày về những “mẹo vặt” như nên học môn gì hay quản lý thời gian như thế nào. Nhưng, một vấn đề lớn nổi cộm và đau đầu nhất với tất cả các tân sinh viên vẫn là việc nên chọn ngành học nào. Suy cho cùng, để học tốt được thì bạn phải học đúng ngành bạn thích và biết rằng đó là một ngành học có thể đảm bảo sự nghiệp của mình trong tương lai.

Đây lại là một câu hỏi mà người ta rất ngại phải đưa ra lời khuyên cho bạn, vì lý do rất dễ hiểu: chỉ có bạn mới biết khả năng và sở thích của mình. Còn bố mẹ hay họ hàng của bạn có thể khuyên bạn làm kỹ sư, bác sĩ, luật sư,… Tuy nhiên, hầu hết những lời khuyên đó đều không bắt đầu bằng việc tìm hiểu bạn thực sự thích điều gì. Để tránh trường hợp bị ép học một ngành mà mình không thích, sự thay đổi phải diễn ra từ chính bạn. Tự bạn phải biết mình thích học gì.

Ở bài này, mình sẽ viết về một quy tắc chung của mình về việc chọn ngành học: học ngành nào thực ra không quan trọng lắm; quan trọng hơn là bạn có kĩ năng gì, bạn làm được gì.

Học ngành nào thực ra không quan trọng lắm; quan trọng hơn là bạn có kĩ năng gì, bạn làm được gì.

Trước khi giải thích tiếp, để mình nói rõ lại. Có một số ngành như bác sĩ, luật sư, kiến trúc sư, hoặc nghiên cứu hàn lâm, mà đòi hỏi những kiến thức rất chuyên sâu. Không ai chỉ có thể tốt nghiệp khoa kinh tế rồi được đi làm bác sĩ cả.

Tuy nhiên, thị trường lao động gần đây càng ngày càng linh động hơn, và các công việc thường đòi hỏi kĩ năng nhiều hơn là ngành học.

Bạn cùng phòng của mình ở ĐH Princeton, Neil (người mà bạn có thể đã biết trong bài kể về Princeton của mình trên Kênh 14 eMagazine), chọn ngành học Classics. Đây là ngành học về lịch sử, ngôn ngữ, và văn hoá của La Mã và Hy Lạp cổ, một ngành rất kén người học, mỗi năm ở Princeton chỉ có khoảng ít hơn 10 trên 1200 học sinh theo học. Neil chọn ngành học này theo sở thích – cậu bạn rất sõi tiếng Latin và hay thích đọc thơ cổ cho mình nghe (dù mình không phải là người thích nghe thơ cho lắm…).

Thế nhưng sau khi tốt nghiệp, Neil được mời làm ở Bridgewater Associates, một công ty quản lý đầu tư đang quản lý $125 tỉ đô tài sản. Lý do là vì ngoài những lớp Classics, Neil thường theo học các lớp toán và kinh tế tài chính cần thiết cho một nghề nghiệp trong ngành đầu tư. Ngay từ năm 1, trong thời gian rảnh, cậu ấy đọc về lịch sử tiền tệ của nước Mỹ – một thứ mà lúc đó mình tưởng chỉ có những đứa chuyên ngành kinh tế như mình mới hứng thú.

Một cậu bạn khác của mình học chuyên ngành kĩ sư điện tử. Mình đầu tiên học lớp xác suất thống kê đại cương cùng với cậu này, và sau này hát cùng trong nhóm a cappella suốt 2 năm. Cậu ấy học rất tốt môn điện tử, nhưng đến năm cuối lại nhận ra rằng mình thích làm tư vấn (consulting) hơn. Cuối cùng cậu ấy chuyển hẳn sang ngành tư vấn và làm việc ở một công ty Top 5 của Mỹ.

Vì sao người ta lại nhận một đứa học kĩ sư điện tử đi làm tư vấn? Vì cậu ấy có toàn bộ những kĩ năng cần thiết: giỏi xác suất, giỏi lập trình, giỏi thuật toán, và quan trọng hơn hết: giỏi về cách giải một bài toán bằng phương pháp hiện đại.

Có lần cậu ấy kể cho mình về một dự án đang làm, trong đó team cậu ấy đang viết nên thuật toán chống rửa tiền bằng cách phân tích tần suất hoạt động tài khoản dựa trên công cụ Fast Fourier Transform (biến đổi dữ liệu từ chiều không gian sang chiều tần số), một công cụ rất căn bản trong ngành kỹ thuật điện tử! (Ngoài lề một tí, hồi xưa dù là chuyên ngành kinh tế, nhưng mình cũng học một lớp điện tử và cũng đã biết được về Fourier Transform và các ứng dụng nên mới có thể nói chuyện với cậu ấy.)

Sau đợt nói chuyện với cậu ấy xong, mình nhận ra: thực ra các ngành nghề hiện nay không khác nhau như mình nghĩ. Có một số ít kĩ năng cơ bản được sử dụng trong rất nhiều nghề khác nhau. Như vậy, khi học, tại sao mình lại phải đau đầu về chuyện chọn ngành trong khi trên thực tế, cái bạn cần đảm bảo là kĩ năng?

Thế những kĩ năng nào có thể áp dụng được cho nhiều nghề nhất? Dưới đây là danh sách của mình – hoàn toàn mang tính chủ quan – và nếu bạn đọc muốn có thể đóng góp thêm ở phần bình luận:

  • Toán / kĩ năng giải quyết vấn đề
  • Lập trình cơ bản
  • Xử lý dữ liệu / khoa học dữ liệu
  • Kinh tế/tài chính (hơi ít bắt buộc hơn, nhưng nên học)

Mình sẽ phân tích lần lượt các môn này ở dưới.

Mình đặt Toán lên đầu danh sách vì hai lý do. Thứ nhất, những môn thuộc về mảng khác, ví dụ như xác suất thống kê, sẽ đòi hỏi các bạn biết một ít toán. Nhưng quan trọng hơn, việc học toán sẽ tập cho bạn cách tư duy, suy nghĩ logic, và giải quyết vấn đề. Mình thấy ở đại học có nhiều bạn sợ toán một cách vô lý, đến nỗi không bao giờ dám thử học một lớp toán. Ngay cả trong ngành kinh tế tại Princeton cũng có khối nhiều toán (“math track”) và khối không toán (“non-math track”).

Bạn có thể cho rằng “lỡ may học toán rồi sau này ra không bao giờ dùng thì sao?”. Và có thể là bạn đúng, có thể sau này bạn sẽ làm một công việc mà chỉ cần biết cộng trừ nhân chia. Tuy nhiên, việc học toán cho bạn một giá trị: giá trị của sự lựa chọn. Nếu bạn biết toán, bạn có thể chọn làm công việc có toán hoặc công việc không có toán, tuỳ vào công việc nào tốt hơn và thích hơn. Còn nếu bạn không biết toán, thì suốt cuộc đời bạn đã tự giới hạn mình vào chỉ được làm những công việc không có toán.

Tuy nhiên không phải lớp toán nào cũng thiết thực. Mình đã học qua môn Giải tích thực (real analysis), rất thích, và đôi lúc vẫn dùng trong nghiên cứu ở bậc PhD. Tuy nhiên, mình cũng thấy rằng hầu hết các ngành sẽ không cho bạn cơ hội sử dụng kiến thức của môn này. Do đó, nếu phải giới thiệu những môn thiết thực mà cần học nhất, mình sẽ giới thiệu các môn: combinatorics & statistics (tổ hợp và xác suất thống kê), linear algebra (có ích nếu muốn học tin học, kinh tế lượng, và xác suất), và multivariable calculus (bạn có thể dùng để tối ưu hoá rất nhiều bài toán trong cuộc sống!).

Xuất thân là dân chuyên tin, mình rất khuyến khích các bạn “học lập trình”. Tuy nhiên, tin học là một mảng rất rộng, và “học lập trình” cụ thể là gì rất tuỳ thuộc vào nhu cầu. Nói về lập trình, mình nghĩ các bạn nên học:

  • Một lớp lập trình căn bản để làm quen với các khái niệm cơ bản (như điều kiện, vòng lặp, etc.), thuật toán (cách giải vấn đề bằng tin học), và cấu trúc dữ liệu. Mình khuyến khích nên chọn bắt đầu bằng một ngôn ngữ cho mục đích chung (general purpose language) như C, Java, hoặc Python. (Nếu chỉ chọn một để học, mình hơi khuyến khích Python hơn, vì trừ khi bạn muốn làm software engineer, Python đang trở nên rất phổ biến trong các ngành nghề ứng dụng khác.)
    Một điểm cần lưu ý là hiện nay đã có khá nhiều packages đơn giản hoá công việc lập trình của bạn. Nhưng ở giai đoạn đầu, học cách tự code các vấn đề – dù code có thể dài và inefficient hơn – sẽ cho bạn nhiều kinh nghiệm hơn.
  • Một lớp về xử lý dữ liệu bằng Python, R, hoặc Stata. Python và R đang rất phổ biến, và R hơi domain specific, nghĩa là được thiết kế đặc biệt cho việc xử lý dữ liệu hơn. Stata rất phổ biến trong bộ môn kinh tế, nhưng mình không khuyến khích học vì (1) cấu trúc ngôn ngữ khá khác so với các ngôn ngữ khác, khó học, và khó chuyển đổi giữa ngôn ngữ hơn, (2) nội trong bộ môn Kinh tế thì mọi người cũng đang chuyển dần sang R hoặc Python.
    Cùng với việc dữ liệu càng ngày càng nhiều, thường xuyên, và lớn hơn, ngành khoa học dữ liệu (Data Science) cũng trở thành một ngành. Mình nghĩ việc học các ngôn ngữ này sẽ cho thành quả khá nhiều :).

Sở dĩ mình đặt Kinh tế / tài chính ở cuối là vì mình nghĩ là bộ môn này hơi chuyên dụng và ít cơ bản hơn so với toán và lập trình. Tuy nhiên, ngay cả nếu không đang kiếm việc trong ngành phân tích kinh tế tài chính, thì mỗi quyết định hàng ngày của bạn cũng sẽ liên quan đến nó. Nên đi subway hay đi bộ, mỗi tháng nên tiết kiệm bao nhiêu / tiêu bao nhiêu, nên thuê nhà hay mua nhà, nên mua cổ phiếu nào, bong bóng kinh tế là gì, v.v. Nếu các bạn có một tí hiểu biết về kinh tế tài chính thì sẽ đưa ra được quyết định chuẩn xác và ít sai lầm hơn. Nếu chỉ học để biết cơ bản, mình không khuyến khích học lên cao hơn mức intermediate ở bậc đại học, vì các môn kinh tế lớp trên trở nên phức tạp và nhiều toán khó.

Nói đến đây bài cũng đã dài. Mình đã nói rõ quan điểm của mình, rằng với nền kinh tế hiện đại, ngành học hơi ít quan trọng hơn kĩ năng. Bạn học ngành nào ít quan trọng hơn bạn biết làm gì. Và nói về kĩ năng, sẽ có một số kĩ năng áp dụng được cho nhiều công việc hơn những kĩ năng khác.

Bài viết được viết từ phương diện “thực dụng”, và mình cũng mong muốn độc giả đừng hiểu lầm rằng mình nghĩ môn nào là quan trọng hay “tốt” hơn môn nào. Mình đang không phải nói rằng việc học lịch sử, địa lý, nhân chủng học,… là không quan trọng bằng. Ở bậc đại học, mình cũng dành thời gian học âm nhạc hoặc khoa học chính trị vì các môn đó quan trọng đối với mình. Nhưng xin nhắc lại rằng danh sách các môn học / kĩ năng nêu trên được đưa ra dựa theo tiêu chí có thể được sử dụng trong nhiều công việc nhất.

Hy vọng bài viết này sẽ có ích cho bạn trong việc lựa chọn môn học, ngành học của mình ở đại học.

Tác giả: Châu Thanh Vũ, nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Harvard

Đăng ký nhận tin

Liên hệ

Tầng 16, Tòa nhà 54A Nguyễn Chí Thanh, Quận Đống Đa, Hà Nội

(+84) 98 202 8888

info@apusvietnam.com

© 2015 APUS Vietnam. All right reserved

FaceBookFaceBookYouTubeInstagramTikTokZalo
Đặt lịch tư vấn