10 đặc trưng về giáo dục bậc Đại học Mỹ

Lựa chọn nước Mỹ để học Đại học trong vòng 4 năm không phải là một quyết định dễ dàng đối với một số bạn trẻ. Ngoài việc phải dành thời gian để chuẩn bị hồ sơ nhập học, xin học bổng, các bạn học sinh còn cần chuẩn bị cho mình tâm thế vững vàng để vượt qua được những khó khăn về ngôn ngữ, văn hoá ở môi trường mới. Tuy nhiên, hành trình “không trải hoa hồng” này sẽ giúp bạn không ngừng hoàn thiện bản thân để trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình: dám thử thách, dám thích ứng và dám chinh phục những cơ hội ở cấp độ toàn cầu. 

Hãy thử khám phá xem những điểm cộng của nền giáo dục Mỹ ở bài viết sau: 

  1. Có rất nhiều sinh viên quốc tế đến Mỹ du học 

Hãy yên tâm, bạn sẽ không cô đơn khi trở thành sinh viên quốc tế chọn du học Mỹ. Trên thực tế, Mỹ là điểm đến du học phổ biến nhất thế giới. Có hơn 1,1 triệu sinh viên quốc tế hiện đang sinh sống và học tập tại Mỹ.

Vì điều này, các trường đại học Mỹ đã dành rất nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển các chương trình hỗ trợ sinh viên đến từ ngoài Mỹ. Các trường lớn hơn như Arizona State University và University of Connecticut có hàng nghìn sinh viên đến từ hàng trăm quốc gia khác nhau trong khuôn viên trường.

Ở buổi định hướng đầu tiên của trường, bạn sẽ gặp những sinh viên quốc tế khác cũng đang trải qua quá trình chuyển đổi môi trường sống và học tập tương tự như mình. Điều này sẽ thúc đẩy các bạn tạo ra những cộng đồng tương hỗ lẫn nhau trong suốt quá trình học tập ở trong trường. 

  1. Được lựa chọn các chuyên ngành chính và phụ 

Một trong những điều sinh viên thích nhất khi đi du học ở Mỹ là tính linh hoạt trong việc lựa chọn ngành học,  có thể chọn cùng lúc 1 hoặc 2 chuyên ngành chính. 

Ngoài chuyên ngành học chính, sinh viên còn có thể chọn thêm các chuyên ngành phụ để bổ sung vào bằng cấp. Ví dụ, nếu bạn học chuyên ngành Kinh doanh chẳng hạn, bạn có thể lấy thêm chuyên ngành phụ ở một lĩnh vực khác như Tâm lý học hoặc Âm nhạc. 

Và việc được học cả chuyên ngành chính hay phụ hay liên ngành sẽ giúp tạo ra những giá trị khác biệt cho tấm bằng Đại học của mình.

  1. Có thời gian để khám phá chuyên ngành mình muốn học 

Nhiều trường đại học Mỹ yêu cầu sinh viên lấy nhiều môn học đại cương để có kiến thức toàn diện ở nhiều lĩnh vực từ toán, khoa học đến lịch sử và nghệ thuật.

Các khoá này thường mất khoảng 1,5 năm (hoặc 3 kỳ học) để hoàn thành. Trong thời gian này, sinh viên có thể khám phá hoặc thay đổi lĩnh vực mà họ muốn theo học. Vậy nên dù bạn có thể không biết mình muốn học gì vào ngày đầu tiên thì cũng đừng quá lo lắng. Khoảng 20 đến 50% sinh viên Đại học Mỹ tiếp tục khám phá và lựa ra chuyên ngành học sau 1-2 năm đầu tiên. 

  1. Những kỳ nghỉ dài để tăng trải nghiệm 

Mỗi kỳ học kéo dài khoảng 15 tuần, đồng nghĩa sinh viên dành trọn vẹn khoảng nửa năm học học toàn thời gian tại trường. 

Kỳ nghỉ hè thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8 và đây là khoảng thời gian sinh viên có thể tận dụng để trải nghiệm văn hoá địa phương hay tham gia thực tập và tích lũy kinh nghiệm chuyên môn tại Mỹ. 

Học sinh cũng dành khoảng 1 tháng để nghỉ đông (thường từ giữa tháng 12 đến giữa tháng 1) và một vài tuần cho nghỉ Lễ Tạ An và nghỉ xuân (vào tháng 3 hoặc tháng 4). 

  1. Thích ứng với những vùng khí hậu khác nhau

Nước Mỹ là quốc gia lớn thứ 4 trên thế giới (tính theo diện tích đất liền), và có 10 vùng khí hậu khác nhau. Nhờ vậy, sinh viên quốc tế có thể chọn ra những vùng khí hậu phù hợp nhất với mình.

Ví dụ, vùng Đông Bắc (Massachusetts, New York, Pennsylvania) có mùa đông rất lạnh và có tuyết rơi; vùng Tây Nam (Arizona, Texas) nước Mỹ là nơi có khí hậu nóng hơn với thời tiết khô và nắng nóng quanh năm; bờ Tây (California) thì mát mẻ, có nhiệt độ ổn định; vùng Trung Tây (Missouri, Illinois) thì ôn hoà không quá nóng vào mùa hè và không quá lạnh và mùa Đông; miền Nam (Georgia, Florida) có thời tiết nóng ẩm gần với các nước nhiệt đới.  

  1. Xây dựng kỹ năng qua các câu lạc bộ sinh viên 

Nhiều sinh viên quốc tế tận dụng tối đa trải nghiệm đại học tại Mỹ bằng cách tham gia vào một số câu lạc bộ phân theo sở thích như thể thao, nhảy, hát, nghệ thuật,… hay theo những kỹ năng phát triển nghề nghiệp. Có hàng trăm câu lạc bộ như vậy để sinh viên lựa chọn khi theo học tại trường. Những hoạt động ngoài học thuật này không chỉ giúp sinh viên mở rộng kiến thức chuyên ngành hoặc chỉ đơn giản thoả mãn một sở thích cá nhân khiến mình vui vẻ, mà còn xây dựng được những mối quan hệ lâu bền giúp ích rất nhiều trong thời gian học tập và làm việc tại Mỹ.

  1. Tinh thần thể thao được đề cao ở các trường Đại học Mỹ

Các trường đại học Mỹ thường có truyền thống thể thao ấn tượng. Ví dụ như ở UConn, đội bóng rổ nữ Huskies luôn được xếp hạng trong Top 10 ở Mỹ và đã giành được 11 chức vô địch quốc gia. Người hâm mộ đi cổ vũ cho các trận đấu thể thao của trường mình còn mặc áo đặt logo và linh vật của trường để tạo ra một bầu không khí náo nhiệt và thể hiện rõ tinh thần và nét đặc trưng riêng của trường mình. 

  1. Lớp học khuyến khích sinh viên phát biểu và đóng góp ý tưởng

Nền giáo dục Mỹ luôn đề cao sự hợp tác, trao đổi giữa các giáo sư và sinh viên. Thay vì chỉ thao thao bất tuyệt về bài giảng của mình, giáo sư khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi, đóng góp các ý tưởng cho dự án và bài tập và đưa ra những phản biện của mình. Phong cách giảng dạy này hỗ trợ phát triển sự tự tin của sinh viên và cải thiện khả năng nói trước đám đông.

  1. Điểm thi không phải là yếu tố duy nhất đánh giá năng lực sinh viên 

Việc chấm điểm ở các trường đại học Mỹ luôn cao yếu tố toàn diện. Đây sẽ điều khá mới mẻ đối với những sinh viên đến Mỹ du học. Điểm số không chỉ được đánh giá dựa vào bài thi, mà còn qua cả việc phát biểu và đóng góp ý kiến của sinh viên trên lớp, làm bài tập về nhà, thuyết trình và tham gia các dự án nhóm. 

  1. Sinh viên năm nhất sẽ được ở ký túc xá trường

Trong năm đầu tiên học Đại học Mỹ, sinh viên quốc tế sẽ trong ký túc xá và được khuyến khích ở với ít nhất một người bạn cùng phòng. Ưu điểm của việc chia sẻ không gian sống và học tập chung là sinh viên biết cách điều chỉnh lịch sinh hoạt, chia sẻ đồ dùng và tôn trọng không gian, quyền riêng tư của bạn cùng phòng. Qua việc ở chung, bạn có thể học hỏi thêm các kiến thức, kĩ năng từ người bạn cùng phòng, đồng thời nâng cao khả năng giao tiếp, giải quyết vấn đề của mình. 

Sau năm thứ nhất, sinh viên có thể tiếp tục ở trong trường hoặc có lựa chọn chuyển ra khỏi trường để ở những khu vực gần trường.