10 “điểm nhấn” quan trọng khi nộp Đại học Mỹ

Quy trình tuyển sinh Đại học Mỹ bao gồm rất nhiều thành phần và được chia thành những giai đoạn chuẩn bị khác nhau. Điều này đòi hỏi các học sinh phải hết sức kiên nhẫn, tỉ mỉ và bắt tay từ sớm. Để hỗ trợ các em trên hành trình này, APUS tổng hợp một số “điểm mấu chốt” mà các bạn học sinh nên lưu tâm khi nộp hồ sơ xin học bổng các trường Đại học uy tín của Mỹ.  

  1. Nghiêm túc nghiên cứu về các trường đại học 

Các bạn ứng viên thường dành trung bình khoảng 40 tiếng để tìm hiểu về từng ngôi trường phù hợp nhất với mình. Hãy viết ra hai hoặc ba điều cụ thể mà bạn muốn và không muốn ở trường đại học. Ví dụ: bạn muốn tìm kiếm một ngôi trường có quy mô lớp học to hay nhỏ, cơ hội thực tập hay nghiên cứu ở lĩnh vực bạn muốn theo học, nằm ở khu vực thành phố lớn hay ngoại ô,… Điều này vừa giúp bạn dễ dàng kết nối với trường và còn giúp cho bạn đưa ra những quan điểm phù hợp khi trả lời các câu hỏi luận phụ liên quan đến việc vì sao bạn chọn trường. 

  1. Chủ động đến thăm trường

Các trường thường tổ chức ra những ngày hội thông tin giới thiệu về trường đến nhiều người hay những buổi trao đổi trực tiếp giữa đại diện tuyển sinh và ứng viên tiềm năng. Khi tham gia trực tiếp những buổi tọa đàm như vậy, bạn sẽ có cơ hội thu thập những thông tin hữu ích từ đại diện tuyển sinh các trường mà đôi khi khó có thể tìm được trên các kênh truyền thông. Bên cạnh đó, nếu có thêm thời gian, nhiều học sinh dành thời gian dạo quanh trường để khám phá và cảm nhận cảnh quan, cuộc sống sinh viên trong trường, môi trường học tập theo cách riêng của mình. Cách này sẽ giúp bạn cảm nhận rõ nét hơn và chân thực hơn cuộc sống của một sinh viên đang theo học tại đây và bản có cảm thấy thoải mái với điều đó hay không.

  1. Điểm bài thi chuẩn hóa không quyết định tất cả

Một số học sinh có thói quen đo “giá trị bản thân” bằng điểm số mà các em đạt được qua những kỳ thi như SAT/ACT. Tuy nhiên, đại dịch làm thay đổi hoàn toàn bối cảnh tuyển sinh Đại học, rất nhiều trường đã thực hiện chính sách test optional và thậm chí bỏ đi điểm SAT/ACT trong quá trình tuyển sinh của mình. Điều này cho thấy các điểm thi chuẩn hóa không phải yếu tố quyết định liệu bạn có thể trở thành một sinh viên xuất sắc trong môi trường trường đại học, hay trở thành một con người có tầm ảnh hưởng sau khi tốt nghiệp. Thay vì thế, các thành phần khác trong hồ sơ như chương trình học, các lớp học bạn lựa chọn theo học ở bậc phổ thông, điểm GPA, các hoạt động ngoại khóa mới và bài luận mới là những yếu tố quan trọng cấu thành nên con người bạn.  

  1. Đừng đợi sát hạn mới nhấn nút nộp hồ sơ

Hệ thống nộp hồ sơ Đại học Mỹ luôn phải gặp trục trặc kỹ thuật vào đầu tháng 11 hay tháng 1 bởi đây là lúc các ứng viên dồn dập gửi hồ sơ về cho các trường để kịp deadline. Điều này khiến cho một số hồ sơ không thể gửi đến trường đúng hạn. Để tránh những rủi ro về kỹ thuật, học sinh nên chuẩn bị hồ sơ và nộp sớm cách ít nhất 1 tuần và nếu chẳng may gặp khó khăn kỹ thuật, các bạn cần liên hệ ngay với văn phòng tuyển sinh để hỏi về các phương pháp gửi hồ sơ thay thế. 

  1. Nắm rõ các quy định tuyển sinh riêng biệt của mỗi trường 

Một số trường áp dụng chính sách rolling admission – trường sẽ nhận hồ sơ cho tới lúc tuyển đủ. Thay vì đưa ra một deadline cụ thể, các trường này sẽ liên tục nhận hồ sơ cho đến khi tuyển sinh đủ sĩ số. Với những trường này, nếu thí sinh nộp hồ sơ càng sớm thì càng nhanh chóng nhận được kết quả. 

  1. Bám sát mọi yêu cầu từ phía trường

Điều này nghe tưởng chừng đơn giản nhưng trong những lúc căng thẳng, học sinh thường dễ bỏ qua một số thứ “nho nhỏ” như gửi điểm số, quên trả lời một số câu hỏi nhỏ từ các trường, hay quên hạn deadline nộp hồ sơ, ghi nhầm tên trường này sang trường khác, không rà soát lỗi chính tả hay cấu trúc câu trong quá trình viết luận, quên không gửi bản khai tài chính đến các trường, quên ngày giờ phỏng vấn …. Do vậy, APUS khuyên các bạn học sinh nên tạo thói quen lập ra bảng kiểm tra đầu việc (checklist) và đặt lịch nhớ để tránh những lỗi sai nho nhỏ có thể tạo ấn tượng không tốt lên ban tuyển sinh và ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng của trường. 

  1. Không có trường đại học hoàn hảo 

Nếu chỉ chăm chăm nộp hồ sơ vào những ngôi trường đáp ứng được tất cả những yêu cầu của bạn sẽ chỉ khiến bạn rơi vào những áp lực không đáng có. Do vậy, thay vì tìm kiếm một ngôi trường “hoàn hảo” hay một ngôi trường mà nhiều người cho rằng bạn sẽ trở nên thành công khi đỗ vào đó, hãy dành nhiều thời gian để tìm kiếm những trường có những yếu tố thật sự quan trọng đối với bạn. Nếu bạn dành thời gian nghiên cứu và nhìn nhận các yếu tố khác nhau mà một môi trường có thể mang lại cho học viên của bạn, bạn sẽ tìm thấy nhiều lựa chọn với mình cả về mặt học thuật, cộng đồng sinh viên, cơ hội nghề nghiệp, hay phương diện tài chính.

  1. Kết quả tuyển sinh không phản ánh hoàn toàn con người bạn

Việc đỗ vào một trường Đại học nào đó chỉ là điểm khởi đầu chứ không phải là nơi kết thúc. Nếu chẳng may bạn chưa đỗ vào ngôi trường mơ ước, bạn cũng đừng nên trách giận bản thân hay ủ dột về tương lai phía trước; hay nếu bạn may mắn được nhận vào ngôi trường mơ ước thì cũng đừng tự hài lòng mà ngừng hoàn thiện bản thân. Điều thật sự làm nên con người bạn là khả năng không ngừng học hỏi, không ngừng vượt qua giới hạn của bản thân và theo đuổi những giá trị thật sự ý nghĩa đối với bạn dù bạn đang ở trong hoàn cảnh nào. 

  1. Tập trung và tin tưởng vào chính mình 

Trong suốt thời gian tuyển sinh, nhiều người sẽ có kết quả trước bạn và họ chia sẻ thành công của mình khi vào được trường abc nào đó. Lời khuyên ở đây là tập trung vào con đường của riêng bạn. Những người xung quanh bạn chắc chắn sẽ đóng góp rất nhiều ý kiến, hãy bình tĩnh tiếp nhận nhưng nên đặt cảm xúc và mục tiêu của chính bạn lên đầu tiên để đưa ra những quyết định sáng suốt nhất. 

  1. Luôn nhớ và biết ơn những người đã giúp đỡ mình 

Các cố vấn tuyển sinh, cha mẹ, thầy cô luôn là những người đồng hành tin cậy và trực tiếp hướng dẫn bạn trên cả hành trình này. Dù kết quả như thế nào, hãy luôn ghi nhớ và trân trọng công sức mà mỗi người đã bỏ ra cho bạn để gửi tới họ những lời cảm ơn chân thành nhất. Thực hành lòng biết ơn mỗi ngày cũng là một cách giúp bạn tái tạo lại năng lượng sau một quãng thời gian nộp hồ sơ căng thẳng, cam go và để chào đón những thử thách và cơ hội thú vị đang chờ đón bạn ở phía trước.