Trong nhiều năm đồng hành cùng học sinh Việt Nam chinh phục giấc mơ du học, APUS luôn nhận được một câu hỏi quen thuộc từ các bậc phụ huynh và học sinh: “Làm sao để hồ sơ của con nổi bật giữa hàng nghìn thí sinh khác?”
Câu trả lời không nằm ở bảng điểm 4.0 hay danh sách dài các giải thưởng. Trên thực tế, theo chia sẻ của một chuyên gia tuyển sinh từng tham gia hội đồng tuyển sinh của các trường Ivy League danh tiếng, điều khiến một hồ sơ thực sự tỏa sáng lại là ba kỹ năng mềm tưởng chừng rất đời thường nhưng lại mang tính quyết định: khả năng thích nghi, tư duy học hỏi không ngừng, và năng lực quản trị bản thân.
Ba phẩm chất này không hiện rõ trên bảng điểm, cũng không thể đong đếm bằng con số. Nhưng chúng thể hiện qua những câu chuyện các em kể trong bài luận, qua cách các em lựa chọn hoạt động ngoại khóa, vượt qua khó khăn, và cam kết với những giá trị của chính mình.
Trong cuốn sách Get Real and Get In, các chuyên gia đã phỏng vấn và phân tích những học sinh thể hiện rõ ba kỹ năng trên và hầu hết trong số đó đều trúng tuyển vào những ngôi trường mơ ước. Hành trình của các em cho thấy: để chạm đến cánh cổng đại học top đầu, điều quan trọng không chỉ là học giỏi mà là biết mình là ai, đang theo đuổi điều gì, và làm thế nào để hiện thực hóa điều đó.
Một trong những câu chuyện truyền cảm hứng nhất từng chia sẻ trong cuốn Get Real and Get In là về Aaron Kirman là người hiện nay được biết đến là một trong những chuyên viên bất động sản hàng đầu tại Mỹ. Nhưng ít ai biết rằng, hành trình học tập của anh lại bắt đầu với rất nhiều trắc trở.
Từ nhỏ, Kirman đã gặp khó khăn trong học tập do rối loạn tiếp thu và tật nói lắp. Anh bị lưu ban từ lớp Một, luôn cảm thấy lạc lõng giữa bạn bè và không được đánh giá cao trong môi trường học đường. Tệ hơn, tất cả các trường đại học anh nộp hồ sơ, bao gồm cả Đại học Nam California (USC), đều từ chối anh.
Thế nhưng, thay vì bỏ cuộc, Kirman đã chọn cách tự đứng lên và lên tiếng cho chính mình. Anh viết một bức thư đầy chân thành gửi đến USC, chia sẻ những thử thách bản thân từng trải qua và thể hiện rõ quyết tâm thay đổi cuộc đời. Bức thư ấy đã khiến trường phải cân nhắc và cuối cùng, USC đã nhận anh thông qua một chương trình đặc biệt dành cho sinh viên có khác biệt trong học tập.
Từ góc nhìn của một cán bộ tuyển sinh kỳ cựu, đây chính là kiểu “tự vận động” (self-advocacy) mà các trường đánh giá rất cao. Không phải vì học sinh có điểm số xuất sắc, mà bởi các em đã thể hiện được khả năng thích nghi, sự kiên cường, và tư duy chủ động khi đối mặt với nghịch cảnh.
Dĩ nhiên, không phải ai cũng gặp cú sốc như bị từ chối hàng loạt như thế, nhưng trong thực tế, học sinh nào cũng sẽ có lúc phải vượt qua những thử thách riêng: một môn học khó, một dự án thất bại, một áp lực tâm lý bất ngờ. Điều khiến các em nổi bật không phải là việc tránh được khó khăn, mà là cách các em thích nghi, trưởng thành và vững vàng hơn sau mỗi lần vấp ngã.
Tại APUS, chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng các trường đại học hàng đầu không chỉ tìm kiếm những học sinh biết học mà là những người thật sự yêu việc học. Họ quan tâm đến cách học sinh đặt câu hỏi, mở rộng góc nhìn và sẵn sàng vượt ra ngoài chương trình học chính khóa để theo đuổi điều mình tò mò.
Raya Bidshahri là một ví dụ điển hình. Cô hiện nay là một nhà tương lai học (futurist), đồng thời là người sáng lập nhiều nền tảng giáo dục quốc tế. Nhưng ít ai biết rằng hành trình của cô bắt đầu từ những năm trung học tại Dubai, với một niềm đam mê học hỏi bền bỉ và chủ động.
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Raya đã cùng thầy giáo cố vấn Rohan Roberts sáng lập một mạng xã hội mang tên Intelligent Optimism là nơi lan tỏa một góc nhìn tích cực, có cơ sở khoa học về sự tiến bộ của nhân loại. Mạng lưới này sau đó phát triển ra toàn cầu, thu hút hàng trăm nghìn người tham gia.
Đó chính là biểu hiện rõ nét của tư duy học hỏi không ngừng, hay còn gọi là intellectual vitality trong ngôn ngữ tuyển sinh. Đó là khi học sinh không học vì điểm số, vì thành tích, mà vì muốn hiểu sâu hơn, nghĩ xa hơn, và tạo ra giá trị thực sự cho cộng đồng xung quanh mình.
Hồ sơ của Raya đã ghi điểm mạnh với Đại học Boston không chỉ vì những thành tích “trên giấy”, mà vì cô thể hiện được niềm yêu thích học hỏi thực sự cùng với khả năng biến đam mê thành hành động, thành dự án, và thậm chí thành một phong trào lan tỏa quốc tế.
Với các bạn học sinh đang chuẩn bị hồ sơ du học, đây là lời nhắc nhẹ nhàng nhưng quan trọng: Đừng ngại biến những ý tưởng táo bạo thành hiện thực. Bởi vì chính những điều ấy mới làm nên sự khác biệt thật sự trong mắt hội đồng tuyển sinh.
Ở tuổi trung học, nhiều học sinh vẫn còn đang mơ hồ về đam mê của mình. Nhưng Katlyn Grasso thì khác. Dù ban đầu theo đuổi cả ngành kinh doanh và tiền y khoa (pre-med), cô nhanh chóng nhận mình thực sự có hứng thú với khởi nghiệp và tạo ra những tác động tích cực cho cộng đồng.
Katlyn không chỉ dừng lại ở việc giữ vai trò lớp trưởng hay đội trưởng đội bóng. Cô đã đồng sáng lập hai tổ chức phi lợi nhuận khi còn là học sinh trung học, như một phần trong hành trình chinh phục Huy chương Bạc và Vàng của Hội Nữ Hướng đạo sinh Hoa Kỳ. Những danh hiệu đó không chỉ là “vỏ ngoài” cho đẹp hồ sơ, mà là minh chứng cho khả năng lên kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và theo đuổi mục tiêu đến cùng.
Dù là khi triển khai một dự án cộng đồng hay truyền cảm hứng cho đồng đội trong một trận đấu khó khăn, Katlyn luôn thể hiện sự kết hợp hiếm có giữa tầm nhìn chiến lược và khả năng thực thi hiệu quả. Hồ sơ của cô không liệt kê hoạt động một cách dàn trải, mà được đúc kết quanh những giá trị cốt lõi: lãnh đạo, kinh doanh, và tinh thần học tập suốt đời. Nhờ đó, cô đã được nhận vào Wharton là một trong những trường kinh doanh danh giá nhất thế giới.
Từ kinh nghiệm của người từng xem qua hàng nghìn hồ sơ, chuyên gia tuyển sinh chia sẻ rằng: “Năng lực tổ chức, thực thi, và bám đuổi mục tiêu (executive functioning) thường bị xem nhẹ, nhưng lại chính là động lực thầm lặng của mọi thành công.
Câu chuyện của Kirman, Bidshahri và Grasso cho thấy: được nhận vào đại học không chỉ là chuyện điểm số và thành tích, mà còn là hành trình khám phá bản thân, học cách thích nghi, và hành động có mục tiêu.
Tại APUS, khi đồng hành cùng học sinh xây dựng hồ sơ du học, chúng tôi không chỉ giúp các em chọn hoạt động hay viết bài luận hay. Chúng tôi giúp các em khai phá những phẩm chất cốt lõi và thể hiện chúng một cách chân thật, có chiến lược trong hồ sơ tuyển sinh. Bởi vì cuối cùng, thứ khiến các em nổi bật giữa hàng nghìn hồ sơ không phải là con số GPA, mà là câu trả lời cho một câu hỏi rất đơn giản:
Các em là ai, và các em muốn trở thành người như thế nào trong thế giới này?
Nếu các em đang chuẩn bị hồ sơ du học, hoặc là phụ huynh muốn đồng hành cùng con trên hành trình này, hãy để lại thông tin, inbox fanpage hoặc đặt lịch tại https://apusvietnam.com/admission/ để đội ngũ cố vấn của APUS có thể liên hệ và tư vấn trực tiếp nhé.
Liên hệ
Tầng 16, Tòa nhà 54A Nguyễn Chí Thanh, phường Láng, Hà Nội
(+84) 98 2028 888
(+84) 98 5555 468
info@apusvietnam.com
© 2015 APUS Vietnam. All right reserved