Logo
(+84) 98 2028 888(+84) 98 5555 468
Đặt lịch tư vấn

5 Điểm Khác Biệt Chính Giữa NUs và LACs

14th June, 2024

Nên chọn trường LACs (tạm gọi là nhóm các Trường Nghệ thuật khai phóng) hay NU (tạm gọi là nhóm các trường Đại học quốc gia, thiên về nghiên cứu) có lẽ là một trong những câu hỏi phổ biến nhất mà học sinh thường đặt ra khi tìm hiểu về việc du học tại Mỹ.

Mặc dù bạn có thể đã hiểu sơ qua về sự khác biệt giữa hai loại trường này, nhưng các tên gọi đôi khi có thể gây nhầm lẫn. Trường Liberal Arts (LACs) thiên về các bộ môn nghệ thuật khai phóng không nhất thiết phải là trường chỉ đào tạo về nghệ thuật hay có tư tưởng tự do hay National Universities (NUs) thường được gọi là Đại học quốc gia không chỉ gồm các trường lớn tập trung vào nghiên cứu.

Việc chọn trường vẫn là một quyết định cá nhân quan trọng, nhưng hiểu rõ loại hình trường có thể giúp bạn nắm bắt nhiều thông tin về ngôi trường đó. Vậy LACs là gì? Và nhóm trường này khác biệt như thế nào so với NUs? Đâu là môi trường phù hợp hơn với bạn? 

Bài viết này tập trung so sánh những khác biệt quan trọng giữa hai nhóm trường này để giúp bạn chọn ra được môi trường phù hợp nhất giúp phát triển bản thân và con đường nghề nghiệp về lâu về dài.

1. Nội dung giảng dạy 

Liberal Arts Colleges (LACs) 

LACs thường đề cao việc giáo dục bậc đại học và cung cấp một nền giáo dục truyền thống, rộng rãi và tổng quát. Những chuyên ngành thường được đào tạo ở LACs bao gồm các ngành khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, nhân văn và nghệ thuật.

LACs yêu cầu sinh viên tham gia nhiều khóa học khác nhau để mở rộng tầm nhìn trong nhiều lĩnh vực, và củng cố nền tảng kiến thức phục vụ cho việc lựa chọn ra con đường mà mình muốn theo đuổi trong tương lai. Theo hướng tiếp cận này, giáo trình giảng dạy tại LACs không tập trung vào các kiến thức chỉ thuần túy giúp cho học sinh có được một nghề nghiệp cụ thể nào đó.

National University (NU)

NUs thường bao gồm các trường con, đào tạo đa dạng nhiều lĩnh vực, và ở cả bậc đại học và sau đại học như kỹ thuật, luật, kinh doanh, y khoa. Đa phần các trường trong nhóm này tập trung đào tạo theo chuyên ngành, thay vì tập trung và các khóa học đại cương. Nội dung giảng dạy được thiết kế theo nhu cầu nghề nghiệp cụ thể của từng sinh viên, đặc biệt là những người muốn theo đuổi con đường nghề nghiệp đòi hỏi kỹ thuật chuyên môn như kế toán, phân tích tài chính, y khoa, luật, kỹ thuật,…

Sự khác biệt trong nội dung giảng dạy có thể nhìn thấy rõ nhất khi một sinh viên theo học chuyên ngành kỹ thuật tại University of Pennsylvania có thể chọn theo học chuyên ngành kỹ thuật thông qua chương trình cử nhân khoa học hoặc lựa chọn chương trình kép bao gồm cả cử nhân khoa học và cử nhân nghệ thuật. Còn với một trường LAC như Amherst College, trường sẽ không cung cấp chuyên ngành kỹ thuật. Thay vào đó, sinh viên vẫn có thể trở thành kỹ sư khi lấy những chuyên ngành cơ bản, liên quan như khoa học, toán học và thống kê, hoặc thậm chí tiếp tục học lên sau đại học sau khi tốt nghiệp từ Amherst.

Qua đó, NUs nổi bật với các chương trình học cốt lõi bắt buộc và các chương trình dự bị nghề nghiệp nào đó (pre-professional) như y hay luật. Còn các trường LACs với triết lý giáo dục theo hướng khai phóng lại có ưu thế với các chương trình liên ngành lĩnh hoạt khuyến khích sinh viên khám phá và thử nghiệm những môn học khác nhau trước khi quyết định chuyên ngành và nghề nghiệp mà mình theo đuổi sau này.

2. Cộng đồng sinh viên trường 

Quy mô và không gian sống

Số lượng sinh viên các trường NUs thường rất lớn vì bao gồm cả sinh viên đại học và sau đại học, vì vậy khuôn viên những trường này thường rất lớn. Chính vì thế, không phải sinh viên nào cũng biết nhau. 

Còn ở các trường LACs, các sinh viên bậc đại học thường sống trong khuôn viên trường, tạo ra một cộng đồng gắn kết. Lý do chính là bởi số lượng sinh viên của LACs thường nhỏ hơn nhiều so với NUs. Điều này sẽ giúp cho sinh viên và giảng viên trong trường trao đổi, kết nối với nhau chặt chẽ hơn.  

Hoạt động sinh viên và đa dạng

Do sự chênh lệch về số lượng giữa hai nhóm trường, các trường NUs thường có nhiều câu lạc bộ và hoạt động hơn các trường LACs. Sinh viên nộp hồ sơ vào các trường NUs thường đa dạng hơn cả về sắc tộc, trình độ học vấn, nền tảng kinh tế,…

3. Sự tương tác trong lớp học

Các trường LACs tự hào về các lớp học nhỏ, gắn kết, nơi việc học tập mang tính cá nhân hóa, ưu tiên sự tương tác giữa sinh viên và giảng viên. Các lớp học chủ yếu do giáo sư hoặc giảng viên giảng dạy thay vì trợ giảng. Nhiều trường LACs có tỷ lệ sinh viên trên giảng viên là 10:1 hoặc thấp hơn. 

Các trường này thường tổ chức các buổi thảo luận nhỏ để giúp sinh viên tham gia sâu vào từng chủ đề cụ thể chứ không chỉ thu nạp kiến thức từ bài giảng trên lớp. Sinh viên có nhiều cơ hội để đặt câu hỏi, tham gia thảo luận trong lớp và tương tác với giảng viên và bạn bè ngoài giờ học.

Còn tại các trường NUs, do có những lớp học từ 200 sinh viên trở lên, nên các trường này thường tuyển thêm trợ giảng để tham gia giảng dạy, hướng dẫn cho sinh viên, thay cho giáo sư. Ngoài ra, do số lượng sinh viên lớn, các NUs thường thiết kế các chương trình giảng dạy nhiều hơn là có các buổi thảo luận nhỏ. Một số lớp học hoặc phần thảo luận do sinh viên sau đại học làm trợ giảng (TAs) thay vì giáo sư giảng dạy. 

4. Hỗ Trợ Tài Chính

Các trường đại học tư thục hàng đầu bao gồm cả NUs và LACs đều có mức học phí cao, khoảng 55,000 USD mỗi năm học. Tuy nhiên, các trường này cũng cung cấp các gói hỗ trợ tài chính rất hào phóng. Các văn phòng hỗ trợ tài chính có thể cung cấp học bổng dựa trên thành tích, tài năng và nhu cầu tài chính của mỗi ứng viên.

Sinh viên thường nhận thấy họ phải trả gần như bằng nhau, hoặc thậm chí ít hơn, để theo học một trường tư thục so với một trường công lập sau khi tính đến các học bổng và trợ cấp dựa trên nhu cầu.

5. Cơ Hội nghề nghiệp 

Cả LACs và NUs đều mang đến cơ hội nghề nghiệp tiềm năng cho sinh viên của mình. Do có số lượng sinh viên lớn hơn, các NUs có khả năng tổ chức nhiều hội chợ việc làm và sự kiện tuyển dụng cho sinh viên của mình. Đồng thời, nhờ tận dụng mạng lưới cựu sinh viên rộng lớn, các trường NUs có khả năng kết nối sinh viên đến nhiều cựu sinh viên và mang lại nhiều cơ hội nghề nghiệp tiềm năng hơn. Ở một số các trường NUs lớn, các giáo sư thường còn những nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực của họ nên nếu sinh viên biết cách tiếp cận với các giáo sư qua các lớp học trên giảng đường hoặc lớp học nghiên cứu chuyên đề thì sẽ giúp cho việc xin thư giới thiệu hoặc làm nghiên cứu sau này.

Ngược lại, sinh viên tại các LACs lại có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ, khăng khít với các cựu sinh viên nên có điều kiện tiếp cận nhanh và hiệu quả hơn với các cơ hội thực tập, việc làm và thậm chí là nghiên cứu từ bạn bè và giáo sư của mình.

Bảng so sánh tóm lược 

Hai nhóm trường đều sở hữu những ưu nhược điểm khác nhau, và tùy theo nhu cầu của mỗi người để lựa chọn ra môi trường học tập và làm việc phù hợp. 

Xu hướng mới

Càng lúc càng nhiều trường đại học đã tích hợp các yếu tố của giáo dục nghệ thuật tự do vào hệ thống của mình, với các chương trình học tập tại các khu nội trú và chương trình danh dự, mang lại quy mô lớp học nhỏ hơn. Hình ảnh chung về các LACs cũng đang thay đổi, không còn là nơi chỉ dành cho những người yêu thích nhân văn và khoa học xã hội, mà còn mở rộng chương trình giảng dạy bao gồm các khóa học chuyên nghiệp về kinh doanh, kỹ thuật, báo chí và nhiều lĩnh vực khác.

Để hiểu hơn về những loại hình tích hợp như vậy các bạn có thể tìm đến những tư vấn uy tín để nhận được lời khuyên trong quá trình trọng trường.

Đăng ký nhận tin

Liên hệ

Tầng 16, Tòa nhà 54A Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội

(+84) 98 2028 888

(+84) 98 5555 468

info@apusvietnam.com

© 2015 APUS Vietnam. All right reserved

FaceBookFaceBookYouTubeInstagramTikTokZalo
Đặt lịch tư vấn