7 “nét mới” trong quá trình xét duyệt hồ sơ Đại học Mỹ

Hiểu được những thay đổi trong quá trình tuyển sinh đại học Mỹ sẽ giúp ứng viên tìm ra chiến lược phù hợp với khả năng và nguyện vọng của mình. Dưới đây là một số điểm đáng chú mà APUS tổng hợp được qua các vòng tuyển sinh Đại học Mỹ trong 2, 3 năm gần đây nhằm giúp các học sinh quốc tế có thể chuẩn bị hồ sơ hiệu quả hơn trong thời gian tới:

  1. Lượng hồ sơ nộp vào các trường Mỹ tăng vọt, tỷ lệ cạnh tranh giữa các trường top đầu càng cao 

Số lượng hồ sơ nộp vào các trường trong năm 2020-2021 và 2021-2022 tăng vọt, đặc biệt ở các trường áp dụng hình thức tùy chọn nộp SAT/ACT. Common App nhận định xu hướng này sẽ lặp lại vào mùa tuyển sinh năm nay (2022-2023) bởi lượng đơn họ nhận đã tăng 7,5% so với năm trước. Điều này cũng xảy ra với một số trường công lập ít cạnh tranh như các trường Đại học trong nhóm SUNY thuộc tiểu bang New York đã nhận được lượng hồ sơ tăng 110% so với năm trước.

Tỷ lệ nhận ở các trường có tính chọn lọc cao như Harvard lại giảm mạnh từ 3,43% trong năm 2020-2021 xuống mức thấp kỷ lục là 3,19% trong năm 2021-2022; tương tự Đại học Boston có tỷ lệ nhận giảm từ 18,3% xuống 14%. Điều này cũng nhìn thấy rõ ở Đại học Colgate và Đại học Auburn có tỷ lệ nhận giảm lần lượt là 27,4% xuống 12,34% và 85% xuống 24%. 

Điều này cho thấy nhiều sinh viên vẫn có thể trượt ở những ngôi trường “được xem là an toàn” ngay cả khi điểm GPA hay SAT/ACT của các em nhỉnh hơn so với điểm sàn của trường. 

  1. Vòng sớm Early Decision (ED)/Early Action (EA) đang thu hút lượt ứng viên nộp vào hơn cả vòng thường- Regular Decision (RD)

Những sinh viên chọn nộp ở hai vòng sớm Early Decision- ED hay Early Action- EA sẽ nhận kết quả tuyển sinh sớm hơn so với các ứng viên khác. 

Ở mùa tuyển sinh Đại học năm 2020-2021 và 2021-2022, các trường Harvard, Yale, Penn và Đại học Virginia đã nhận được số lượng hồ sơ ở vòng sớm cao kỷ lục, đẩy tỷ lệ trúng tuyển của các trường này ở vòng sớm xuống thấp kỷ lục. Đối với chu kỳ tuyển sinh 2022-2023 hiện tại, tỷ lệ trúng tuyển vẫn ở mức thấp. Ví dụ, Đại học Duke thống kê tỷ lệ đậu ở vòng EA trong năm nay là 16.5% và được coi là tỉ lệ nhận học thấp nhất từ ​​trước đến nay; tương tự, tỷ lệ trúng tuyển vào Brown ở vòng sớm giảm từ 14,6% (2021-2022) xuống 12,98% ở mùa tuyển sinh năm nay.

Trước đại dịch, một số trường đại học thường chỉ nhận tối đa 20-30% số sinh viên năm nhất của họ ở vòng sớm nhưng riêng năm nay, đại học Barnard đã nhận 62% sinh viên ở vòng sớm, Đại học Boston nhận 50% và Penn nhận 51%.

Một số trường đại học có xu hướng “làm đầy” lớp học của mình ngay ở vòng sớm hơn là ở vòng RD làm cho số lượng thí sinh nộp vòng RD bị giảm đi. Chưa kể, số lượng các thí sinh ở vòng RD thường đông hơn do đa phần các học sinh không đỗ vòng sớm lũ lượt chuyển sang vòng RD cùng với  các thí sinh khác chưa kịp nộp hồ sơ ở vòng sớm còn lại sẽ chọn nộp  vòng RD dẫn đến số lượng hồ sơ nộp vào RD nhiều trong khi số thí sinh được nhận ở vòng này không cao. Do vậy, việc nộp hồ sơ ở vòng RD mỗi năm càng trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn.

  1. Một số trường “nới thành” 2 vòng tuyển sinh sớm ED1 và ED2 

Có 70 trường Đại học Mỹ có vòng ED2 có hạn nộp muộn hơn so với ED1 — thường vào tháng 12 hoặc tháng 1. Những sinh viên bị từ chối ở ED1 có thể tiếp tục thử sức ở vòng ED2. Đây là chiến lược giúp các trường thu hút thêm nhiều sinh viên nộp hồ sơ hơn để khỏa lấp các chỗ trống còn lại. 

Theo APUS, nhiều thí sinh nghĩ rằng nộp EA/ED thì sẽ có cơ hội tốt hơn những người khác. Nhưng trên thực tế, nếu bạn không sở hữu một hồ cạnh tranh và chứng minh được tính phù hợp của bản thân mình với trường, bạn vẫn có thể rơi vào vòng nguy hiểm và bị loại ở vòng này. 

Chưa kể, vòng sớm vốn được coi vòng tuyển sinh mà các trường Mỹ dành nhiều ưu ái cho các thí sinh có tiềm lực tài chính tốt hơn so với những thí sinh khác. Do vậy, nếu một học sinh có hồ sơ không thật sự nổi bật mà lại tính xin rất nhiều hỗ trợ tài chính ở vòng này sẽ khiến hồ sơ của bạn gặp bất lợi. 

Một số trường cạnh tranh còn không tiếp tục xét duyệt hồ sơ bị “treo” vòng ED ở vòng RD, bởi những trường này muốn trao cơ hội tốt nhất cho các thí sinh đã bỏ công sức và thời gian của họ chuẩn bị hồ sơ cho một trường các em thích nhất và thấy phù hợp nhất, hơn là chỉ chăm chăm rải đơn vào một trường đại học nào đó nhưng lại không chịu tìm hiểu kĩ, cũng như chuẩn bị đủ lượng và chất cho việc theo học trường.

  1. Nhiều ứng viên có xu hướng không nộp điểm SAT/ACT 

Hơn 80% các trường đại học ở Mỹ không yêu cầu ứng viên nộp điểm SAT hoặc ACT cho mùa tuyển sinh năm 2023-2024. Hơn 60% các trường đại học Mỹ dự kiến sẽ mở rộng chính sách kiểm tra tùy chọn điểm SAT/ACT (test optional) cho đến năm 2024-2025 và 90 trường đã áp dụng chính sách huỷ bỏ điểm SAT/ACT vĩnh viễn. Ngược lại, một số trường đại học tiếp tục duy trì hoặc khôi phục các yêu cầu nộp SAT/ACT, bao gồm Viện Công nghệ Massachusetts- MIT, Đại học Florida (University of Florida), Đại học Auburn (Auburn University), Đại học Georgetown (Georgetown University) và hệ thống Đại học Tennessee. 

Với sự bùng nổ của các trường cho phép test optional, APUS gợi ý các thí sinh nên xem xét nộp điểm SAT/ACT vào các trường test-optional nếu điểm của các em nằm trong top trên 50% những thí sinh cùng trường nộp điểm SAT/ACT vào năm trước. Lý do là bởi càng ngày càng có nhiều thí sinh đạt điểm số cao qua các kì thi khiến cho điểm trung bình GPA, SAT/ACT được đánh giá là tốt ở những năm trước lại trở thành bình thường hay dưới mức trung bình vào năm nay và các năm tiếp theo.

Thí sinh nộp đơn vào mùa tuyển sinh 2023-2024 có thể làm tăng tính cạnh tranh lên một chút nếu thi và gửi điểm SAT/ACT đến các trường. Lý do là bởi điểm thành phần trong các bài thi này sẽ giúp phản ánh sức học của thí sinh đó và tiềm năng theo học một chuyên ngành cụ thể trong tương lai. Chẳng hạn như các thí sinh theo chuyên ngành STEM nên chứng minh bằng điểm thành phần toán cao hay các thí sinh ở các chuyên ngành lịch sử/nhân văn nên thể hiện thế mạnh của mình ở phần đọc hiểu.

Nếu không thi hay chọn nộp điểm SAT/ACT, các thí sinh càng cần chứng minh năng lực học thuật của mình qua điểm trung bình các môn trên trường, tập trung vào các trải nghiệm ngoại khoá và chau chuốt các bài luận gửi đến các trường. 

  1. Video trở thành một phần quan trọng trong bộ hồ sơ Đại học Mỹ  

Một số trường đại học như Brown, Tufts, Đại học Washington ở St. Louis, Đại học George Mason và Đại học Chicago bắt đầu cho phép sinh viên nộp bài luận hoặc phần giới thiệu bằng video. 

Một số chuyên gia khuyến khích học sinh của mình tận dụng lợi thế của video để giới thiệu và cho trường biết về cá tính của mình. Đây là một cơ hội thú vị để chia sẻ thêm về tính cách và một hoặc hai câu chuyện đặc biệt khó có thể thể hiện qua đơn đăng ký văn bản. Điều quan trọng là video phải chân thực, không cần quá cầu kỳ hay phức tạp ở khâu dàn dựng. 

  1. Suy xét kỹ khi lựa chọn ngành học dù cho là ngành học chính hay ngành học phụ

Tuyển sinh đại học luôn là một thách thức đối với học sinh nộp đơn vào các chuyên ngành cạnh tranh và thu hút rất nhiều các ứng viên mạnh, chẳng hạn như khoa học máy tính. Nếu thật sự muốn theo đuổi chuyên ngành này, bạn cần kết nối với những kinh nghiệm hay trải nghiệm đối với chuyên ngành hay lĩnh vực này với những điều bạn mong muốn theo đuổi trong tương lai ra sao để chứng minh được tiềm năng phát triển và mức độ cam kết của mình với lĩnh vực đó. 

Nhiều học sinh thường tính đến việc chuyển đổi ngành học (sang các ngành học có nhu cầu lớn) sau khi được nhận vào trường nhưng việc chuyển đổi này không hề dễ dàng, đặc biệt với một số trường con trực thuộc trường Đại học lớn giới hạn số lượng chỗ trống dành cho các sinh viên muốn chuyển tiếp giữa các trường con. 

  1. Trường tốt nhất là trường phù hợp nhất

Phần lớn những thông tin được APUS tổng hợp ở trên là dành cho những trường Đại học có tỉ lệ trúng tuyển thấp (hay nói cách khác tỉ lệ cạnh tranh cao) ở Mỹ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải trường nào có tỉ lệ “chọi” cao cũng đều cung cấp những cơ hội giáo dục vượt trội cho sinh viên của mình.

Do vậy, thay vì lựa chọn những trường mà nhiều người cho rằng bạn sẽ trở nên thành công khi đỗ vào đó, hãy dành nhiều thời gian để tìm kiếm những trường có những yếu tố thật sự quan trọng đối với bạn. Nếu bạn dành thời gian nghiên cứu và nhìn nhận các yếu tố khác nhau mà một môi trường có thể mang lại cho sinh viên của mình, bạn sẽ tìm thấy nhiều lựa chọn với mình cả về mặt học thuật, cộng đồng sinh viên, cơ hội nghề nghiệp, hay phương diện tài chính.