Bằng Tiến sĩ (và chức danh Giáo sư)

Bằng Tiến sĩ (và chức danh Giáo sư)

Đã hơn một lần, mình tự phụ vì có PhD, và cả bị mắng vì tội “mày có PhD mà lại thế à!!?”
Để tránh cho bản thân và mọi người hiểu nhầm về cái mình có và không có, biết và không biết, mình quyết định theo chân bác Matt (http://matt.might.net/articles/phd-…) và tạo ra bảng “hướng dẫn” bên dưới.
1. Hãy tưởng tượng tờ giấy trắng dưới đây là sự tổng hợp của tất cả kiến thức có thể biết được. Trên đó có vô vàn các chấm. Mỗi chấm xanh là một mảnh kiến thức đã được biết đến.
2. Khi ta sinh ra và lớn lên, ta bắt đầu biết về môi trường xung quanh (vòng tròn), và học hỏi một lượng kiến thức nhất định trong môi trường đó (biến các chấm xanh thành chấm da cam). Lượng kiến thức đó không nhiều, và đôi khi còn khá một chiều, hoặc “quá tả quá hữu.”
3. Khi vào đại học, thế giới của ta trở nên rộng lớn hơn, kiến thức của ta mang tính cân bằng hơn về nhiều thứ hơn. Thậm chí, ta còn học thêm được nhiều điều về thế giới nhỏ trước đây.
4. Hơn thế nữa, ta học được một chuyên ngành, một mảng kiến thức tập trung về một vấn đề cụ thể nào đó (vòng tròn nhỏ bên phải).
5. Rồi ta học lên cao học và đăng tuyển vào chương trình đào tạo tiến sĩ về chuyên ngành của mình. Học mãi, đến một ngày ta tạo được thêm một chấm nhỏ trên tờ giấy trắng (chấm vàng). Thế là người ta cho ta một cái bằng, gọi là bằng Tiến sĩ.
6. Nội trong chuyên môn hẹp của ngành, ta thấy cái “chấm” của ta to, đẹp và xứng đáng nhận được sự trầm trồ thán phục từ thế giới bên ngoài.
7. Nhưng thực tế, chỉ nội trong ngành, cái “chấm” đó đã khá lu mờ giữa những “chấm” khác.
8. Và trong bức tranh tổng thể, rốt cuộc nó cũng chỉ là một trong vô vàn.
9. Nhưng nếu không ngừng tạo ra thêm nhiều “chấm” mới, người ta gọi đó là “Giáo sư.” Tuy vẫn sẽ luôn lọt thỏm trên trang giấy trắng, nhưng…
10. …rất có thể người trong ngành sẽ nhận ra và tôn trọng chúng. (Mặc dù hầu hết là không.)
11. Có một điều chắc chắn: (Những) chấm ta tạo ra không phải là một thước đo tốt cho sự hiểu biết của ta về những chấm ngoài ngành.
Đó là Tiến sĩ và Giáo sư đấy, các bạn ạ!
Nguồn: fb Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải