Các câu hỏi nên đặt ra trước khi nhấn nút “submit” bài luận đại học Mỹ

Làm thế nào để biết bài luận của mình sẵn sàng để “SUBMIT”? APUS gợi ý các thí sinh trả lời một số câu hỏi sau trước khi “nhấn nút”:  

  • Đã xem lại và hiệu đính toàn bộ câu từ, cấu trúc, lỗi chính tả trong bài luận chưa?

Hàng năm, các trường Mỹ nhận được rất nhiều bài luận có cấu trúc lỏng lẻo, câu từ lủng củng, lỗi chính tả, lỗi ngắt câu. Điều này khiến trường đánh giá thí sinh chưa thật nghiêm túc khi nộp vào trường họ.  

Một trong những cách có thể giúp bạn phát hiện ra được những lỗi nho nhỏ này là đọc to bài luận thành tiếng để giúp rà soát đi rà soát lại các lỗi chính tả hoặc ngữ pháp. Việc này cũng sẽ giúp bạn theo dõi được mạch viết của bài luận và phát hiện ra có câu văn hay đoạn văn nào rời rạc, chưa rõ ý hay không.

Một cách hay hơn nữa là nhờ người khác hoặc các phần mềm sửa lỗi chính tả phát hiện và sửa các lỗi này cho bạn. 

  • Đã trả lời đầy đủ các ý được hỏi chưa?

Một số câu hỏi luận phụ khá chung chung như yêu cầu viết về niềm đam mê hoặc một hoạt động yêu thích nào đó hoặc ngược lại, một số câu hỏi lại chứa rất nhiều câu hỏi nhỏ bên trong đòi hỏi người hỏi biết cách bóc tách ra từng ý để trả lời. 

  • Với những câu hỏi chung chung, bạn có thể tự hỏi xem: nội dung câu trả lời đã phản ánh rõ nét con người bạn chưa và vì sao?  

Bài luận phụ là cách để trường hiểu rõ hơn về bạn vì vậy hãy cố gắng thể hiện những điểm “đặc biệt” nhất về con người bạn thông qua vài trăm từ ngắn ngủi này. Nếu bạn viết về một khoảnh khắc thời thơ ấu đã định hình bạn thành bản thân của ngày hôm nay, hãy giải thích lý do tại sao và khoảnh khắc cụ thể này tác động đến bạn như thế nào. Nếu bạn kể về một khóa học bạn muốn học trong chương trình, hãy giải thích lý do cho lựa chọn của bạn, nhấn mạnh tầm quan trọng của nó với bạn sẽ ra sao.

  • Với câu hỏi chứa nhiều ý nhỏ, bạn có thể ngẫm xem mình đã trả lời đầy đủ các ý nhỏ được hỏi chưa, có bị sót ý nào không? 

Có khá nhiều câu hỏi luận phụ được chia nhỏ thành nhiều ý hỏi hoặc các ý hỏi đan lại chồng chéo lên nhau làm rối người viết. Để tránh được việc này, bạn nên đọc và phân tách các ý nhỏ thật cẩn thận. Bạn có thể đánh dấu lại bằng những màu khác nhau. Ví dụ: nếu câu hỏi gợi ý yêu cầu bạn 1) mô tả cách bạn đã đóng góp cho cộng đồng của mình và 2) mô tả cách bạn sẽ đóng góp cho các cộng đồng tại Trường X, bạn có thể đánh dấu câu trả lời cho phần (1) với màu xanh da trời và dùng màu vàng để đánh dấu cho câu trả lời phần (2). Cách này sẽ giúp bạn trả lời đầy đủ cả hai phần của câu hỏi. 

     3. Các ý đưa ra đã cụ thể và rõ ràng chưa? 

Trường đưa ra câu hỏi phụ nhằm đánh giá xem ứng viên đã tìm hiểu về trường thế nào và đặc biệt, vì sao muốn nộp và gắn bó với trường trong bốn năm tiếp theo. APUS đưa ra một số gợi ý để giúp bạn củng cố cho luận điểm “chọn trường” của mình:

  1. Bạn có thể chia sẻ rằng bạn quan tâm đến việc theo học một trường đại học nào đó bởi vì trường cung cấp chương trình học mà bạn quan tâm. 
  2. Bạn có thể nêu cụ thể tên một giáo sư nào đó mà nghiên cứu của họ có ảnh hưởng nhiều đến bạn, và thôi thúc bạn muốn nộp vào trường để có cơ hội làm việc hoặc lấy lớp của họ trong tương lai.
  3. Bạn cũng có thể viết về một hoặc hai hoạt động ngoại khóa mà bạn muốn tham gia, và hoạt động này tương tự một hoạt động bạn đã triển khai hồi học trung học.

Một bài luận tốt là một bài luận có khả năng kết nối chặt chẽ giữa trải nghiệm cá nhân của người viết với những giá trị và tài nguyên cốt lõi mà trường kiến tạo, từ đó chứng minh được cho trường thấy được rằng: đây là môi trường “đo ni đóng giày” dành cho bạn mà không phải ai khác.

     4. Nội dung bài viết có bị lặp ý?

Việc viết đi viết lại hay lặp đi lặp lại một ý sẽ gây ra sự nhàm chán cho người đọc. Chuyên gia của APUS khuyên bạn chỉ nên nhắc về ý tưởng đó một hai lần khi tìm được bối cảnh phù hợp. Ví dụ, nếu bạn liên tục nhắc đi nhắc lại việc đã vượt qua nỗi sợ về một môn học và đạt thành tích cao thế nào trong suốt bài luận không những biến bạn trở thành người kém sáng tạo trong mắt nhà tuyển sinh, mà còn làm lộ ra nhược điểm là bạn quá sợ môn học đó đến mức không ngừng nghĩ đến nó và lặp lại nó trong các bài luận của mình.  

     5.Đã thể hiện “cái chất” của người viết chưa?

Một trong những sai lầm lớn nhất trong quá trình nộp đơn vào đại học là cố gắng tỏ vẻ giống một người khác hoặc biến mình trở thành một túyp thí sinh “kiểu mẫu” của một trường đại học nào đó. Trên thực tế, các trường đại học luôn tìm kiếm một “lớp học” đa dạng với những sinh viên có nền tảng, khả năng, cá tính khác nhau. Hãy đừng ngần ngại thể hiện con người thật của bạn theo cách đặc biệt nhất.