Chân dung ứng viên “khiến người khác phải nhớ”

Trước cuộc chạy đua vào các trường Đại học danh tiếng ở Mỹ, học sinh thường bị cuốn vào việc tạo dựng hàng loạt hoạt động và thành tựu, tất cả với mục tiêu tạo ra một hồ sơ ấn tượng. Tuy nhiên, thành viên Hội đồng tuyển sinh đại học đang thay đổi cách họ đánh giá ứng viên. Họ không chỉ đơn thuần quan tâm đến việc bạn ấn tượng thế nào trên giấy tờ, mà còn tìm kiếm những ứng viên để lại những điều đáng nhớ đối với họ. 

Vậy, học sinh cần làm gì để thực sự trở thành một ứng viên “đáng nhớ”?

  1. Đừng gây ấn tượng, hãy trở nên đáng nhớ

Học sinh thường tập trung vào việc làm cho bản thân họ trở nên ấn tượng về mặt bề ngoài (như làm nhiều hoạt động, tham gia vào các khóa học khó, và có vị trí lãnh đạo) thay vì tập trung vào những giá trị và mục tiêu cá nhân bên trong họ. Rất ít em để ý xem liệu những hoạt động mình đang theo đuổi có thật sự tạo ra được ảnh hưởng gì đến cộng đồng và có khiến mình cảm thấy hài lòng hay không.

Do vậy, lời khuyên của các chuyên gia APUS là học sinh nên chủ động tìm cách tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa thật sự với các em và tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng đến cộng đồng. Điều này sẽ giúp các em chứng minh được năng lực cống hiến thật sự của mình đối với cộng đồng xung quanh, và đồng thời, cũng thuyết phục được Hội đồng tuyển sinh rằng em có khả năng đóng góp được nhiều hơn nữa vào cộng đồng của ngôi trường đại học mà mình muốn theo học trong tương lai. 

2. Xác định niềm tin và giá trị cốt lõi của bản thân

Để giúp các em có thể lựa chọn ra hoạt động nào thật sự phù hợp với mình, APUS gợi ý các em bắt đầu với việc tự hỏi bản thân xem đâu là những giá trị thật sự quan trọng với mình; những giá trị này có thể được thể hiện thế nào thông quá các hoạt động các em dự kiến hoặc đang làm. Rồi tiếp đó, em có thể thử nghĩ xem những hoạt động này sẽ tạo ra được những ảnh hưởng hoặc mang lại lợi ý gì cho cộng đồng. 

Ví dụ, một học sinh rất coi trọng tình yêu thương và thấu cảm giữa con người với nhau, lại có thế mạnh về âm nhạc và hội họa, có thể sẽ tìm cách thể hiện giá trị này thông qua các hoạt động vẽ tranh, biểu diễn âm nhạc, nhiếp ảnh để truyền tải thông điệp về những mảnh đời của những đứa trẻ mồ côi kém may mắn, đồng thời kêu gọi những tấm lòng nhân ái hỗ trợ cho các em bằng những hành động cụ thể.

3. Sự cần thiết của người hướng dẫn

Việc hiểu rõ bản thân mình hay những giá trị cốt lõi mà mình muốn hướng tới và muốn gửi gắm thông qua những dự án “có sức nặng” không phải lúc nào cũng đơn giản, đặc biệt là với các bạn trẻ mới 14, 15 tuổi. 

Vậy các em có thể tìm đến những sự trợ giúp nào? Các em có thể bắt đầu với việc đọc các nguồn học liệu mở, có thể nhấn nút theo dõi những người có tầm ảnh hưởng để xem họ đã bắt đầu hành trình tạo ảnh hưởng của mình lên cộng đồng như thế nào, hoặc tìm cho mình một người “dẫn đường”, đó có thể là cha mẹ, thầy cô, hay những cố vấn nhiều năm kinh nghiệm để giúp các em biến những ý tưởng của mình thành những hoạt động thực sự có giá trị.