Trong một buổi trò chuyện tại Williams College, sinh viên năm cuối David Wignall đã chia sẻ một góc nhìn đáng suy ngẫm: “Chúng tôi là thế hệ bị từ chối nhiều nhất.” Câu nói này không chỉ phản ánh cảm xúc cá nhân, mà còn khái quát chính xác thực trạng mà nhiều bạn trẻ đang đối mặt.
Tỷ lệ trúng tuyển tại các trường đại học danh tiếng ngày càng thấp là một trong những nguyên nhân chính. Vào năm 1959, khoảng một nửa số học sinh nộp đơn đại học tại Mỹ chỉ chọn một trường. Ngày nay, nhiều học sinh cảm thấy cần nộp đơn vào 20 đến 30 trường – đơn giản chỉ vì không chắc nơi nào sẽ chấp nhận họ.
Thống kê cho thấy số lượng hồ sơ gửi đến 67 trường đại học có tính cạnh tranh cao nhất nước Mỹ đã tăng gấp ba lần trong vòng hai thập kỷ, chạm mốc gần 2 triệu mỗi năm, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh hầu như không thay đổi. Đơn cử như lớp năm 2028 của Đại học Harvard: trường nhận khoảng 54.000 hồ sơ nhưng chỉ chọn khoảng 1.950 sinh viên, đồng nghĩa hơn 52.000 hồ sơ bị từ chối.
Cảm giác bị loại bỏ không chỉ dừng lại ở cánh cổng đại học. Cuộc đua thực tập hè vốn là bước đệm quan trọng trước khi ra trường cũng trở nên căng thẳng không kém. Chẳng hạn, Goldman Sachs chỉ tuyển 2.700 thực tập sinh mỗi năm, nhưng nhận tới 315.000 hồ sơ. Một sinh viên chia sẻ rằng bạn đã nộp đơn vào 40 chương trình thực tập và nhận được 39 thư từ chối. Nhiều sinh viên khác cho biết họ phải nộp tới 150- 250 đơn mỗi năm, chỉ để hy vọng có vài công ty hồi âm.
Nếu như quá trình nộp hồ sơ vào đại học là vòng đầu tiên của “trò chơi sàng lọc”, thì cuộc sống sau tốt nghiệp còn khắc nghiệt hơn. Khi chính thức bước vào thị trường lao động, nhiều sinh viên phải đối mặt với một thực tế phũ phàng, đó là sự cạnh tranh dường như không có hồi kết.
Việc nộp hồ sơ xin việc online trở nên quá đơn giản, nhưng đó cũng là lúc “cái bẫy” bắt đầu. Với hàng triệu ứng viên cùng tham gia và mỗi người gửi đi hàng trăm hồ sơ, hệ thống tuyển dụng ngày nay giống như một “vòng tròn”không lối thoát. Các thuật toán tự động quét qua lý lịch, và không ai biết rõ mình đang bị đánh giá dựa trên tiêu chí nào. Không ít bạn trẻ kể lại rằng họ đã nộp 300- 400 hồ sơ mà không nhận được bất kỳ lời mời phỏng vấn nào.
Những trải nghiệm như vậy khiến người ta có cảm giác rằng xã hội đang vận hành một hệ thống đánh giá khổng lồ, nơi mà đa số người trẻ đều bị từ chối, dù họ cố gắng đến mức nào. Thậm chí với sinh viên và cựu sinh viên của các trường đại học hàng đầu tại Mỹ khi được hỏi liệu cụm từ “thế hệ bị từ chối nhiều nhất” có phản ánh đúng thực tế mà họ trải qua hay không, tất cả người tham gia đều gật đầu đồng ý.
Nhiều sinh viên từng nghĩ rằng, sau khi vượt qua kỳ tuyển sinh căng thẳng để vào được một trường đại học danh tiếng, “cuộc đua chuột” sẽ dừng lại. Nhưng với không ít người, đó mới chỉ là điểm khởi đầu của một chuỗi dài những vòng loại khác.
Đời sống đại học tại các trường top không chỉ xoay quanh việc học. Các câu lạc bộ sinh viên đóng vai trò không nhỏ trong việc định hình mối quan hệ, trải nghiệm và cả định hướng nghề nghiệp tương lai. Tuy nhiên, để được tham gia một CLB danh giá cũng chẳng hề dễ dàng. Tại Đại học California, Berkeley, câu lạc bộ tư vấn Voyager Consulting thường nhận 800 đến 1.000 hồ sơ mỗi kỳ, nhưng chỉ chọn ra khoảng 6 đến 7 thành viên mới. Một tỷ lệ cạnh tranh khiến nhiều sinh viên cảm thấy mình đang… nộp hồ sơ vào một công ty chứ không phải một CLB.
Ví dụ, tại Harvard, sinh viên năm nhất phải trải qua vòng comps là một hình thức “thi đầu vào” để được gia nhập vào hơn 400 câu lạc bộ trong trường. Một trong số đó, tổ chức Crimson Key Society, từng có tỷ lệ từ chối lên tới 88,5% hồ sơ. Điều đáng chú ý là, quá trình loại trừ này không đến từ nhà trường, mà đến từ chính các sinh viên. Họ tự đặt ra tiêu chuẩn, tự tổ chức tuyển chọn, và tự duy trì một văn hóa cạnh tranh gần như không có điểm dừng. Nhiều giảng viên cũng khá bất ngờ trước điều này. Nhưng trong môi trường mà sự sàng lọc là điều quen thuộc, thì việc lặp lại những vòng thi tuyển có vẻ như là điều khá bình thường.
Trong môi trường đó, cạnh tranh dần trở thành một phần thưởng. Không còn là phương tiện để đạt được điều gì, mà chính quá trình vượt qua người khác mới là điều mang lại cảm giác được công nhận.
Và ngay cả khi đã vào được CLB mong muốn, sinh viên vẫn tiếp tục phải cạnh tranh, từ việc giành một suất học trong lớp seminar có giới hạn, đến việc đăng ký những chuyên ngành được nhiều nhà tuyển dụng ưa chuộng,…
Cuộc cạnh tranh gay gắt trong học đường và công việc chỉ là một phần của thực tế. Còn đó vô số những kiểu từ chối lặng thầm, xảy ra mỗi ngày và in dấu trong tâm lý người trẻ một cách dai dẳng. Đó có thể là một bài đăng trên mạng xã hội không nhận được tương tác, một tin nhắn không được trả lời, một nhóm bạn cố tình không rủ bạn tham gia. Những lần bị “seen” trên ứng dụng hẹn hò, hay bị “ghosting” sau một buổi hẹn cũng mang đến cảm giác bị từ chối, dù không ai nói ra lời từ chối.
Nếu bài viết này chủ yếu nói về những sinh viên tại các trường đại học top đầu đầy cạnh tranh, thì cũng không thể bỏ qua 94% sinh viên Mỹ học ở những nơi khác, những người không nộp đơn vào Goldman Sachs hay săn học bổng Ivy League. Với họ, việc bị loại đã bắt đầu từ rất sớm. Ngay từ những năm trung học, các bài kiểm tra chuẩn hóa đã khiến các em tin rằng: mình không đủ giỏi, không phù hợp, không phải là “người được chọn”. Đây có lẽ là hình thức loại trừ khắc nghiệt nhất: không phải vì bạn không nỗ lực, mà vì ai đó đã từng nói rằng bạn không có khả năng ngay từ đầu.
Sống trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt không chỉ ảnh hưởng đến hành vi, mà còn định hình sâu sắc tính cách và cách người trẻ định vị bản thân. Nhiều sinh viên tại các trường đại học danh tiếng cho biết họ phải tự tạo cho mình một lớp vỏ cứng cáp để thích nghi với áp lực bị loại trừ liên tục. Có người mô tả môi trường xung quanh như một “cuộc thi Hoa hậu phiên bản học thuật”, là nơi mọi câu trả lời đều được trau chuốt kỹ lưỡng, được thiết kế để chinh phục những người đang “cầm cân nảy mực”.
Một sinh viên chia sẻ rằng, trong hệ sinh thái cạnh tranh này, ưu tiên hàng đầu không còn là khám phá đam mê hay phát triển bản thân, mà là tìm kiếm sự an toàn, chỉ cần tìm được một điểm tựa để không phải tiếp tục hứng chịu thêm sự từ chối nào nữa.
David Wignall chia sẻ rằng “chúng tôi là thế hệ bị từ chối nhiều nhất” hiện là một sinh viên Đại học, đã viết một email nói rõ hơn: văn hóa bị loại khiến người trẻ buộc phải trở nên nhanh nhạy và quyết đoán từ rất sớm. Họ phải chọn môn thể thao, nhạc cụ hay sở thích chuyên sâu từ năm 12 tuổi nếu muốn gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh khi bước sang tuổi 18. Họ phải định hình một câu chuyện cá nhân mạch lạc là bởi “câu chuyện rõ ràng” dễ được chọn hơn. Và họ buộc phải sớm xác định hướng nghề nghiệp để tránh những ngã rẽ bất định của tuổi trẻ.
Tâm lý này được các công ty tài chính và tư vấn tận dụng tối đa. Nhiều sinh viên nhận được thư mời làm việc từ năm hai đại học khi mới 19, 20 tuổi. Họ còn quá trẻ để biết mình thực sự muốn làm gì, nhưng vẫn chấp nhận công việc vì nó đem lại cảm giác chắc chắn. Dù tương lai là những slide PowerPoint và đêm làm việc muộn, ít nhất họ không phải trải qua thêm một lần bị từ chối nào nữa.
Đến cuối năm cuối đại học, ranh giới bắt đầu lộ rõ. Một nhóm sinh viên trong đó phần lớn trong số này theo ngành tài chính và tư vấn đã “an bài” với lựa chọn công việc, nơi ở và cả bạn cùng phòng tương lai. Trong khi đó, những bạn theo đuổi các ngành sáng tạo thì vẫn đang dò dẫm, không biết tấm bằng danh giá có thực sự mở ra điều gì hay không. Trong bối cảnh chính trị phân cực, thậm chí một số nhà tuyển dụng còn dè chừng sinh viên tốt nghiệp Ivy League vì sợ rằng họ “quá tinh hoa, quá xa rời thực tế.”
Một vài sinh viên thừa nhận: họ không ghi tên trường vào hồ sơ xin việc. Bởi điều từng được coi là lợi thế giờ đây có thể trở thành rào cản. Niềm tin rằng chỉ cần đỗ vào “ngôi trường mơ ước” là đã nắm chắc tương lai dường như không còn đúng.
Một trong những nghịch lý lớn nhất của thế hệ trẻ hôm nay là: trong khi nền kinh tế vẫn tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, thì nhiều sinh viên mới ra trường lại đang vật lộn với việc… không ai nhận họ vào làm.
Có nhiều lý do dẫn đến hiện trạng này, trong đó có thể vì người lao động trung niên ít nhảy việc hơn, dẫn đến thiếu chỗ trống cho người mới, có thể do AI đang thay thế những vị trí vốn dành cho sinh viên mới ra trường, có thể do tấm bằng đại học ngày càng giảm giá trị khi hàng triệu người cùng sở hữu nó, hoặc đơn giản chỉ vì thao tác “nộp đơn” ngày nay trở nên quá dễ dàng chỉ với vài cú click, khiến mỗi vị trí đều nhận về hàng trăm đơn ứng tuyển.
Theo Business Insider, một vị trí văn phòng phổ thông hiện nay có thể nhận tới 244 hồ sơ, gần gấp ba lần con số năm 2019. Thị trường việc làm giống như một cuộc xổ số khổng lồ, nơi bạn không chỉ cần đủ tốt, mà còn cần may mắn, thậm chí là rất nhiều may mắn.
Nhưng điều đáng lo ngại không chỉ nằm ở chuyện có việc hay không. Những hệ quả dài hạn của việc bị từ chối lặp đi lặp lại, dù là từ các công ty, trường học, hội nhóm hay các mối quan hệ cá nhân, đều đang để lại dấu ấn sâu đậm trong người trẻ.
Nghiên cứu của giáo sư tâm lý Roy Baumeister cho thấy: từ chối khiến con người trở nên dễ tổn thương, thu mình, thậm chí mất khả năng kiểm soát cảm xúc và lòng trắc ẩn. Bởi lẽ, sự từ chối không chỉ là “không được chọn”, nó còn là lời thì thầm liên tục vào tai người trẻ rằng: bạn không thuộc về, bạn không đủ giỏi, bạn không có giá trị.
Giới trẻ từng lớn lên trong các giai đoạn lịch sử đầy thử thách: năm 1860, 1932 hay 1941, hẳn cũng không dễ dàng. Nhưng điều khác biệt ở thế hệ hôm nay là cảm giác… phải chứng minh mình không ngừng nghỉ, ngay cả khi đã ở vị trí cao. Sự cạnh tranh trở thành nhịp sống thường trực. Và nỗi lo không được chấp nhận, từ những kỳ tuyển sinh, vòng phỏng vấn, đến cả những khoảnh khắc nhỏ trong cuộc sống thường ngày, đang tạo nên một lớp áp lực ngầm nhưng sâu sắc.
Phải chăng, đã đến lúc chúng ta cần một lộ trình trưởng thành dễ thở hơn, để tạo thêm chỗ cho con người được sai, được thử, và được học – thay vì chỉ lo né tránh thất bại?
Tại APUS, chúng tôi không tin rằng trưởng thành phải đồng nghĩa với việc chạy theo những vạch chuẩn hoàn hảo hay cố gắng trở thành “ứng viên lý tưởng” trong mắt người khác. Chúng tôi tin vào việc đồng hành cùng các bạn trẻ để khám phá điều mình thực sự yêu thích, theo đuổi lộ trình phù hợp nhất với bản thân thì cuối cùng, việc các em trở thành ai không chỉ phụ thuộc vào việc các em “vượt qua được bao nhiêu vòng tuyển chọn”, mà là các em hiểu rõ mình muốn gì và có người sẵn sàng đi cùng các em trên hành trình đó. Nếu các em đang tìm kiếm một định hướng rõ ràng hơn cho hành trình học tập và nghề nghiệp của mình tại Mỹ, đừng ngần ngại liên hệ APUS và đặt lịch tư vấn 1:1 cùng chuyên gia qua https://apusvietnam.com/admission/ nhé.
Liên hệ
Tầng 16, Tòa nhà 54A Nguyễn Chí Thanh, phường Láng, Hà Nội
(+84) 98 2028 888
(+84) 98 5555 468
info@apusvietnam.com
© 2015 APUS Vietnam. All right reserved