ChatGPT

Có nên dùng ChatGPT để viết luận đại học?

ChatGPT đang gây bão trên toàn thế giới và hiện được coi là “chatbot trí tuệ nhân tạo tốt nhất và được loài người thừa nhận tính đến thời điểm này”. Hơn 1 triệu người đã đăng ký thử nghiệm chatbot này chỉ trong 5 ngày đầu công bố. Nhưng liệu công cụ này có làm thay đổi cục diện tuyển sinh đại học không khi một số học sinh bắt đầu sử dụng nó để viết bài luận đại học? Ứng viên có nên sử dụng công cụ này trong quá trình tuyển sinh Đại học không? Cùng tìm hiểu ngay tại bài viết dưới đây.

ChatGPT, một phần mềm ngôn ngữ do OpenAI phát triển và có khả năng hỗ trợ sinh viên viết luận đại học. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là không nên sử dụng công cụ này để thay thế cho kỹ năng viết và tư duy phản biện của chính học sinh.

Rất nhiều bài viết đã nhấn mạnh ý nghĩa của công cụ mới này đối với sinh viên sắp vào đại học. Đáng chú ý là, gần đầy Tạp chí Forbes đã sử dụng nó để viết hai bài luận đại học khác nhau chỉ trong 20 phút!

Lịch sử phát triển của AI

Theo như giải thích của Giáo sư John McCarthy (Đại học Stanford), AI được coi là một ngành khoa học và kỹ thuật chế tạo máy móc thông minh. Tiền thân của những cỗ máy thông minh này được Giáo sư Marvin Minsky phát minh vào năm 1951. 

AI đã hiện hữu từ nhiều năm nay ở dạng công cụ tìm kiếm, định vị GPS và ô tô tự lái. Ngày càng có nhiều trường học áp dụng công nghệ này để tăng cường việc dạy và học.

AI ngày càng được nâng cấp để có thể lặp lại một số hành vi như con người từ việc lập kế hoạch, học tập, lý luận, đến giải quyết vấn đề, tiếp thu những điều đang xảy ra xung quanh. Và qua thực tế cho thấy, AI Có thể khả năng xử lý lượng dữ liệu khổng lồ nhanh và ít lỗi hơn so với bộ não con người. Điều này mang lại cho nó sức mạnh để giúp giải quyết mọi vấn đề ở hầu hết các lĩnh vực. 

Lợi ích của ChatGPT

ChatGPT là một mô hình máy học được đào tạo trên một tập dữ liệu văn bản lớn, cho phép mô hình này tạo ra các phản hồi giống như con người. Công nghệ này có nhiều ứng dụng và được cho rằng có tiềm năng tạo ra các câu văn mạch lạc và đúng ngữ pháp. Do đó nhiều kết luận cho rằng ChatGPT có thể hỗ trợ sinh viên viết các bài luận đại học.

ChatGPT có thể giúp học sinh lên  ý tưởng và các câu chủ đề hiệu quả, đặc biệt hữu ích với những ai gặp khó khăn trong việc viết lách hoặc không biết viết về cái gì. Chỉ với một đề bài sơ khai, ChatGPT có thể tạo danh sách các câu chủ đề hoặc ý tưởng tiềm năng để học sinh cân nhắc sử dụng. Mặt khác, ChatGPT còn giúp người viết hình thành các câu văn mạch lạc và đúng ngữ pháp. Điều này có thể có lợi cho những sinh viên gặp khó khăn với ngữ pháp và cấu trúc câu. Công cụ này có thể cung cấp câu mẫu để sinh viên chỉnh sửa cho phù hợp với phong cách viết và giọng văn của riêng họ. Các công cụ như Grammarly và Google Docs’ Smart Compose từ lâu đã làm được điều tương tự và được đưa vào ứng dụng trong các lớp học nhiều năm trở lại đây. 

Quá sớm để kết luận 

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là ChatGPT không thể thay thế cho kỹ năng viết và tư duy phản biện của học sinh. Mặc dù công cụ này có thể hỗ trợ cung cấp ý tưởng và đưa ra các câu đúng ngữ pháp, nhưng rất khó có thể thay thế cho sức sáng tạo và hiểu biết của học sinh. Ngoài ra, kết quả của ChatGPT đều dựa trên dữ liệu có sẵn, và dữ liệu này có thể không phải lúc nào cũng phù hợp với quan điểm hoặc hiểu biết học sinh về chủ đề đó. 

Jim Jump, Trưởng khoa và giám đốc tuyển sinh đại học St. Christopher ở Richmond cho rằng ông không thấy công cụ này có thể thay thế cho các kỹ năng viết cơ bản của con người. Khi đọc các bài luận của Forbes viết bởi ChatGPT, ông nhận thấy cả hai bài luận đều sáo rỗng và không thực sự thuyết phục.

Khía cạnh quan trọng nhất trong bài luận đại học của học sinh là các chi tiết cá nhân được thêm vào trong đó. Đó là điều giúp các nhà tuyển sinh hiểu rõ hơn về ứng viên và tiên đoán xem liệu em học sinh đó có thể thành công ở một trường đại học nào đó hay không. Giống như Jump đã nói, “Những bài luận hay không phải là khả năng viết mà là khả năng suy nghĩ. Những bài luận cá nhân tuyệt vời là những bài luận toát lên sự thông minh, sâu sắc, với tính xác thực và sự chân thành do ứng viên thể hiện.”

Hiện tại đã có nhiều tổ chức đưa ra chính sách nghiêm ngặt chống đạo văn, bao gồm cả việc sử dụng nội dung do AI tạo ra. Nếu có ý định dùng ChatGPT để viết luận, ứng viên nên kiểm tra về các chính sách của trường trước khi nộp hồ sơ ứng tuyển. Mặc dù ChatGPT có thể hỗ trợ viết câu đúng ngữ pháp, nhưng ChatGPT không có khả năng hiểu được ngữ cảnh của bài luận hoặc ý nghĩa nhân văn của nội dung mà nó tạo ra, học sinh cần kiểm chứng thật kỹ xem bài luận đã phù hợp với các chuẩn mức đạo đức của xã hội hay không.

Tại thời điểm này, nhiều người tiếp cận ChatGPT đang thật sự lo lắng và kinh ngạc với những tính năng ưu việt của nó, và cũng giống như với rất nhiều phát minh đã ra đời trước đây. Ví dụ như sự ra đời của chiếc máy tính bỏ túi đã tạo ra rất nhiều tranh luận về việc liệu đây có phải “cái chết của toán học”?

Còn với Chat GPT, nhiều người cho rằng các giáo sư chính là những người có khả năng phát hiện ra liệu sinh viên có sử dụng AI trong các bài luận của họ hay không. Một sinh viên tốt nghiệp Đại học Princeton vừa tạo ra một ứng dụng có thể cho biết liệu bài luận có phải được viết bởi ChatGPT. Nhà phát minh Edward Tian còn cho ra mắt GPTZero giúp xác định xem một đoạn văn bản có được tạo bởi bot hay không. Ông hy vọng GPTZero có thể giúp đẩy lùi và chống lại sự lấn át của AI trong cuộc sống con người. 

Tóm lại, ChatGPT có khả năng hỗ trợ sinh viên viết các bài luận đại học. Tuy nhiên học sinh cần cân nhắc kĩ nên hay không nên sử dụng mô hình này để thay thế cho kỹ năng viết và tư duy phản biện của mình. Ngoài ra, cần kiểm tra các chính sách của trường đại học trước khi sử dụng nội dung do AI tạo ra và kiểm tra nghiêm ngặt các tiêu chuẩn mực đạo đức của nội dung do chatbot này tạo ra.