Cuộc đua vào Đại học Mỹ top đầu: Tầng lớp nhà giàu đang chiếm ưu thế?

Một nghiên cứu gần đây được tiến hành từ một nhóm nhà kinh tế từ Đại học Harvard đã chỉ ra mối tương quan giữa mức độ giàu với việc đỗ vào các trường đại học hàng đầu của Mỹ. Nghiên cứu này, dựa trên dữ liệu thu thập từ năm 1999 đến 2015 và tập trung vào các trường Đại học trong nhóm Ivy League, Stanford, Duke, M.I.T. và Đại học Chicago. Nghiên cứu này tiết lộ một sự thật rằng những sinh viên có gia cảnh khá giả sẽ nhận được sự “thiên vị” nhất định trong quá trình tuyển sinh, ngay cả khi điểm số của họ tương đương với những ứng viên khác.

Những thí sinh thuộc trong nhóm 1% giàu nhất thế giới thường có điểm SAT cao và các thành phần khác trong hồ sơ vô cùng hoàn hảo, nhờ vậy có thể có cơ hội đỗ cao hơn 34% so với mặt bằng chung. Còn với những thí sinh đến từ những gia đình trong top 0.1%, các em này có thể nâng tỉ lệ đỗ của mình lên cao gấp đôi so với các thí sinh còn lai.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng các trường đại học danh tiếng ở Mỹ đang thiên viện và có những ưu tiên nhất định cho con em các gia đình có thu nhập hơn 611,000 đô la mỗi năm (trong top 1% của Mỹ). Điều này đặt ra câu hỏi về sự không công bằng giữa thu nhập với kết quả tuyển sinh của các trường đại học danh tiếng và cách các trường cần phải thay đổi quy trình tuyển sinh của họ, đặc biệt khi đặt trong bối cảnh Toà án Tối cao của Mỹ vừa tuyên bố chấm dứt tuyển sinh dựa trên yếu tố sắc tộc. 

Đại diện từ một số trường đại học đã chia sẻ rằng để đảm bảo tính đa dạng trong cộng đồng sinh viên trường, những trường này đã áp dụng việc miễn học phí hay hỗ trợ tài chính cho các gia đình có thu nhập dưới một ngưỡng nào đó, và tích cực đến các trường trung học nằm ở những khu vực khó khăn để tuyển được những thí sinh phù hợp

Christopher L. Eisgruber, người đứng đầu Đại học Princeton, tin tưởng rằng họ có thể tìm kiếm được nhiều tài năng đến từ mọi tầng lớp thu nhập tại Mỹ và cam kết triển khai nhiều kế hoạch để gia tăng sự đa dạng cho cộng đồng sinh viên tại Princeton.

Chính sách ưu tiên tuyển sinh cho giới nhà giàu

Nghiên cứu này chỉ ra rằng các trường Đại học danh tiếng Mỹ đang có nhiều ưu tiên cho những tầng lớp thu nhập cao nhất ở Mỹ, và đây chẳng khác gì một dạng đặc quyền “affirmative action” cho tầng lớp giàu có. Đáng chú ý, những người đang có thu nhập cao nhất ở Mỹ (trong nhóm 1%) chủ yếu là người da trắng. 

Ở một số trường đại học tư như Northwestern, N.Y.U. và Notre Dame, số lượng sinh viên đến từ những gia đình giàu có thường cao hơn bình thường. Còn ngược lại, ở tại các trường đại học công, các ứng viên có cha mẹ thu nhập cao không nhận được thêm ưu ái gì hơn so với những gia đình khác.

Mặc dù số lượng các sinh viên theo học 12 trường Đại học danh tiếng nhất nước Mỹ này chỉ chiếm 1% tổng số sinh viên đang theo học Đại học Mỹ nhưng lại tạo ra ảnh hưởng rất lớn lên xã hội Mỹ. Các cựu sinh viên của các trường này thường xuyên góp mặt trong danh sách Fortune 500 và trong danh sách các thượng nghị sĩ Mỹ. Và điều này cho thấy vai trò quan trọng của các trường đại học danh tiếng trong quá trình định hình tương lai của nước Mỹ.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc học tại các trường danh tiếng này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự thành công sau này trong cuộc sống, như cơ hội kiếm thu nhập cao hơn, tăng cơ hội vào các trường sau đại học hàng đầu và làm việc tại các tổ chức danh tiếng.

Và cuối cùng, nghiên cứu mới này đã chỉ ra được sự bất bình đẳng và thiên vị quá mức trong quá trình xét tuyển vào các trường đại học danh tiếng ở Mỹ, và đặt ra tính cấp thiết của việc thay đổi quy trình tuyển sinh Đại học Mỹ nhằm thúc đẩy sự đa dạng và tính công bằng trong giáo dục.

Tầng lớp trung lưu đang bị bỏ lại 

Tùy theo quan điểm của mỗi trường Đại học, các ứng viên sẽ nhận được những “đặc ân” khác nhau. Như ở Dartmouth, tỉ lệ đỗ của thí sinh đến từ tầng lớp giàu có 0.1% cao gấp năm lần so với một thí sinh khác có hồ sơ tương đương. Tuy nhiên, nhóm này lại không có bất cứ ưu thế nào khi nộp vào MIT.

Các học sinh tầng lớp trung lưu thường ít có khả năng được nhận vào so với nhóm nhà giàu và cũng khó cạnh tranh với những sinh viên có thu nhập rất thấp (xét trên cùng điểm số). Điều này cho thấy số lượng các thí sinh đến từ tầng lớp trung lưu tại các trường Đại học danh tiếng của Mỹ ngày một giảm sút. Các phụ huynh trong nhóm thu nhập trung bình của Mỹ cũng cảm thấy việc giúp con cái mình đỗ vào các trường đại học danh tiếng ngày càng trở nên khó khăn.

Nhóm học sinh nhà giàu có những đặc quyền gì?!

Nghiên cứu mới này đã chỉ ra rằng các trường đại học danh tiếng nêu trên có xu hướng chấp nhận các ứng viên giàu nhất.

Chế độ ưu tiên tuyển sinh con em cựu sinh viên trường 

Đa phần các thí sinh đến từ những gia đình giàu có 1% đều nằm trong diện ưu tiên kế thừa. Nếu chỉ xét về thực lực, nghiên cứu chỉ ra rằng con cháu những cựu học sinh các trường này thường có trình độ cao hơn so với các ứng viên trung bình. Nếu xét về quan hệ, các thí sinh giàu lại có bố mẹ là cựu sinh viên của trường có cơ hội đỗ cao gấp đôi so với những thí sinh đến từ các gia đình khác và có hồ sơ giống nhau về mọi khía cạnh khác. 

Ứng viên là vận động viên

Cứ tám thí sinh đến từ tầng lớp 1% thì có một thí sinh được nhận theo diện vận động viên, trong khi đó tỉ lệ này ở các tầng lớp khác là một và năm mươi. Nguyên nhân chính là do trẻ em từ gia đình giàu có thường có cơ hội tham gia tập luyện thể thao, đặc biệt là các môn thể thao độc quyền tại một số trường đại học. Nghiên cứu ước tính rằng giữa những người có trình độ và điểm số tương tự, ứng viên là vận động viên được chấp nhận với tỷ lệ cao hơn gấp 4 lần.

Giáo sư Bastedo nói: “Nhưng người làm trong ban tuyển sinh hiểu rằng nhà em nào càng có điều kiện thì em đó càng có cơ hội được tham gia và luyện tập thể thao nhiều.”

Xếp hạng không chỉ dựa trên thành tích học thuật

Nghiên cứu này chỉ ra các trường Đại học thường đánh giá ứng viên dựa trên điểm số học thuật và các phẩm chất như hoạt động ngoại khóa, công việc tình nguyện và các đặc điểm cá nhân. Mặc dù nhóm thí sinh từ tầng lớp giàu 1% không có điểm số học thuật cao nhất nhưng các thành phần khác ngoài học thuật lại giúp các em này ghi điểm với ban tuyển sinh. Theo dữ liệu tuyển sinh của một trường, thí sinh từ tầng lớp 0.1% có điểm số thành phần về ngoại khoá cao gấp 1,5 lần so với những em đến từ các nhóm khác. 

Theo nghiên cứu này, các thí sinh đến từ các trường trường trung học tư thục, không thuộc bất cứ nhóm tôn giáo nào có tỷ lệ đỗ gấp đôi so với nhóm thí sinh khác có cùng điểm SAT, giới tính, sắc tộc, cùng mức thu nhập của phụ huynh nhưng học tại các trường công lập ở các khu vực thu nhập cao. Có một yếu tố quan trọng khác là thư giới thiệu từ từ cố vấn học đường (counselor) của các trường trung học tư thường có trọng lượng hơn. Một yếu tố quan trọng và tương đối bất ngờ khác là những lá thư giới thiệu đến từ cố vấn hướng nghiệp và các giáo viên của các trường trung học tư (tốt) thường chi tiết, “văn hoa” và có trọng lượng hơn những giáo viên khu vực công. Thậm chí, các cố vấn có thể gọi trực tiếp đến các trường Đại học mà thí sinh đó nộp để đề cử thí sinh đó đến trường. 

Theo John Morganelli Jr., nguyên giám đốc tuyển sinh tại trường Cornell, có những ứng viên được nhận vì nền tảng gia đình tốt, có người thì được cố vấn của các trường trung học tư thục viết thư đề cử và thậm chí, gọi điện thoại đến gửi gắm một thí sinh nào đó đến Ban tuyển sinh. Học sinh từ tầng lớp trung lưu sẽ không được hưởng đặc quyền này, và thậm chí, họ còn không biết việc “gửi gắm” này tồn tại một cách hợp lệ?!. 

Điều gì xảy ra khi các trường chấm dứt các chính sách “vốn là đặc quyền riêng” cho nhóm con nhà giàu?!

Theo nghiên cứu này, nếu chấm dứt chính sách ưu tiên tuyển sinh con em các cựu sinh viên (legacy), tuyển sinh qua con đường thể thao, và những ứng viên đến từ nhóm các trường tư thục có thể giảm đi 6% số lượng các thí sinh đến từ tầng lớp giàu 1% trong các trường đại học hàng đầu của Mỹ.

Tuy nhiên, việc chấm dứt thay đổi những chính sách xét tuyển “mang tính đặc quyền” này không dễ dàng và có thể gặp một số khó khăn nhất định. Ví dụ, việc chọn ra được một thí sinh chơi một bộ môn thể thao hiếm (cần đầu tư cả thời gian và tiền bạc) từ mọi tầng lớp xã hội sẽ khó hơn và việc loại bỏ một thí sinh nào đó là con em cựu sinh viên ra khỏi quy trình tuyển sinh là không thể vì những em này thường đạt đủ điều kiện tuyển sinh và đây cũng là cách các trường Đại học duy trì mối quan hệ bền chặt với các cựu sinh viên.

Một số người đề nghị các trường nên thực hiện chính sách bỏ qua yếu tố tài chính (need-blind), cho phép quan chức tuyển sinh xem thông tin tài chính của gia đình. Tuy nhiên, điều này cũng gặp nhiều khó khăn và phản ứng tiêu cực. Tổ chức College Board đã sử dụng công cụ Landscape để giúp xác định xem một thí sinh nào đó sinh trưởng từ một   môi trường thuận lợi hay khó khăn, nhưng nếu em đó không xin hỗ trợ tài chính thì cơ quan này không thể có được thông tin thu nhập của gia đình.

Một số trường đại học đã thử triển khai chính sách tuyển sinh không ràng buộc tài chính (need-affirmative admission) với mục tiêu tuyển sinh được thêm các thí sinh đến từ các gia đình thu nhập thấp. Những chính sách này thường không được công khai để tránh các phản ứng tiêu cực từ dư luận.

Một số trường đại học trong nhóm Ivy-plus đang dùng mọi nỗ lực để tuyển sinh thêm các thí sinh đến từ các gia đình thu nhập thấp và hỗ trợ học phí cho các em này. Một số trường còn miễn toàn bộ học phí cho các gia đình có thu nhập dưới một mức cụ thể. Ví dụ là: thu nhập dưới 100,000 đô la với Stanford và Princeton, dưới 85,000 đô với Harvard và dưới 60,000 đô với  Brown.

  • Tại Princeton, 1/5 sinh viên hiện đang đến từ các gia đình thu nhập thấp và 1/4 trong số này được hỗ trợ toàn bộ học phí. Trường này vừa khôi phục chương trình tuyển sinh theo diện chuyển tiếp để chào đón những thí sinh đến từ gia đình thu nhập thấp (một số đang học tại các trường cao đẳng cộng đồng).
  • Tại Harvard, 1/4 sinh viên năm nhất thuộc các gia đình có thu nhập dưới 85,000 đô la sẽ không phải trả học phí và đa số sẽ nhận thêm được một số hỗ trợ tài chính khác.
  • Dartmouth vừa gây quỹ 500 triệu đô la để mở rộng các gói hỗ trợ tài chính, đa dạng hóa các nhóm sinh viên tại Dartmouth.
  • Một số trường đại học khác, như thuộc Hệ thống Đại học California đã loại bỏ hẳn chính sách ưu tiên con em cựu sinh viên hay nhà tài trợ, và đặc biệt chú ý nhiều đến thu nhập gia đình và gia cảnh của thí sinh trong quá trình tuyển sinh. 
  • Một số trường khác hợp tác với các trường trung học trong khu vực để hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn về tài chính. M.I.T. cũng là một trường tư danh tiếng không có ưu tiên nào cả cho các thí sinh đến từ các gia đình giàu có và luôn coi trọng năng lực của thí sinh hơn là “túi tiền” của bố mẹ các em trong quá trình xét tuyển.