Đại học tinh hoa của Mỹ có thực sự “đáng đồng tiền bát gạo”?

Đến thời điểm này, đã có hơn 80% các trường đại học Mỹ áp dụng chính sách tùy chọn hoặc hoàn toàn không xét đến điểm ACT hay SAT trong quá trình tuyển sinh. Sự thay đổi này khiến nhiều người hoài nghi: Nếu không dựa vào điểm thi, làm sao các trường có thể chọn ra được thí sinh vừa có khả năng học thuật tốt lại đáp ứng được các tiêu chí “toàn diện” khác?! Chưa kể sau khi Tòa án tối cao của Mỹ chính thức bác bỏ yếu tố sắc tộc trong quá trình tuyển sinh, một số người tò mò không biết các trường sẽ “phản ứng” thế nào trước quyết định này để đảm bảo “sự công bằng” cho sinh viên đến từ các vùng miền khác nhau?! 

Và tất cả điều này dẫn tới những luồng ý kiến trái chiều về chất lượng các trường Đại học  có tỉ lệ chọi cao ở Mỹ, và quy trình tuyển sinh của họ. Thử cùng APUS điểm qua một số luồng ý kiến trái chiều này: 

Một số người cho rằng số lượng giáo sư giỏi không nhiều nên cần được ưu tiên cho những học sinh có khả năng tận dụng tối đa được nguồn lực này. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy các trường “top” đầu tuyển được các giáo sư giỏi và có khả năng giảng dạy tốt hơn các trường thường. Theo một nghiên cứu từ các học giả tại Đại học Columbia và Đại học Yeshiva, không có sự khác biệt nào về chất lượng giảng dạy giữa giảng viên tại các trường thứ hạng cao và các trường thứ hạng trung bình. Nghiên cứu này cũng đưa ra nhận định rằng giảng viên tại các trường top đầu thường tuyển những giáo sư xin được nhiều hỗ trợ từ nghiên cứu, chứ không hẳn bởi năng lực giảng dạy của họ.

Các ý kiến khác cho rằng các trường đang tuyển sinh theo hướng chọn ra những sinh viên nào có thể hưởng lợi nhiều nhất từ trường. Tuy nhiên, các trường có thật sự đang tìm được những sinh viên như vậy khi nhiều vụ kiện tụng diễn ra gần đây đã chứng minh các trường top đầu đang nghiêng về một số yếu tố như sắc tộc, gia cảnh để loại bỏ đi một số ứng viên tốt và nhận những ứng viên “được cho là phù hợp”.

Một vài nhận định nữa cho thấy chỉ những học sinh có thành tích cao mới có đủ sức bền để theo học chương trình ở các trường ưu tú. Nhưng qua trường hợp lạm phát điểm của một số trường đại học thứ hạng cao trong những thập kỷ gần đây (điểm trung bình của Harvard tăng lên 3.8 vào năm 2022) đã làm dấy lên một nghi ngờ các sinh viên của những trường này có thật sự thông minh hơn và nỗ lực hơn những tiền bối của họ. 

Và cuối cùng, có những lập luận cho rằng các trường top đầu đang tập trung một nhóm người “tinh hoa” về thành tích và đa dạng về tư duy và điều này sẽ mang lại giá trị lớn cho xã hội. Tuy nhiên, có những ý kiến phản biện rằng hầu hết các trường Ivy League nhận nhiều sinh viên từ phân khúc 1% thu nhập cao nhất cả nước hơn so với 60% bên dưới. Tại Harvard, gần một nửa số sinh viên theo học vì được ưu tiên, chẳng hạn như là “người thừa kế” hoặc con của một nhà tài trợ giàu có. Trong khi đó, các sinh viên Ivy League có 68% thuộc Đảng Dân chủ và chỉ 12% thuộc Đảng Cộng hòa. Điều này không đủ chứng minh rằng các trường đang hướng tới sự đa dạng. 

Vậy điều gì nếu các trường tiếp tục chọn lọc ứng viên “theo ý họ” và ứng viên tiếp tục “chạy đua” theo những thứ hạng? Chúng tôi tiếp tục tổng hợp thêm một số nhận định như sau:

  • Điều này sẽ dẫn đến những đặc quyền và ưu thế (tạm thời) cho một số nhóm người khi tham gia vào các mạng lưới xã hội và việc làm. 
  • Ảo mộng về một mạng lưới nuôi dưỡng sự đa dạng trong tri thức mà nhiều trường Đại học top đầu Mỹ đang cam kết.
  • Cổ vũ cho sự gian lận trong hồ sơ tuyển sinh. Hơn 60% sinh viên đại học thừa nhận đã đưa thông tin sai lệch vào đơn đăng ký, với 39% nói rằng họ đã thay đổi thông tin về chủng tộc hoặc sắc tộc của mình, 30% thừa nhận rằng họ đã làm giả thư giới thiệu và một phần ba thừa nhận đã ghi những thông tin không đúng sự thật trong bài luận cá nhân.

Trong vụ Grutter kiện Bollinger, Thẩm phán Scalia đề nghị các trường thiết lập các tiêu chuẩn cụ thể như điểm số và cho nhập học ngẫu nhiên những sinh viên đạt được tiêu chuẩn đó. Và nếu như các trường này không đủ sức để phục vụ số lượng lớn sinh viên có thể đáp ứng đủ tiêu chí của họ? Tất nhiên, các trường luôn có thể cân nhắc đến việc mở rộng số lượng, song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo của mình.

Vâng, đã đến lúc các trường Đại học được coi là tinh hoa của Mỹ cần “đáp lại” dư luận và cam kết theo đúng tôn chỉ công bằng, theo đuổi tri thức trọn đời mà họ theo đuổi để mang lại những giá trị tốt nhất và đa dạng nhất cho nhiều nhóm đối tượng sinh viên đến từ Mỹ và các nước.