Chắc hẳn nhiều bạn từng nghe câu nói rất quen thuộc: “Hãy theo đuổi đam mê, rồi thành công sẽ theo đuổi bạn.” Câu nói này truyền cảm hứng cho nhiều người, nhưng không phải là lời khuyên phù hợp với tất cả.
Thực tế là không phải ai cũng biết rõ “đam mê” của mình là gì. Và nếu chưa biết, cũng không sao cả. Nhiều người bước vào giảng đường đại học, hoặc thậm chí ra trường đi làm vài năm rồi, vẫn chưa thực sự gọi tên được điều khiến họ “thực sự yêu thích”. Điều đó không đáng lo, vì đam mê đôi khi không phải là thứ bạn ngay lập tức sẽ “tìm thấy”, mà là thứ hình thành dần dần qua trải nghiệm.
Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học William Damon (Đại học Stanford), chỉ khoảng 20% người dưới 26 tuổi có thể xác định rõ ràng một đam mê để định hướng cuộc sống. Tức là 4 trong 5 người trẻ sẽ cảm thấy mông lung, chưa biết mình nên làm gì. Điều đó không phải là sai hướng – mà chỉ là điều tự nhiên.
Đam mê, trên thực tế, thường được hình thành khi bạn làm một việc nào đó đủ lâu, bắt đầu trở nên giỏi hơn, và nhận được phản hồi tích cực. Cảm giác hào hứng, muốn tiếp tục và dấn thân, và chính quá trình này sẽ giúp bạn dần nhận ra thứ mình muốn theo đuổi hay đam mê của mình. Nhưng nếu bạn cứ ngồi chờ đến khi “tìm thấy đam mê” rồi mới bắt đầu, rất có thể bạn sẽ mãi đứng yên một chỗ.
Tác giả Cal Newport là người viết ra cuốn sách So Good They Can’t Ignore You từng chỉ ra rằng đam mê thường bị hiểu sai là điều kiện tiên quyết để lựa chọn nghề nghiệp. Ông lấy Steve Jobs là một ví dụ trong cuốn sách của mình. Trước khi sáng lập Apple, Jobs không hề có đam mê mãnh liệt với công nghệ. Ông quan tâm đến thiền, thư pháp, ăn chay, đi chân đất… Công nghệ chỉ là một phần trong hành trình thử nghiệm của ông. Và rồi, từ quá trình làm, rồi làm tốt, làm giỏi, ông dần phát hiện ra khả năng đặc biệt của mình trong việc tiếp thị sản phẩm và kết nối công nghệ với con người.
Nói cách khác, Steve Jobs không đi theo đam mê ngay từ đầu, mà ông đi theo tài năng và sự tò mò của chính mình, và bỗng một ngày, ông tìm thấy đam mê của mình.
Một trong những rủi ro lớn nhất của việc theo đuổi đam mê là lựa chọn nghề nghiệp chỉ vì cảm xúc, mà thiếu đi yếu tố thực tế. Nhiều người trẻ chọn học luật, vì từng mê phim điều tra. Nhưng rồi, khi bước chân vào ngành, họ phát hiện công việc thực tế rất khác: áp lực cao, môi trường khắc nghiệt, đòi hỏi kỹ năng không hề “long lanh” như trên màn ảnh. Không ít người phải từ bỏ sau vài năm thử sức.
Ngành nghệ thuật cũng vậy: chỉ 2% diễn viên sống được bằng nghề. Trong ngành âm nhạc, 1% nghệ sĩ tạo ra tới 77% doanh thu toàn ngành. Những lĩnh vực “hào nhoáng” thường là nơi cạnh tranh khốc liệt nhất. Và vì quá nhiều người trẻ sẵn sàng “cống hiến vì đam mê”, mô hình làm không công, hoặc bị bóc lột dưới danh nghĩa “trải nghiệm” vẫn tồn tại một cách tự nhiên, thậm chí được xem là “chuyện thường ngày”.
Khác với đam mê là một thứ vốn cảm tính và dễ thay đổi thì tài năng là thứ bạn có thể phát hiện, rèn luyện và nâng cấp theo thời gian. Khi bạn làm điều mình giỏi, bạn có xu hướng đạt được thành tựu sớm hơn. Điều đó tạo ra một vòng tròn tích cực: bạn càng làm tốt, bạn càng tự tin, và bạn càng có động lực để tiếp tục phát triển.
Trong kinh tế học, người ta gọi đây là “match quality”, đó là mức độ phù hợp giữa năng lực và công việc. Nghiên cứu cho thấy, những người làm đúng việc hợp với khả năng thường có thu nhập cao hơn, tiến bộ nhanh hơn và… cảm thấy vui hơn khi làm việc mỗi ngày.
Vì vậy, thay vì hỏi “Mình đam mê gì?”, hãy thử hỏi “Mình làm tốt việc gì?”, “Việc nào khiến mình có thể tập trung nhiều giờ mà không thấy mệt?”, hoặc “Mình từng giúp ai làm gì hiệu quả nhất?”. Từ những câu hỏi đó, bạn có thể bắt đầu.
Đam mê không phải là điều bạn tìm thấy trong im lặng mà nó xuất hiện khi bạn bắt tay vào làm.
Như Morgan Housel từng viết: “Làm điều bạn yêu thích nhưng theo một lịch trình bạn không kiểm soát, đôi khi cũng giống như làm điều bạn ghét.” Vì thế, hãy để đam mê là phần thưởng, không phải khởi điểm. Bạn không cần phải có một đam mê rõ ràng để bắt đầu sự nghiệp. Điều bạn cần là thái độ sẵn sàng thử, học, làm và trở nên giỏi hơn từng ngày. Đam mê sẽ đến sau một hành trình kiên trì và nỗ lực.
Nếu bạn là một sinh viên sắp ra trường, hoặc học sinh đang chọn ngành, đừng để bản thân bị áp lực bởi việc “phải tìm thấy đam mê”. Bạn không nhất thiết phải đặt ra câu hỏi “Mình sinh ra để làm gì?”, mà có thể bắt đầu với câu hỏi cụ thể và có thể dễ dàng “cầm nắm hơn”, đó là “Mình có thể làm tốt điều gì hôm nay?” và làm điều đó một cách nghiêm túc. Thành công và đam mê sẽ theo sau bạn.
Liên hệ
Tầng 16, Tòa nhà 54A Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội
(+84) 98 2028 888
(+84) 98 5555 468
info@apusvietnam.com
© 2015 APUS Vietnam. All right reserved