“Đích đến” của hoạt động ngoại khóa chỉ để “làm đẹp” hồ sơ?

Theo một nghiên cứu về “Lợi ích của việc tham gia hoạt động ngoại khóa” đăng trên tạp chí Nghiên cứu Sau Đại học về Giáo dục của Đại học Brandon, việc tham gia các hoạt động ngoại khóa có tương quan tích cực với sự phát triển của học sinh cả về mặt học tập lẫn quá trình phát triển bản thân. Học sinh sẽ gặt hái nhiều thành công trong học tập; phát triển nhân cách; tích lũy những kỹ năng quan trọng khi bước vào đời như quản lý thời gian và kỹ năng lãnh đạo; và đặc biệt, học cách quan tâm đến cộng đồng để tạo ra những giá trị tốt hơn cho cộng đồng xung quanh. 

Nghiên cứu này đưa ra phân tích về 4 lợi ích khi tham gia các hoạt động ngoại khóa như sau: 

Khả năng đạt thành tích học thuật tốt hơn

Theo nghiên cứu này, học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa sẽ đạt được thành tích học tập cao hơn. Từ năm 1930 đã có nghiên cứu chỉ ra lợi ích này, học sinh tham gia thường xuyên vào các hoạt động ngoại khóa có xu hướng đạt điểm cao hơn, điểm kiểm tra tốt hơn và trải nghiệm giáo dục tích cực hơn nói chung. 

Thông qua các hoạt động ngoại khóa, ví dụ như với các trò chơi được tổ chức bài bản, học sinh học cách lắng nghe hướng dẫn và áp dụng chúng để đạt được kết quả mong muốn. Thứ hai, học sinh học được tầm quan trọng của sự bền bỉ và kiến tạo động lực. Họ hiểu rằng việc hoàn thành mục tiêu thường đòi hỏi sự tập trung và chăm chỉ. Thứ ba, học sinh biết cách thiết lập mục tiêu và giải quyết vấn đề. Học sinh biết cách làm theo hướng dẫn, kiên trì, tạo ra động lực từ bên trong, thiết lập mục tiêu và giải quyết vấn đề, và từ đó, áp dụng vào việc học tập hiệu quả hơn. 

Theo nghiên cứu này, học sinh tham gia các câu lạc bộ thể thao sẽ có xu hướng tăng điểm toán, khoa học và đọc viết; tham gia các môn nghệ thuật và thủ công sẽ giúp cải thiện điểm số học tập và kỹ năng làm việc. Ngoài ra, việc tham gia vào các câu lạc bộ học thuật cũng giúp các em đạt kết quả học tập cao hơn. Phụ huynh cần hiểu rõ tính chất các hoạt động ngoại khóa để biết được mức độ ảnh hưởng đến sự thành công của học sinh như thế nào.

Phát triển tính cách 

Nghiên cứu cũng cho thấy những học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa có khả năng hiểu bản thân mình và các giá trị bản thân tốt hơn. Các em sẽ có cơ hội phát triển sở thích cá nhân và khám phá điểm mạnh và điểm yếu để trở nên tự tin hơn, cũng như trở thành một cá thể độc lập, có chính kiến rõ ràng hơn. 

Nhiều kỹ năng cần thiết sau này khi bước vào đời không được thực hành nhiều trong môi trường lớp học. Nhưng qua các hoạt động ngoại khoá, học sinh có thể học được như kĩ năng quản lý thời gian, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng lắng nghe những lời phê bình. Điều này bổ trợ cho việc phát triển tính cách và nhân cách của một con người.

Các sinh viên tham gia vào các câu lạc bộ học thuật có thể xây dựng kỹ năng lãnh đạo; các sinh viên tham gia vào các câu lạc bộ thể thao phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề. Với những học sinh dành thời gian tham gia biểu diễn nghệ thuật thường có thái độ tích cực hơn trong cuộc sống và từ đó, học tập hiệu quả hơn. Việc tham gia vào cả hoạt động học tập và thể thao giúp học sinh ý thức được giá trị bản thân, tạo ra cảm giác kết nối với môi trường học tập, từ đó giúp các em phát triển cả về học thuật lẫn con người. 

Tăng hiểu biết và vốn sống về xã hội 

Khi tham gia vào các hoạt động ngoại khoá, học sinh phát triển các kỹ năng làm việc nhóm và giao tiếp, sẽ cảm thấy được “thuộc về” một cộng đồng nào đó, và từ đó phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng đó. Các hoạt động này cũng giúp các em xây dựng môi quan hệ, kết nối với những người có cùng sở thích và mục tiêu, từ đó càng hứng thú và có động lực để cam kết lâu dài với một hoạt động cụ thể. Chưa kể, những hoạt động tích cực sẽ giúp học sinh tránh khỏi những lựa chọn tiêu cực trong cuộc sống. 

Chưa kể, các hoạt động nhóm hay cộng đồng sẽ giúp học sinh tiếp cận đến những người trưởng thành, những người cố vấn có thể hỗ trợ các em trong cuộc sống. 

Tham gia đóng góp cho cộng đồng

Nghiên cứu cũng khẳng định học sinh nên tiếp xúc nhiều hơn với các hoạt động cộng đồng hơn là chỉ với những hội nhóm trong trường học bởi điều này sẽ giúp các em hiểu được tầm quan trọng của việc đóng góp cho cộng đồng và giúp đỡ những người gặp khó khăn. Những hoạt động này giúp các em gắn kết với cộng đồng và có động lực để tạo ra những giá trị thiết thực cho cộng đồng xung quanh mình.