Điểm SAT hé lộ sự bất bình đẳng trong giáo dục Mỹ

Điểm số 1300 cho bài kiểm tra SAT (hoặc 29 trên bài kiểm tra ACT) là một điểm số cao, có thể mở ra cơ hội vào những trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ. Nhưng dữ liệu về mức điểm SAT của những học sinh cấp 3 đến từ những gia đình thu nhập thấp từ 2010 đến 2019 chỉ phản ánh một phần về hoàn cảnh của các em và sự bất bình đẳng trong hệ thống giáo dục ở Mỹ.

Theo nguồn dữ liệu từ các nhà kinh tế tại Opportunity Insights, thuộc Harvard, một phần ba số học sinh thuộc gia đình giàu nhất đạt điểm SAT 1300 hoặc cao hơn, trong khi có dưới 5% học sinh thuộc gia đình thu nhập trung bình có thể đạt được điều này, thậm chí cứ 5 em đến từ các gia đình thu nhập thấp sẽ chỉ có một em tham gia thi được những kì thi này..

Nghiên cứu còn so sánh điểm SAT/ACT của tất cả học sinh (các năm 2011, 2013 và 2015) với hồ sơ thu nhập thuế thu nhập liên bang của cha mẹ trong sáu năm trước đó. Phân tích của họ cho thấy rằng những thí sinh từ gia đình rất giàu thường xuyên nhận được sự ưu tiên từ các văn phòng tuyển sinh.

Và càng về sau này, khi bất bình đẳng về thu nhập ở Mỹ ngày một gia tăng, khoảng cách về thành tích học thuật của các em học sinh (được tính qua điểm kiểm tra) càng ngày càng xa.

Cạnh tranh gia tăng

Theo nghiên cứu này, con cái của tầng lớp 0.1% (những người có thu nhập rất cao, thuộc vào 0.1% người có thu nhập cao nhất trong tổng số dân số), tức là bố mẹ có khả năng kiếm trung bình 11.3 triệu đô la mỗi năm đạt điểm số tốt hơn so với các nhóm còn lại.

Đối với 12,000 học sinh thuộc “tầng lớp 0.1%”, dữ liệu mới chỉ ra rằng những học sinh này có những cơ hội được học tại các trường tư thục, mùa hè du lịch thế giới và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ chuẩn bị đại học có chi phí cao, thậm chí có thể cao hơn cả chi phí học đại học. 

Và cuộc chạy đua về bằng cấp để giúp con cái có được sự nghiệp rộng mở hơn, thu nhập cao hơn, và địa vị xã hội rộng mở hơn vô tình đã tạo nên sự cạnh tranh về thu nhập giữa các bậc phụ huynh.

Theo Ann Owens, một giáo sư xã hội học tại Đại học Nam California, người nghiên cứu về bất bình đẳng trong giáo dục, càng ngày càng có nhiều phụ huynh tận dụng triệt để những cơ hội như chuyển về các khu vực giàu có, đổ tiền vào gia sư nhằm giúp con mình cơ hội học tập và sự phát triển vượt trội hơn so với các bạn đồng lứa. 

Các khu dân cư và lối sống tách biệt 

Nghiên cứu chỉ ra rằng mức tài trợ mà các trường nhận được có mối liên quan chặt chẽ đến kết quả học tập của học sinh. Hầu hết các trường công lập ở Mỹ đều được tiểu bang tài trợ một mức ngang nhau, nhưng các trường có phụ huynh giàu có sẽ nhận được thêm những sự hỗ trợ tài chính, thời gian và mối quan hệ vừa giúp tuyển thêm các giáo viên giỏi, vừa mở ra những hoạt động ngoại khóa như nghệ thuật, dã ngoại, thiện nguyện nhằm giúp học sinh của trường tăng cạnh tranh hơn khi nộp hồ sơ Đại học tốt.

Ngược lại, các trường công nằm ở các khu vực nghèo hơn thường gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ giáo viên giỏi. Những trường này cũng đối mặt với tài chính eo hẹp không đủ để trang trải các chi phí giúp cải thiện cơ sở vật chất và hỗ trợ các em học tập. 

Nền giáo dục ngoài luồng (Shadow education) 

Shadow education tạm gọi là nền giáo dục ngoài luồng để chỉ bố mẹ có điều kiện chi thêm tiền hoặc bỏ thời gian hỗ trợ cho con cái mình ngoài trường học, và vô tình tạo ra sự bất bình đẳng rất lớn giữa các học sinh với nhau. Để giải thích thêm, Nate G. Hilger, tác giả của cuốn sách “The Parent Trap: How to Stop Overloading Parents and Fix Our Inequality Crisis” đã chỉ ra rằng các trường học thực chất chỉ quản lý 10% thời gian của học sinh, 90% còn lại các học sinh trong khu vực có điều kiện dành thời gian tham gia vào các lớp học thêm bổ trợ kiến thức và kĩ năng, các hoạt động ngoại khóa, các lớp hỗ trợ về sức khỏe tâm lý,… 

Trẻ em đến từ các gia đình thu nhập cao sớm có cơ hội học ở những trường học tốt ngay cả trước khi vào mẫu giáo và theo nghiên cứu, trẻ em học mầm non từ sớm có xu hướng ôn thi SAT và theo học Đại học nhiều hơn về sau này.  

Ngoài ra, các bậc cha mẹ có điều kiện hơn thường có xu hướng dành nhiều thời gian và tiền bạc hơn cho con cái. Cách đây nửa thế kỷ, cha mẹ ở cả hai nhóm đều dành thời gian cho con cái như nhau nhưng giờ đây, những người có thu nhập cao thường có xu hướng dành nhiều thời gian riêng tư hơn với con, cùng con thực hiện các hoạt động như đọc sách. Điều này được nhắc đến trong cuốn sách “Our Kids: The American Dream in Crisis” của nhà khoa học chính trị Robert Putnam.

Những trải nghiệm mà những đứa trẻ ở những gia đình giàu có được như đọc sách trước khi đi ngủ, thăm viện bảo tàng, tham gia các trại hè khoa học có thể góp phần làm tăng điểm SAT của chúng. 

Thu hẹp khoảng cách 

Qua nghiên cứu này, những học sinh có điểm SAT cao thường có chuẩn bị tốt hơn cho đại học, và có khả năng cao hơn để đạt thu nhập cao hoặc có công việc danh giá hơn khi trưởng thành. Ngoài ra, một số thành phần khác trong bộ hồ sơ nộp vào đại học Mỹ như bài luận và thư giới thiệu cũng là những dấu hiệu quan trọng phản ánh khoảng cách thu nhập ngày một nới rộng giữa các gia đình tại Mỹ. 

Một số giải pháp được đề xuất cho việc này bao gồm:

– Universal pre-K,  là một hình thức mẫu giáo mà tất cả các trẻ em đều có quyền tiếp cận, không phụ thuộc vào tình trạng kinh tế hay xã hội của gia đình. Điều này thường áp dụng cho các chương trình giáo dục trước mầm non truyền thống và có sẵn cho mọi trẻ em mà không phải trả chi phí hay đáp ứng các yếu tố đặc biệt. Mục tiêu của mô hình này là tạo ra một cơ hội công bằng cho tất cả trẻ em để các em có vạch xuất phát tốt như nhau và chuẩn bị cho các cơ hội sau này. 

– Tăng cường nguồn lực cho các trường thu nhập thấp: Đề xuất cung cấp nguồn lực và hỗ trợ tài chính cho các trường ở các khu vực có thu nhập thấp, nhằm cải thiện chất lượng giáo dục. Giải pháp này có thể bao gồm việc đầu tư vào cơ sở vật chất, giáo viên chất lượng cao, và chương trình giáo dục bổ trợ.

– Giảm phân cư cư trú: Đề xuất giảm sự phân cư cư trú, nghĩa là giảm khoảng cách xã hội và kinh tế giữa các khu vực. Điều này có thể được thực hiện thông qua các biện pháp như chính sách nhà ở xã hội, hỗ trợ tài chính để giúp gia đình chuyển đến các khu vực có cơ hội giáo dục tốt hơn.