du học Mỹ

Điều gì quyết định sự thành công của bạn?

Việc rượt đuổi tấm vé vào đại học sẽ khiến nhiều học sinh mất đi cơ hội phát triển. Nếu như vụ bê bối tuyển sinh trường Varsity Blues buộc tội những gia đình cố tình phá luật để dành được những cơ hội không công bằng cho con cái họ, đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại về quy trình xét tuyển Đại học Mỹ và vai trò thật sự của việc học Đại học đến thành công của một cá nhân. Các học sinh đến từ những gia đình trung lưu và giàu thường chuẩn bị hồ sơ từ rất sớm, một số em đã phải đổi tuổi thơ để có được một tấm vé vào các trường đại học danh giá. Ngược lại, các học sinh đến từ những hoàn cảnh khiêm tốn hơn thì lại không có điều kiện như vậy. Rất nhiều em bị choáng ngợp và không biết bắt đầu từ đâu trước một danh sách các đầu việc đòi hỏi rất nhiều thời gian và nguồn lực.

Ông David Coleman, Tổng Giám đốc điều hành Tổ chức The College Board cho biết: Theo một nghiên cứu năm 2014 do Tổ chức Gallup và Đại học Purdue phối hợp thực hiện, chỉ 3% sinh viên cho biết đã tìm được những trải nghiệm tại trường đại học giúp họ thành công và cảm thấy hạnh phúc hơn. Một câu hỏi lớn đặt ra không chỉ cho các trường Đại học, mà còn cả cho các gia đình có con em đang theo học Đại học là làm sao để các em có thể tận dụng được nhiều từ môi trường học thuật để theo đuổi những điều khiến mình thấy hạnh phúc?  

Sau khi lắng nghe hàng trăm cán bộ tuyển sinh, nhân viên tư vấn trường học, phụ huynh và học sinh, phản ánh từ kinh nghiệm của bản thân, David cho rằng cần thúc đẩy một mô hình học tập tốt hơn cho những người trẻ tuổi, để giúp họ trở nên thành công hơn. 

Theo nghiên cứu của Gallup-Purdue, loại trường Đại học mà sinh viên theo học sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chỉ số hạnh phúc của họ này. Khi khảo sát sâu hơn với 3% sinh viên này, nghiên cứu phát hiện ra nhóm sinh viên này có ba điểm chung là: Được học tập cùng với những giáo viên và những người cố vấn tuyệt vời, gắn bó với các hoạt động ngoài lớp học, và có cơ hội đi sâu nghiên cứu và ứng dụng các ý tưởng.

Đặc biệt, ba đặc điểm này không phụ thuộc vào việc sinh viên đó đang học ở đâu, mà ở mức độ chủ động của em sinh viên đó khi đang học tập trong trường. Chúng ta hãy phân tích cụ thể từng đặc điểm đó như sau:

  1. Tìm cho mình một người thầy:

Nghiên cứu cho thấy, những sinh viên đến từ những gia đình chưa từng có ai vào đại học tìm được rất nhiều hỗ trợ để chuẩn bị cho việc nộp hồ sơ vào đại học, nhưng ít khi tìm thấy những thông tin liên quan đến việc: Làm thế nào để các em có thể thành công trong môi trường này?! Khi được hỏi về những gì các em sẽ làm để thành công lúc học đại học, các sinh viên này chỉ tập trung nói về ngành sẽ theo học, các em sẽ học cùng với ai, những câu lạc bộ nào các em dự định tham gia, mà quên mất một yếu tố quan trọng: Các em sẽ học với giáo sư nào khi được nhận vào trường?! Hầu như khi được hỏi, phần lớn các học sinh đều chưa tìm hiểu thông tin về những giáo sư sẽ dạy mình trong suốt bốn năm sắp tới. 

Thực tế cho thấy, ngoài gia đình, giáo viên là yếu tố có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự thành công của người học. John King – Cựu Bộ trưởng Giáo dục Hoa Kỳ luôn bày tỏ sự biết ơn đến một người giáo viên trường công lập đã cứu sống cuộc đời ông như thế nào. Là một người Mỹ gốc Phi, nhập cư từ Puerto Rico đến Brooklyn (New York), ông đã có thể mất mạng trong tù sau khi cha mẹ qua đời, nhưng người thầy đã cứu ông và trao cho ông sự dạy dỗ tuyệt vời. 

Với những sinh viên đến từ những gia đình có hoàn cảnh tốt hơn, việc tìm cho mình một người thầy phù hợp thậm chí còn quan trọng hơn. David kể về cô Grist- một giáo viên khó tính từng dạy ông ở bậc trung học. Mặc dù cô là một trong những giáo viên đưa ra nhiều quy tắc nhất ông từng biết, nhưng những bài giảng của cô luôn rất kịch tính, sôi động và thu hút ông. Ông theo học lớp chính trị học và tâm lý học của cô và đã rất sốc khi chính cô chủ động muốn viết thư giới thiệu vào đại học cho ông. Chính sự hậu thuẫn của cô đã giúp David tự tin hơn nhiều sau này.

Phương pháp giảng dạy của cô Grist còn giúp ông thay đổi cả phương pháp học Đại học của mình. Ban đầu, David bị mất phương hướng và choáng ngợp trong đống tài liệu cần đọc khi bước chân vào Đại học. Nhưng nghĩ lại về những gì ông đã được học từ lớp của cô Christ, David đã chủ động tìm ra phương án khắc phục. Vì biết mình đọc chậm nên ông đã chủ động tìm kiếm một người thầy để truyền cảm hứng, giúp ông cải thiện kĩ năng này. 

Thay vì chỉ học những lớp học đại cương có sẵn trong học kỳ đầu tiên, David chủ động tìm kiếm những lớp học khiến mình thấy thoải mái theo học. Ông chọn tham gia lớp triết học có sĩ số rất nhỏ cùng với vị giáo sư xuất sắc, đầy cảm hứng Ferrari. Thay vì phô trương kiến thức của mình, giáo sư gợi mở nhiều câu hỏi thú vị cho sinh viên như thể đây là lần đầu thầy đọc cuốn sách đó vậy. 

Trong thời gian học Đại học, David Coleman đã tìm ra phương pháp học rất khác với các bạn bè đồng trang lứa. Trong khi bạn bè ông cố đọc thật nhiều những quyển sách mới để chuẩn bị cho các buổi lên lớp, ông kiên trì với những gì mình còn dang dở. Ông chăm chú đọc từng trang sách để hiểu kỹ những gì mình đang đọc, cho đến khi nắm được nội dung cốt lõi mà các tác giả đến từ nhiều thế kỷ trước muốn truyền tải. Ông thường xuyên tương tác với các giáo sư cả trong lẫn ngoài giờ học. Ông cho rằng rất nhiều sinh viên chạy đua gắt gạo giành tấm vé vào đại học, nhưng lại hiếm khi chủ động tiếp cận giáo viên của họ trong quá trình học.

Để tìm được những người thầy tuyệt vời và học hỏi kiến thức từ họ, bạn phải hết sức chủ động. Mọi người thường lầm tưởng rằng: Môi trường học tốt sẽ “cung cấp cho bạn một nền giáo dục xuất sắc”. Trên thực tế, để có được một nền giáo dục tuyệt vời, bạn phải là người chủ động nắm bắt và tận dụng nó. Cũng như trong thần thoại cổ đại về Prometheus đã kể, các vị thần không ban cho Prometheus ngọn lửa – anh ta đã đánh cắp nó.

  1. Tham gia vào một hoặc nhiều hoạt động:

Trong nhiều năm, Tổ chức College Board đã nghiên cứu hàng chục tài liệu, báo cáo để tìm ra các yếu tố dự đoán thành công của các sinh viên trong thời gian học Đại học. Sau điểm số và điểm thi, thì việc học sinh tiếp tục triển khai một hoặc hai hoạt động ngoại khóa mà mình làm từ hồi học trung học là dấu hiệu quan trọng nhất để đánh giá mức độ thành công ở bậc Đại học của sinh viên đó. Những sinh viên dồn sức cho một hoạt động ngoại khoá nào đó, ví dụ như thiên về lãnh đạo hay ra được những thành tựu độc lập, có nhiều khả năng thành công hơn sau này trong các lĩnh vực họ theo đuổi. 

Theo nghiên cứu, chính sự tập trung nguồn lực cho một hoặc hai hoạt động ngoại khoá sẽ giúp học sinh trưởng thành nhiều hơn là lao vào quá nhiều hoạt động dàn trải. Tuy vậy, rất nhiều người lại nghĩ rằng càng có nhiều hoạt động sẽ càng giúp họ cạnh tranh tốt hơn khi vào Đại học.

Về lý thuyết, sẽ có khoảng 10 hoạt động ngoại khóa ngoài trường học mà học sinh có thể khai trong bộ hồ sơ Đại học Mỹ. Nhiều học sinh tìm mọi cách để khỏa lấp đủ 10 hoạt động này. Nhưng theo phân tích ở trên, điều này chỉ làm các em trở nên bận rộn chứ không thực sự giúp các em làm nổi bật được hồ sơ của mình. Thay vì thế, học sinh nên tập trung vào một vài hoạt động nhưng chất lượng, để tạo dấu ấn cá nhân và thể hiện rõ con người của mình.

Học viện Công nghệ Massachusetts – MIT danh tiếng đã thay đổi hồ sơ đơn ứng tuyển và chỉ cho phép thí sinh ghi 4 hoạt động chất lượng nhất. Đáng chú ý hơn, MIT cũng không cho phép đề cập các hoạt động từ lớp 9 mà chú trọng vào các hoạt động gần nhất của học sinh. Bên cạnh đó, trường nhìn vào cách học sinh thay đổi suy nghĩ và thu được trải nghiệm quý giá thông qua các hoạt động ngoại khoá mà các em tham gia, hơn là số lượng thành tích mà học sinh đó đạt được. 

Phó Giám đốc Tuyển sinh tại Trường Đại học Maryland, Barbara Gill cũng cho biết: “Chúng tôi quan tâm nhiều hơn những gì sinh viên cống hiến dài hạn cho một hoạt động nào đó hơn là một danh sách dài các hoạt động không có hoạt động nào thật sự quan trọng với học sinh đó.” 

Richard Weissbourd- Giảng viên tại Đại học Harvard đã yêu cầu bổ sung phần khai trong hồ sơ Đại học Mỹ mục về các hoạt động mà học sinh làm để hỗ trợ gia đình của họ để đảm bảo sự công bằng cho những học sinh đến từ những gia đình có thu nhập thấp. Đa phần các em học sinh có xuất phát điểm khá khiêm tốn này không có thời gian để chuẩn bị một danh sách dài các hoạt động ngoại khóa như những bạn bè cùng lứa.. Chúng ta cần làm tất cả những gì có thể để đảm bảo rằng sinh viên thật sự có thời gian, nguồn lực và không gian để theo đuổi những đam mê chuyên sâu bên ngoài lớp học  nhưng cũng không quá khắt khe nếu công việc và nghĩa vụ gia đình cản trở họ. 

Với các gia đình giàu có hơn có điều kiện dùng mọi cách để giúp con cái mình có được những hoạt động uy tín thường làm giảm đi động lực và tính cam kết của học sinh đó cho các hoạt động ngoại khoá mà các em tham gia. Những học sinh này sẽ rất dễ mất đi cơ hội trở thành tác giả của chính cuộc đời họ, và nếu vậy, các em chẳng khác gì những người lính đang thực hiện các kế hoạch “tác chiến” do cha mẹ vạch ra. 

David Coleman cho rằng ông đã thật sự may mắn. Hồi học trung học, ông thử sức với nghệ thuật tranh biện (debate) và yêu thích nó. Ông không có nhiều cơ hội để làm nhiều thứ bên ngoài lớp học nên hễ rảnh, ông lại dành thời gian nghiên cứu các lập luận cho cuộc tranh biện tiếp theo. Điều này càng làm ông trăn trở là làm sao để nhiều học sinh ngày nay có thời gian khám phá cặn kẽ một hoạt động ngoại khóa nào đó — cho dù đó là một môn thể thao, một nhạc cụ hay bất kỳ thứ gì khác đáng làm — một cách chuyên sâu. Thách thức quan trọng nhất đối với những người trẻ tuổi hoá ra không phải là làm được thật nhiều hoạt động, mà là thật sự hiểu sâu rộng và chuyên nghiệp về một hoạt động nào đó.

  1. Học cách yêu những ý tưởng mới dù không như ý: 

Những người may mắn nhất trong cuộc đời là những người có thể phát triển niềm đam mê bền bỉ và dành thời gian trau dồi kỹ năng phục vụ cho đam mê đó, và song song, học hỏi thêm những kỹ năng mới. Những người này thường cảm thấy hạnh phúc khi tìm được những ý tưởng mới.

Ngược lại, những ai quá tập trung vào các thước đo thành công bên ngoài để đạt được những mục tiêu nhất thời, chẳng hạn như nâng cao điểm thi, làm đẹp hồ sơ ngoại khoá, để bằng mọi giá vào được một trường Đại học tốt, thường bỏ lỡ việc được khám phá và phát triển bản thân thật sự. 

Một phụ huynh tâm sự: Con tôi rất thích môn toán. Con tôi thích đọc. Những chia sẻ này có thể mang một hàm ý khác, đó là, con họ thích và giỏi môn học đó. Điều này nghe có vẻ vô hại và đáng khích lệ, nhưng vô tình hạn chế một số cơ hội để con cái họ tiếp cận với những môn học, lĩnh vực khác- những thứ đòi hỏi tụi trẻ nỗ lực nhiều hơn để tìm hiểu và yêu thích. 

Nên khi ai đó nói họ ghét toán, tức là họ đang có ý định bỏ ra khỏi đầu môn học đó. Nếu chẳng may rơi vào tình huống này, bạn nên tự hỏi bản thân xem liệu môn học đó có đáng để bạn tìm hiểu hay không?! Yêu việc học đòi hỏi bạn phải vượt lên khỏi sự chán ghét ban đầu để khám phá sức mạnh của môn học đó. Khó khăn có thể là điểm khởi đầu của tình yêu, chứ không phải là trở lực để một người từ bỏ nó.
Một số người thường đặt cho ai đó biệt danh là “người của những con số” hoặc “người yêu chữ nghĩa”, mà quên mất rằng bất cứ ai đều có khối óc và trái tim, và có khả năng làm được cả hai điều đó. Nếu ban đầu bạn không thích môn toán, hãy tìm một giáo viên giỏi hơn, luyện tập chăm chỉ hơn, tìm kiếm mối liên hệ với môn học đó khiến bạn quan tâm. Dấu hiệu để nhận ra bạn thật sự yêu thích việc học là khi bạn biết cách quản lý được sự chán ghét và cả những điều không ưng ý trong quá trình học một điều gì mới. 

Chúng ta nên bớt lan truyền những khẩu hiệu như “Học tập là niềm vui,” và thay vào đó thừa nhận rằng việc học thường rất khó khăn. Niềm yêu thích chỉ thực sự bắt đầu khi một học sinh ngừng làm những gì họ giỏi và nhận ra rằng thông qua kiên trì luyện tập, họ có thể khám phá thế giới mới của sự hiểu biết và niềm vui.

Chương trình Nâng cao (AP) có thể giúp học sinh phổ thông khám phá và theo đuổi đam mê, nhưng không phải là công cụ để các ứng viên tranh đua để làm đầy đơn ứng tuyển của họ. Mặc dù số liệu cho thấy rằng nếu một học sinh lấy thành công được 5 lớp APs trong suốt thời gian trung học, học sinh đó sẽ có thể học tốt hơn ở đại học, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy lấy càng nhiều môn APs sẽ là tốt hơn. Do đó, gần đây The College Board đã thông báo rằng việc tham gia nhiều hơn 5 môn học APs sẽ không mang lại lợi thế trong việc tuyển sinh. Học sinh có thể lấy thêm lớp AP nếu muốn, nhưng không phải để được vào đại học.

Và chúng ta cũng cần một cái nhìn khiêm tốn hơn về kỳ thi SAT. Trước đây, SAT được sinh ra để đánh giá năng lực trí tuệ của các ứng viên. Nhưng sau này, College Board đã sửa đổi kỳ thi, để giúp học sinh tôi rèn một số kỹ năng cần thiết cho việc học Đại học. Cấu trúc của các kỳ thi SAT sau này được đánh giá không có gì phức tạp hay bí ẩn: đó chỉ là một tập hợp các kỹ năng đọc, viết và toán mà học sinh học ở trường và được sử dụng rộng rãi ở đại học. Bài thi này không phải dùng để phân loại trí thông minh hay đo khả năng tự học được những điều mới mẻ của một học sinh nào đó, nó chỉ là công cụ để đánh giá xem liệu học sinh có đạt được các kỹ năng đọc, viết và toán mà họ sẽ sử dụng để đạt được kiến ​​thức khi học đại học hoặc trong nghề nghiệp hay không.

Chúng ta cần thay đổi góc nhìn về các kỳ thi như SAT. Những kỳ thi này thực chất chỉ là một trong những thành phần trong bộ hồ sơ tuyển sinh, chứ không phải là một yếu tố quyết định năng lực học tập của một học sinh. Và nếu một học sinh dành thời gian để luyện tập các kỹ năng toán và đọc trong kỳ thi này, các em sẽ có thể tiến bộ hơn với những kỹ năng đó. Và giả sử như, một học sinh nào đó không đạt được điểm số như mong muốn, em có thể làm lại. Và ngay cả khi em vẫn chưa hài lòng với điểm số đó, em vẫn có cơ hội để vào được các trường Đại học tốt thông qua những thành phần khác trong hồ sơ. 

Và cuối cùng, học sinh không nên coi việc học là công cụ để vào được một trường Đại học tốt, mà hơn cả, là sứ mệnh trọn đời giúp các em phát triển và mở mang kiến thức và tầm nhìn của mình vượt ra khỏi những gì trong trường lớp.