Dùng A.I viết luận đại học: sáng tạo hay cản trở?

Sự xuất hiện của các chatbot trí tuệ nhân tạo đang dần thay đổi quy trình nộp hồ sơ đại học. Một ví dụ gần đây tại Viện Công nghệ Georgia (Georgia Tech), Bộ phận tuyển sinh trường này đã thực hiện thử nghiệm với các chatbot này bằng cách sử dụng danh tính của học sinh trung học để tạo danh sách hoạt động ngoại khóa và viết bài luận cá nhân trong hồ sơ xét tuyển đại học. Thử nghiệm này đã đặt ra câu hỏi về sức ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo với quy trình xét tuyển đại học.

Chatbot trí tuệ nhân tạo như ChatGPT đặt ra một thách thức hai chiều đối với các trường đại học. Một mặt, chúng mang lại tiềm năng làm cho việc viết bài luận trở nên dễ dàng và công bằng hơn. Bởi những học sinh gia cảnh giàu có thường có những nguồn tài nguyên như gia sư, quen biết với cựu sinh viên trường để giúp họ viết bài luận. ChatGPT có thể đóng vai trò tương tự cho những học sinh không có tài nguyên như vậy, đặc biệt là ở các trường trung học lớn nơi cố vấn đại học quá tải và không có đủ thời gian để hướng dẫn từng em viết bài luận.

Mặt khác, nhiều giáo viên và bộ phận tuyển sinh các trường lo ngại về việc học sinh sử dụng công cụ A.I cho bài luận cá nhân sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển tư duy phản biện và kỹ năng viết, kỹ năng trình bày vấn đề. Do đó, các giáo viên và trường học đang đối mặt với thách thức làm thế nào để hướng dẫn học sinh sử dụng trí tuệ nhân tạo đúng cách trong bối cảnh hiện tại. 

Các trường đại học Mỹ đang chứng kiến sự biến đổi đáng kể do sự phát triển của công nghệ A.I. Tuy có hy vọng rằng việc sử dụng các câu hỏi bài luận có thể giúp thúc đẩy sự đa dạng trong quá trình tuyển sinh sau khi Tòa án Tối cao quyết định ngừng sử dụng tiêu chí dựa trên chủng tộc, song sự xuất hiện của A.I đang đe dọa tính cá nhân hóa và tính độc đáo của bài luận đại học cũng như những tiêu chuẩn xét tuyển riêng biệt khác.

Những phương án khác nhau từ các trường 

Các trường đại học đã thiết lập các chính sách và hướng dẫn khác nhau về việc học sinh sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (A.I) để viết bài luận đại học. Một số trường, ví dụ như University of Michigan Law School, đã ban hành hướng dẫn cấm sinh viên sử dụng ChatGPT hoặc các công cụ trí tuệ nhân tạo khác. Tuy nhiên, họ cho phép học sinh tìm kiếm sự giúp đỡ từ các cố vấn hướng dẫn đại học hoặc bạn bè để đưa ra nhận xét cho bài luận của mình. 

Một số nơi như Sandra Day O’Connor College of Law thuộc Đại học Bang Arizona, đã lựa chọn một hướng khác. Trang web của trường nêu rõ rằng thí sinh có thể sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo để chuẩn bị tài liệu trong hồ sơ ứng tuyển, miễn là họ “sử dụng công nghệ này một cách có trách nhiệm” và xác nhận rằng thông tin mình gửi là đúng sự thật.

Sau khi thử nghiệm ChatGPT vào mùa hè, đội ngũ tuyển sinh tại Georgia Tech đã chọn một hướng khác. Thông tin đăng tải chính thức trên trang web của trường cho biết họ vẫn khuyến khích thí sinh trung học sử dụng trí tuệ nhân tạo như một công cụ hỗ trợ trong quá trình lên ý tưởng và chỉnh sửa bài luận. Tuy nhiên trường tuyệt đối không cho phép sao chép toàn bộ nội dung được viết bởi A.I

Một số học sinh trung học lo lắng khi sử dụng A.I cho việc viết luận. Một phần vì các em thật sự muốn kể một câu chuyện mang tính cá nhân và sẽ quyết định tự triển khai, một phần vì nhiều trường đại học chưa đưa ra quy định rõ ràng về việc thí sinh sử dụng các chatbot trong quá trình viết bài luận ở mức độ nào.

Đến thời điểm này, Common App chưa đưa quan điểm chính thức về việc sử dụng chatbot A.I cho việc viết luận. Jenny Rickard, Giám đốc điều hành của Common App, cho biết đây là chu kỳ nộp vào đại học đầu tiên mà học sinh có thể sử dụng ChatGPT. Cô bày tỏ quan điểm: “Công nghệ A.I đang thay đổi liên tục và chúng ta đang học cách sử dụng những công cụ này một cách tốt hơn. Do đó tôi nghĩ việc đặt ra những quy định hợp lý về cách sử dụng là điều quan trọng cho các trường học và đối tác của Common App trong lĩnh vực giáo dục.” 

The New York Times đã liên hệ với nhiều trường đại học và cao đẳng ở Mỹ, nhưng đa số chưa đưa ra quy định cụ thể hoặc từ chối trả lời về vấn đề này.

Với sự phát triển và tính phổ biến của A.I,  cả học sinh và các trường đại học đều đang học cách thích nghi và đặt ra những hướng dẫn mới về việc sử dụng công cụ này. Sự đa dạng về quy định và quy tắc của từng trường đại học còn tạo ra thách thức cho học sinh trong việc quyết định liệu họ nên sử dụng chatbot A.I hay không để viết bài luận đại học của mình. Trong bối cảnh này, Common App và các tổ chức tuyển sinh cần xem xét cách xây dựng quy định hợp lý để đảm bảo tính công bằng và tính cá nhân hóa trong quá trình tuyển sinh đại học.