Thời tôi còn sống ở Bắc Carolina, tôi và gia đình đã dành nhiều thời gian ở các thị trấn miền núi Boone và Blowing Rock. Tôi bắt gặp những miếng stickers dán sau đuôi xe Volvo để truyền đi những thông điệp: “Nếu không thú vị, tại sao đâm đầu vào làm” như “Nếu nó không thú vị, tại sao lại làm vậy?” và “Hãy theo đuổi những thứ khiến bạn thấy vui!
Quả thực những thông điệp này rất hữu ích vì chúng kéo ta về hệ giá trị cốt lõi của mình. Nhưng đôi lúc, nếu quá tuân thủ rập khuôn, bạn có thể dễ bị cuốn vào những điều phù du, thiếu thực tế. Rất nhiều người nhận được lời khuyên rằng: “Hãy theo đuổi đammê của bạn!” hay “Hãy theo đuổi điều khiến bạn hạnh phúc!”. Một người thường dành trung bình khoảng 90.000 giờ tương đương với một phần ba cuộc đời để làm việc. Hẳn nhiên, sẽ thật tuyệt nếu bạn dành toàn bộ số giờ này để làm điều mình thực sự yêu thích. Nhưng nếu không may mắn tìm được những điều mình thật sự yêu thích, chẳng nhẽ bạn sẽ ngừng làm việc? Cảm thấy cuộc đời này không công bằng với mình? Chán chường hay chỉ làm nửa vời các công việc vẫn đang nuôi sống bạn mỗi ngày?
Là một giáo sư về hành vi tổ chức tại Trường Kinh doanh London, Dan đã nghiên cứu và có nhiều bài viết về sự lựa chọn công việc và thành công trong sự nghiệp của mọi người trong 25 năm qua. Theo ông, thay vì theo đuổi đammê hay điều khiến bạn hạnh phúc, hãy theo đuổi những điều khiến bạn không thích mà vẫn muốn làm đi làm lại.
Ông ví những “điều không thích này” như “những vết phồng rộp ngoài da“. Khi bạn mới xỏ chân vào đôi giày mới mua, chân bạn có thể xuất hiện những vết phồng rộp, nhưng càng bước đi, bạn sẽ càng quen hơn với đôi giày và thấy thoải mái hơn. Theo nguyên lý “vết phồng rộp” này, Dan đặt câu hỏi cho bản thân mình rằng: Có việc gì trên đời mà ông (dù muốn hay không) vẫn phải làm đi làm lại dù không đạt được bất cứ thành công hay thậm chí, chán nản khi nghĩ về công việc đó?
Cuối cùng, ông cũng tìm ra được câu trả lời: sự nghiệp viết lách của mình. Ông thường hay viết các bài báo học thuật, thực nghiệm để đăng trên các tạp chí học thuật. Ông cũng viết sách về khoa học xã hội hay viết báo. Nhưng ông chưa bao giờ thấy mình là một người giỏi viết lách. Các bản thảo của ông vẫn tiếp tục bị các nhà xuất bản từ chối. Cứ mỗi lần như vậy, ông lại phải luyện viết nhiều hơn. Hẳn nhiên, điều này không làm ông thích thú, nhưng nó cũng không khiến ông nản chí bởi ông nhận ra rằng còn có quá nhiều kiến thức ông chưa đọc đến để giúp cải thiện việc việc lách. Cứ nghĩ như vậy, ông lại muốn tiếp tục viết tiếp!
Cũng như Dan, nếu bạn đang muốn tìm một nghề nghiệp phù hợp với mình, thay vì chỉ nhìn theo hướng “đammê”, hãy suy nghĩ về những hoạt động mà bạn thường chọn để làm đi làm lại (trong số rất nhiều hoạt động khác) ngay cả khi bạn không thích lắm và trong một thời gian dài.
Martin Seligman, một trong những người nghiên cứu về tâm lý học tích cực, đã đặt ra một loạt các câu hỏi để giúp bất cứ ai tìm ra “vết phồng rộp” của mình: “Có hoạt động nào bạn vẫn luôn muốn làm từ khi còn nhỏ đến giờ?”. Hoạt động này không nhất thiết phải là điều bạn thích làm nhất và cũng có thể, không phải lúc nào cũng cảm thấy vui vẻ để làm. Nhưng hãy hỏi tiếp bản thân: Có việc gì thôi thúc bạn phải làm việc chăm chỉ hơn để làm việc đó tốt hơn, bất kể mất bao nhiêu thời gian và công sức? Có điều gì đó khiến bạn phải dậy sớm hay làm việc muộn hơn một chút để giải quyết? Công việc nào dù không có deadlines nhưng vẫn thôi thúc bạn phải làm, phải học, phải luyện tập để tiến bộ hơn một chút, một chút mỗi ngày? Có những hoạt động nào bạn không bao giờ cần phải đưa vào danh sách “việc cần làm” của mình?
Ví dụ, cả hai người đều không thích phát biểu trước đám đông. Một người rất sợ phải chuẩn bị bài phát biểu trước lớp, trong khi, người kia vẫn kiên nhẫn tập luyện phát biểu trước gương để cải thiện biểu cảm, tư thế, giọng nói của mình trước mỗi bài thuyết trình. Nếu bạn là người thứ 2, xin chúc mừng bạn, bạn đã tìm ra một “vết phồng” của mình: diễn thuyết trước nhiều người.
Hoặc khi mọi người trong gia đình đã yên giấc ngủ, đáng lẽ ra, bạn sẽ cần tạo lịch hẹn nhắc về các cuộc họp ngày hôm sau nhưng bạn vẫn gác các công việc cần kíp này lại để dành thời gian viết ra những điều bạn muốn. Qua những lần luyện tập như vậy, bạn sẽ nhận ra nhiều hơn về khả năng của mình và dần trở nên hài lòng, và thích thú hơn với khả năng viết lách được cải thiện lên mỗi ngày của mình.
Các bạn có thể thấy một ngày nào đó những “vết phồng rộp” kia sẽ biến thành nền da cứng mà người ta thường gọi là “những vết chai sạn”. Khi bạn miệt mài làm một điều gì đó nhiều lần, và trong thời gian dài, dù muốn hay không, những trải nghiệm, kỹ năng sẽ được chuyển hóa và thuộc về bạn một cách tự nhiên. Điều này cũng tương tự như quan điểm “Wabi-Sabi” của người Nhật- tìm kiếm vẻ đẹp từ những điều không đối xứng, không hoàn hảo.
Nguồn: Harvard Business Review