Logo
(+84) 98 2028 888(+84) 98 5555 468
Đặt lịch tư vấn

Gap year Nên hay không? (Phần 1)

18th August, 2018

Dành thời gian gap year
Đại học Harvard ủng hộ các tân sinh viên lùi thời gian nhập học (defer) lại một năm để du lịch, làm việc, theo đuổi các dự án hay hoạt động đặc biệt, hay dành thời gian cho những mục đích có ý nghĩa khác – miễn rằng sinh viên không theo học một chương trình 1 năm có cấp bằng tại một trường đại học khác. Việc lùi nhập học 2 năm để thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc cũng được chấp thuận. Mỗi năm, có từ 80 đến 110 học sinh lùi ngày nhập học vào Harvard.
Để hiểu thêm về những lợi ích của việc dành thời gian trải nghiệm trước khi học đại học, xin tham khảo bài thảo luận dưới đây.
Nghỉ ngơi hay suy kiệt ở thế hệ tiếp theo
Bài thảo luận sau đây của của Ông William Fitzsimmons (Chủ nhiệm bộ phận tuyển sinh và hỗ trợ tài chính, Harvard College, Bà Marlyn E. McGrath (Trưởng bộ phận tuyển sinh, Harvard College) và Ông Charles Ducey (Giảng viên phụ trợ ngành Tâm lý học, trường Cao học giáo dục Harvard) là những người đã làm việc từ khi thế hệ phụ huynh của lứa sinh viên ngày nay bắt đầu nộp hồ sơ ứng tuyển đại học. Ba người này đều là những người có vị trí quan sát đặc biệt để phân tích những chuyển biến trong lớp trẻ cho biết nhiều người đồng nghiệp của họ cảm thấy lo ngại khi những áp lực đặt lên vai học sinh ngày nay nặng nề hơn nhiều so với các thế hệ đi trước.
Việc đi học đại học, kèm theo đó là cơ hội đặt bản thân vào “con đường thành công” thông qua một tấm bằng đại học có “cái tên đúng”, đang trở thành một đòi hỏi lớn đối với ngày càng nhiều học sinh. Các đại học có tính cạnh tranh cao được coi là một trong những nguyên nhân gây ra vấn đề này. Vì lý do đó, chúng tôi muốn làm hết sức mình để các học sinh đang theo học tại đây có thể tận dụng tối đa những cơ hội của mình, qua đó tránh rơi vào hiện tượng kiệt quệ về tâm sức mà chúng ta thường thấy nhắc đến ngày nay.
Lẽ dĩ nhiên, phải nói rằng quá trình tuyển sinh đại học chỉ là một khía cạnh của một hội chứng xã hội khổng lồ đang cuốn theo rất nhiều học sinh hiện nay. Những câu chuyện về triệu phú đô la trong độ tuổi hai mươi, những con số thu nhập trong mơ của các vận động viên và ngôi sao ca nhạc, những gói phúc lợi choáng ngợp của các CEOs đều là những yếu tố kích thích cho một cơn sốt chạy đua theo lợi ích. Hơn bao giờ hết, học sinh (và cả phụ huynh) đang tìm cách học tập theo những người đã “giật giải” phía trước cùng phần thưởng lớn mà họ có được.
Từ thuở nằm nôi…
Cuộc đua giành giải thưởng bắt đầu rất sớm, có khi sớm đến không tưởng. Không thiếu những câu chuyện về trẻ sơ sinh được cho nghe nhạc cổ điển để kích thích tăng trưởng trí não, những em bé chưa tới tuổi đi học đã bị vây quanh bởi các “trò chơi giáo dục” hay máy móc thông minh, những “chuyên gia” đánh úp phụ huynh bằng cảm giác tội lỗi khi nói rằng con họ sẽ tụt hậu quá xa so với bạn bè nếu họ không cho con học theo vô số những phương pháp này kia trước tuổi ba hay bốn.
Các nhà tư vấn được trả hàng nghìn đô la để luyện tập những đứa bé này cho những buổi “phỏng vấn” và buổi quan sát giờ chơi mà các nhà trẻ, trường mầm non hay trường tiểu học “tên tuổi” sẽ sử dụng để tuyển sinh – những ngôi trường “đúng” được cho rằng sẽ tiếp tục dẫn tới những trường cấp 3, đại học, hay cao học “đúng”. Nhà tư vấn sẽ dạy đứa trẻ phải nhìn thẳng vào mắt người người phỏng vấn trong suốt thời gian phỏng vấn, phải thể hiện cả khả năng lãnh đạo và thiên hướng chia sẻ trong giờ chơi được quan sát. Cuộc cạnh tranh vào một số nhà trẻ, trường mầm non, hay trường tiểu học rất khắc nghiệt, nhiều khi có tỉ lệ trúng tuyển thấp hơn cả Harvard.
Một khi đã lọt vào được ngôi trường “đúng”, các học sinh liên tục được thúc đẩy bởi các giáo viên ở trường, các giáo viên phụ đạo, cả những chuyên gia giáo giục (trong trường hợp các em có vấp váp) để học sinh có phương pháp học với hiệu suất cao nhất. Việc học kéo dài từ ngày tới đêm khuya, bao gồm những giờ học có hướng dẫn và thời gian luyện tập. Mức độ áp lực quá gay gắt và triền miên, ngay cả khi các bậc phụ huynh hết sức yêu thương con mình. Họ thường chỉ nghĩ mong điều tốt nhất cho con bởi họ sợ rằng con sẽ bị bỏ lại bởi những học sinh nỗ lực hơn.
Trước đây, các hoạt động thể thao, âm nhạc, nhảy múa hay các hoạt động giải trí khác được coi là hoạt động nghỉ ngơi, là thời gian để học sinh thả lỏng. Giờ thì đã khác: việc tập luyện để giành học bổng đại học hoặc hợp đồng biểu diễn bắt đầu từ rất sớm, có thể là ngay từ bậc tiểu học. Các lớp học chuyên nghiệp, các trại hè, các giờ tập hàng tuần và lịch thi đấu hay biểu diễn chiếm gần như toàn bộ thời gian rảnh rỗi của học sinh. Lịch di chuyển của cả phụ huynh và học sinh trở nên phức tạp như ma trận. Ngay cả thời gian “chơi” cũng mang nhiều yếu tố tổ chức, với những bạn chơi và hoạt động giáo dục được lựa chọn trước. Nghỉ hè đã trở thành một khái niệm của dĩ vãng. Cường độ hoạt động của từng ngày từng năm dành cho đứa trẻ rất ít thời gian để làm trẻ con – những khoảng thời gian cần thiết để em có thể phát triển thành một con người toàn diện.
Thời gian trung học vội vàng
Tới cấp 3, áp lực lại càng tăng. Học sinh bắt đầu tập trung vào một hoạt động nhất định, có thể đến mức từ bỏ những đam mê khác. Các vận động viên, vũ công, nhạc sĩ, v.v. bắt đầu định hình bản thân bằng hoạt động mình chọn, dồn sức hoàn thiện những tài năng và cá tính mà mình vừa khám phá được.
Viện Nhi khoa Hoa Kỳ đã cảnh báo về những chấn thương về thể lực và tinh thần có thể xảy ra khi trẻ em tập trung vào một môn thể thao từ quá sớm. Cứ có một câu chuyện thành công thì cũng có vô số những câu chuyện kém khả quan hơn. Có những em học sinh tham gia vào các chương trình có đòi hỏi thời gian không kém gì giờ học ở trường. Các đội vận động viên gần như tập luyện và thi đấu hàng ngày, kèm theo những trận thi đấu ở xa vào cuối tuần và lịch di chuyển trong nước hay quốc tế vào các kỳ nghỉ lễ và nghỉ hè. Một vận động viên, nhạc công hay vũ công quyết tâm có thể sẽ chọn chuyển trường để theo đuổi một chương trình huấn luyện thể thao hay nghệ thuật tốt hơn, ngay cả khi các em có thể phải học xa nhà hay theo học một chương trình văn hoá kém chất lượng hơn.
Đòi hỏi về điểm số cũng có thể tăng vọt, đặc biệt là dưới sự hối thúc của các gia sư và sự khởi đầu của quá trình luyện SAT trong những năm cấp 2. Tới cấp 3, luyện SAT đã trở thành lẽ sống của một số học sinh, với những tiết học buổi tối và cuối tuần. Một gia sư SAT “tốt” có thể thu hàng trăm đô la cho mỗi giờ dạy và có thể được sắp xếp để sống cùng gia đình học sinh trong mùa hè hay ở gần nhà nghỉ hè của gia đình học sinh. Những “lò luyện” SAT mùa hè ngày một phổ biến, các kỳ học mùa hè ở các trường dự bị đại học cũng vậy, có khi bắt đầu ngay từ cấp 2.
Hành trình theo đuổi ngôi trường “đúng”
Những nhà tư vấn tuyển sinh đại học chuyên nghiệp (làm việc độc lập hoặc trong các trường học) xuất hiện khá sớm trong hành trình này, có trường hợp từ thời kỳ cấp 2, để có thể bắt đầu xây dựng chiến lược học thuật và hoạt động ngoại khoá cho học sinh, từ đó nhắm tới ngôi trường mục tiêu. Trong tình huống khả quan nhất, những lời khuyên có thể giúp ích cho quá trình xác định khả năng, mục tiêu của học sinh và dẫn đến những chỉnh sửa cần thiết để mang lại kết quả cải thiện đáng kể. Từ một quan điểm giàu tính hoài nghi hơn, những lời khuyên nhìn chung thường hướng học sinh tới việc du lịch nước ngoài, hoạt động cộng đồng, hoặc những hoạt động khác mà mục tiêu thực sự duy nhất là để làm giàu cho bài luận và buổi phỏng vấn tuyển sinh. Những dịch vụ tư vấn này có thể thu tới hàng nghìn đô la và hoạt động hỗ trợ của họ có thể trải rộng từ mức độ đúng đắn cho tới gần như đạo văn. Một số gói tư vấn bao gồm những buổi phỏng vấn thử được quay lại và những tour tới thăm các trường đại học. Nhiều dịch vụ bắt đầu từ lớp 9 (“hoặc thêm cả lớp 7 hay 8 miễn phí”) có giá nhiều nghìn đô. Có những dịch vụ chuyên biệt hơn, ví dụ như sửa bài luận, trong đó bao gồm những buổi thảo luận ý tưởng và cam kết không hạn chế số lần sửa bài. Nhiều khi những dịch vụ này chỉ làm tăng thêm chứ không có tác dụng giảm bớt những kỳ vọng đè nặng lên học sinh về khía cạnh học tập, cộng đồng, và gia đình. “Sản phẩm” của các em, ví dụ như những bài luận chau chuốt quá mức, thậm chí có thể làm giảm khả năng trúng tuyển của học sinh nếu chúng quá lộ liễu với hội đồng tuyển sinh.
Sức ép để giành được suất học ở những ngôi trường cạnh tranh nhất thường được coi là nguyên nhân dẫn đến mức độ căng thẳng chúng ta nhận thấy trong học sinh hiện nay. Nhưng những người làm việc trong ban tuyển sinh đại học như chúng tôi đã nhận thấy rằng đại học chỉ là một trong những điểm dừng của con đường thăng tiến cấp tốc ngày nay. Học sinh sẽ tiếp tục tích cóp “danh hiệu” một cách gay gắt hơn khi những mục tiêu cao hơn xuất hiện. Sau đại học là đến những khoá cao học “đúng”, sau đó là chuỗi những việc làm “đúng”. Những thành tích này sẽ giúp người trẻ được sống giữa những cộng đồng “đúng” và bắt đầu quá trình nuôi dạy thế hệ tiếp theo, một thế hệ có lẽ sẽ phải nhảy qua những rào cản còn cao hơn.
Hậu quả đi kèm
Đối mặt với sự ép buộc phải trưởng thành quá nhanh, một số học sinh rơi vào trạng thái quẫn bách và sa vào vòng xoáy nghiện rượu hay những hành vi phương hại tới bản thân khác. Những dịch vụ tư vấn phổ thông và đại học đang phải phát triển để ứng phó với nhu cầu ngày một tăng. Việc một học sinh được coi là hết sức thành công và đã giành được tất cả những “thành quả” cần thiết chợt quyết định bước chậm lại và đánh giá lại giá trị thực sự của những gì mình làm đã trở thành điều thường thấy. Những người ở độ tuổi 30 và 40 đang theo đuổi sự nghiệp – những y sĩ, luật sư, nhà nghiên cứu hay giảng dạy, những doanh nhân, v.v. – đôi khi cho chúng ta cảm giác rằng họ chỉ là những người đang sống sót qua một trại tập huấn khắc nghiệt và bàng hoàng của cuộc đời. Có người nói rằng sự nghiệp của họ bắt đầu từ kỳ vọng của một người nào đó khác, hoặc rằng họ đơn giản là đã dạt trôi vào ngành nghề này mà không dành thời gian suy nghĩ xem liệu mình có thực sự yêu công việc này hay không. Những người này thường nói rằng họ đã hoàn toàn bỏ lỡ tuổi thanh xuân của mình, không có lúc nào được sống trong hiện tại mà chỉ không ngừng đeo đuổi một mục tiêu tương lai lệch lạc nào đó.
Còn tiếp

Đăng ký nhận tin

Liên hệ

Tầng 16, Tòa nhà 54A Nguyễn Chí Thanh, phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội

(+84) 98 2028 888

(+84) 98 5555 468

info@apusvietnam.com

© 2015 APUS Vietnam. All right reserved

FaceBookFaceBookYouTubeInstagramTikTokZalo
Đặt lịch tư vấn